NHỮNG RÀO CẢN CỦA DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

Thứ sáu - 10/02/2006 16:19

(NCTG) “Quan trí còn xa mới theo kịp sự phát triển của đất nước, chính vì vậy nên đã có rất nhiều ngộ nhận. Lâu đài lý luận đã lung lay, nhưng ta lại cố bám giữ nên vá víu thành một thứ chắp vá, rạn nứt, không nhất quán…” - nhận định của TS. Nguyễn Quang A.


TSKH. Nguyễn Quang A - Ảnh: tamnhin.net

Giới thiệu: Đa số bà con Việt Nam tại Hung mới chỉ biết đến cái tên Nguyễn Quang A như một cựu sinh viên, một tiến sĩ khoa học xuất sắc tại Hungary, cũng như khâm phục anh về gương tự học, gần đây về chí khí sĩ phu với những đầu sách khổng lồ, nhưng ít biết anh cũng đã là một doanh nhân đi đầu.

Cuối năm 2005, trong dịp công tác tại Hungary, Nguyễn Quang A đã đến thăm và trao đổi tại Trung Tâm Thăng Long (TTTL). Là người bắt đầu doanh nghiệp trong lúc ở Việt Nam có quá nhiều phiền nhiễu, dò bẫy đầy cả khe, hang hố lấp cả đường, giơ tay mắc phải lưới, đụng chân vấp phải cạm, Nguyễn Quang A đã bày tỏ sự thông cảm về những khó khăn mà TTTL gặp phải! Tuy nhiên, gây cản trở nhất đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam, theo anh, vẫn là do nếp suy nghĩ quá lỗi thời.

Nhân đầu Xuân, thể theo yêu cầu của nhiều đc giả của NCTG và “Quê Hương” (hai tờ báo, ngẫu nhiên, trong các số báo Xuân vừa qua, đều có bài giới thiệu về Nguyễn Quang A!), chúng tôi xin giới thiệu một vài suy nghĩ liên quan, trích từ bài phát biểu của anh tại buổi họp mặt doanh nhân “Thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TW về phát triển khu vực kinh tế tư nhân”, tổ chức tại Hà N
i 5-12-2002.

Bài viết được tác giả Nguyễn Quang A gửi tới NCTG như một nhành mai mừng Xuân Bính Tuất! (Phạm Khuê).

 

TS. Nguyễn Quang A trao đổi cùng Ban lãnh đạo TTTL (Budapst, ngày 17-12-2005) - Ảnh: Phạm Khuê

Tâm lý: không ưa tư nhân, e ngại tư nhân!

Thoạt đầu những người cùng tôi đi kinh doanh đều là những cán bộ kỹ thuật làm việc trong các cơ quan nghiên cứu của nhà nước. Nhiều người chủ yếu do say mê kỹ thuật và hi vọng vào khả năng có hợp tác quốc tế nên đã tham gia, chứ không phải đã dám dấn thân ngay vào làm kinh tế tư nhân. Họ còn chưa biết mấy kinh tế tư nhân ra sao, và nhiều khi còn e ngại không biết tương lai sẽ thế nào.

Một chuyên gia giỏi về máy tính trong quân đội đã được chúng tôi và công việc thuyết phục song vẫn lưỡng lự cả năm trời vì vợ anh ta sợ anh ta sẽ mất biên chế, không biết tương lai ra sao, về hưu và các chế độ khác thế nào, liệu có ổn định không, sẽ sinh hoạt Đảng (với những người là đảng viên hay mong muốn là đảng viên) ở đâu?, v.v... Ôi, sao lại đi làm tư nhân? Bố, mẹ, vợ, bạn bè anh ta hỏi.

Đó là tình hình cuối các năm 1980 và đầu các năm 1990, bây giờ tình hình đã khác nhiều, song với nhiều người tình hình không phải đã hoàn toàn khác. Những mối lo của họ là rất chính đáng, phải giải thích cho họ, thuyết phục họ để họ hiểu rằng làm trong lĩnh vực tư nhân có những cái hay nhưng cũng có những rủi ro, mọi chế độ bảo hiểm xã hội chẳng khác gì với công chức nhà nước.

Nói cách khác, tâm lý không ưa tư nhân hay e ngại tư nhân làm tốn thời gian, công sức, tăng chi phí, làm cho người làm việc áy náy, lo âu có thể ảnh hưởng đến công việc.

Khách hàng: Dây vào với các ông phức tạp lắm!

Thời kỳ đầu ít người biết đến công ty tư nhân, kể cả nhiều cán bộ của nhà nước, thường họ nghĩ chúng tôi chắc phải là một tổng công ty của nhà nước ở trung ương. Công việc khá trôi chảy, nhưng họ rất ngạc nhiên khi chúng tôi giải thích là chúng tôi không có cấp trên nào cả. Sau đó có một số bạn hàng không còn mặn mà như khi họ còn hiểu lầm chúng tôi, nhưng cũng nhiều bạn hàng vẫn giữ quan hệ tốt.

Song sau vụ scandal khoảng mười năm trước (báo cáo về thanh tra của Chính phủ trước Quốc hội vu cáo chúng tôi trốn lậu thuế 21,5 tỉ đồng, báo chí làm ầm ĩ về vụ việc) thì các bạn hàng đều xa lánh (họ không muốn dây vào rắc rối với cơ quan thuế và công an, họ thật là đúng!). Kể cả sau khi Chính phủ có ý kiến bằng văn bản nói rõ chẳng có chuyện trốn lậu thuế và 3C không liên can gì (nhưng không cho phép chúng tôi công bố trên báo chí!), thì các bạn hàng cũng vẫn e ngại, ngay cả khi chúng tôi đưa cho họ xem văn bản của Chính phủ có dấu quốc huy đỏ chói.

Làm ăn với chúng tôi thì họ e ngại vì có thể họ sẽ gặp rắc rối với cơ quan thuế hay công an; điều đó chưa chắc đã đúng, song họ vẫn muốn an toàn. Dây vào với các ông phức tạp lắm! Tình hình đến nay đã được cải thiện nhiều, song những nếp nghĩ tương tự không phải là không còn phổ biến. Nó có thể làm cho nhiều doanh nghiệp tư nhân điêu đứng.

Truyền thông: Thông tin không chính xác là một tai hoạ!

Các phương tiện thông tin đại chúng đã có vai trò hết sức tích cực trong thay đổi nếp suy nghĩ từ ghét bỏ khu vực tư nhân đến chỗ thân thiện với khu vực tư nhân. Riêng với chúng tôi đã có quá nhiều cay đắng. Thông tin không chính xác là một tai họa. Thông tin tốt quá cũng tai hại không kém thông tin tiêu cực: nếu người ta thấy báo chí nói anh làm quá hay thì thuế, công an, thanh tra, phụ nữ, công đoàn địa phương, các nhà hoạt động “từ thiện”, v.v... có thể đến ngay.

Thông tin xấu thì bạn hàng e ngại, các cơ quan bảo vệ pháp luật có thể đến ngay. Chúng tôi đã bị coi là những kẻ trốn lậu thuế lớn nhất lịch sử nước Việt Nam từ 1945! Bản thân tôi bị một số bài báo coi là kẻ chủ mưu lừa đảo. Nếu luật ở ta mà nghiêm như Singapore chẳng hạn, thì chắc tôi đã kiện và chắc sẽ thắng và có tiền làm từ thiện nhiều hơn. Ai trả cho doanh nghiệp các thiệt hại khó đo lường đó? Song kiện báo chí ở Việt Nam ư? Có mà điên mới dám làm! Đó là sự thật cần thay đổi.

Còn quá nhiều chương trình, bài báo, tác phẩm (phim, văn học, kịch, v.v...) chưa thoát ra khỏi nếp nghĩ cũ. Người ta ra rả lên án tư thương ép giá. Người ta chẳng hiểu gì khi đặt vấn đề sao được mùa mà nông dân lại lận đận vì giá xuống. Cách đặt câu hỏi là hoàn toàn sai và ý trả lời lại càng sai nữa. Nghe nói có ông rất to còn muốn phát triển lại thương nghiệp quốc doanh để giải quyết các vấn đề tương tự!

Quan trí: Còn xa mới theo kịp sự phát triển!

Xuất phát điểm vô cùng quan trọng là, đại bộ phận những người làm việc đã trải qua một sự đào luyện, người ít thì vài ba năm, người nhiều thì 50 năm, trong đó kinh tế tư nhân là đáng nguyền rủa, sở hữu tư nhân là cái cần xóa bỏ.

Dẫu hiện nay đường lối chung không còn là như vậy - như chính tiêu đề của Hội thảo này là một minh chứng - song những cái đã hằn sâu trong trí óc khó mà xóa đi được, nó đã đi vào tiềm thức, vô thức của con người. Phải nhiều thập kỷ mới có thể thay đổi được. Mặt khác quan trí còn xa mới theo kịp sự phát triển của đất nước, chính vì vậy nên đã có rất nhiều ngộ nhận.

Lâu đài lý luận đã lung lay, nhưng ta lại cố bám giữ nên vá víu thành một thứ chắp vá, rạn nứt, không nhất quán; mặt khác lại chưa khuyến khích các nhà khoa học xã hội có những nghiên cứu thỏa đáng, khách quan. Nhiều nhà “nghiên cứu” dẫu có bằng tiến sĩ hay có danh viện sĩ thực ra chỉ làm việc minh hoạ cho đường lối nhân danh khoa học. Không có tự do tư tưởng. Chính vì vậy mặc dầu có các chính sách, đường lối ủng hộ khu vực kinh tế tư nhân, song những lực cản về tư tưởng, tâm lý, tập quán còn rất nhiều.

Tôi nhớ cách đây khoảng 6-7 năm, tôi được mời tham dự một cuộc trao đổi 2 ngày của khoảng 30 nhà doanh nghiệp “đảng viên làm kinh tế tư nhân” (trước tôi đã là đảng viên, đã thôi được vài năm song vẫn được mời) với các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng tôi được khuyến khích nói thẳng, nói thật, nói hết. Các ý kiến đóng góp đã rất thẳng thắn, trực diện, không e dè.

Tôi và nhiều người đã nói rất thẳng thắn về nhiều vấn đề, nhấn mạnh và phân tích tệ hạch sách của một số cán bộ. Các vị lãnh đạo tỏ ra rất thông cảm với bức bách của chúng tôi. Trong giờ giải lao, một vị lãnh đạo ở tầm cao nhất hỏi chúng tôi thêm, tay xoa xoa bụng, ông nói vui: “Ờ thì các cậu làm ra tiền, anh em họ khó khăn, thì tái phân phối một chút có sao”. Tất nhiên lúc đó là nói vui, song có lẽ trong thâm tâm nhiều người có thể đúng là như vậy.

Đến nay tệ sách nhiễu, nạn phong bì tràn lan ở mức độ không thể tưởng tượng nổi. Việt Nam nếu không đứng đầu thì chắc phải đứng nhì về khoản này! Kiểu “tái phân phối” đó đã biến bao người lương thiện (kể cả người phải đưa lẫn người nhận) trở thành kẻ lưu manh, đã góp phần làm băng hoại đạo đức nói chung, đã làm méo mó đạo đức kinh doanh, đã góp phần làm cho báo cáo của các doanh nghiệp không được minh bạch, đã làm tăng chi phí và quan trọng hơn có thể gây bệnh tâm thần cho các doanh nhân, đã cản trở phát triển của đất nước, đã làm yếu tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Quan niệm của nhà nước, của quốc doanh thì được ưu tiên bảo vệ, còn của tư nhân thì hãy tự lo lấy thân mình, vẫn còn khá phổ biến trong thực tiễn thực thi pháp luật của ta. Trong tranh chấp giữa chúng tôi và một đơn vị quốc doanh với một doanh nghiệp tư nhân khác, chúng tôi phải được ưu tiên (toà tuyên vậy) thế mà thi hành án vẫn viện cớ (thu các khoản phải nộp cho nhà nước trước) thu hết cho đơn vị quốc doanh nọ (đâu phải thuế, hay lệ phí nộp cho nhà nước) còn chúng tôi thì mất trắng.

Chúng tôi khiếu nại ba lần bảy lượt lên cả ông bộ trưởng Bộ Tư pháp mà không hề có hồi âm gì (tuy theo một phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, ông bộ trưởng nhận cấp dưới đã làm sai).

Do mang nặng tâm lý phong kiến và gia trưởng (lo miếng cơm manh áo cho dân!) nhiều người có chức có quyền ở mọi cấp trong thâm tâm coi mình là quan có quyền hành dân. Tuy đây là điều chính thức bị cấm, song tàn dư của nó còn kéo dài nhiều thập kỷ. Doanh nghiệp tư nhân may thay chẳng có ai là chủ quản cả, nhưng các cơ quan cứ quen nếp nghĩ như vậy, thậm chí nhiều người còn lạm dụng quyền hạn. (*)

(*) Tựa đề do NCTG tạm đặt.

TS. Nguyễn Quang A, từ Hà Nội


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn