Nhân mùa tựu trường: TỚ ĐI HỌC

Thứ hai - 03/09/2007 12:47

(NCTG) ``Tớ chẳng còn nhớ được ngày đầu tiên đi học mẹ dắt tay đến trường như thế nào, tệ thế. Nhưng tớ biết rằng chắc chắn là tớ chẳng thèm vừa đi vừa khóc đâu, vì hồi bé tớ rất bướng. Tớ chỉ thấy mẹ tớ kể lại rằng đi học lớp vỡ lòng được vài hôm thì tớ nhất định không chịu đi nữa, vì cô giáo... không cho tớ làm lớp trưởng.``

Học sinh - sinh viên tranh nhau đu bám khi đi xe đò - Ảnh chụp ngày 5-3-1985 (không rõ tác giả), tư liệu từ Triển lãm Thời Bao cấp tại Hà Nội (khai mạc ngày 16-6-2006)

Học sinh - sinh viên tranh nhau đu bám khi đi xe đò - Ảnh chụp ngày 5-3-1985 (không rõ tác giả), tư liệu từ Triển lãm Thời Bao cấp tại Hà Nội (khai mạc ngày 16-6-2006)

 

Có ai nhớ bài thơ này trong sách giáo khoa Lớp 1 không:


Cứ mỗi độ thu sang
Hoa cúc lại nở vàng
Ngoài vườn hương thơm ngát
Ong bướm bay rộn ràng
Em cắp sách tới trường
Nắng tươi rải trên đường
Trời xanh thay áo mới
Đẹp sao lúc thu sang

Và đoạn văn này nữa:

"Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng" ("Tôi đi học", Thanh Tịnh)

Hay nhỉ! Nhưng mà hồi mình bé thì chẳng biết là nó hay thế.

Tớ chẳng còn nhớ được ngày đầu tiên đi học mẹ dắt tay đến trường như thế nào, tệ thế. Nhưng tớ biết rằng chắc chắn là tớ chẳng thèm vừa đi vừa khóc đâu, vì hồi bé tớ rất bướng. Tớ chỉ thấy mẹ tớ kể lại rằng đi học lớp vỡ lòng được vài hôm thì tớ nhất định không chịu đi nữa, vì cô giáo... không cho tớ làm lớp trưởng.

Hồi bé bố tớ đi Liên Xô, mẹ tớ dạy ở Thái Nguyên, nên tớ đi theo mẹ. Tớ học ở trường Cấp 1-2 Đội Cấn. Trường tớ nằm ở một quả đồi thoai thoải. Từ nhà đến trường phải đi qua bờ ao và những con đường làng ngoằn ngoèo, có rất nhiều bụi cây dâm bụt hai bên đường. Mẹ tớ thường đưa tớ đi học, mặc dù tớ không thích thế. Tớ chỉ thích được đi một mình như bọn trẻ con hàng xóm.

Tớ còn nhớ hồi ấy trong lớp bọn con gái không đứa nào mặc váy, thắt nơ như tớ, nên chúng nó không thích tớ. Các cô giáo thì lại thích tớ vì tớ xinh (hồi bé thôi). Nhưng có một năm tớ học một cô giáo già, cô mắt kém nên nhìn thế nào lại mắng tớ là mặc áo may ô đến lớp. Thế là tớ bắt đền mẹ tớ mãi, và không chịu mặc váy nữa (cho đến tận bây giờ).

Tớ nhớ trong những bài hát trẻ con hồi ấy được dạy ở trường có bài "Em đi đưa cơm cho mẹ em đi cày" (1), "Em đi giữa biển vàng" (2) và "Hạt gạo làng ta" (3) là những bài tớ rất thích. Bây giờ chẳng thấy ai hát nữa. Tớ cũng nhớ ngày ấy mẹ mua cho tớ quyển "Góc sân và khoảng trời" (4). Trong đó tớ rất thích bài "Đám ma bác giun" (đọc xong thương bác giun lắm ) với bài "Hay nói ầm ĩ. Là con vịt bầu. Hay sủa gâu gâu. Là con chó vện... Ngu xuẩn nhất nhì. Là tổng thổng Mỹ". Hình như bài này tên là "Đố em?" (5) Đối với thế hệ tớ thì "Góc sân và khoảng trời" là một cuốn sách gần như gối đầu giường. Nhưng bây giờ bọn trẻ con chắc chẳng đọc nữa.

Đến năm bố tớ về thì tớ lại về học ở Hà Nội. Tớ học ở trường cấp 1 -2 Nguyễn Trường Tộ; khi tớ lên cấp 2 thì trường sát nhập với trường Nguyễn Công Trứ và đổi tên thành Nguyễn Công Trứ. Trường nằm ở cuối phố Nguyễn Công trứ, gần dốc Hàng Than và chợ Hòe Nhai. Kế bên là Phòng Giáo dục Quận Ba Đình. Trường Nguyễn Trường Tộ chắc phải có từ lâu đời lắm rồi vì bố tớ kể ngày xưa cũng học trường đấy. Lớp học của tớ rất rộng rãi, sàn lát đá hoa đen trắng, trần cao, kiểu nhà của Pháp xưa. Trường tớ có một cái vườn thực vật mà cứ vào dịp Tết trồng cây bọn tớ lại háo hức nộp cây cho vườn trường. Tớ hay nộp cây hoa bỏng và cây hoa đá vì ông tớ chỉ mua cho hai loại cây ấy thôi.

Tớ cũng nhớ hồi đấy hay phải làm kế hoạch nhỏ nộp giấy vụn, chả hiểu để làm cái gì. Và hàng năm đến ngày 20-11 thì phải nộp bích báo. Tớ toàn nhờ mẹ tớ làm hộ, vì tớ chẳng biết làm thơ, mà cũng chẳng biết vẽ thuyền vẽ biển gì cả. Vì là mẹ tớ làm nên bích báo của tớ bao giờ cũng đẹp nhất lớp, được cô khen.

Rồi tớ phải học thêu, học đan rổ, làm hoa giấy. Mẹ tớ phải đèo tớ lên tận Hàng Đào mua khung thêu cho tớ. Tớ cũng thêu nhăng thêu nhít được con cá vàng, bông hoa năm cánh, nhưng bị cô chê là quá xấu. Còn rổ thì ông tớ đan hộ, hoa giấy thì mẹ tớ làm hộ. Một đứa trẻ con lớp 5 thì chỉ biết đi nhờ thôi chứ làm sao mà tự làm được. Chắc cô giáo cũng biết vậy nhưng vẫn cho tớ điểm 10 thủ công.

Bọn trẻ con bây giờ chắc chẳng phải làm kế hoạch nhỏ và học thủ công đâu nhỉ?

Ghi chú - Góp vui (của NCTG):

(1) Nhạc và lời: Hàn Ngọc Bích. Có "nghi án" cho rằng bài này "đạo ý thơ" của một bài thơ cùng tên, tác giả Tô Xuân Lựu (xin xem "Bài hát “Đưa cơm cho mẹ đi cày”: Đạo ý thơ?", "Tiền Phong" ngày 3-3-2006).

(2) Nhạc: Bùi Đình Thảo & Lời: Nguyễn Khoa Đăng 

(3) Nhạc Trần Viết Bính & Lời thơ: Trần Đăng Khoa 

(4) Tập thơ của Trần Đăng Khoa, in lần đầu năm 1968, được tái bản chừng 30 lần! 

(5) Đây là bài “Kể cho bé nghe” của Trần Đăng Khoa viết năm 11 tuổi (1969): 

Hay nói ầm ĩ
Là con vịt bầu
Hay hỏi đâu đâu
Là con chó vện
Hay chăng dây điện
Là con nhện con
Ăn no quay tròn
Là cối xay lúa
Mồm thở ra gió
Là cái quạt hòm
Không thèm cỏ non
Là con trâu sắt
Rồng phun nước bạc
Là chiếc máy bơm
Dùng miệng nấu cơm
Là cua, là cáy
Bắn tàu Mỹ cháy
Là khẩu súng trường
Người em yêu thương
Là chú bộ đội
Chăm ngoan học giỏi
Là bạn thiếu nhi
Ngu xuẩn nhất nhì
Là tổng thống Mỹ
 

Tuy nhiên, trong “Tuyển thơ Trần Đăng Khoa” (Nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, 1999), được nhà thơ coi là "văn bản chuẩn", tám câu cuối được thay lại hoàn toàn: 

Chẳng vui cũng nhảy
Là chú cào cào
Đêm ngồi đếm sao
Là ông cóc tía
Ríu ran cành khế
Là cậu chích choè
Hay múa xập xòe
Là cô chim trĩ...
 

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thuật lại sự lý giải của Trần Đăng Khoa về vụ "sửa thơ": "... Khoa đưa ra cái lý của anh là người làm thơ luôn vận động, mỗi bài thơ sẽ được sửa chứa nhiều lần, chừng nào nhà thơ còn viết thì bài thơ chưa thể nói là có dạng hoàn chỉnh tận cùng. Tôi nhớ đại khái Khoa nói vậy trong một lần trò chuyện". 

Và cho biết thêm: "Phần tôi, khi con gái bắt đầu đi học tôi đã lấy bài thơ này của Trần Đăng Khoa đọc cho con nghe, cho con học thuộc lòng, chỉ sửa lại hai câu cuối của bản đầu thành: “Ngu xuẩn nhất nhì. Là đứa không học”. Đấy là ở tư cách người cha dạy con. Nhưng ở tư cách người làm nghiên cứu văn học, trong tôi vẫn ghi nhớ bản đầu tiên bài thơ Trần Đăng Khoa viết và in năm 1969 với hai câu kết: “Ngu xuẩn nhất nhì. Là tổng thống Mỹ” (Dẫn theo "Như một lý do", Hà Nội 17-4-2007, talawas).

Nguyễn Tuệ Anh, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: tựu trường
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn