15 năm tan rã khối "Hiệp ước Warszawa" (1991-2006): HAI CHỮ KÝ TRONG CÙNG MỘT NGÀY

Thứ sáu - 08/12/2006 10:18

(NCTG) Ngày 15-5-1955, chữ ký của Ngoại trưởng Xô-viết Molotov trên văn bản Hiệp định Quốc gia Liên Xô - Áo còn chưa ráo mực thì người đứng đầu giới ngoại giao của điện Kremlin đã vội vã rời thành Vienna đến Warszawa, thủ đô Ba Lan, để phê chuẩn một hiệp ước sát nhập các nước Đông Âu đang bị Hồng quân chiếm đóng vào một khối quân sự duy nhất.

Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov (đằng sau là Ngoại trưởng Đức Ribbentrop và Stalin) đặt bút ký Hiệp ước bất tương xâm với nước Đức phát-xít, chia đôi Ba Lan và làm bùng nổ Đệ nhị Thế chiến (năm 1939) - 16 năm sau, cũng chính Molotov đã ký hiệp ước thành lập khối "Hiệp ước Warszawa" - Ảnh tư liệu

Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov (đằng sau là Ngoại trưởng Đức Ribbentrop và Stalin) đặt bút ký Hiệp ước bất tương xâm với nước Đức phát-xít, chia đôi Ba Lan và làm bùng nổ Đệ nhị Thế chiến (năm 1939) - 16 năm sau, cũng chính Molotov đã ký hiệp ước thành lập khối "Hiệp ước Warszawa" - Ảnh tư liệu

 

Sở dĩ Molotov đã phải vội vã như thế vì Hiệp ước Hòa bình ký kết với Hung ngày 10-2-1947 có hàm chứa một điều khoản, theo đó, sau khi Liên Xô ký kết hiệp định quốc gia với Áo, Hồng quân phải rút quân khỏi Vienna, đồng thời "quân đội giải phóng Xô-viết" cũng phải rời Hung trong vòng 40 ngày. Người Nga thấy rõ rằng thể chế độc đoán do họ gây dựng bằng bạo lực ở Hung không thể đứng vững nếu thiếu sự trợ giúp của quân đội Liên Xô; do vậy, phải tìm ra một nguyên cớ gì đó để tiếp tục hợp pháp hóa sự hiện diện của Moscow tại Đông Âu.

Công luận thế giới hiểu ngay rằng "Hiệp ước Warszawa" được thành lập không phải chỉ để "đối cực" với khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Phương Tây (đã ra đời năm 1949); đây còn là một cái cớ để Liên Xô bành trướng sang phía Đông. Các cường quốc Phương Tây đã cho binh lính giải ngũ từ năm 1945 và họ đặt mọi chú ý vào việc tái thiết nền kinh tế và hàn gắn các vết thương chiến tranh. Ngược lại, Moscow tiếp tục chi phí nhiều triệu USD cho nền quốc phòng: năm 1946, họ có tới 200-300 sư đoàn với hơn 4 triệu binh lính, trong khi Hoa Kỳ có 391.000 và Anh Quốc cũng chỉ có 488.000 quân nhân.

Cố nhiên, đứng trước những toan tính bành trướng - ngày càng được thể hiện dưới hình thức rầm rộ hơn - của Liên Xô, các siêu cường Phương Tây cũng cảm thấy cần gia tăng những biện pháp phòng thủ cần thiết trong quân sự. Phương Tây "tỉnh giấc" một cách chậm chạp và cuộc phiêu lưu của điện Kremlin tại Hy Lạp đã góp phần quyết định khiến họ không thể thụ động. Hẳn Stalin đã nhận định sai về ý định rút quân của Hoa Kỳ; có lẽ các lãnh tụ Xô-viết đã nhìn nhận sai lầm về Tổng thống Mỹ Truman khi họ chỉ đánh giá Truman qua vai trò không mấy nổi bật của ông tại Hội nghị Potsdam, và qua những bức biếm họa được vẽ bởi các đối thủ chính trị thuộc Đảng Cộng hòa của ông. Nhiều người còn cho rằng trong một chừng mực nào đó, chính những hành động quân sự của Liên Xô đã khiến Mỹ "trụ lại" Châu Âu một cách "dài hạn".

Nói cho đúng thì chính NATO mới là tổ chức phòng thủ được thành lập để chống lại âm mưu "leo thang" của Liên Xô tại Châu Âu cuối thập niên 40 thế kỷ trước. Ra đời ngày 4-4-1949 với sự tham gia của 12 thành viên sáng lập (Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Anh, Island, Ý, Canada, Luxemburg, Hòa Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha và Hoa Kỳ), trong quá trình phát triển, NATO được bổ sung với Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ (18-2-1952) và Tây Đức (5-5-1955). (Ba nước Đông Âu Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Czech gia nhập NATO năm 1999). Rốt cục, sự hợp tác của Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Âu đã khiến Moscow phải dè chừng trong mưu mô bành trướng cuối thập niên 40, bởi lẽ vào lúc đó, điện Kremlin cảm thấy có thể gây bùng nổ một cuộc thế chiến mới, nhằm thực hiện "cách mạng hoàn cầu" theo mô hình độc đoán của Stalin.

Điều đáng để tâm là trong khi "đế chế Phương Đông" điều động những lực lượng quân sự khổng lồ, chuẩn bị cho một cuộc đụng độ vũ trang trong tương lai, thì các lãnh tụ Xô-viết lại vẫn cao giọng đề xướng nhiều "chiến dịch hòa bình" lớn để "che mắt thiên hạ". Hơn nữa, họ quy tội "những thế lực đế quốc Phương Tây" phải "chịu trách nhiệm" về tình hình căng thẳng trên thế giới. Tại các quốc gia bị Hồng quân chiếm đóng sau Đệ nhị Thế chiến, ngân quĩ nhà nước đã dành một tỉ lệ "chóng mặt" cho cuộc chạy đua vũ trang: chẳng hạn, ở Hung, trong thời kỳ 1950 - 1954, 50% tổng sản lượng kinh tế quốc dân được dùng cho các mục đích quân sự!

Các chính thể cộng sản Đông Âu bị chuyển dần thành chế độ toàn trị, không còn "đường biên" phân định giữa các tổ chức của đảng (Cộng sản) và nhà nước. Ngay từ đầu, khi Hiệp ước Warszawa chưa hề tồn tại, quân đội "nhân dân" của những xứ này đã bị đặt dưới sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của ban lãnh đạo chính trị Xô-viết. Nhiệm vụ của quân đội các nước Đông Âu là ngăn cản những biện pháp phòng thủ của Phương Tây và trung lập hóa nước Đức.

Tại hội nghị Berlin đầu năm 1954, trước sự có mặt của đại diện các nước Pháp, Anh và Mỹ, Ngoại trưởng Xô-viết Molotov đã đưa ra một số đề nghị nhằm trung lập hóa nước Đức và coi đó như một điều kiện để Liên Xô ký kết hiệp ước an ninh đối với các quốc gia châu Âu. Các cường quốc Phương Tây hiểu rõ ý định của điện Kremlin, mà mục đích chính là đánh lạc hướng công luận, che giấu những hoạt động quân sự của phe "xã hội chủ nghĩa" và khiến "thế giới tự do" mất cảnh giác.

Về căn bản, khối phòng thủ Bắc Đại Tây Dương của các nước Phương Tây đi vào hoạt động sau khi hiệp định London và Paris được ký kết. Chính phủ Xô-viết muốn ngăn cản điều đó bằng một đề nghị mới, theo đó cần triệu tập một hội nghị với sự tham gia của các "siêu cường" để bàn bạc về vấn đề hòa bình và an ninh chung. Cùng lúc đó, họ cũng tuyên bố rằng nếu Phương Tây phê chuẩn hiệp định Paris, phía Xô-viết sẽ tăng cường hoạt động quân sự và sẽ thành lập một ban lãnh đạo quân sự tập thể của các nước Đông Âu.

Để những lời lẽ mang tính tuyên truyền đó có thêm "trọng lượng", lập tức, Thủ tướng Đông Đức Otto Grotewohl tuyên bố thành lập Quân đội "Nhân dân" Cộng hòa Dân chủ Đức. Và sau thời điểm 5-5-1955, khi hiệp định Paris của khối NATO được thực thi, Moscow đã chính thức "ra tay" trên đấu trường: ngày 11-5-1955, điện Kremlin triệu tập lãnh tụ 7 quốc gia Đông Âu (Đông Đức, Tiệp Khắc, Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Albania) về Warszawa để thông qua về mặt hình thức những nghị quyết vốn đã được "định hình" tại Moscow từ tháng 11-1954.

Thực chất, ngay từ năm 1949, Moscow đã đặt những viên gạch đầu cho khối "Hiệp ước Warszawa" với việc tấn phong Nguyên soái Konstantin Rokossovsky, người anh hùng thời Đệ nhị Thế chiến, làm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan. Rokossovsky được trao nhiệm vụ cải biến quân đội Ba Lan theo yêu cầu của Liên Xô, khiến nó mất đi tính chất "quốc gia" để dễ bề phục vụ những lợi ích bành trướng của Moscow.

Buộc Đông Âu ký kết Hiệp ước Warszawa, Liên Xô đã thành công trong việc thành lập một tổ chức quân sự hùng hậu mà nếu chinh chiến xảy ra, quân đội các nước Đông Âu phải phục tùng vô điều kiện bộ chỉ huy Xô-viết. Mọi quân nhân của "Hiệp ước Warszwa" đều phải tuân lệnh một Hội đồng Quân sự Xô-viết tối cao, gồm 5 thành viên (Stavka). Trong thực tế, những quân nhân không phải người Nga không hề được để tâm, vì họ chẳng có chút quyền "tự quyết" nào.

Một ví dụ tiêu biểu: Bộ tư lệnh của quân đội Đông Đức chỉ được tổ chức đến cấp sư đoàn và trong hoàn cảnh thời chiến, nó sẽ bị giao phó hoàn toàn cho người Nga. Tại các nước "chư hầu" khác, công việc của bộ tổng chỉ huy sở tại nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của một sĩ quan "liên lạc" Xô-viết. Bằng cách đó, Liên Xô có thể yên tâm rằng giới chỉ huy cấp thấp không thể làm điều gì trái ngược với mục tiêu của điện Kremlin. Hơn nữa, lãnh đạo quân sự các nước Đông Âu còn không hề được tham gia thảo luận các kế hoạch mang tính chiến lược và chiến thuật.

Với cơ cấu như vậy, quân đội Liên Xô có thể đồn trú vô thời hạn tại các nước vùng Đông Âu và Hồng quân Xô-viết cũng có thể can thiệp quân sự vào các xứ này, như trong trường hợp Hungary (1956), Tiệp Khắc (1968) và thiếu chút nữa, Ba Lan (1980), trên danh nghĩa quân đội của khối "Hiệp ước Warszawa". Như thế, có thể hiểu được khi vào đầu thập niên 90, sau cuộc cách mạng dân chủ ở Đông Âu, giới lãnh đạo quân sự các nước này đã mừng rỡ như thế nào khi thoát khỏi vòng kìm kẹp của cái "hiệp ước" mà họ bắt buộc phải tuân thủ.

Đối với họ, đến nay, "Hiệp ước Warszawa" chỉ còn là một cơn ác mộng kinh hoàng...

Nguyễn Hoàng Linh, theo báo chí Hungary


 
 Từ khóa: Áo, Vienna
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn