Nagy Imre và các đồng sự trước phiên tòa ngụy tạo (năm 1958)
Làn sóng di tản cuốn theo nhiều nhân vật lỗi lạc của giới trí thức Hung; không ít những người ở lại im lặng và chối từ sự cộng tác với chính quyền mới. Ban lãnh đạo cộng sản Hung, đứng đầu là tổng bí thư Kádár János, phải tìm mọi cách để "tái chinh phục" thiện cảm của quốc tế cho nước Hung. Tận dụng những khả năng sẵn có về du lịch của Hung (sông Duna, hồ Balaton, thành Eger...), chính phủ Hung đã thảo ra một giải pháp hữu hiệu: mở cửa từng bước trước du khách phương Tây, tạo ra trước họ hình ảnh một chế độ cộng sản cởi mở, tại đó dân chúng vẫn có xúp thịt và bánh mì (gulyáskommunizmus), vẫn có tự do ở một mức tối thiểu. Kết quả là sau khoảng 10 năm "đóng cửa", vào năm 1959, đã có vài chục đoàn du khách phương Tây sang Hung tham quan.
Thời ấy, đa số khách du lịch qua Hung từ các nước "tư bản" đều là dân nghèo, sống bằng đồng lương hạn hẹp; trong số đó, có không ít những nhân vật ít nhiều thiên tả. Họ là những người đầu tiên, sau một thời gian dài, có điều kiện tiếp cận với hoàn cảnh chính trị và xã hội nước Hung. Trong giai đoạn đó, chuyện đi lại, ăn ở của họ còn là một vấn đề chính trị. Những hướng dẫn viên (HDV) du lịch Hung được nhận một nhiệm vụ chính trị "cao cả": phải làm sao để du khách, khi rời Hung, có ấn tượng thật "tích cực" về đất nước này. Đó là một phần của chính sách tuyên truyền chính trị, nhằm gây "ảnh hưởng" trực tiếp và gián tiếp đến dân chúng phương Tây.
Tư liệu đáng chú ý sau đây - thực tế là một báo cáo đệ trình lên "Phòng Công nghiệp và Giao thông" của Đảng Công nhân Xã hội Hung (1) - bao gồm những thắc mắc "khó xử" mà khách du lịch phương Tây thường đặt ra cho các HDV Hung. Những câu hỏi vô cùng đơn giản, thậm chí ngây thơ (hay giả bộ ngây thơ?) ấy, một mặt, phản ánh suy nghĩ của những thường dân sống tại các xứ "tư bản" (cách hiểu của họ về bản chất của hệ thống XHCN), mặt khác, cho thấy những "vấn nạn" đã khiến thể chế Kádár cảm thấy bối rối (hẳn vì họ không thể giải đáp chúng một cách rốt ráo!) Mặt khác, trừ một vài vấn đề mang tính "địa phương", đa số những câu hỏi còn lại phản ánh một bức tranh hết sức đặc thù và tiêu biểu của xã hội các xứ XHCN khác.
Bản báo cáo này do bà Frisnyák Zsuzsa, cộng tác viên Học viện Lịch sử trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hung, tìm thấy trong Kho Lưu trữ Quốc gia Hungary, và đã được đăng tải trên nguyệt san "Lịch sử" (História), số 3 năm 2000.
*
TƯ LIỆU
Báo cáo
Trong mùa du lịch năm 1958, chúng ta đã tiếp đón rất nhiều đoàn du lịch từ các nước phương Tây. Có thể nói rằng, hầu như không có ngoại lệ, những du khách này đều đến nước ta với một định kiến rất lớn; đôi khi, họ bị giới truyền thông tư sản bản địa đánh lạc hướng đến mức nực cười. Phù hợp với điều đó, trong thời gian đầu ở Hung, họ tỏ ra dè dặt, căng thẳng và thỉnh thoảng còn cảm thấy sợ hãi. Đa số lẩn tránh đến mức khổ sở những câu hỏi mang tính chính trị. Nói chung, tâm trạng căng thẳng biến đi nhanh chóng và trong những ngày cuối ở Hung, họ đã tiếc rẻ vì phải chia tay với chúng ta.
Có thể đưa ra một nhận định: đại đa số du khách phương Tây đến Hung để giải trí, để tìm hiểu nước ta, chứ không phải để khiêu khích hay cư xử một cách thù địch.
Tuy nhiên, cũng có những kẻ, bằng cử chỉ hay bằng những câu hỏi đặt ra, muốn nhạo báng, khiêu khích chúng ta.
Những HDV của chúng ta được nhận chỉ thị không khởi xướng các cuộc tranh luận mang tính chính trị với du khách phương Tây. Song, trong trường hợp họ nhận phải câu hỏi - cho dù có thể xuất phát từ sự thiếu học thức - xúc phạm nước Cộng hòa Nhân dân Hungary, hoặc có ảnh hưởng xấu đến thể chế của chúng ta, các HDV CÓ BỔN PHẬN phải trả lời một cách phù hợp.
Chúng tôi tập hợp ở đây một số câu hỏi mang tính khiêu khích hoặc theo chiều hướng đó. (Sự phân loại theo từng quốc gia không có nghĩa là, chẳng hạn, du khách Anh đặt nhiều câu hỏi khích bác nhất.)
Sau đây là những câu hỏi đó:
1. Tại sao sao đỏ lại được trương lên các nhà máy, cũng như các tòa nhà lớn?
2. Tại sao quân đội Xô-viết lại có mặt ở Hung?
3. Có phải chỉ những đảng viên mới được nhận cương vị lãnh đạo?
4. Những người di tản hồi hương từ phương Tây có số phận ra sao (2)?
5. Tại sao dân Hung không được sang các nước phương Tây một cách vô hạn định, như các công dân phương Tây?
6. Các nhà thờ mở cửa suốt tuần, hay chỉ vào ngày Chủ nhật?
7. Trong các trường học, tôn giáo có được giảng dạy hay không?
8. Tại sao ở Budapest lại có ít cửa hiệu tư nhân, quá ít so với ở các xứ phương Tây?
9. Tại sao công cuộc xây dựng tàu điện dưới lòng đất (3) lại bị đình chỉ?
10. Người dân, nếu muốn, có được mua xe hơi riêng (4) hay không? Họ có được trả góp không?
11. Mindszenty (4) hiện nay ra sao?
12. Công dân Hung có được phép duy trì quan hệ với phương Tây không? (Thư từ, hoặc thăm viếng theo lời mời).
13. Có thể bảo vệ Nhà Quốc hội một cách hữu hiệu nhất từ phía nào?
14. Có những viên chức Xô-viết làm việc trong các công sở Hung hay không?
15. Tại sao quốc huy Hung lại có sao đỏ?
16. Trong quốc hội Hung, có đảng đối lập không?
17. Dân Hung có được đọc báo chí phương Tây không?
18. Ở Hung, có được trình chiếu, công diễn những bộ phim và vở kịch về đề tài phương Tây hay không?
19. Nông dân Hung được tự canh tác, hay họ buộc phải gia nhập các nông trang tập thể?
(Các câu hỏi 1-19 của du khách Anh.)
20. Làm thế nào để cưỡng bức dân chúng đi bầu cử?
21. Khi chiếu phim Liên Xô, các rạp có trống rỗng hay không?
22. Tại sao lại có bất đồng Hung - Nam Tư?
23. Nền báo chí Hung có bị đặt dưới sự điều khiển của Liên Xô không?
24. Tại sao các văn sĩ Hung lại im lặng?
25. HDV du lịch có nhận được chỉ thị là họ có thể trả lời những câu hỏi nào hay không?
(Các câu hỏi 20-25 của du khách Ý.)
26. Tại sao Mindszenty lại phải chạy vào tòa sứ quán Hoa Kỳ?
27. Tại sao học sinh lại phải học tiếng Nga trong nhà trường?
28. Trao đổi thư từ với người dân các nước tư bản có nguy hiểm không?
29. Tại sao lại cấm mang thư từ qua phương Tây?
30. Công dân Hung có bị sách nhiễu không, nếu họ có người quen từ một nước tư bản sang thăm?
31. Tại sao dân Budapest lại không dám chuyện trò với người ngoại quốc về những vấn đề chính trị?
32. Những ai được phép đi ra nước ngoài?
33. Dân Hung có cảm tình với người Đức không?
(Các câu hỏi 26-33 của du khách Tây Đức.)
34. Từ ngày "cách mạng" (5), có nhiều binh lính Liên Xô ở Hung hơn trước không?
35. Tại sao công nhân Hung không được đình công?
36. Trong trường học, học sinh có được học các thứ tiếng phương Tây không?
37. Tại sao dân Hung không được quyền bày tỏ quan điểm chính trị của họ?
(Các câu hỏi 34-37 của du khách Pháp.)
38. Có bao nhiêu nhà thờ Thiên Chúa giáo được hoạt động ở Budapest?
39. Tại sao dân chúng Budapest lại buồn bã?
40. Có phải Liên Xô chỉ đạo Hung về chính trị và kinh tế không?
(Các câu hỏi 38-40 của du khách Bỉ.)
41. Sau khi hồi hương, những người di tản có bị giam giữ không?
(Câu hỏi 41 của du khách Áo.)
Budapest ngày 18-5-1959
Chú thích:
(1) Tức Đảng Cộng sản Hung.
(2) Sau cách mạng 1956, trong vòng hai tháng rưỡi, có hơn 200.000 công dân Hung di tản sang phương Tây.
(3) Tiếng Hung là "földalatti" (một loại xe điện chạy ngầm dưới lòng đất, có từ cuối thế kỷ XIX), để phân biệt với "métro" (tàu điện ngầm, mới có sau Thế chiến thứ hai).
(4) Tại Hung, vào thập niên 60, xe riêng vẫn được coi là biểu tượng của "quyền quí"!
(5) Đức Hồng y Mindszenty József (1892-1975) bị chính quyền kết án chung thân năm 1949 dựa trên những lời buộc tội bịa đặt. Được phóng thích năm 1956, ông kêu gọi dân Hung đứng lên làm cách mạng năm 1956. Bị Liên Xô truy đuổi, Mindszenty trốn chạy vào tòa đại sứ Mỹ ngày 4-11-1956 và ở đó đến năm 1971. Sau đó ông qua Roma và sống lưu vong đến khi mất.
(6) Tức cách mạng 1956 (trước năm 1990, chính quyền Hungary coi biến cố 1956 là "cuộc bạo loạn phản cách mạng").
Tuấn Hoàng dịch, giới thiệu và chú giải
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn