VỀ CÁI GỌI LÀ “THIÊN TÀI QUÂN SỰ” STALIN (Phần cuối)

Thứ sáu - 24/06/2005 00:17

(NCTG) “Sau những thất bại và những tổn thất khốc hại đầu tiên ở chiến trường, Stalin đã mất lòng tin và tưởng rằng Liên Xô đã lâm vào đường cùng: “Trong một bài diễn văn hồi đó, Stalin tuyên bố: “Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn tất cả những gì Lenin tạo ra”.


Stalin và Nguyên soái Boris Shaposhnikov - trong thâm tâm, vị đại nguyên soái luôn đố kỵ và ghen ghét cái tướng lĩnh tài năng - Ảnh tư liệu

Kỳ trước, chúng ta đã được biết đến cái nhìn của Nikita Khrushchev về những sai lầm thảm khốc về quân sự của Stalin đã phạm phải thời kỳ trước cuộc chiến với phát-xít Đức. Cũng trong chương “Stalin và cuộc chiến tranh” của bản báo cáo “mật” đọc tại Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô (cuối tháng 2-1956), lãnh tụ của Liên bang Xô-viết thời ấy còn cung cấp nhiều thông tin về thực chất “thiên tài quân sự” của Stalin trong chiến tranh Vệ quốc của nhân dân Liên Xô.
 
*

Ngay ở đoạn mở đầu, Khrushchev đã cải chính huyền thoại cho rằng Stalin cũng quyết tâm chiến đấu đến cùng và do đó, đã củng cố được tinh thần quân đội và nhân dân (Huyền thoại này cũng đã được chính con gái Stalin cải chính và về sau, để không ai biết đến việc mình mất lòng tin, Stalin đã tìm cách thủ tiêu tất cả những nhân chứng từng chứng kiến sự thật ngày đó).

Như lời Khrushchev, sau những thất bại và những tổn thất khốc hại đầu tiên ở chiến trường, Stalin đã mất lòng tin và tưởng rằng Liên Xô đã lâm vào đường cùng: “Trong một bài diễn văn hồi đó, Stalin tuyên bố: “Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn tất cả những gì Lenin tạo ra”. Cũng theo Khrushchev, “trong một thời gian dài, trong thực tế Stalin không điều khiển các cuộc hành quân, nói chung đồng chí ấy không làm gì cả.

Stalin chỉ nắm lại quyền chỉ huy quân sự sau khi một số Ủy viên Bộ Chính trị tới gặp đồng chí ấy, yêu cầu thi hành cấp tốc một số biện pháp để cải thiện tình hình ngoài trận tuyến. Như thế, mối nguy hiểm khôn lường đe dọa tổ quốc chúng ta trong thời kỳ đầu chiến tranh, phần lớn bởi Stalin đã thực hiện những phương pháp sai lầm trong việc điều khiển đảng và nhà nước
”.

Tuy nhiên, Khrushchev cho rằng cá nhân Stalin không chỉ “phá hủy trầm trọng quân đội và gây ra nhiều thiệt hại nặng nề” khi cuộc chiến tranh mới nổ ra: theo ông, về sau này, “sự mất bình tĩnh và chuyện Stalin can thiệp loạn xạ vào công việc chỉ đạo quân sự cũng làm quân đội ta bị thiệt hại nhiều”. Một số yếu kém của Stalin trong quân sự được Khrushchev nêu ra, như sau:

- Stalin hoàn toàn không hiểu những sự kiện diễn ra ở trận tuyến vì một lý do đơn giản: “trong suốt thời kỳ chiến tranh vệ quốc, Stalin không hề đi kinh lý một trận tuyến nào, hay một thành phố nào vừa được giải phóng, ngoại trừ một cuộc thăm viếng đoạn đường ngắn trên quốc lộ Mojaisk, khi tình thế đã ổn định trên trận tuyến”. (Khrushchev còn phê phán giới văn nghệ sĩ “cung đình” Liên Xô thời ấy, đã “thêm thắt mọi thứ chuyện bịa đặt” và tốn nhiều giấy mực để “tụng ca” cho chuyến đi duy nhất ấy).

- Stalin can thiệp vào việc thực hiện những cuộc hành quân, đưa ra các mệnh lệnh không căn cứ vào tình hình thực tế của trận tuyến, đem lại rất nhiều tổn thất không thể tránh khỏi cho quân đội Liên Xô. (Trong phiên họp, Khrushchev đã kể lại một trường hợp - với sự chứng thực của các nguyên soái lừng danh như Nguyên soái Bagramian (chỉ huy các cuộc hành quân ở Tổng hành dinh mặt trận phía Tây Nam) và Vasilyevsky (một yếu nhân của Bộ tổng chỉ huy quân đội Xô-viết trong chiến tranh) - mà sự can thiệp vô lý của Stalin (không cho phép quân đội Liên Xô, khi đó đang bị đe dọa bao vây và tiêu diệt, được rút quân), bất chấp sự can ngăn của các lãnh đạo quân sự, đã khiến hàng ngàn người lính thiệt mạng oan uổng).

- Stalin “vốn không hề để tâm đến những vấn đề căn bản của nghệ thuật lãnh đạo quân sự”, nên các sách lược của ông đã khiến Liên Xô “hao tổn nhiều xương máu, cho đến lúc chúng ta ngăn chặn được quân thù và chuyển sang phản công”. Khrushchev đưa ví dụ: ngay từ cuối năm 1941, đáng lý phải đẩy mạnh cuộc tổng hành quân đánh chặn ngang quân địch để tiến vào hậu tuyến của chúng, Stalin lại ra lệnh đánh trực diện để chiếm từ vùng này sang vùng nọ, khiến quân đội Liên Xô chịu nhiều tổn hại nặng nề, “cho đến khi các đại tướng của ta - hai vai mang mọi gánh nặng của chiến tranh - đã biến đổi tình hình và chuyển sang những cuộc hành quân mềm dẻo hơn, mang lại những thay đổi lớn tức thì, có lợi cho chúng ta”.

- Stalin, với bản tính đố kỵ và ghen ghét người tài, “sau những chiến thắng lớn, phải trả bằng giá rất đắt”, “lại đặt dấu hỏi về công trạng của nhiều nhà chỉ huy quân sự, những người đã có công đánh bại quân thù” vì ông “không thể chấp nhận việc những công lao ở mặt trận lại có thể do người khác làm nên”, theo lời Khrushchev.

Chẳng hạn, như về Nguyên soái Zhkov, vị thống chế vĩ đại nhất của Đệ nhị Thế chiến, Stalin luôn đố kỵ và gieo tắc những tiếng xấu nực cười, như bảo Zhukov, trước mỗi cuộc hành quân, lại vớ một nắm đất, đưa lên mũi ngửi rồi nói: “Chúng ta có thể tấn công” hoặc ngược lại: “Chưa thể thực hiện kế hoạch dự định!”. Khruschev cho rằng “có thể chính Stalin đã bịa đặt ra những chuyện kiểu ấy để hạ thấp vai trò và tài năng quân sự của Nguyên soái Zhukov”.

- Đồng thời, theo Khrushchev, Stalin đã chủ tâm tăng cường sự sùng bái cá nhân ông ta bằng cách “rất sốt sắng tự tỏ ra mình là một tướng lĩnh giỏi”: “Bằng những phương cách khác nhau, Stalin đã gieo rắc trong đầu óc quần chúng ý nghĩ rằng mọi chiến thắng của đất nước Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đều do lòng quả cảm, sự can đảm và thiên tài lỗi lạc của Stalin”.

Một lần nữa, Khrushchev phê phán thái độ xu nịnh của một số văn nghệ sĩ Xô-viết, đã sáng tác vô số phim ảnh lịch sử và quân sự, cũng như các tác phẩm văn học, để tụng ca thiên tài quân sự của Stalin. Điển hình của “thể loại” “nghệ thuật” cung đình ấy là bộ phim “Berlin thất thủ” (*) mà trong đó, “không thèm để tâm đến thực tế và sự thực lịch sử, người ta muốn bao bọc Stalin trong vầng hào quang”.

Khrushchev châm biếm: “Trong đó, Stalin là nhân vật duy nhất hành động; đồng chí ấy ra lệnh trong một gian phòng có nhiều ghế bỏ trống, chỉ có một người đến gần Stalin và báo cáo gì đó. Người đó là Poskrebyshev, kẻ hầu cận trung thành của Stalin (**)”.

Kết luận, Khrushchev nhấn mạnh: “Trong cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại, chiến thắng không phải là sản phẩm của Stalin, nó thuộc về toàn đảng, toàn chính phủ Liên Xô, thuộc về quân đội anh hùng, thuộc những tướng lĩnh tài ba và những người lính quả cảm, thuộc về toàn thể nhân dân Xô-viết”.
 
*

Qua bốn kỳ báo, chúng tôi đã tổng hợp những ý kiến của hai cộng sự của Stalin, là Nguyên soái Zhukov và người kế nghiệp ông, Nikita Khrushchev về “thiên tài quân sự” của vị “đại nguyên soái” (danh hiệu Stalin tự tấn phong cho mình).

Sau khi Liên Xô chủ trương cải tổ vào giữa thập niên 80 thế kỷ trước, và nhất là sau những biến cố 1991-1993, các kho lưu trữ mật ở Moscow được phần nào rộng mở, chúng ta đã có thể tiếp cận những nguồn thông tin chính xác và khả tín hơn về nhân vật lèo lái Liên bang Xô-viết trong vòng 30 năm.

Là một gương mặt lớn của lịch sử nước Nga - Xô-viết, nhưng sinh thời, Stalin đã phạm phải vô số sai lầm khủng khiếp mà việc đánh giá chúng một cách toàn diện và rốt ráo, hơn 50 năm sau ngày ông mất, vẫn là nhiệm vụ của giới sử học thế giới.

Ghi chú:

(*) Của đạo diễn Michel Chiaureli, quay năm 1949. Trong phim, Nguyên soái Zhukov - người lãnh đạo Hồng quân chinh phục Berlin - chỉ xuất hiện một vài phút để nhận mệnh lệnh của Stalin.

(**) Poskrebyshev là thư ký riêng của Stalin.

Trần Lê - Tổng hợp theo các tài liệu tiếng Hung


 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn