Đức Giáo hoàng John Paul Đệ nhị (trái) và Đức Hồng y Paskai László - Ảnh: “Tự do Nhân dân”
Như NCTG đã đưa tin (*), “phát kiến” của tuần báo “Cuộc sống và Văn học” (Élet és Irodalom) về quá khứ chỉ điểm của đạo diễn Szabó István, giải Oscar duy nhất và là niềm tự hào của điện ảnh Hung, đã có ảnh hưởng như một trái bom nguyên tử nho nhỏ giáng xuống đời sống xã hội và tinh thần Hungary.
Cần nói thêm rằng, “hành vi” này của tờ báo không hề mới: từ 8 năm nay, “Cuộc sống và Văn học” đã mở một loại bài viết về những hồ sơ mật vụ dưới thể chế cộng sản và nhiều lần lên tiếng cho rằng Đạo luật thanh lọc của Hungary không hợp lý ở chỗ nó dường như thiên về bảo vệ những cựu điểm chỉ viên, thì hơn là các nạn nhân.
Từ đầu năm nay, tờ tuần báo đã liên tiếp đăng tải các tư liệu sử học cho thấy ba nhân vật nổi tiếng của Hungary, Szepesi György (nhà bình luận thể thao cựu trào), Heltai András (ký giả) và Szabó István từng là chỉ điểm.
Tuy nhiên, quả bom thứ tư của “Cuộc sống và Văn học” thì còn có sức công phá mạnh mẽ hơn và ảnh hưởng của nó thì chưa thể lường hết được, vì nó nhằm vào một nhân vật khả kính bậc nhất của Giáo hội Công giáo Hungary thế kỷ XX: Đức Hồng y Paskai László, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hungary!
Đức hồng y Paskai László là người thế nào và ông có vai trò ra sao trong Giáo hội Công giáo Hungary thế kỷ qua?
Lần giở các sách vở liên quan đến lịch sử Công giáo Hung, chúng ta được biết Paskai László sinh năm 1927, tốt nghiệp Học viện Thần học Szeged năm 1951, đậu Tiến sĩ Thần học tại Học viện Thần học Budapest năm 1952. Ông được tấn phong giám mục năm 1978, là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hungary thời kỳ 1986-1990. Từ mùa hè năm 1988, Paskai được phong Hồng y, là Tổng giám mục địa phận Esztergom và Budapest. Trong sự nghiệp của mình, Đức Hồng y Paskai László đã đạt được những thành quả đáng nhớ và nổi bật, như tổ chức hai chuyến viếng thăm Hungary của Đức Giáo hoàng John Paul Đệ nhị, cũng như việc đưa tro Đức Hồng y Mindszenty József từ Vatican về quê hương (**).
Như vậy, có thể nói Paskai László là một cái tên rất khả kính đối với các tín đồ Công giáo. Có điều, đã một lần ông từng bị coi là có dính líu đến chế độ cũ. Tháng 2-2005, trên mạng Internet, xuất hiện một danh sách - mà nguồn gốc không rõ ràng - chứa 219 tên tuổi bị coi là cựu điểm chỉ viên, trong đó có tên của Paskai László cùng khoảng 50 nhân vật khác của Giáo hội. Một số người đã thừa nhận cộng tác với cơ quan mật vụ chính trị Hungary, song đa số lên tiếng bác bỏ. Giáo hội Công giáo, tương tự các giáo hội lớn khác ở Hung, thì luôn từ chối và tránh đến mức tối đa việc bình luận hay trả lời những cáo buộc như thế.
Tuy nhiên, trong dịp này, cáo buộc của sử gia Ungváry Krisztián, một nhà nghiên cứu trẻ có uy tín của ngành Sử học Hungary, tỏ ra đáng để tâm vì sự xác tín của nó. Sau một quá trình nghiên cứu và tìm tòi tại Kho thư khố của Cơ quan An ninh Quốc gia Hungary, Ungváry đã tìm được hồ sơ một điểm chỉ viên mang biệt danh “Thày giáo” và cho dù biên bản tuyển dụng không còn nữa, song tất cả các dữ liệu nhân thân của kẻ điểm chỉ này đều trùng hợp với Đức Hồng y Paskai! Cuối cùng, dựa trên những gì còn lưu lại, Ungváry kết luận rằng trong thời gian từ 1965 đến 1974, Paskai László đã cộng tác cùng cơ quan mật vụ chính trị Hungary và đã cung cấp các thông tin về những nhân vật trong Giáo hội Công giáo Hung.
Sự tuyển dụng Paskai László đã diễn ra rất dai dẳng: trong vòng 7 năm, từ năm 1965 đến 1972, ông chỉ được coi là “ứng viên chỉ điểm” và chỉ sau đó, mới được “phong” chức “ủy nhiệm viên bí mật”. Về sau, khi nhà tu hành đồng ý cộng tác với cơ quan mật vụ chính trị, các thông tin ông cung cấp đều rất chung chung, cầm chừng và thường là bao hàm những điểm đã được biết đến, trong nhiều trường hợp còn mang dụng ý rất tốt đối với những kẻ bị theo dõi. Chính vì vậy mà đại úy Keresztury György, người phụ trách ông Paskai, đã nhiều lần tỏ ý không bằng lòng về công việc do ông thực hiện.
Sử gia Ungváry Krisztián cũng cho rằng việc ông Paskai cộng tác chỉ điểm không hề liên quan gì đến sự thăng tiến của ông trong bước đường sự nghiệp. Bởi lẽ, theo nhà sử học, thập niên 70 ở Hung, Hội đồng Giám mục Hungary gồm đa số những kẻ trung thành với chính quyền, thậm chí chỉ điểm, do đó việc Paskai cộng tác với cơ quan mật vụ có lẽ không phải là chuyện lớn khiến ông có được những “lợi lộc” này khác. Đánh giá về hoạt động chỉ điểm của Paskai, Ungváry nhận định: đây là một bằng chứng cho thấy dù hợp tác với chính quyền, vẫn có thể giữ được danh dự và phẩm giá của mình.
Tuy nhiên, nhà sử học cũng nhấn mạnh: không thể đánh đồng trường hợp của Paskai với trường hợp của những tăng lữ quyết tâm không cộng tác với thể chế xưa và vì thế, hành vi quá trung thành với chính quyền của Paskai là đáng lên án! Và việc Hội đồng Giám mục Hungary không chấp thuận để công luận Hung “thanh lọc” - với lý do những nhân vật hàng đầu của Giáo hội là do Đức Giáo hoàng tấn phong và do đó, cần có sự chấp thuận của Giáo hoàng để chính quyền Hung “thanh lọc” họ! - cho thấy Công giáo Hung đã làm nhiều điều sai trái dưới thể chế cộng sản của lãnh tụ Kádár János.
Giáo hội Công giáo Hung, trước nay vẫn một mực bác bỏ việc bạch hóa những hồ sơ mật liên quan đến quá khứ một số nhà tu hành, đã có phản ứng ra sao trước cái tin chấn động này?
Ông Veres András - Thư ký Hội đồng Giám mục Hungary - trong một tuyên bố ngắn gửi truyền thông Hung, cho rằng đây là một đòn chính trị bởi lẽ nó xuất hiện đúng vào thời điểm mà Giáo hội Hungary, dù không thật bất ngờ, cũng phải cảm thấy là có những dụng ý bên trong. Bản thân Đức Hồng y Paskai, khi được các báo chí phỏng vấn, chỉ cho biết rằng ông chưa đọc bài báo nói về ông và do đó, không thể có ý kiến gì. Ngoài ra, một số nhân vật có vai vế của Công giáo Hungary đã im lặng trước cái tin này.
Điều đáng nói ở đây là với thái độ thụ động đó, những “nghi án” đối với Giáo hội Hungary - chẳng hạn, theo một nguồn tin, có tới một phần năm tăng lữ Hungary đã từng cộng tác với cơ quan mật vụ cộng sản! - chỉ càng được duy trì và căng cường!
Chú giải:
(*) Xin xem NCTG số 4 (197), ra ngày 3-2-2006.
(**) Mindszenty József (1892-1975): Hồng y Giáo chủ người Hung, giám mục địa phận Esztergom. Năm 1949 bị chính quyền kết án chung thân dựa trên những lời buộc tội bịa đặt. Được phóng thích năm 1956, kêu gọi dân Hung đứng lên làm cách mạng năm 1956.
Khi quân đội Liên Xô tràn vào Hungary, ông bị truy đuổi, phải trốn chạy vào tòa đại sứ Mỹ ngày 4-11-1956 và ở đó đến năm 1971. Sau đó ông qua Rome, Vatican và sống lưu vong đến khi mất. Tro của ông được đưa về Hung và đặt tại Vương cung Thánh đường Esztergom năm 1991.