CÓ PHẢI NGƯỜI MỸ ĐÃ QUAY NHỮNG THƯỚC PHIM VỀ NGÀY LỄ ĐỘC LẬP Ở HÀ NỘI NGÀY 2-9-1945?

Chủ nhật - 11/03/2007 13:26

(NCTG) Cách đây 17 năm, khi đang còn làm tổng thư ký Hội Điện ảnh kiêm TBT tạp chí “Nghệ thuật Điện ảnh”, tôi có đăng trên tạp chí số 6-1990 một bài viết của nhà báo Trung Sơn với tựa đề “Ai là người ghi hình phim ngày Tết Độc lập 2-9-1945?”

Trong bài viết của mình, nhà báo Trung Sơn đã kể lại câu chuyện sau: Năm 1974, đạo diễn Phạm Kỳ Nam làm phim “Những ngày Bác Hồ ở Tây Âu”. Trong khi đang quay ở Paris thì một hôm, đạo diễn nhận được một cú điện thoại gọi đến khách sạn. Đầu giây nói đằng kia là một người Pháp cho biết ông muốn gặp đạo diễn để trao lại một món quà chắc sẽ rất có ích cho việc làm phim của ông. Không lâu sau, đạo diễn Phạm Kỳ Nam gặp được người gọi điện thoại đó và món quà người ấy trao là những hộp phim 16 ly đã cũ, nhưng được đóng gói cẩn thận. Người trao món quà đó còn nói thêm: “Đây là quà tặng của một người bạn của Việt Nam và tôi chỉ là người chuyển lại mà thôi”. Trở về khách sạn, đạo diễn Phạm Kỳ Nam nóng lòng giở ngay những thước phim đó ra xem và sững sờ ngạc nhiên khi thấy đó là những hình ảnh ghi lại lễ Tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình sáng ngày 2-9-1945. Người bạn giấu tên đó là ai? Tác giả của những thước phim này là ai? Đó là những câu hỏi được đặt ra trong đoạn cuối bài viết của nhà báo Trung Sơn.

Nhận thấy đây là một vấn đề của lịch sử cần làm sáng tỏ, ít ra cũng là để ghi công và bầy tỏ lòng biết ơn đối với người đã quay và tặng lại cho chúng ta những thước phim vô giá trên, tôi bàn với anh em trong tòa soạn liên hệ với một vài nhân vật có liên quan đến sự kiện trọng đại đó để mời viết bài, mong tìm lời giải đáp cho những câu hỏi được đặt ra trong bài viết của nhà báo Trung Sơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập” ngày 2-9-1945

Người đầu tiên tôi nghĩ đến là ông Nguyễn Hữu Đang, trưởng ban Tổ chức ngày lễ Tuyên bố Độc lập ở quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Là người trong cuộc, chắc chắn ông có thể cung cấp những thông tin chính xác về sự việc trên. Tôi bèn nhờ nhà văn Phúng Quán, một đồng hương và bạn vong niên của tôi giúp liên hệ với ông Đang. Anh Quán sốt sắng nhận lời ngay. Tôi nhờ anh chuyển đến ông Đang số tạp chí có bài viết của nhà báo Trung Sơn với lời mời ông viết bài. Không lâu sau, anh Quán đem đến tòa soạn bài viết tay của ông Đang có tên là “Những điều còn bí ẩn quanh việc quay bộ phim Ngày Độc lập 2-9-1945”, ký tên Nguyễn Hữu Đang.

Ngay vào đầu bài viết, ông Đang nói ngay:

Xin thú thật ngay rằng tôi chưa biết đích xác ai là người đã quay bộ phim đó. Tôi chỉ có thể đoán theo hai khả năng mà cũng chưa dám nghiêng hẳn về phía nào: Một là hiệu Hương Ký quay. Hai là phái đoàn Patty quay”.

Rồi ông mô tả không khí của những ngày có một không hai ấy như sau:

Xin các bạn hình dung sự khẩn trương, tất bật của chúng tôi trong thời gian vẻn vẹn bốn ngày (từ 28-8 đến 1-9) để chuẩn bị xong một buổi lễ quy mô toàn quốc mà trọng tâm là cuộc mít-tinh lớn, ban đầu dự kiến sẽ thu hút hai phần ba dân số nội ngoại thành. Cả nhân viên chuyên môn, tiền, dụng cụ, vật liệu đều hầu như bắt đầu bằng con số không.

… Về phần chụp ảnh, ông Vũ Văn Lai, nhà nhiếp ảnh nghiệp dư trẻ tuổi đã sốt sắng nhận nhiệm vụ đi liên lạc các bạn đồng nghiệp, mời bằng được hiệu Hương Ký, một hiệu ảnh bậc đàn anh, chẳng những mời chụp ảnh mà còn mời quay phim, hơn nữa yêu cầu Hương Ký quay phim là chính. Chúng tôi sẵn sàng nhận những điều kiện dù là nặng mà Hương Ký có thể đua ra. Vì theo chúng tôi biết- bấy giờ ở Hà nội, ngoài Hãng Indochine Film (của người Pháp) không hoạt động được, Hương Ký là cơ sở kinh doanh nghề ảnh duy nhất có máy quay phim.Cũng may Hương Ký không lợi dụng độc quyền để bắt bí chúng tôi.Chủ hiệu Hương Ký đã trên sáu mươi tuổi nhưng còn tráng kiện, vốn có tay nghề vững. Ông nhận lời làm, nói cho đúng là ông sẽ chỉ đạo con hay thợ trực tiếp làm”.

Và thế là hai người của Hương Ký, một chụp ảnh, một quay phim đã được ông Đang cấp giấy phép hoạt động thoải mái trong khu vực mít-tinh với điều kiện không được đến sát lễ đài, phải ở ngoài hai vòng bảo vệ vì đó là quy định chung. Ông Đang kể tiếp:

Độ một tuần lễ sau Ngày Độc Lập, không thấy Hương Ký cho biết kết quả quay phim, tôi đến hỏi thì được trả lời là không quay được vì máy trục trặc. Một sự thất bại dường như hoàn toàn do khách quan, không ai chịu trách nhiệm! Tôi bình tĩnh chấp nhận sự rủi ro. Nhưng chỉ ít ngày sau quân Tầu Tưởng đưa bọn Vũ Hồng Khanh về và âm mưu cướp chính quyền, lật đổ thì ông chủ Hương Ký liền theo Quốc dân Đảng chống lại Việt Minh. Lập tức tôi nghi ngờ ông ta đã không thật lòng, đã không quay phim rồi đổ lỗi cho cái máy - nó không biết cãi.

… Từ đó, suốt ba mươi năm, mỗi khi nhớ đến ngày Độc Lập, tôi cảm thấy vấn vương ân hận. Ân hận và băn khoăn tự hỏi: Hương Ký có quay phim không? Có quay mà hỏng thật hay quay được mà giữ lại không trao cho chúng tôi?

 Đó là khả năng thứ nhất. Và đây là khả năng thứ hai theo như ông Đang:

Khả năng này chỉ mới xuất hiện trong đầu tôi khi đọc trên một tờ báo, đoạn hồi ký của tướng Patty (đã về hưu) nguyên trưởng phái đoàn Mỹ đến Hà Nội dưới danh nghĩa Đồng minh liền sau Tổng khởi nghĩa của ta thắng lợi. Ông tường thuật cuộc mít tinh khổng lồ ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình với những chi tiết hết sức đúng, có cả một chi tiết từ trước tới nay sách, báo ta chưa nhắc đến lần nào. Sự mô tả chính xác chứng tỏ ông và một số nhân viên của ông đã chứng kiến buổi lễ, đã đi lại trong khu vực mít-tinh để như ông kể “chụp ảnh và quay phim”. Thật bất ngờ đối với tôi, kẻ mang nặng trên vai trách nhiệm điều hành buổi lễ và kiểm soát cuộc mít-tinh mà không biết có những hoạt động của người ngoại quốc ngay trước mắt mình. Bấy lâu, từ khi những thước phim tài liệu lịch sử Ngày Độc lập được đưa về nước, giá có ai đoán là nó có thể do phái đoàn Patty quay thì tôi bác bỏ ngay. Bởi lẽ hôm ấy, theo đề nghị của chúng tôi để đảm bảo an ninh, thành phố ra lệnh giới nghiêm gần như thiết quân luật: từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Ngoài hàng ngũ những người đi dự mít-tinh có chỉ huy và bảo vệ chặt chẽ, tuyệt đối không người nào hay xe cộ nào được đi trên đường phố (kể cả vỉa hè), cố nhiên quân đội, công an, cứu hoả và cấp cứu bệnh viện được ở ngoài lệnh cấm. Người Mỹ - mà quần chúng dễ lẫn với người Pháp - lại càng không thể ra khỏi nhà: nếu họ muốn đến chỗ mít-tinh nhất định họ phải được Ban tổ chức đồng ý và hướng dẫn. Còn chụp ảnh và quay phim, lẽ nào trong cuộc mít-tinh cực lớn mà không lộn xộn như vậy lại không có ai nhìn thấy?

Bấy lâu tôi đã chủ quan, suy xét một chiều, một mặt chỉ biết mình mà không biết người, nên không thể hình dung khả năng thứ hai. Ngày nay có bằng chứng cụ thể tôi cố tìm xem cái gì đã giúp phái đoàn Patty hoạt động được. Và tôi nhớ ra hồi ấy, mỗi khi ra đường, người Mỹ bao giờ cũng đeo bên cánh tay trái, chỗ gần bắp vai, một mảnh biểu trưng cờ Mỹ (Ecusson) to bằng nửa bàn tay. Chính miếng biểu trưng ấy là cái “bùa hộ mệnh”giúp họ chẳng những có thể đi lại tương đối tự do trong thành phố, ra ngoại ô và về các địa phương nữa, mà còn được nhân dân tỏ thiện cảm, tiếp dãi thân mật và giúp đỡ nếu cần. Cũng dễ hiểu thôi. Hồi đó ta đang tranh thủ sự ủng hộ của Đồng minh. Quan hệ Việt - Mỹ đang hữu nghị hơn bao giờ hết”.

Vậy là những người Mỹ trong phái bộ của Patty, với cái “bùa hộ mệnh” như ông Đang nói, đã đi lại thoải mái trên quảng trường Ba Đình hôm ấy để quay phim, chụp ảnh mà không bị ai cản trở.

Quảng trường Ba Đình ngày tuyên bố độc lập 2-9-1945 - Ảnh: TTXVN

Đọc xong bài viết của ông Đang tôi rất cảm kích. Tuy ông chưa khẳng định được ai là ngưòi đã quay những thước phim trên nhưng những gỉa thiết, phỏng đoán của ông cùng những chi tiết xung quanh việc tổ chức ngày lễ Độc Lập là những sử liệu vô cùng quý giá. Tôi quyết định cho đăng ngay trong số tạp chí “Nghệ thuật Điện ảnh” tháng 8-1990 không sửa một chữ nào. Khi báo ra, tôi gửi qua nhà văn Phùng Quán tặng ông Nguyễn Hữu Đang số tạp chí có bài viết của ông cùng số tiền nhuận bút. Một thời gian sau, gặp lại tôi, anh Phùng Quán nói: “Các cậu có biết các cậu đã làm một việc có ý nghĩa như thế nào không? Khi mình đem tạp chí và tiền nhuận bút đến đưa cho anh Đang, anh ấy vui mừng không thể tả được. Đây là bài báo đầu tiên của anh được đăng sau khi ra tù, cậu có biết không?” (ông Đang bị đi tù 15 năm vì vụ Nhân văn - Giai phẩm)

Bốn tháng sau, chúng tôi nhận được một bài viết nữa của ông Nguyễn Hữu Đang gửi tới với tựa đề “Phim Tết… Ngày xưa…” kể lại chuyện chiếu phim Tết năm 1934 ở Hà nội. Theo ông kể, hồi đó ngày Tết mà đi xem chiếu bóng được coi là một thú vui thanh lịch mới mẻ. Chúng tôi đã đăng bài đó trong số Tết Tân Mùi (1991). Không biết sau đó, ông Đang có viết bài báo nào đăng ở đâu nữa không, hay đó là hai bài cuối cùng của ông viết cho đến khi qua đời cách đây không lâu (*)?

Trở lại hai khả năng mà ông Đang đã nêu trong bài báo. Một khả năng là những người trong phái đoàn của Patty đã quay (khả năng này rất có thể là hiện thực vì ai cũng biết ở Côn Minh ngày đó có một đơn vị tình báo OSS của Mỹ tiền thân của CIA. Đơn vị này ắt được trang bị đầy đủ những phương tiện quay phim, chụp ảnh hiện đại nhất lúc bấy giờ). Nghe đâu không lâu trước khi qua đời, ông Patty có trở lại thăm Việt Nam.Giá dịp ấy có ai hỏi ông một câu xem có phải người trong phái bộ của ông đã quay phim ở quảng trường Ba Đình trong ngày 2-9-1945 không? Nếu câu trả lời là “có” thì ta có thể loại ông Hương Ký sang một bên và tin rằng ông không quay hoặc có quay mà máy bị trục trặc. Nếu câu trả lời là “không” thì những thước phim trên ắt do người của ông Hương Ký quay. Nếu đúng như vậy ta có thể đặt tiếp một câu hỏi: “Tại sao ông Hương Ký lại nói dối với ông Đang rằng không quay được vì máy hỏng? Và tại sao mãi đến 29 năm sau con cháu ông mới trao lại những thước phim đó một cách gián tiếp và bí ẩn như vậy?

Dầu sao tôi vẫn nghiêng về giả thuyết cho rằng những người trong phái đoàn của tuớng Patty đã quay những thước phim lịch sử trên. Bằng con mắt của người trong nghề điện ảnh, tôi nhận ra trong những thước phim ấy tính nghề nghiệp cao của người cầm máy quay. Những toàn cảnh lia biển người trên quảng trường Ba Đình, hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh trên lễ đài, những chân dung nam nữ, những đặc tả bước chân người rầm rập đi trong hàng quân, những tà áo dài của các thiếu nữ Hà Nội bay phất phới, v.v… thật xúc động và ấn tượng. Tôi không tin rằng người của ông Hương Ký có thể lấy được những khuôn hình như vậy. Nhưng đó cũng chỉ là phỏng đoán.

Tôi hoàn toàn đồng tình với lời cuối trong bài viết của ông Nguyễn Hữu Đang: “Xác minh được ai đã quay cuốn phim tài liệu lịch sử “Ngày Độc Lập” mà chúng ta đang có, phải dựa trên cơ sở một cuộc điều tra công phu mà tôi cho là không khó khăn lắm. Đầu mối không còn bí ẩn và không xa quá tầm tay”.

Không có cái gì tự nhiên mà có trên đời này và một cuộc điều tra công phu như ông Đang nói là việc cần phải làm để xác minh chủ nhân của những thước phim từ lâu đã trở nên thân thuộc với các thế hệ người Việt Nam mà không ai hay biết chúng xuất xứ từ đâu.

(*) Theo những tư liệu đang có, sau năm 1991, ít nhất Nguyễn Hữu Đang có đăng bài “Bộ vòng xơ men” trên báo “Lao Động” đầu tháng 12-1993. (Ghi chú của NCTG)

Đạo diễn Đặng Nhật Minh, từ Hà Nội


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn