HỒI TƯỞNG CỦA SIMONOV VỀ STALIN (Phần 3)

Thứ sáu - 02/12/2005 11:52

(NCTG) “Fadeyev nói về một nhà văn đang trong cảnh rất nghèo khó. - Phải giúp đỡ hắn - Stalin nói và nhắc lại: - Phải giúp đỡ hắn. Cho hắn ta tiền. Và các anh hãy nhận những gì hắn viết, cho in rồi giả tiền hắn. Việc gì hắn ta phải ăn đồ bố thí? In bài rồi giả tiền cho hắn!”.

Xem Phần 1Phần 2 của loại bài viết.


Simonov (ngoài cùng, bên phải) cùng các bạn văn nghệ trong chiến tranh (năm 1943) - Ảnh tư liệu

Trích đoạn sau đây nhắc đến những kỷ niệm cá nhân của nhà văn đối với nhà độc tài Stalin. Simonov kể về lần gặp gỡ đầu tiên của ông với Stalin năm 1946, khi đó, ông còn là một nhà văn trẻ được Stalin ưa thích. Trên cương vị TBT tờ tạp chí “Novy Mir” (Thế giới mới), nhà văn tận dụng cơ hội đặc biệt này để xin tăng số trang cho báo.

Cạnh đó, Simonov cũng tranh thủ xin được đăng tải các truyện ngắn của Zoshchenko (1), một nhà văn Nga nổi tiếng bị trù dập trong nhiều năm. Qua mẩu chuyện này, chúng ta có thể thấy dưới thời Stalin, số phận một nhà văn, một tác phẩm, một tờ tạp chí... hoàn toàn phụ thuộc vào tính khí nhất thời, thất thường như mưa nắng... của nhà độc tài!
 
- Và nếu chúng ta tăng số trang, sẽ có đủ bài vở chứ? - Stalin hỏi.

Tôi nói trước kia không phải chúng tôi không phạm sai lầm, khi mỗi số báo chỉ dày 12 “tay sách” (2) chúng tôi cũng có thể sai sót, trong tương lai cũng vẫn có thể có những sai lầm và khuyết điểm, nhưng tôi tin rằng sẽ có đủ bài vở và tôi sẽ cố gắng hết sức mình để làm một tờ tạp chí dày 18 “tay sách” có giá trị toàn diện.

Tôi đề nghị: dù có thể làm một tờ tạp chí giá trị hay không với số trang như thế, hãy cho tôi thử và nếu tôi đảm đương được việc này trong nửa cuối của năm 47 thì có thể đặt vấn đề tăng trang hơn nữa cho tạp chí, bằng không, lúc đó vẫn có thể giảm số trang và trở về khuôn khổ hiện tại.

- Đúng vậy - Stalin nói - tờ tạp chí khá hơn thật. Này, tờ “Zvezda” (Ngôi sao) cũng đăng nhiều bài lý thú, những bài về triết học, khoa học, lắm khi còn hay hơn tờ “Bolshevik” (Người bôn-sê-vích). Rõ ràng là tờ “Zvezda” và “Novy Mir” đã khá hơn trước nhiều. Nhưng, ngộ nhỡ không có đủ bài vở thì sao? - Stalin kiên trì nhắc lại câu hỏi đó, giờ đã là lần thứ ba.

Và tôi lại nói rằng tôi sẽ cố gắng hết sức mình.

- Thế thì chúng tôi phải cho phép thôi, cần phải thử xem sao - Stalin nói. - Nhưng nếu chúng tôi cho phép anh thì các tạp chí khác họ cũng cãi vã ầm ĩ lên. Vậy phải làm thế nào?

Tôi đề nghị đầu tiên hãy để chúng tôi thử nghiệm với tờ “Novy Mir” và dựa trên kinh nghiệm của đó, sau này có thể đưa ra những quyết định tiếp tới. Fadeyev (3) đứng về phía tôi, ông bảo quả thực, cho đến cuối năm nay phải thử nghiệm ở một tờ tạp chí rồi sau hãng hay.

- Được - Stalin đồng ý. - Thử xem nào. Chúng ta sẽ tăng độ dày tờ “Noviy Mir”. Các anh cần bao nhiêu “tay sách”?

Tôi nhắc lại con số đã nói lúc trước: 18.

- Chúng ta hãy cho họ 17 - Stalin nói.

Tôi nhắc ông: vì tờ tạp chí có thêm mục Khoa học và Quốc tế nên về sau còn phải tăng biên chế. Tôi cần hai người phụ trách các chuyên mục đó.

Stalin mỉm cười:

- Thôi được, các anh cứ đệ đơn lên ủy ban đi.

Zhdanov (4) nhận xét: lá đơn của tôi nhằm xin lương cho các cng sự, hiện đang ở chỗ ông ta.

- Chúng ta không tiếc tiền - Stalin nói và nhắc lại: - Chúng ta không tiếc tiền.

Tôi giải thích cho ông biết: ở tòa báo chúng tôi, người phụ trách mỗi chuyên mục chỉ được nhận có 1.200 rúp thôi [cố nhiên, tính theo tiền hồi ấy].

- Hãy để ủy ban thông qua quyết định này - Stalin nói và lặp lại lần thứ ba: - Chúng ta không tiếc tiền.

Sau đó, Fadeyev nói về một nhà văn đang trong cảnh rất nghèo khó.

- Phải giúp đỡ hắn - Stalin nói và nhắc lại: - Phải giúp đỡ hắn. Cho hắn ta tiền. Và các anh hãy nhận những gì hắn viết, cho in rồi giả tiền hắn. Việc gì hắn ta phải ăn đồ bố thí? In bài rồi giả tiền cho hắn!

Zhdanov kể rằng cách đây ít lâu, ông ta nhận được từ nhà văn ấy một lá thư chứa chất nhiều tình cảm sâu sắc. Stalin nhếch mép cười.

- Zhdanov, đồng chí đừng tin vào những lá thư có tình cảm sâu nặng.

Chúng tôi đều cười. [...]

Đột nhiên tôi đâm bạo dạn và làm một việc mà trước đây tôi chưa làm bao giờ làm, mặc dù tôi đã nghĩ đến nó: tôi bắt đầu nói về Zoshchenko. Tôi nói về những truyện ngắn đề tài du kích của ông, thực sự được viết dựa trên những mẩu chuyện của các du kích, tôi nói tôi đã lựa chọn vài truyện trong số này, tôi muốn đăng tải chúng trên tờ “Novy Mir” và xin Stalin cho phép.

- Này, thế đồng chí đã đọc những truyện ngắn đó của Zoshchenko chưa? - Stalin quay sang hỏi Zhdanov.

- Thưa, chưa - Zhdanov đáp -, tôi chưa đọc.

- Nhưng anh thì anh đọc rồi chứ? - Stalin quay về phía tôi.

- Tôi đọc rồi - tôi đáp và giải thích: Zoshchenko có tổng cộng khoảng hai mươi truyện ngắn, nhưng tôi chỉ lựa chọn mười truyện, những truyện mà tôi coi là hay nhất.

- Nghĩa là trên cương vị tổng biên tập, anh cho rằng đó là những truyện ngắn tốt? Rằng có thể đăng tải chúng?

- Vâng - tôi đáp.

- Vậy thì thế này: nếu trên cương vị tổng biên tập, anh cho rằng có thể đăng tải chúng thì anh cứ đăng. Và nếu anh cho đăng thì chúng tôi sẽ đọc.

Bây giờ, sau từng ấy năm, tôi tin rằng trong câu nói cuối cùng của Stalin có một chút sắc thái gì đó của thứ hài hước mà người ta vẫn gán cho ông, thứ hài hước tiềm ẩn và có thể nguy hiểm cho người đang nói chuyện với ông; nhưng tất nhiên tôi không thể đảm bảo điều đó.

Thời đó, những giả thuyết của tôi hiện nay không hề xuất hiện trong óc tôi: tôi quá hồi hộp, thứ nhất là vì tôi đã dám đả động đến Zoshchenko, thứ nhì, bởi Zhdanov, người mà tôi cứ nghĩ chắc chắn phải đọc nhũng truyện ngắn của Zoshchenko, lại nói là chưa đọc và điều này bất ngờ đối với tôi, cuối cùng, vì Stalin đã cho phép đăng tải chúng.

Chú giải:

(1) Mikhail Zoshchenko (1895-1958): bậc thày của dòng văn học châm biếm Nga. Năm 1946, theo chỉ thị của Stalin, ông đã bị cấm sáng tác và cấm in các tác phẩm trong một thời gian dài.

(2) Đơn vị và thuật ngữ được sử dụng trong công nghệ in ấn: 1 “tay sách” = 8-16-32 trang.

(3) Aleksander Fadeyev (1901-1956): nhà văn Liên Xô, tác giả “Đi cận vệ thanh niên”, được coi là người mở đường trường phái văn học hiện thực xã hi chủ nghĩa. Tổng thư ký Hi Nhà văn Liên Xô trong thập niên 50. Tự sát vì khủng hoảng lý tưởng sau khi những ti ác của Stalin bị phanh phui đầu năm 1956.

(4) Andrei Zhdanov (1896-1948): Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, phụ trách văn hóa và tư tưởng, thuộc giới lãnh đạo thân cận nhất của Stalin; nổi tiếng như người đặt nền móng và đại diện cho đường lối văn hóa giáo điều, ngự trị ở Liên Xô suốt mấy thập niên liền. Khét tiếng trong vụ đàn áp hai nhà văn lớn của nước Nga - Xô-viết là Zoshchenko và Akhmatova năm 1946.

Trần Lê dịch


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn