NGUYÊN HOÀNG BẢO VIỆT VÀ “VINH DANH EM”, BÀI THƠ TƯỞNG NIỆM KINDERNAY GÉZA

Thứ bảy - 31/03/2018 02:25

(NCTG) “Bởi nhớ thương ai - Anh đã yêu thêm một xứ sở - Ngoài tổ quốc của anh - Dù không phải nơi chôn nhau cắt rún…” (nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt viết về cuộc cách mạng 1956 của dân tộc Hungary).

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Bảo Việt và hai văn hữu người Hungary tại Đại hội Thế giới Văn bút Quốc tế tại Ourense, Galice, Tây Ban Nha (10-2006)

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Bảo Việt và hai văn hữu người Hungary tại Đại hội Thế giới Văn bút Quốc tế tại Ourense, Galice, Tây Ban Nha (10-2006)

Một buổi chiều giáp Tết 2018, tuyết ngoài trời rơi nặng hạt, bên trong đại sảnh nhà thờ St-Paul của Giáo hội Cơ-đốc Việt Nam tại Lausanne, tôi bất chợt gặp lại nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt (*). Dáng ông nhỏ bé như lọt thỏm trong cái chốn đông người, ồn ào và náo nhiệt. Thoạt nhìn, có vẻ như ông mệt mỏi với ánh mắt buồn nhìn bâng quơ nhưng khi tôi chào ông và bắt đầu trò chuyện thì đó lại là một con người khác, hoàn toàn khác.

Ông vồn vã, tâm tình và kể cho tôi nghe những việc ông đang làm. Nguyên Hoàng Bảo Việt là hội viên Trung tâm Thụy Sĩ Pháp thoại, Văn bút Quốc tế (PEN International), ông đảm nhiệm trọng trách cất lên tiếng nói bênh vực các nhà văn đang bị cầm tù tại các quốc gia độc tài, trong đó có Việt Nam thông qua tổ chức Liên hội Nhân quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ. Ông say mê kể cho tôi nghe về những bài báo, những bản kiến nghị ông viết và đọc tại các Hội nghị quốc tế do PEN tổ chức nhằm đánh động dư luận về trường hợp của Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và chị Trần Thị Nga. 

Nghe ông nói chuyện, tôi có cảm giác như ông đang muốn ôm lấy tôi, nắm tay tôi, dẫn đường, chia sẻ cho tôi về những nỗi buồn mênh mông, những suy tư và lo lắng khi nói đến Tổ quốc. Dẫu đã rời xa quê hương gần 40 năm, nhưng có lẽ ít có giây phút nào ông không nghĩ về Việt Nam. Miệt mài và âm thầm với ngòi bút, vũ khí của lương tâm, ông vẫn tiếp tục đồng hành với những người đang tranh đấu ôn hòa cho quyền con người nơi quê nhà.

Trò chuyện hàn huyên, tôi sực nhớ, gởi tặng ông tờ “Giai phẩm NCTG 2017” và không quên giới thiệu đôi lời về tờ báo. Ông lắng nghe, bảo luôn quan tâm, theo dõi anh em bên Đông Âu và cảm phục những gì họ đã và đang làm. Bất chợi, im lặng, ông nhìn tôi và khẽ nói: “Bác có làm một bài thơ mang tên “Vinh danh em”, vào năm 1956 và bác đã đôi lần ghé Budapest”. Tôi có biết bài thơ này nhưng nay mới có dịp nghe ông kể chi tiết về hoàn cảnh ra đời của nó.

Đó là vào những ngày cuối tháng 10-1956, thời điểm diễn ra cuộc cách mạng và cuộc chiến đấu giành tự do cho dân tộc Hungary. Những sư đoàn Hồng quân với hàng chục ngàn lính và cả ngàn chiến xa Xô-viết tràn ngập đất nước Magyar (Hungary) để nghiền nát một cách tàn bạo cuộc nổi dậy đầu tiên tại một quốc gia cộng sản, chống lại mô hình chính trị độc tài áp đặt bởi Stalin. Đó là một cuộc kháng chiến tự phát, một cuộc cách mạng “Dân tộc - Dân quyền - Dân sinh” thể hiện khát vọng “tự do của con người là vĩnh cửu và bất diệt, cho dù nó phải đứng trước một kẻ thù mạnh hơn gấp bao nhiêu lần đi nữa” (lời của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy dành cho sự kiện 1956 tại Hungary).

Hàng ngàn người Hungary đã hy sinh trong cuộc kháng chiến bi hùng ấy. Có những người còn rất, rất trẻ. Họ đã nằm xuống vì niềm tin và hy vọng khôi phục lại những giá trị vĩnh hằng mà bộ máy chính trị độc tài của Liên Xô đang cố tình chà đạp và hủy bỏ. Đó là Độc lập, Tự do, Dân chủ và Phẩm giá Con người. Cuộc cách mạng mùa thu 1956 bị thất bại đau thương vì tuổi trẻ Budapest, trong cuộc chiến “trứng chọi đá” ấy, làm sao có thể chống lại xích sắt chiến xa và hỏa lực đại bác của siêu cường Liên Xô. Nhưng tinh thần Budapest Magyar kiên cường, bất khuất không tuân phục trước kẻ thù vẫn còn vang vọng đến tận hôm nay và là niềm kiêu hãnh của biết bao thế hệ người Hungary.
 
Cái tên Kindernay Géza trong số những anh hùng liệt sĩ và nạn nhân của cuộc cách mạng 1956 tại nghĩa trang Pestszenterzsébet (Quận 20, Budapest)
Cái tên Kindernay Géza trong số những anh hùng liệt sĩ và nạn nhân của cuộc cách mạng 1956 tại nghĩa trang Pestszenterzsébet (Quận 20, Budapest)

Trong số gần 200 ngàn người tỵ nạn Hunggary được đón nhận khắp Châu Âu sau biến cố đau thương ấy, Nguyên Hoàng Bảo Việt có dịp gặp người bạn Kindernay István tại Paris, vào những ngày cuối năm 1956. Chính István đã kể cho nhà thơ trẻ Việt Nam nghe về em trai ông, Kindernay Géza (13 tuổi). Cậu bé Géza đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vào ngày 17-11-1956 trong những trận đánh chống quân đội Liên Xô tại thành phố Budapest. Câu chuyện cảm động đó đã tạo nên nguồn cảm xúc cho chàng thanh niên Nguyên Hoàng Bảo Việt viết một bài thơ vinh danh người anh hùng trẻ tuổi của Hungary, tuy xa xôi nhưng bỗng chốc gần gũi trong tâm hồn của thế giới tự do nói chung và của người dân miền Nam Việt Nam nói riêng.

Ông say mê kể tôi nghe về cuộc Cách mạng bi hùng, về ý chí quật khởi của người Hungary, về Kindernay Géza và cảm động rưng rưng nước mắt đọc những vần thơ nhuốm màu bi tráng:

Trước những nắm tay trần
Trước những cặp mắt từ chối sợ hãi
Và hơi thở khỏe và trái tim trong
Đang đối diện đại bác chiến xa
Họ biết họ sẽ ngã gục
Người này nằm xuống, người kia trỗi dậy
Không thuốc súng, không lưỡi lê
Họ ôm lấy tấm lòng quả cảm
Họ ôm lấy cuộc đời lớn lao
Nguyên vẹn kiếp sống vô giá
Họ điềm tĩnh đi tới
Cũng như em
Cố nhiên là dưới cơn mưa
Hay đúng hơn dưới cơn dông lịch sử.


Dường như bao cảm xúc của cuộc đời tha hương, tỵ nạn, lánh xa chế độ cộng sản lại hiện về qua từng câu thơ, đứt quãng bởi tuổi tác chồng chất. Ông kể về chuyến đi Budapest nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Kháng chiến 23-10-1956 – 23-10-2006, về bài thơ “Vinh danh em” đã được dịch ra tiếng Hungary và được dịch đăng trên tuần báo “Magyar Világ” (Thế giới Hung).
 
Tuần báo “Magyar Világ”, số ra ngày 20-4-2006
Tuần báo “Magyar Világ”, số ra ngày 20-4-2006

Bất chợt, ánh mắt nặng nề, ông bảo: “Bác đau buồn quá khi thấy một người như Orbán Viktor đứng đầu nhà nước Hungary! Mà đâu chỉ riêng Hungary, các nước Đông Âu cũ, ngày nay cũng đã thay đổi quá nhiều khi chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tư tưởng bài trừ người di dân đang thắng thế...”.

Chia tay, dõi mắt nhìn dáng ông lội bộ dưới những hạt tuyết rơi dầy đặt mới thấy ngọn lửa đấu tranh cho tự do và nhân quyền như vẫn còn hun đúc trong ông. Trong số những người cầm bút được ông và Trung tâm Thụy Sĩ Pháp thoại, Văn bút Quốc tế (PEN International) từng lên tiếng tranh đấu và bảo vệ có Anna Politkovskaïa (Nga), Anabel Flores Salazar (Mexico), Gauri Lankesh (Ấn Độ), Daphne Caruana Galizia (Malta), Liu Xia (vợ cố nhà văn Trung Quốc Lưu Hiểu Ba), Dareen Tatour (Palestine), Asli Erdogan (Thổ Nhĩ Kỳ) hay Razan Zaitouneh (Syria), ...

Riêng đối với những nhà tranh đấu bất đồng chính kiến trong nước, Nguyên Hoàng Bảo Việt vẫn kiên trì, âm thầm và lặng lẽ vận động, giới thiệu để đưa tên tuổi của họ ra trước dư luận quốc tế. Ông tố cáo những bản án quá cay nghiệt dành cho những người chỉ vì dám nói lên sự thật, trên tinh thần:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà. 


Mà như ông đã từng bộc bạch, đó là lương tri và trách nhiệm của kẻ sĩ trước thời cuộc, trước những giây phút tối tăm của dân tộc.
 
*

VINH DANH EM

Bằng chứng nơi vũng máu
Bằng chứng nơi dấu đạn
Em mang trên thịt da
Em mang trong tâm hồn
Em đã chết trước giờ hẹn gặp anh
Em bỏ anh, em bỏ cuộc đời
Lúc tuổi em lúa đang ngậm sữa
Anh thường ví em như sớm mai
Vừa hừng đông sao nắng tắt
Không kịp nhìn cỏ biếc trời xanh
Em đã chết trước giờ hẹn gặp anh
Chưa được áp trái tim vào lòng tay bằng hữu
Những điều sinh thời em thắc mắc
Anh vẫn đau khổ đây em
Cuộc đời vốn không phản trắc
Như hàm răng nhọn sau chúm môi
Cuộc đời cũng không hiểm độc bất công
Như bóng đen núp bên trong con người

Nhưng anh nhớ sao anh nhớ rõ
Tưởng mới đêm qua, tưởng mới sáng nay
Mưa sắt thép
Mưa máu lửa tầm tã
Em vươn khỏi hầm núp
Trên hành lang ngổn ngang gạch ngói
Bừa bãi vỏ đạn mảnh trái phá
Đi giữa những xác chết, người hấp hối bị thương
Trên thân thể em mưa xối xả
Áo lông, áo giáp không một manh
Để sưởi, để che ngực chim ốm yếu
Chỉ còn lòng tin
Thổi lửa sao lên đôi mắt
Với nhánh củi úa màu mây cuối thu

Sao anh chóng quên được hở em
Từ những lối ra ngoại ô
Dưới gầm cầu đúc
Hai bên bờ Danube xanh lơ
Trên vai trên nhịp cầu sắt
Dưới nóc tháp lầu chuông
Trong sân trường xưởng thợ
Bốn phía công viên
Năm bảy kẻ đã quen biết em
Nhưng số đông em chưa hề gặp gỡ
Bởi không chịu được tủi cực nhiều hơn nữa
Và nghe thấy tiếng dội từ những bước em đi
Tất cả không hẹn đều có mặt
Số phận họ ra sao
Xin đừng ai hỏi thêm
Trước những nắm tay trần
Trước những cặp mắt từ chối sợ hãi
Và hơi thở khỏe và trái tim trong
Đang đối diện đại bác chiến xa
Họ biết họ sẽ ngã gục
Người này nằm xuống, người kia trỗi dậy
Không thuốc súng, không lưỡi lê
Họ ôm lấy tấm lòng quả cảm
Họ ôm lấy cuộc đời lớn lao
Nguyên vẹn kiếp sống vô giá
Họ điềm tĩnh đi tới
Cũng như em
Cố nhiên là dưới cơn mưa
Hay đúng hơn dưới cơn dông lịch sử.

Em đã chết giữa tuổi thiếu niên
Em đã chết trước giờ hẹn gặp anh
Thật vô lý
Thật bất công
Khuôn mặt, trái tim anh ướt đẫm
Không chỉ bởi cơn mưa
Dù là mưa máu lửa sắt thép
Dù hôm qua đã trôi vào kỷ niệm
Và những người sống sót
Và thế hệ tương lai
Đang âm thầm tiếp thay em

Từ hôm ấy
Anh luôn nghĩ tới
Một mùa Xuân
Với bầy chim nhộn nhịp trở về
Chân son không khoan sắt
Giọng hót thơm nứt niềm hân hoan
Có thể của hoàng oanh hay vành khuyên
Có thể của sơn ca hay họa mi
Cũng có thể chỉ là suối cười trẻ con

Bởi nhớ thương ai
Anh đã yêu thêm một xứ sở
Ngoài tổ quốc của anh
Dù không phải nơi chôn nhau cắt rún
Anh xin được gọi quê hương em
Hung Gia Lợi là bạn thân của Việt Nam

Bởi nhớ thương ai
Anh đi qua tuổi thanh xuân
Nhiều đêm không ngủ được
Biết không em, biết không em

Nguyê​n Hoàng Bảo Việt (1956) - Trích tập thơ “Những Dòng Nước Trong” (Văn Nghệ, Sài Gòn 1962)


Ghi chú:

(*) Nguyên Hoàng Bảo Việt, trước 1975, dùng bút hiệu Hoàng Bảo Việt, sau tại hải ngoại dùng tên thật hay bút hiệu khác là Lê Nhân Quyền, sinh ngày 6-6-1934 tại Kiên Giang. Ông là cựu sĩ quan VNCH (khóa 26 Thủ Đức). Ra tù, vượt biên và định cư tại Genève (Thụy Sĩ) từ tháng 12-1979. Hội viên Trung tâm Thụy Sĩ Pháp thoại, Văn bút Quốc tế (PEN International), hội viên Trung tâm Nhà văn bị lưu đày (CEVEX), hội viên Trung tâm Văn Bút châu Âu, hội viên Văn bút Việt Nam Hải ngoại. Đoạt giải thưởng Văn Học Toàn Quốc (VNCH) năm 1961 qua tập thơ “Hy Vọng”.

Tác phẩm đã xuất bản:

“Hy Vọng” (Thơ, NXB Ban Mai, 1961)
“Những Dòng Nước Trong” (Thơ, NXB Văn Nghệ, 1962)
“Quê Hương Như Một Thánh Tích” (Thơ, NXB Văn Uyển, 1969)
“Dấu Tích Phượng Hoàng”
“L’empreinte du Phénix”

Lâm Bình Duy Nhiên, từ Lausanne - Ngày 26-3-2018


 
 Từ khóa: cách mạng 1956
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn