Cho đến nay, thủ phạm vẫn chưa bị phát hiện, cho dù 2 năm sau khi vụ án mạng xảy ra, cảnh sát đã bắt được Christer Pettersson, bị coi là nghi phạm chính. Tuy nhiên, vì không đủ bằng chứng buộc tội, Pettersson đã được thả và qua đời tháng 9-2004. Mùa thu năm ngoái, nhiều người hy vọng rằng một khẩu súng lục được tìm thấy dưới đáy một hồ nước có thể là dấu vết của vụ ám sát...
Tuy nhiên, ngày thứ Hai qua, cảnh sát Thụy Điển đã thông báo rằng không thể xác minh được khẩu súng này có liên quan đến vụ án mạng Olof Palme hay không, vì sau nhiều năm nằm dưới đáy hồ, nó đã quá rỉ và không thể thể lấy được dấu vân tay hay mẫu di truyền DNS để xét nghiệm. Người ta cũng tiến hành so sánh những vỏ đạn tìm được ở hiện trường vụ ám sát ông Palmer với khẩu súng này, song cũng không ra kết quả khả dĩ nào. Một phát ngôn viên cảnh sát cho biết: súng quá rỉ, không thể biết là nó có bị dùng trong vụ ám sát, hay bất cứ vụ án nào khác hay không.
Không viện dẫn nguồn tin, một tờ báo lá cải của Thụy Điển cho rằng khẩu Smith & Wesson này được phát hiện dưới đáy hồ Dalarn, miền Trung Thụy Điển, vào tháng 11-2006. Sau đó, một điều tra viên phụ trách vụ án Palmer cho hay số thứ tự trên khẩu súng cho thấy nó đã được dùng trong vụ cướp bưu điện tại Mockfjard, một thành phố nhỏ gần đó, vào năm 1983. Sở dĩ điều này có tầm quan trọng lớn, vì cơ quan điều tra vụ án Palmer cũng truy tìm tang vật trong vụ cướp bưu điện từ lâu nay, bởi lẽ thành phần hóa học của viên đạn tìm thấy tại đó trùng với thành phần hóa học của vũ khí ở hiện trường vụ ám hại ông Palmer. Tuy nhiên, họ đã thất bại vì không tìm được câu trả lời như hy vọng.
Vị phát ngôn viên cảnh sát Thụy Điển cho hay, có thể cơ quan điều tra nước này sẽ yêu cầu các chuyên viên quốc tế trợ giúp trong việc kiểm nghiệm khẩu súng lục.
*
Olof Palme (1927-1986) giữ cương vị thủ tướng Thụy Điển trong hai nhiệm kỳ 1969-1976 và 1982-1986. Sự nghiệp chính trị của ông đã là đề tài của nhiều cuộc tranh luận, ông được nhiều người yêu mến, nhưng cũng lắm kẻ thù ghét. Cá nhân Palmer đã là một chính khách có nhiều mâu thuẫn. Ông cương quyết ủng hộ nước Cuba độc đoán của lãnh tụ Fidel Castro, cũng như tổng thống cánh tả Chile Salvador Allende, nhưng gay gắt lên án sự can thiệp quân sự của Liên Xô và các nước chư hầu vào Tiệp Khắc năm 1968 (để đè bẹp “mùa xuân Praha”). Năm 1972, khi Hoa Kỳ cho ném bom Hà Nội vào dịp Giáng sinh, Palmer đã gọi đó là “một tội ác có thể so với tội ác của phát-xít Đức”; vì tuyên bố này, Hoa Kỳ đã bãi bỏ quan hệ ngoại giao với Thụy Điển một thời gian. Trong vấn đề Nam Phi, ông cũng mâu thuẫn gay gắt với thủ tướng Anh Thatcher và tổng thống Mỹ Reagan. Đặc biệt, Palmer có quan hệ ngoại giao rất tích cực với các nước đang phát triển.
Vào buổi tối thứ Sáu 28-2-1986 định mệnh, Olof Palmer cùng vợ đi xem bộ phim mới “Anh em Mozart” của Thụy Điển. Theo lời thuật lại, vợ chồng ông không hề “lên chương trình” trước cho buổi xem phim này: hứng lên, họ tới rạp, xếp hàng mua vé và ngồi xem như những khán giả bình thường. Sau đó, hai người đi bộ về nhà và tại một ngã tư, trong bóng tối, bất ngờ lao ra một sát thủ và nhả súng vào Palmer, rồi tẩu thoát trong khu phố nhỏ gần đó. Olof Palmer bị trúng 2 phát đạn vào bụng và tử nạn ngay tại hiện trường, vợ ông do kịp tránh về phía sau nên chỉ bị thương nhẹ.
Tấn thảm kịch này làm chấn động xã hội Thụy Điển, nhất là vì cảnh sát đã không tìm thấy và đưa ra trước vành móng ngựa tên thủ phạm. Tháng 11-1987, chính phủ Thụy Điển đăng một quảng cáo bằng nhiều thứ tiếng trên tờ “International Herald Tribune”, hứa thưởng “khoản tiền máu” 50 triệu Krone (hơn 8 triệu USD) cho ai giúp cảnh sát tuìm ra thủ phạm. Tháng 12-1988, Christer Pettersson, nghi can chính bị bắt và phu nhân ông Palmer cũng nhận ra hắn; tuy nhiên, vì những suy tính luật học - bà Palmer đã thấy ảnh tên này trước khi đối chất -, cuối cùng Pettersson đã được tha bổng. và còn được bồi thường 300 ngàn Krone cho 10 tháng ngồi tù (Christer Pettersson là một tên tội phạm chuyên nghiệp, từng 60 lần gây án và đã bị tù vì giết người)
Thất bại của ngành Tư pháp Thụy Điển, trong rất nhiều năm, là đề tài được công luận Thụy Điển và quốc tế quan tâm và bán tán...
H.Linh tổng hợp, theo các tư liệu tiếng Hung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn