Vụ xé cờ ở New South Wales: TỰ DO BIỂU ĐẠT HAY VI PHẠM QUYỀN DÂN SỰ?

Thứ năm - 06/05/2021 23:44

(NCTG) “Đây là bài học cho các bố mẹ chuẩn bị gửi con đi học nước ngoài tại các nước mà quan hệ với cộng đồng người gốc Việt còn đang rất nhạy cảm, mở rộng ra là còn phải nghiên cứu về pháp luật nói chung của nước sở tại và các lệ của địa phương nữa, để con mình không bị rơi vào những rắc rối không đáng có” - góc nhìn của nhà nghiên cứu giáo dục, luật gia Phúc Lai từ Hà Nội.

Vụ giật cờ ở Marrickville - Ảnh chụp màn hình clip

Vụ giật cờ ở Marrickville - Ảnh chụp màn hình clip

Mới đây có vụ việc có một cháu thanh niên (vừa tròn 18 tuổi khi thực hiện hành vi được 2 ngày) trèo lên cột điện ở thành phố Marrickville (New South Wales - NSW, Australia) giật lá cờ vàng ba sọc đỏ (cờ của Việt Nam Cộng hòa cũ) xuống, giẫm đạp lên và có những lời nói thô tục xúc phạm cộng đồng người gốc Việt ở địa phương.

Vụ này đã làm dấy lên những dư luận trái chiều, đặc biệt có những ý kiến thú vị như năm 2014, cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở San Francisco đã tổ chức mít-tinh nhân ngày 30-4 và có đốt cờ đỏ sao vàng của CNXHCN Việt Nam. Vậy chúng ta cần hiểu câu chuyện như thế nào cho đúng?

Trước hết, chúng ta cần hiểu và phân biệt rõ quyền tỏ thái độ của một cá nhân với:

- Một nhà nước hay một chính thể, và

- Một cá nhân hay một cộng đồng các cá nhân.

Về nguyên tắc, bất cứ cá nhân nào cũng có quyền bày tỏ quan điểm của mình đối với bất cứ một nhà nước hay chính thể nào trên thế giới và ngay cả với chính thể trên đất nước mình đang sống. Quyền này được thể hiện thông qua nhiều hình thức, mà hình thức phổ biến của nó là việc… đốt cờ của một nước trong một cuộc biểu tình, tất nhiên biểu tình thì phải trong khuôn khổ cho phép của pháp luật. Chính vì lẽ đó, có thể nói cờ Mỹ là lá cờ bị đốt nhiều nhất ở khắp nơi trên thế giới và rõ ràng là Chính phủ nước này không có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
 
Biểu tượng chú Sam bị đốt trong ngày Nhân quyền ở Manila, Philippines
Biểu tượng chú Sam bị đốt trong ngày Nhân quyền ở Manila, Philippines

Nếu như ở Việt Nam mà đốt cờ nước khác thì tùy từng nước có thể sẽ dẫn đến lùm xùm về ngoại giao, nhưng phần lớn là chính quyền Việt Nam sẽ không để ra xảy ra vụ việc. Khi đang diễn ra chiến dịch của NATO không kích ở Nam Tư (cũ), các trường học phổ thông trên địa bàn Hà Nội đã nhận được chỉ thị không để cho học sinh đến biểu tình ở cửa Đại sứ quán Hoa Kỳ là một ví dụ. 

Ở đây có sự khác biệt cơ bản giữa cách nhìn nhận quyền con người: công dân có thể chửi tổng thống ở một nước nào đó, người ta có thể chửi vì phản đối ông làm tổng thống, hoặc phản đối chính sách của ông, nhưng khi ông không còn làm tổng thống nữa thì hãy dè chừng, chửi cá nhân ông nào đó có thể bị kiện ra Tòa về cả hình sự lẫn dân sự.

Chính vì thế mà nhà thơ Trần Đăng Khoa viết “Ngu xuẩn nhất nhì - là Tổng thống Mỹ” mấy chục năm qua vẫn bình an vô sự; nhưng vào thời điểm tháng 5-2021 nếu nhà thơ mà viết phỉ báng cá nhân ông Donald Trump thì chưa biết tình hình thế nào, đặc biệt nếu có hành vi phỉ báng trên đất Mỹ thì chuyện có thể rất nghiêm trọng.

Như thế việc một nhóm người nào đó đem cờ đỏ sao vàng của một quốc gia khác ra đốt trong một cuộc biểu tình hợp pháp (có chính quyền thông qua lực lượng cảnh sát bảo vệ đàng hoàng) thì có thể được hiểu:

- Thể hiện quyền tự do cá nhân nói lên thái độ của mình đối với một chính thể, nhà nước nào đó.

- Nếu cờ đó được bán công khai ở bất cứ nơi nào trên bề mặt địa cầu, họ đều có thể mua được và khi đã mua, thì đó là tài sản của họ và có toàn quyền muốn làm gì thì làm.

Đến đây bạn đọc có thể đặt câu hỏi: vậy trong những cuộc biểu tình ở nước ngoài, thì việc đốt cờ của một quốc gia nào đó có mang tính chính trị hay không?

Về định nghĩa, thì hiện nay, trên thế giới có ít nhất bốn cách hiểu khác nhau về chính trị: (1) nghệ thuật của phép cai trị; (2) những công việc của chung; (3) sự thỏa hiệp và đồng thuận; (4) quyền lực và cách phân phối tài nguyên hay lợi ích (xem Andrew Heywood, Politics (third edition), Palgrave Macmillan, New York, 2007).

Như vậy, theo nghĩa hẹp, thì chính trị là việc áp đặt quyền lực cai trị lên một xã hội của một tập hợp người nào đó, có thể chỉ là một người như ông vua ngày xưa. Còn theo nghĩa rộng thì phạm vi của định nghĩa rất lớn, vì chính cái quyền lực đó nó ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Tùy thuộc vào từng chính quyền mà người ta có thể xem xét cùng một hành động phản đối một chính thể là có tính chính trị hay không hoặc đến đâu, ví dụ thông qua việc đốt, xé cờ…
 
Cờ Hoa Kỳ bị đốt ở Pennsylvania
Cờ Hoa Kỳ bị đốt ở Pennsylvania

Rất nhiều nước có hệ thống pháp luật và tư tưởng xây dựng chính quyền lâu đời dựa trên lý luận “Khế ước xã hội” - dân chúng trong một quốc gia “thuê” một tổ chức làm nhiệm vụ quản lý xã hội được gọi là Nhà nước. Khi Nhà nước đó không làm tốt nhiệm vụ của mình, có thể bị bãi nhiệm để thuê tổ chức khác.

Với tư tưởng như vậy, công dân có quyền bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa, việc thay đổi chính quyền phải thông qua bầu cử (cũng ôn hòa.) Như thế, chúng ta có thể hiểu tính chính trị ở đây là có (ảnh hưởng đến quyền cầm quyền của tổ chức) nhưng đồng thời nó khá yếu, thậm chí dễ bị đánh giá là thiếu triệt để. 

Trong khi đó, tại các nước XHCN, giai cấp công nhân cầm quyền thông qua cách mạng xã hội, có yếu tố sử dụng bạo lực trấn áp của giai cấp lên giai cấp tư sản, đồng thời sau khi lên nắm quyền giai cấp công nhân sẽ xây dựng một chính quyền ưu việt nhất trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Do đó, không có lý do gì cho một cuộc cách mạng tiếp theo, mà giai cấp công nhân và nhân dân lao động sẽ đưa xã hội tiến lên CNCS.

Vì tính ưu việt đó, những khiếm khuyết sẽ được sửa chữa thông qua quyền làm chủ của nhân dân: góp ý với chính quyền thông qua những cơ chế được pháp luật quy định và chính quyền sẽ có những hành động thích hợp. Việc bày tỏ phản đối với chính quyền như vậy không được đặt ra vì nó đi ngược lại tiến trình lịch sử, chế độ XHCN không thể bị phá bỏ để quay lại chế độ tư bản.

Do đó bằng pháp luật của mình, các Nhà nước XHCN không cho phép người dân bày tỏ thái độ thông qua những hành động như đốt quốc kỳ; như Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định chi tiết tại Điều 351 về tội “Xâm phạm quốc kỳ”: “Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”

Đối với những hành động diễn ra ngoài nước do công dân nước ngoài thực hiện (kể cả là người nước ngoài gốc Việt) sẽ được nhìn nhận theo pháp luật tại nước sở tại nơi diễn ra hành vi, nhưng trong quyền hạn của mình Nhà nước CHXHCN Việt Nam có thể đưa người đó vào danh sách những người không được chào đón trên đất nước Việt Nam.
 
Cờ vàng ba sọc đỏ - “Lá cờ Tự do và Di sản” (Heritage and Freedom Flag) đối với một bộ phận người Việt hải ngoại - trong một dịp diễu hành tại San Jose, Tết Kỷ Sửu 2009 - Ảnh: Wikipedia
Cờ vàng ba sọc đỏ - “Lá cờ Tự do và Di sản” (Heritage and Freedom Flag) đối với một bộ phận người Việt hải ngoại - trong một dịp diễu hành tại San Jose, Tết Kỷ Sửu 2009 - Ảnh: Wikipedia

Tình hình cụ thể đối với lá cờ vàng ba sọc đỏ trên một số nước:

- Năm 2003, chính quyền tiểu bang Virginia (Hoa Kỳ) đã bác bỏ một dự luật công nhận chính thức lá cờ này. Ví dụ nếu dự luật này được thông qua, thì trong lãnh thổ của Bang người ta có quyền đốt vô tư, coi như hành động phản đối một… chính thể nào đó. 

- Từ năm 2002 trở đi, những nỗ lực vận động hành lang của người Mỹ gốc Việt đã dẫn đến kết quả là chính quyền tiểu bang Virginia, Hawaii, Georgia, Colorado, Florida, Texas, Oklahoma, Louisiana, Ohio, California, Missouri, Pennsylvania và Michigan công nhận nó là biểu tượng của Cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Ngoài ra, ít nhất 15 quận và 85 thành phố ở 20 bang cũng đã thông qua các nghị quyết tương tự.

- Đầu năm 2008, Bộ trưởng Ngoại giao Đa văn hóa và Bản sắc Canada Jason Kenney đã đăng một thông báo trên trang web của mình, tuyên bố rằng Chính phủ Canada công nhận lá cờ Việt Nam Cộng hòa là biểu tượng của cộng đồng người Canada gốc Việt. Hơn nữa, ông tuyên bố rằng “những nỗ lực miệt thị [lá cờ] là một cuộc tấn công gây rắc rối sâu sắc đối với một trong những cộng đồng dân tộc của Canada và trên các nguyên tắc của chủ nghĩa đa văn hóa.

- Từ năm 2015 trở đi, ở Úc, Hội đồng Thành phố Maribyrnong, Greater Dandenong,  Yarra, Fairfield, Port Adelaide Enfield và Brimbank lần lượt đã thông qua các quyết định công nhận cờ này là “Cờ Di sản Việt Nam.”

Như vậy chúng ta có thể tạm kết lại:

1. Cờ đó được Luật pháp các nước Hoa Kỳ, Canada, Úc… công nhận là biểu tượng của cộng đồng người Việt ở địa phương, nên có thể hiểu chúng sẽ được treo ở một số nơi công cộng nhất định trong những ngày được đăng ký trước.

2. Là tài sản của một nhóm người (cụ thể là cộng đồng người Việt thành phố Marrickville) nên vi phạm quyền tài sản. Với các nước có nền pháp luật lâu đời thì sau quyền thân thể thì quyền sở hữu là thiêng liêng bất khả xâm phạm.

3. Hành vi xé cờ có thể bị khép tội gây rối trật tự công cộng.

4. Nếu có hành vi hung hăng và nhất là có dùng lời lẽ tục tĩu, người thực hiện hành vi có thể bị điều tra về tội danh “Hate Crime” (Tội phạm thực hiện do thù hận) là tội thường bị xử lý rất nghiêm. Cần giải thích rõ thêm: Luật chống tội phạm căm thù ở Hoa Kỳ là luật của các tiểu bang và liên bang nhằm bảo vệ chống lại tội ác căm thù (còn được gọi là tội phạm thiên vị).

Mặc dù luật của các bang có thể khác nhau, nhưng Luật Hoa Kỳ cho phép truy tố ở mức độ liên bang đối với các tội phạm căm thù được thực hiện trên cơ sở các đặc điểm của một (hoặc nhóm) người về chủng tộc, tôn giáo, dân tộc, quốc tịch, giới tính, khuynh hướng tình dục, nhân dạng giới.
 
Biểu tượng chú Sam bị đốt trong ngày Nhân quyền ở Manila, Philippines
Màn hình status của một công dân mạng trên Facebook

Như vậy việc xúc phạm lá cờ này nếu diễn ra trên các địa phương đã liệt kê trên đây, hoàn toàn không dính gì đến thái độ chính trị. Trong sự việc cụ thể ở Marrickville, mặc dù cháu thanh niên kia có những lời lẽ rất chính trị - thực tế nếu nói từ góc độ chính trị, thì lá cờ này đã từng đại diện cho một chính thể đã không còn tồn tại từ hơn 40 năm, nên nó không còn ý nghĩa tượng trưng quốc gia, không còn ý nghĩa chính trị; nhưng nó đụng đến:

- Danh dự của một cộng đồng người.

- Quyền tài sản của một cá nhân hoặc nhóm các cá nhân.

Đánh giá của cá nhân về vụ việc cụ thể của cháu thanh niên vừa làm ở Marrickville, NSW: nhìn chung những vụ thế này có tình tiết rõ ràng, chứng cứ đầy đủ, tính chất đơn giản... Buộc tội dễ, gỡ tội khó hơn lên trời, do vậy việc thuê luật sư ở các nước Thông Luật (Common Law) để bảo vệ cháu sẽ cực kỳ tốn kém.

Với vụ việc của cháu này, nếu bị cáo thành tâm hối lỗi, giải thích được là thực hiện hành vi ở trong trạng thái kích động, và xin lỗi cộng đồng để họ có đơn xin cho thì thoát. Còn nếu theo phong trào trong nước, một số hội nhóm trên mạng cứ sôi lên đòi quyên góp để kiện ngược thì có thể đẩy sự việc trở nên nặng hơn.

Theo các thông tin từ bạn bè bên NSW cho biết, cảnh sát Australia đang điều tra xem cháu hành động một mình hay có một tổ chức nào đó đứng sau, nếu như vậy thì sự việc trở nên rất khó khăn cho cháu. Tình huống nhẹ nhất là cháu được cho hưởng án treo, phạt tiền và trục xuất. Do chính sách chia sẻ dữ liệu phạm tội giữa các nước, thì khả năng quay lại các nước Commonwealth (Khối Thịnh vượng chung) và Mỹ là số không.

Đây là bài học cho các bố mẹ chuẩn bị gửi con đi học nước ngoài tại các nước mà quan hệ với cộng đồng người gốc Việt còn đang rất nhạy cảm, mở rộng ra là còn phải nghiên cứu về pháp luật nói chung của nước sở tại và các lệ của địa phương nữa, để con mình không bị rơi vào những rắc rối không đáng có.

Bản thân do tính nhạy cảm của vấn đề, nên phía Việt Nam cũng không thường xuyên và công khai cung cấp thông tin cho nhân dân trong nước về tình hình cụ thể tại các nơi kể trên đây. Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu hiểu biết về luật lệ, về thái độ cần thiết khi đi đến những nơi này và đã xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Phúc Lai, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: chiến tranh Việt Nam
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn