Năm 1910, Lenin, lãnh tụ bôn-sê-vích cùng vợ, Nadezhda Krupskaya đang sống lưu vong ở Pháp. Trong những năm di tản vất vưởng đó, Lenin vẫn làm việc không ngừng và cùng các đồng chí, ông hay đến một quá cà phê nhỏ ở đường Avenue d’Orléans; tại đó, cạnh cốc bia, họ có thể tán gẫu về chính trị, thế giới quan… - nói chung là tất cả những gì liên quan đến một cuộc cách mạng trong tương lai.
Một mùa thu nọ, có một phụ nữ trẻ người Pháp tóc nâu, mắt xanh tham gia cùng nhóm bôn-sê-vích. Một thời gian dài, Inessa Armand là thành viên của cộng đồng người Pháp ở Moscow, nhưng cô phải lẩn trốn chính thể Nga hoàng.
Càng ngày, những đám mây đen tối càng bao phủ trên đầu Lenin, “con chim báo bão” của Đảng Xã hội Dân chủ Nga: chưa bao giờ ông gặp khó khăn nhiều như thế, nhất là những nguồn tài trợ cho đảng cũng cạn kiệt và tờ tạp chí “Pravda” (Sự thật) cũng phải đình bản.
Chính vì vậy, có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Inessa, người phụ nữ có học thức, nói thạo 4 ngoại ngữ và có khả năng tổ chức tuyệt vời đã nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của Lenin: vị lãnh tụ tìm cách tận dụng những tính cách rất quí báu của Inessa để phục vụ tổ chức. Trong quá trình làm việc mẫn cán cho mục đích chung, hai người còn có thời gian để làm những việc ngoài chính trị: chẳng mấy chốc, một tình yêu nồng cháy và mãnh liệt đã nảy nở giữa người đàn ông 40 tuổi và người phụ nữ kém ông 4 tuổi.
Trong bảy năm dài sống biệt xứ, Armand trở thành cánh tay phải của Lenin, người Lenin luôn có thể tin cậy khi gặp hiểm nguy. Cô đã giúp Lenin phục hồi uy tín bị sứt mẻ qua những va chạm trong tổ chức, và cùng ông biến đảng bôn-sê-vích thành một tổ chức có sức mạnh hơn cả thể chế Nga hoàng và Chính phủ Lâm thời dân chủ. Năm 1919, Inessa trở thành người phụ nữ có quyền uy nhất Moscow.
Một câu hỏi được đặt ra: ngoài vài sử gia chuyên trách về lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, tại sao hầu như không mấy ai đả động đến người phụ nữ lừng danh này của Cách mạng tháng Mười Nga? Cố nhiên, nếu biết đến tính chất của bộ máy thông tin - tuyên truyền của Lenin, dễ dàng trả lời câu hỏi đó.
*
Inessa Armand là con vô thừa nhận của một ca sĩ nhạc kịch Paris. Năm 19 tuổi, cô làm vợ Alexander Armand, con trưởng trong một gia đình thương gia Nga - Pháp rất giàu có. Chín năm ròng, cô hưởng thụ cuốc đời vô tư lự của những người vợ trẻ và giàu có, cô sinh liền 4 đứa con cho chồng.
Rồi bỗng nhiên, Armand bỏ chồng và bắt đầu một mối quan hệ đầy tai tiếng với Vladimir, người em chồng, khi ấy còn là một sinh viên mới 17 tuổi, và có những mối quan hệ với cách mạng. (Cần nói thêm là dù vậy, chồng Inessa vẫn chung thủy với cô: cả đời, ông giúp vợ tiền nong và trong thời gian cô bị đi tù hoặc đày ải, chính ông là người đã chăm sóc con cái. Thậm chí, năm 1903, Alexander còn nhận đứa con của Inessa và Vladimir làm con nuôi).
Khi làm quen với Lenin, Inessa đã qua 4 bận tù đày và cô vừa trốn lên Paris từ một thành phố nhỏ phía Bắc mang tên Mezen. Trở về nhà, Inessa không được hưởng vị hạnh phúc của sự đoàn tụ: vài ngày sau, Vladimir mất vì bệnh phổi trong tay Inessa.
Năm sau, Inessa gia nhập đảng của Lenin. Thoạt đầu, cô thành lập trường đảng ở Longjumeau (cạnh Paris); dường như mối tình của hai người khởi đầu từ thời gian này. Sau đó, cô giúp người tình tổ chức Hội nghị Prague của Đảng Xã hội Dân chủ; tại đó, nhờ một vài thủ đoạn khéo léo về chiến lược, nhóm bôn-sê-vích đã giành được đa số.
Giữa chừng, càng ngày càng khó giữ bí mật mối tình giữa “hai người đồng chí”. Krupskaya, vợ Lenin, muốn rời bỏ vị lãnh tụ vô sản, nhưng Lenin đã tìm cách giữ bà lại. Rốt cục, Krupskaya đành nhượng bộ, nhưng bà đòi ngủ ở buồng riêng.
Tuy nhiên, có thể nói Krupskaya và Inessa là hai người bạn gái, niềm tin “son sắt” vào cách mạng và vào “sự nghiệp giải phóng phụ nữ” đã khiến họ gần gũi nhau. Hơn nữa, Krupskaya, do không có con nên rất yêu quí các con của Inessa, thậm chí sau khi Armand qua đời, bà còn nhận đứa bé nhất làm con nuôi.
Được sự ủy nhiệm của Lenin, Inessa trở về Nga để phục hồi tổ chức đảng ở Saint Petersburg, đã tan vỡ vì những đợt càn quét liên tục của cảnh sát mật Nga hoàng. Ăn vận và cải trang thành một nữ nông dân Ba Lan, Inessa về Nga, nhưng cô bị phát hiện và cuối năm 1913, cô bị bản án tù 6 tháng.
Chồng cô, Alexander đã bỏ một khoản tiền vô cùng lớn thời đó - 6.500 rúp - để cho Inessa tại ngoại. Tuy nhiên, Inessa không hề có ý chờ phiên tòa xét xử: đơn giản, cô đào tẩu và tìm đến chỗ Lenin ở tại Krakow. Tình yêu giữa hai người lúc đó rơi vào cơn khủng hoảng.
Lenin muốn chấm dứt mối tình giữa hai người, ít nhất là trong một thời gian nhất định. Song Inessa vẫn cố bấu víu vào người đàn ông, như trong lá thư duy nhất của bà, còn lại đến ngày nay: “Giá như em được thấy anh, có lẽ em sẽ dễ chịu hơn khi thiếu những nụ hôn của anh. Nếu thỉnh thoảng được trò chuyện với anh, em sẽ hạnh phúc xiết bao; và chúng ta nào có gây đau đớn cho ai? Sao anh lại không cho em được như thế?”.
Nhưng rốt cục, mối quan hệ giữa hai người vẫn bền chặt: từ tháng 1-1914, Lenin đã viết hơn 150 lá thư cho Inessa. Trong thư, những chỉ thị luôn chiếm phần chủ đạo, nhưng cuối thư thường là những ghi nhận về nỗi đau và sự hối hận, cũng như về tình cảm của Lenin đối với Inessa.
Trong những năm đầu của Thế chiến thứ nhất, Lenin và Inessa sống gần nhau và nhiều lần, Krupskaya đã viết về những cuộc đi dạo “tay ba” rất thân mật của họ. Nhưng từ đó trở đi, Inessa đã nhiều lần phản đối Lenin trong một số chuyện. Năm 1916, Lenin cử người tình qua Pháp với cái tên giả Sophie Popoff và dạo đó, hai người đã có những cuộc cãi vã lớn.
Lenin không bằng lòng về chuyện “Sophie” đã thổ lộ một cách lộ liễu tình cảm của mình với vị lãnh tụ bôn-sê-vích tại nước Pháp đang lâm chiếm, và ông cũng không giấu giếm ý kiến của mình. Hồi âm giận dữ của “Sophie” đã khiến Lenin kinh ngạc: “Những lời lẽ lỗ mãng không thể giải quyết bất cứ vấn đề gì”, ông viết. “Điều này khiến tôi không dám viết thư nữa”.
Inessa đã vượt biên đúng lúc và do đó, cô không bị bắt giữ. Rời bỏ Lenin và Krupskaya, cô ẩn dật cạnh hồ Geneva; tại đó, liên tục cô nhận được thư từ và những cú điện thoại của Lenin. Khi đó, người phụ nữ đã có thể giễu cợt Lenin: nhiều lần, cô không chịu hồi âm thư từ của Lenin, khiến vị thủ lĩnh bôn-sê-vích phải van nài khổ sở. Cũng có khi, để trêu tức Lenin, Inessa đã chỉ viết cho Krupskaya.
Tuy nhiên, cuộc Cách mạng tháng Hai 1917 đã khiến họ làm lành với nhau và cùng nhau về Nga qua nước Đức - lúc đó là kẻ tử thù của Nga - trên con tàu “kẹp chì” nổi tiếng. Tháng 11-1917, Lenin và các đồng sự cướp chính quyền ở Nga.
Tháng 3-1918, Inessa được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Xô-viết Moscow. Tháng Tám, sau khi phát biểu tại một nhà máy xe hơi ở Moscow, Lenin bị những kẻ lạ mặt ám sát. Hút chết, Lenin lập tức triệu Inessa về với mình. “Sự kiện này lại khiến chúng tôi thành một khối, thậm chí, bếu có thể, nó còn làm chúng tôi xích lại gần nhau hơn nữa” - Inessa viết cho con gái.
Nhờ biến cố kể trên, Inessa được phận một căn hộ lớn, đầy đủ tiện nghi, nằm ngay cạnh điện Kremlin; hơn thế nữa, cô còn được trò chuyện trực tiếp với Lenin qua một đường điện thoại khép kín. (Krupskaya nhận ra những dấu hiệu này và khi không thể chịu đựng được nữa, bà chọn đường rút lui. Krupskaya không ở bên Lenin trong khi ông đang hồi phục, và lập tức rời điện Kremlin).
Chẳng mấy chốc, Inessa trở thành chủ tịch phân bộ phụ nữ của Ban Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô và cô còn có quyền thế trong Quốc hội Xô-viết. Tuy nhiên, do những ngày tháng làm việc quá sức (14 giờ hàng ngày), trong hoàn cảnh cực nhọc, đói khát và bệnh tật của thời nội chiến, Inessa đã bị nhiễm dịch cúm.
Polyana Vinogradskaya, bạn gái của Inessa, từ mặt trận trở về thăm người bệnh, đã bị chấn động khi thấy Armand. “Người chị đầy bụi bặm. Chị ho và run rẩy. Bằng hơi thở, chị cố làm ấm ngón tay“.
Lenin, khi đó cũng mới hồi phục ít lâu, đã gửi hàng loạt thư cho Inessa. Ông còn cử thầy thuốc đến khám bệnh cho người tình, và ông bác sĩ xác nhận Inessa bị viêm phổi. “Em hãy thật giữ mình! Bảo các con ngày nào cũng gọi cho anh và kể về em cho anh hay. Em cần gì không? Thêm chất đốt nhé? Hay thức ăn? Ai nấu cho em? Hãy trả lời mọi câu hỏi của anh! Lenin của em”.
Inessa đỡ bệnh, nhưng vẫn gắng sức làm việc. Lenin buộc cô phải nghỉ ngơi và đi dưỡng bệnh tại một viện điều dưỡng ở Kislovodsk (vùng núi Caucasus). Nhưng khi được biết tại những dãy núi lân cận, “lũ phỉ Bạch vệ vẫn còn hoành hành”, ông ra ngay chỉ thị chuyển Inessa khỏi nơi đó.
Những vị khách và bệnh nhân được trang bị súng máy và được tập trung tại tòa nhà đảng bộ địa phương. Tuy nhiên, Inessa không hề nhắc đến những chi tiết ấy trong hồi ký của cô: thay vào đó, cô có những suy nghĩ, lo âu đen tối. “Tôi cảm thấy một ước mơ hoang dại: được ở lại một mình. Nhiều người xì xào bên cạnh, thật mệt mỏi… Phải chăng cái cảm giác này, cảm giác sâu sắc của cái chết, có bao giờ qua đi không? Thật kỳ lạ khi người ta cười cợt. Trong tôi, không còn chút tình cảm yêu thương nào, ngoại trừ tình cảm dành cho các con và V. I. [Lenin]… Dường như tim tôi đã chết“.
Hai ủy viên thành ủy bị giết hại và ngày 14-9, trong chuyến sơ tán, Inessa được cáng lên đoàn tàu quân sự. Tàu bị tấn công bởi súng máy và đại bác, nhưng sau đó nhiều ngày, nó vẫn đến được nơi an toàn, làng Belsan. Inessa xuống tàu để xin sữa và trứng cho một bệnh nhân mắc bệnh lao phổi của trại điều dưỡng. Tại đây, cô bị mắc bệnh tả và được chở vào viện. Song, đêm 23-9, Inessa bất tỉnh nhân sự và sáng hôm sau, như lời người bác sĩ điều trị, “Inessa đã bỏ chúng ta ra đi”.
Tám ngày sau, trong một chiếc quan tài đệm chì, thi thể Inessa được chở về Moscow vào sáng sớm. Ở sân ga, Alexander, Lenin và các con Inessa đón người đã khuất. Suốt đêm, một đội danh dự gồm các nữ quân nhân đã gác bên thi thể người tình Lenin. Hôm sau, Inessa được mai táng trên Hồng trường theo các nghi thức của một tang lễ quốc gia.
Alexandra Kollontai, nữ lãnh tụ nổi tiếng của Đảng Cộng sản Liên Xô, thuật lại: “Không thể nhận ra Lenin. Chúng tôi cảm thấy ông có thể ngã quỵ bất cứ lúc nào. Cả thân thể ông toát ra một nỗi buồn rầu. Dường như ông bị sa sút hoàn toàn… Mắt ông nhòe lệ, những giọt lệ mà ông cố kìm…“ (*)
(*) Bài viết của nhà văn Hungary Nemere István, dựa theo các tư liệu lịch sử được bạch hóa từ cuối thập niên 80 thế kỷ trước.
Hoàng Tuấn dịch
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn