1956 (2)

Thứ sáu - 13/10/2006 00:46

(NCTG) Những dự cảm đầu tiên, rõ rệt và cụ thể, về một cuộc nổi dậy, đã diễn ra vào ngày mùng 6-10-1956 tại Budapest, đúng vào ngày kỷ niệm các liệt sĩ của cuộc cách mạng dân chủ Hung 1848.

Mật vụ chính trị Hung xả súng vào đoàn người biểu tình hòa bình (25-10-1956)

Hôm đó, hàng trăm ngàn người đã tụ tập ở thủ đô phản đối chế độ, trong lễ tái mai táng lãnh tụ cộng sản Rajk László và các đồng sự, bị vu cáo là gián điệp và chịu bản án tử hình trong phiên tòa ngụy tạo cách đó 7 năm. Theo những lời thuật lại, đám đông khổng lồ đã âm thầm và im lặng, nhưng đó là là sự im lặng trước một cơn giông tố!

Ban lãnh đạo cộng sản Hung bối rối và không biết phải làm gì trước tình thế đó. Trước những đòi hỏi của dân chúng, ngày 13-10, họ buộc phải trả lại đảng tịch cho Nagy Imre, nhưng mọi sự không dừng ở đó. Mười ngày sau, cuộc cách mạng mà rất nhiều người hằng mong đợi đã bùng nổ, thoạt tiên dưới dạng một cuộc biểu tình hòa bình và tự phát của giới sinh viên Đại học Kỹ thuật Budapest, thể hiện sự đoàn kết đối với những nỗ lực cải tổ của nhân dân Ba Lan.

Rất nhanh chóng, cư dân Budapest, công nhân các nhà máy lớn, trong số đó có không ít đảng viên cộng sản, đã tham gia cùng đoàn biểu tình. Buổi chiều 23-10, đã có tới 200 ngàn người tập trung trước Nhà Quốc hội Hungary với bản yêu sách 16 điểm của sinh viên trường Bách khoa, gồm những đòi hỏi cụ thể và chính yếu như thành lập một chính phủ mới do Nagy Imre đứng đầu; quân đội Liên Xô phải tức khắc rút khỏi Hung; phế truất những lãnh tụ cộng sản có nhiều sai lầm và đưa họ ra tòa; đảm bảo quyền tự do ngôn luận, báo chí và các quyền công dân khác; tổ chức lại cơ cấu kinh tế Hung; tổ chức nhũng cuộc bầu cử tự do, đa đảng...

Chín rưỡi tối, hơn 300 ngàn người đổ ra đường, lật đổ bức tượng Stalin cao 10 mét, biểu tượng của thể chế độc tài tại Hungary, và tiến tới tòa nhà của Đài phát thanh đòi được đọc những yêu sách kể trên. Hoảng hốt trước khí thế của người dân, ban lãnh đạo cộng sản đã chỉ thị cho mật vụ chính trị nổ súng vào đoàn biểu tình, đồng thời, họ gọi điện yêu cầu Liên Xô trợ giúp. Cuộc biểu tình hòa bình của sinh viên và cư dân Budapest đã biến thành khởi nghĩa vũ trang như thế.

Ngay sau khi xảy ra biến cố ngày 23-10, chiến xa Liên Xô đã được điều động từ các tỉnh về Budapest và Moscow tưởng rằng chỉ với sự hiện diện quân sự này, người Hung sẽ nhụt chí. Nhưng mọi sự đã diễn ra theo chiếu hướng ngược lại: ngưòi dân Budapest, trong đó có không ít thanh niên ở độ tuổi mới lớn, đã dùng mọi vũ khí thô sơ để kháng cự lại xe tăng Liên Xô. Với sự xuất hiện của quân đội ngoại bang tại đất Hung, biến cố 1956 trở thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và trong vài ngày đầu, sự can thiệp của Liên Xô đã thất bại.

Sau khi được trở lại cương vị thủ tướng, Nagy Imre, sau những lưỡng lự ban đầu trước việc lựa chọn một giải pháp khả dĩ cho nước Hung, đến ngày 28-10 đã có một bước quyết định, khi ông tuyên bố biến cố đang diễn ra là "phong trào dân chủ dân tộc", đòi quân đội Nga phải tức khắc rút khỏi Budapest và chủ trương tiến hành đàm phán để rút khỏi nước Hung. Đồng thời, ông cũng ra chỉ thị giải tán cơ quan mật vụ chính trị, công bố đại ân xá và tái lập thể chế đa đảng. Như thế, vị thủ tướng Hung đã hoàn toàn đứng về phe cách mạng, những đòi hỏi chủ yếu của cuộc khởi nghĩa đã được đáp ứng và một tuần sau khi nổ ra, cuộc cách mạng Hung tưởng chừng đã thắng lợi.

Những dấu tích của "Ngày thứ Năm đẫm máu", khi mật vụ chính trị Hung xả súng vào đoàn biểu tình hòa bình trước Nhà Quốc hội Hung (25-10-1956) - Ảnh: H.Linh (NCTG)

Tuy nhiên, tình hình chính trường thế giới khi ấy hoàn toàn bất lợi cho cuộc cách mạng Hung. Các cường quốc Anh, Pháp và Israel tấn công Ai Cập, làm nổ ra cuộc khủng hoảng ở kênh đào Suez, tính đến việc điện Kremlin do "bận bịu" ở Hung, sẽ không "trả đũa" để bảo vệ Ai Cập. Để đổi lại, Phương Tây, cho dù bày tỏ sự đồng cảm với Hungary, nhưng ngầm thỏa thuận với Moscow rằng họ không can thiệp vào các sự kiện ở Hung.

Trong hoàn cảnh ấy, đầu tháng 11-1956, Liên Xô quyết định can thiệp vũ trang vào Hung đúng vào lúc thủ tướng Nagy Imre tuyên bố nước này rút khỏi khối Hiệp ước Warszawa và trở thành một quốc gia trung lập. Rạng sáng mùng 4-11, quân đội Xô-viết ồ ạt tràn sang Hung để đàn áp cuộc cách mạng. Trong cảnh bị chiến xa bao vây tứ bề, thủ tướng Nagy Imre, lần cuối cùng chính thức phát biểu trên Đài phát thanh, đã tuyên bố với toàn thế giới việc Liên Xô tấn công một quốc gia độc lập và cho biết Hungary sẽ không đầu hàng.

Bài phát biểu được phát nhiều lần trên làn sóng điện bằng nhiều thứ tiếng ấy, kết thúc với âm hưởng trầm hùng và bi thương của bản Quốc ca Hung, cho thấy trước một kết cục ảm đạm của cuộc cách mạng. Sau chừng một tuần, cuộc chiến hoàn toàn không cân sức đã chấm dứt: 20 ngàn người Hung đã bỏ mạng hoặc bị thương trong cuộc chiến ác liệt. Thủ đô Budapest bị tàn phá, nhưng ở nhiều nơi, những người nổi dậy đã "tử thủ", gây cho quân đội Liên Xô những tổn thất không nhỏ...

Mùa đông năm ấy, hơn 200 ngàn người Hung đã phải bỏ nước ra đi, trong số đó có không ít khoa học gia, trí thức lỗi lại, về sau đạt được vị trí đáng kính nể trên thế giới. Những quốc gia Phương Tây - đặc biệt, Pháp, Canada, Hoa Kỳ... - đã rộng mở đón đoàn người tị nạn và như lời tổng thống George W. Bush trong chuyến viếng thăm lịch sử tại Hung mới đây, ông tự hào vì cộng đồng người Hung di tản đã góp phần vào sự phát triển và phồn vinh của Mỹ!

*

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác

Cố thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, vào một ngày mùa đông cách đây tròn nửa thế kỷ, đã có những vần thơ giận dữ và phẫn nộ ấy, mà đến giờ, khi nhắc đến Hungary, nhiều người Việt còn nhớ tới. Cùng thời gian ấy, văn hào Albert Camus, Giải Nobel Văn chương, cũng từng nhắc đến cách mạng Hung một cách trân trọng: "Nước Hung bị chà đạp, bị xiềng xích, đã nỗ lực cho tự do và công lý hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới trong vòng hai mươi năm qua..."

Nửa thế kỷ trôi qua. Ngày 23-10 năm nay, gần 50 vị nguyên thủ quốc gia đã có dịp tập trung tại Budapest để hồi nhớ về một cuộc cách mạng đã để lại nhiều dư âm và những hồi quang sâu đậm trong lịch sử thế kỷ XX. Với người Hung, những thông điệp của cách mạng 1956 vẫn còn nguyên vẹn: hãy sống và chết trong tự do và cho nhân phẩm của mình!

* NCTG xin chân thành cám ơn Bảo tàng Quốc gia Hungary đã cung cấp một số tư liệu rút từ cuộc triển lãm về cách mạng 1956 ("Những kỷ niệm của cách mạng 1956", mở từ ngày 5-10 đến 3-12-2006).

** Hiện tại, ở tòa soạn NCTG, có một số tư liệu (sách, báo, tệp âm thanh về cách mạng 1956). Đặc biệt, có đoạn băng ghi âm những lời phát biểu cuối cùng (rạng sáng 4-11-1956) của cố thủ tướng Nagy Imre (dạng tệp mp3). Độc giả có nhu cầu tìm hiểu và tham khảo, xin liên hệ NCTG.

Xem phần 1 của bài viết.

Trần Lê


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn