NẠN NHÂN CUỐI CÙNG

Thứ năm - 01/05/2003 23:51

(NCTG) "Bác sĩ Tùng chạy bổ vào phòng và nhận thấy Hương ngồi bên chiếc bàn, hai tay ôm mặt và hát. Mái đầu cô bạc thêm bội phần, những sợi tóc trắng rối bời xõa xuống gò má và khi Hương ngẩng đầu nhìn người bác sĩ, trong ánh mắt của cô không hề có niềm vui hay nỗi buồn...".

Những nạn nhân của chiến tranh: Sơn Mỹ, Quảng Ngãi (1968) - Ảnh: VNTTX

Những nạn nhân của chiến tranh: Sơn Mỹ, Quảng Ngãi (1968) - Ảnh: VNTTX

Lời giới thiệu: Kể từ giữa thập niên 50, khi Việt Nam và Hungary chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đến những năm 90 của thế kỷ trước, đã có khá nhiều sách vở tiếng Hung được in về Việt Nam, trong số đó, mảng sách về cuộc chiến Việt Nam chiếm phần không nhỏ. Ngày nay, khi đọc lại những trang sách mang dấu ấn lịch sử về cuộc chiến Việt Nam từ vài ba chục năm trước, chúng ta vẫn tìm được nhiều điểm thú vị, mang thời sự tính. "Mùa xuân ở phố Hàng Đào" (*) của Kékesdi Gyula là một trong số những cuốn đó.

Tác giả cuốn sách là phóng viên thường trú ở Việt Nam của tờ nhật báo "Tự do Nhân dân" (Népszabadság, trước kia từng là cơ quan ngôn luận của Đảng Công nhân Xã hội, tức Đảng Cộng sản Hung; nay vẫn là nhật báo hàng đầu của nước Hung). Đã ở Việt Nam nhiều năm, từng bôn ba nhiều vùng Nam - Bắc, lại có mặt đúng vào thời gian "nóng bỏng" 1974-1976, Kékesdi có nhiều bài phóng sự sinh động về Việt Nam và các bài này được chọn lọc và đăng lại trong tập "Mùa xuân ở phố Hàng Đào". 

Đọc cuốn sách, độc giả khó quên câu chuyện bi thảm sau đây, về một người phụ nữ tên Hương vùng Quảng Trị. Cũng không rõ đây là chuyện thực hay là một huyền thoại, như biết bao huyền thoại mang âm hưởng anh hùng ca thời chiến chinh. Dù sao đi nữa, 32 năm đất nước thống nhất, vết thương lòng đã dần dần lành miệng, nhắc lại câu chuyện động lòng này, người dịch chỉ mong mỏi nó đừng bao giờ lặp lại trong tương lai. (ND) 

(*) "Tavasz a Selyem utcában", Nhà xuất bản Kossuth, 1977 (166 trang, khổ A5). 

*

Ở Quảng Trị, mỗi khi nghe giọng hát ngân nga, ai oán vang lên từ một một ngôi nhà tre nhỏ tre ở rìa thành phố, những người hàng xóm và khách bộ hành lại rùng mình: "Hương điên hát đấy!".

Người phụ nữ tên Hương vóc dáng cao cao, lưng hơi còng, khuôn mặt vô cảm. Cô thường ngồi bên một chiếc bàn, gương mặt gục xuống hai bàn tay và cất giọng đều đều, thản nhiên:

"Đêm mưa bão bùng
anh yêu ra đi
em tìm muôn dặm
sao chẳng thấy anh?
"

Người ta bảo Hương mất trí vào khoảng 1965-66 khi chồng cô, chỉ huy một đội du kích, bị lũ ác ôn khát máu của Thiệu hành hạ đến chết tại tầng hầm của thành cổ Quảng Trị. Và kể từ lúc Đông - người con trai duy nhất của cô - cũng lao mình vào cuộc chiến trong rừng rậm, Hương càng trở nên điên dại. Cô lang thang trong thành phố như một cái bóng, nhiều khi cả tuần chẳng ai thấy cô và nếu cô xuất hiện tại một đường mòn trong rừng, mọi người lại bảo: "Nó đi tìm con đấy!".

Thoạt đầu, binh lính của Thiệu đang chiếm đóng thành phố theo dõi hành tung của Hương với vẻ nghi hoặc. Nhiều lần, chúng bắt gặp Hương ở những nơi mà chúng nghi là chỗ đóng quân của du kích. Một bận, chúng toan bủa vây một đơn vị vũ trang của Mặt trận Giải phóng, nhưng trong bụi cây rậm rạp, thay vì những người du kích, chúng chỉ tìm thấy Hương. Thoáng nhìn bọn lính, người phụ nữ cất tiếng hát khiến ai nấy lạnh sống lưng.

- Con Hương điên đấy mà! - lũ lính cáu kỉnh. Tuy vậy, tay chỉ huy đám lính đi tuần vẫn cho giải Hương về khu thành cổ; tại đó, cô bị giam trong xà-lim mấy ngày rồi bị đưa đến tên sếp nhà tù.

Bọn lính không đạt được kết quả gì đáng kể. Chúng không tìm thấy thư từ, tín hiệu mật gì trong bộ quần áo rách tả tơi của Hương. Cô lặng thinh, dụ ngon dụ ngọt, thậm chí dọa nạt cũng không làm cô mở miệng. Hương chỉ thờ ơ giương mắt nhìn và khi tên sếp nhà tù tiến đến trước mặt cô, tay vung vẩy cái roi, cô cất tiếng hát làm những kẻ đang tra hỏi cô cũng phải lạnh gáy.

Lúc đó, tên chỉ huy cho gọi ông Tùng - người bác sĩ già của thành phố - đến để hỏi ý kiến về căn bệnh của Hương. Sau khi khám người phụ nữ, bác sĩ Tùng giang tay vẻ bất lực:

- Thưa, Hương bị mất trí. Ta nên thả cô ấy thôi.

Người phụ nữ còn bị giữ lại trong Thành Cổ một ngày, nhưng sáng hôm sau, khi đi tuần các xà-lim, tên sếp lại nghe thấy tiếng hát của Hương và hắn hạ lệnh phóng thích cô. Từ đó trở đi, chẳng ai ngăn cản Hương, cô có thể lang thang tùy thích.

Câu chuyện tiếp tục với ngày miền Nam được giải phóng. Quảng Trị, vùng đất chịu nhiều tổn thất nhất trong chiến trận, cũng hân hoan chào đón hòa bình. Trong số những chiến sĩ giải phóng, có cả Đông, lúc đó đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng; sau khi giải phóng Quảng Trị, anh tiếp tục tiến vào Sài Gòn. Và cũng vào lúc đó, mọi người mới biết bác sĩ Tùng chính là người anh hùng thầm lặng của cuộc chiến dai dẳng. Người đàn ông đứng tuổi, lúc nào cũng trầm tĩnh và khiêm nhường ấy là bộ óc và tai mắt của Mặt trận Giải phóng trong thành phố. Bằng kinh nghiệm và bản lĩnh dày dạn, ông đã cứu được nhiều người và đã góp phần đáng kể vào việc tổ chức thành công những chiến dịch tác chiến.

Những nạn nhân của chiến tranh: hai nông dân bị bắt giữ vì bị tình nghi theo Cộng sản - Ảnh: Quân đội Hoa Kỳ

Khi một buổi lễ nho nhỏ được tổ chức để chào mừng những chiến công của bác sĩ Tùng, ông khiêm tốn từ chối vinh dự đó:

- Ở đây, có một người đã nhiều công lao hơn tất cả chúng ta - ông nói, giọng trang trọng.

Và bác sĩ Tùng dìu một thiếu phụ tóc đã điểm bạc - nhưng còn nhanh nhẹn và đẹp một cách trẻ trung, thanh mảnh - lên cạnh ông trên bục.

- Hương điên! - ai đó kêu lên vẻ kinh ngạc. Bầu không khí trở nên ồn ào, rồi ai nấy im bặt.

- Vâng, quả thực là cô Hương - bác sĩ Tùng nói. - Hương, người luôn có trí tuệ và trái tim minh mẫn.

Giờ đây, người ta đã kể nhiều huyền thoại về Hương, rằng người phụ nữ muốn báo thù cái chết của chồng đã "thủ vai" một người điên như thế nào; rằng cô, với sự giúp đỡ của bác sĩ Tùng, đã luyện tập hàng đêm bài hát do chính cô và bác sĩ Tùng biên soạn ra sao, để căn bệnh của cô "tự nhiên" hơn, dễ tin hơn; rằng cô, giữa biết bao hiểm nguy quanh mình, đã chiến thắng bản thân với một nghị lực phi thường ra sao để đóng vai trò liên lạc giữa "trung ương" và những người du kích trong rừng...

Tuy nhiên, câu chuyện chưa chấm dứt ở đây. Hương chuẩn bị vào Sài Gòn cùng bác sĩ Tùng, cô hi vọng sẽ gặp con trai trong thành phố vừa được giải phóng. Đúng lúc cô đang sửa soạn hành lý thì bác sĩ Tùng đột ngột bổ vào căn phòng. Hương đã biết rõ mọi cử chỉ của bác sĩ Tùng và cô có thể đọc được từ cái nhìn của bác sĩ. Người thiếu phụ đã đoán đúng: bác sĩ Tùng, người bạn vong niên của cô, đã mang tin dữ đến. Và ông bác sĩ bất hạnh đã phải thực hiện nhiệm vụ khó nhọc nhất trong đời ông: giọng ngập ngừng, lo ngại, ông báo cho Hương biết Đông đã hy sinh anh dũng tại Sài Gòn, ngay vào buổi sáng trước ngày giải phóng!

Lặng thinh, Hương ngẩng cao đầu lắng nghe những lời cay đắng của bác sĩ Tùng. Rồi cô vịn vào bàn và xin bác sĩ Tùng hãy để cô ở lại một mình.

Sáng hôm sau, qua một đêm thức trắng, bác sĩ Tùng vội vã đến nhà Hương vì ông cảm thấy có điều gì chẳng lành. Còn rất sớm, nhưng ông đã thấy cửa nhà không khép và qua cánh cửa mở toang, vang vọng tiếng hát kéo dài và nức nở của người phụ nữ:

"Đêm mưa bão bùng
anh yêu ra đi.
"

Bác sĩ Tùng chạy bổ vào phòng và nhận thấy Hương ngồi bên chiếc bàn, hai tay ôm mặt và hát. Mái đầu cô bạc thêm bội phần, những sợi tóc trắng rối bời xõa xuống gò má và khi Hương ngẩng đầu nhìn người bác sĩ, trong ánh mắt của cô không hề có niềm vui hay nỗi buồn...

Nguyễn Hoàng Linh giới thiệu và chuyển ngữ theo nguyên bản tiếng Hung


 
 Từ khóa: chiến tranh Việt Nam
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn