ANH HÙNG LIÊN XÔ ZOYA: CHUYỆN THỰC HAY HUYỀN THOẠI?

Thứ sáu - 28/04/2006 14:48

(NCTG) “Câu chuyện về Zoya, bất kể đúng hay sai, có tác động giống như những huyền thoại, những sự tích các vị thánh tử vì đạo: thôi thúc người dân “noi gương” cô gái, khiến hàng vạn, hàng triệu con người Xô-viết sẵn sàng hy sinh đời kình mà không cần suy tính, “vì Tổ quốc, vì Stalin”, như một khẩu hiệu mà họ thường hô khi lâm trận”.


Zoya Kosmodemyanskaya, người phụ nữ đầu tiên được (truy) tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô


Hơn mười ngàn công dân Xô-viết, trong số đó có 90 phụ nữ, được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì những chiến công đạt được thời Thế chiến thứ hai. Trong các thập niên tiếp sau, nhà nước Xô-viết đã không tiếc tiền bạc của và công sức để gìn giữ và trau dồi huyền thoại về họ: hàng loạt phim ảnh, sách vở, triển lãm được sử dụng để vinh danh hình ảnh “chính thống” của những người anh hùng.
 
“Xứ sở của những anh hùng”

Ngay từ thuở sinh thời, Lenin đã tuyên bố nước Nga - Xô-viết là “xứ sở của những anh hùng”. Để “đáp ứng” mong mỏi đó của vị đại lãnh tụ bôn-sê-vích, hàng loạt “anh hùng” được tạo dựng để làm tấm gương cho quảng đại quần chúng noi theo.

Tiếp theo thế hệ anh hùng thời nội chiến - các tướng lĩnh lừng danh Budioniy, Chapayev, Frunze, Tukhachevsky... -, là những anh hùng lao động, những người làm việc hăng say, quên mình, có kỷ luật và kết quả cao trong các công xưởng, nhà máy. Để khen thưởng năng suất lao động phi thường của họ, nhà nước tặng họ những danh hiệu và phần thưởng kiểu quân đội.

Hình ảnh một nước Nga - Xô-viết tràn đầy những anh hùng lao động như Stakhanov chứa chở một thông điệp chính thức cho thế giới bên ngoài: trên đất nước Liên Xô tươi đẹp, bất kỳ ai cũng có thể trở thành anh hùng và trên mảnh đất anh hùng đó, cuộc đời đẹp như trong giấc mộng, điều kỳ diệu có thể đến ở mọi giây, mọi phút.

Sự tuyên truyền này càng được củng cố trong thời chiến, khi Liên Xô bị phát-xít Đức tấn công. Một đội ngũ các phóng viên chiến trường, các nhà văn, họa sĩ, các nhà nhiếp ảnh... coi việc “sáng tạo” hàng loạt những nhân vật anh hùng trong tác phẩm của họ là mục tiêu nghề nghiệp. Hằng hà sa số những “anh hùng” chính thống đã ra đời để phục vụ cuc chiến và phục vụ đường lối của Đảng, của chính phủ Xô-viết trong từng thời kỳ của chiến tranh.

“Phân loại” anh hùng

Dễ nhận thấy rằng những mẩu chuyện về người anh hùng “chính thống” được cấu thành từ một vài yếu tố rất ít ỏi. Cuộc đời các anh hùng phải theo sát những chuẩn mực của chủ nghĩa hiện thực XHCN và phải phản ánh những tính cách của một người bôn-sê-vích lý tưởng: kiên định, can đảm, gan góc và điều quan trọng nhất, phải trung thành với Đảng, với nhân dân.

Những anh hùng “chính thống” ở Liên Xô được chia thành nhiều nhóm.

Nhóm đầu tiên gồm những lãnh tụ quân sự, những chiến lược gia lớn, được toàn thế giới biết đến qua sách vở lịch sử. Đó là những người mà thiếu họ, Liên Xô đã không thể chiến thắng trong Thế chiến, như các nguyên soái Zhukov, Timoshenko, Rokossovsky... (và tất nhiên, công đầu phải thuộc về “đại nguyên soái”, “thiên tài quân sự” Stalin!). Tuy nhiên, cạnh các tướng tá và các chiến lược gia, còn có hàng triệu người - nam, nữ, già trẻ - chiến đấu vì tổ quốc Xô-viết.

Trong số họ, một số người được chọn để đưa vào nhóm thứ hai: đó là những người lính, những du kích được “vinh danh” vì thành tích chiến đấu trên chiến trường. Có thể nhắc đến vài ví dụ điển hình: Oleg Koshevoy, người du kích dũng cảm đã cùng các bạn chiến đấu trẻ tuổi chống lại phát-xít Đức tại vùng quê Krasnodon bị chiếm đóng; hay Aleksander Matrosov, người chiến sĩ đã lấy thân mình bảo vệ cứ điểm trước đợt tấn công của quân Đức.

Nhóm thứ ba của các anh hùng “chính thống” gồm những liệt sĩ bị Đức bắt giữ, nhưng đã một mực trung thành với tổ quốc (với đảng!), chịu đựng mọi cực hình và hy sinh anh dũng. Trong số đó, người anh hùng trẻ tuổi nhất là Zoya Kosmodemyanskaya, cô đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản (Komsomol) mà một thời, giới trẻ ở Việt Nam từng sùng mộ.

Huyền thoại về người nữ anh hùng

Zoya Kosmodemyanskaya (hay Tanya, như cô thường tự gọi mình) là một tên tuổi rất quen thuộc với lớp thanh niên trưởng thành trong những năm 60, 70 ở miền Bắc Việt Nam. Trong thập niên 70, cuốn sách thuật lại cuộc đời ngắn ngủi, nhưng anh dũng, của cô gái Xô-viết - do một nhà xuất bản Liên Xô ấn hành - đã làm say mê nhiều thế hệ thanh thiếu niên tuổi mới lớn.

Theo các sách vở chính thống, Zoya vừa tròn 18 tuổi khi chiến tranh nổ ra và lập tức, cô tự nguyện tham gia phong trào du kích. Tháng 11-1941, cô được cử vào sâu trong lòng địch để thực hiện những vụ tập kích, phá rối các đơn vị Đức đang tiến đến gần thủ đô Moscow. Đầu tháng Chạp, Zoya bị quân Đức phát hiện ở làng Petrischevo (cách Moscow 70 cây số) khi cô đang định đốt một chuồng ngựa, nơi lính Đức đồn trú qua đêm.


Zoya bị treo cổ - Ảnh tư liệu

Bị bắt và bị hành hạ dã man, song Zoya không chịu cung khai và đã có những lời lẽ đanh thép với quân thù: “Chúng bay tưởng có thể chiến thắng 200 triệu người Xô-viết ư? Các đồng chí của tao sẽ trả thù cho tao! Liên Xô sẽ chiến thắng!”. Cuối cùng, cô bị treo cổ; với cuộc đời ngắn ngủi và hành động dũng cảm đó, cô được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô vào tháng 3-1943.

Công bằng mà nói, không thấy có gì thật đặc biệt trong câu chuyện nói trên: hàng ngàn, hàng vạn trường hợp tương tự đã có thể - thậm chí, chắc chắn đã xảy ra - trong vùng lãnh thổ Liên Xô bị quân Đức chiếm đóng. Vậy, tại sao Zoya lại được lựa chọn để trở thành người anh hùng được cả nước yêu quý và ngưỡng mộ, lại là nhân vật của những vần thơ “bốc lửa”, của bộ phim khiến hàng triệu con tim phải nức nở?

“Công nghệ” tạo dựng anh hùng

Thử xem huyền thoại Zoya được hình thành, phát triển và được tận dụng như thế nào trong chiến tranh?

Bộ máy tuyên truyền quân sự nhắc đến cái tên Zoya lần đầu tiên vào ngày 25-1-1942, trong bài viết của tác giả Pyotr Lidov của báo “Pravda” (Sự thật). Tiếp theo đó, hàng loạt phóng sự ra đời, miêu tả kỹ lưỡng chuyện cô gái trẻ bị bắt giữ, tra tấn và hy sinh như thế nào. Qua các bài viết, hình ảnh Zoya dần dần được cô đúc: đó là một cô gái mồ côi, hiện thân của những giá trị cộng sản chủ nghĩa và tôn giáo truyền thống, như trung thành, tận tụy, dũng cảm quên mình, quý mến đồng chí, đồng đội, yêu tổ quốc và dĩ nhiên, yêu đảng!

Như trong truyện cổ tích, cô từ giã bà mẹ dấu yêu như sau: “Mẹ ơi, mẹ đừng khóc, con sẽ trở về, hoặc như một anh hùng, hoặc sẽ hy sinh cũng như một anh hùng”. Trên tờ “Pravda” số ra ngày 17-2-1942, chính bà mẹ Zoya đã tuyên bố rất tự hào về cô con gái can đảm và trung thành: “Zoya đã hy sinh như một chiến sĩ chân chính, một người đàn ông cộng sản”. Cố nhiên, trong bài báo, bà mẹ lên tiếng kêu gọi nhân dân Xô-viết hãy trả thù cho con gái bà.

Nỗi đau và sự buồn bã của bà mẹ Zoya không phải là chuyện quá hiếm hoi trong thời kỳ chiến tranh. Nhưng việc bà được cử đi chu du khắp đất nước, đăng đàn diễn thuyết tại các trường học và công xưởng, kể đi kể lại nhiều lần về cuộc đời và cái chết anh dũng của con bà, là một việc hi hữu trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Trong số cử tọa, có nhiều bà mẹ gặp phải nỗi đau tương tự và những giọt nước mắt của họ không phải lúc nào cũng dành cho Zoya...

Bức ảnh nổi tiếng do Serguei Strunnikov chụp sau khi Zoya bị giảo hình, đã góp phần rất đáng kể khiến sự sùng bái Zoya được lan truyền rộng rãi trong dân chúng. Trong tấm ảnh, có thể thấy cơ thể cô gái trên mặt tuyết đóng băng, sợi dây thòng lọng còn nguyên trên cổ, ngực trần không che đậy, gương mặt bình thản, sắc mặt hiền hòa. Tấm ảnh này đặc biệt trên nhiều phương diện.

Thứ nhất, nó mô tả cái chết tức tưởi của một công dân Liên Xô, một điều hiếm thấy trong nền báo chí Xô-viết thời ấy, vốn tập trung và thiên về những mẩu tin “tô hồng” sự thật. Mặt khác, nó cho thấy hình ảnh một phụ nữ, không phải trong vai trò người vợ hay người mẹ truyền thống ở nước Nga - Xô-viết quen thói “đạo đức giả”, mà với bộ ngực trần và tư thế khêu gợi, gợi nhớ đến biểu tượng tự do của nước Pháp.

Như sách vở thuật lại, những lời tuyệt mệnh của Zoya là: “Tôi mừng vì được hy sinh vì nhân dân tôi. Stalin ở bên cạnh chúng tôi”; như thế, vẻ mặt hài hòa và bình thản toát ra từ tấm ảnh cho thấy nghĩa lý của sự hy sinh, một điều vốn đặc trưng cho những người tử vì đạo, chứ không phải cho những anh hùng bôn-sê-vích.

Hình ảnh Zoya tiếp tục được khắc họa trong các ngành nghệ thuật khác. Nữ thi sĩ trẻ tuổi Margarita Aliger đã sáng tác một bài thơ về Zoya vào tháng 9-1942, theo cảm hứng khi coi bức ảnh chụp Zoya. Bài thơ được nhạc sĩ Kremker phổ nhạc và bản nhạc trở thành ca khúc thịnh hành vào bậc nhất của Đội Thiếu niên Tiền phong. Một cuốn sách nhỏ, loại bỏ túi, về cuộc đời của Zoya được in ấn cấp tốc và được phát cho các chiến sĩ ngoài mặt trận, nhằm tăng cường lòng căm thù và củng cố ý chí chiến đấu trong quân đi.

Dựa theo bài thơ của Aliger, đạo diễn Lev Arnstam đã dựng một bộ phim về cuộc đời Zoya (phần nhạc do nhạc sĩ nổi tiếng Shostakovich soạn). Bộ phim được trình chiếu năm 1944 và đạt thành công lớn; trong vai nhân vật chính, nữ tài tử trẻ tuổi và xinh đẹp Galina Vodyanitskaya đã thủ vai rất nhiệt tình, mạnh mẽ và đầy thuyết phục, gây ấn tượng lớn cho khán giả Liên Xô đương thời, mặc dầu thông điệp của bộ phim khá đơn sơ: Zoya bất tử, kẻ thù không thể giết được cô.

Sự thật hay sản phẩm của bộ máy tuyên truyền?

Sau năm 1991, khi Liên Xô tan rã, công luận và giới sử học ngày càng đòi hỏi sự thật ở một lĩnh vực mà trước đó họ đã gặp phải nhiều giả mạo. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đã nghi ngờ đặt câu hỏi: phải chăng Zoya đơn thuần chỉ là sản phẩm của bộ máy tuyên truyền Xô-viết?

Đây là một câu hỏi khó giải đáp, một phần vì từ đó đến nay nửa thế kỷ đã trôi qua, phần khác vì nó dễ đụng chạm đến hương hồn một liệt sĩ trẻ tuổi và cả một thế hệ của cô, những người đã trải qua gần nửa thập niên của tuổi thanh xuân trong binh lửa chiến tranh. Nhưng, để lịch sử được trung thực như nó phải có, không thể bỏ qua câu hỏi đó.


Bức ảnh nổi tiếng của Serguei Strunnikov


Năm 1991, một người phụ nữ thuật lại trên tờ báo Nga “Argumenty i Fakty” (Luận chứng và sự kiện): theo lời kể của chồng bà, vốn là một phóng viên chiến trường làm việc tại vùng Zoya hoạt động, thì Zoya bị chính người dân địa phương ném đá cho đến chết bởi trước đó, cô đã thực hiện những vụ phá hoại có hiệu quả, khiến quân Đức bắt nhiều con tin trong số dân bản địa.

Tờ báo cũng đăng tải một tư liệu chính thức, theo đó Zoya được điều động đến vùng quê nói trên để tiêu diệt toàn bộ dân chúng Liên Xô trong vòng bán kính 60 km; như vậy, trái với những lời tuyên truyền “chính thống”, mục tiêu để phóng hỏa của cô du kích trẻ không phải là đơn vị lính Đức ngủ qua đêm trong chuồng ngựa, mà là những người dân Xô-viết vô tội sống trong vùng “địch hậu”, đa số là đàn bà, trẻ em và người già. Điều này không có gì khó hiểu vì vào thời đó, nhiều người dân ở các vùng bị Đức chiếm đóng đã bị đày ải vì người ta sợ họ “bắt tay với quân xâm lược”.

Một vị tướng về hưu còn cho biết: Zoya có một nữ đồng chí tên là Vera Volosina, đã cùng cô hoạt động bí mật và cũng bị bắt bớ, tra tấn và tử hình như cô, nhưng không hiểu vì lý do gì, bộ máy tuyên truyền Xô-viết đã lựa chọn Zoya vào vai trò anh hùng “chính thống” và lờ tịt cô gái kia đi.

Câu chuyện còn trở nên kỳ quặc hơn nữa khi các bác sĩ khoa tâm thần bệnh viện Moscow kể lại rằng trước Đệ nhị Thế chiến, khi mới 14 tuổi, Zoya bị mắc chứng tâm thần phân liệt, hoang tưởng và phải đến viện điều trị, nhưng ngay sau chiến tranh, toàn bộ tập hồ sơ bệnh án của cô đã bị Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD - cơ quan mật vụ chính trị Liên Xô) đột ngột đem đi. Người ta còn ngờ bức ảnh nổi tiếng chụp cô sau khi qua đời, lại là ảnh một cô gái khác tên là Lilia Azolina.

Dĩ nhiên, tất cả những điều này đã khiến một số cựu đoàn viên Comsomol - cũng như các cựu chiến binh - bất mãn, vì họ cảm thấy xúc phạm. Cố gắng bám lấy thần tượng những anh hùng “chính thống”, họ đề nghị Học viện Nghiên cứu các bằng chứng luật học cử một số chuyên gia “độc lập” xem xét vụ này. Cuối cùng, dựa trên các bằng chứng “đã có”, các chuyên gia tuyên bố: cô gái trên ảnh đúng là Zoya!

Sự thật lịch sử ở đây là gì? Có lẽ không bao giờ chúng ta được biết đích xác! Tuy nhiên, khi một người bạn của Lev Arnstam - đạo diễn bộ phim nổi tiếng về Zoya - nói với ông rằng câu chuyện “thực sự” về Zoya không hề dính dáng gì đến những huyền thoại được lan truyền về cô gái, nhà đạo diễn điềm nhiên đáp: “Thì tôi vẫn cứ dựng bộ phim như đã dựng. Câu chuyện là thứ quan trọng hơn là những tiểu tiết”.

Như vậy, ở đây, thứ huyền thoại được dựng lên không cần dựa vào sự thật lịch sử. Trong trường hợp Zoya, người ta tìm thấy ở cô gái có ngoại hình hấp dẫn này một số tính cách và hành động phù hợp với những chuẩn mực cộng sản, nên đã không ngần ngại biến cô thành một huyền thoại “chính thức” của chế độ.

Trong Thế chiến thứ hai, người dân Liên Xô - vốn đã đã kiệt sức vì chính sách “đại khủng bố” của Stalin và những khó khăn trong cuộc sống - lại phải trải qua nhiều gian lao khó tưởng tượng, đòi hỏi nghị lực phi thường. Sự sùng bái những anh hùng được gây dựng và lan truyền đóng vai trò quan trọng khiến quân, dân Xô-viết cảm thấy họ có thể chặn đứng và chiến thắng Hitler.

Câu chuyện về Zoya, bất kể đúng hay sai, có tác động giống như những huyền thoại, những sự tích các vị thánh tử vì đạo: thôi thúc người dân “noi gương” cô gái, khiến hàng vạn, hàng triệu con người Xô-viết sẵn sàng hy sinh không suy tính, “vì Tổ quốc, vì Stalin”, như một khẩu hiệu mà họ thường hô khi lâm trận.

Nguyễn Hoàng Linh, theo báo chí Hungary


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn