Lừa đảo tầm quốc tế: TRÒ BỊP KIỂU NIGERIA

Thứ năm - 12/12/2002 22:04

(NCTG) Trong thời gian gần đây, nhiều thương gia Hungary cũng nhận được các bản fax - và gần nhất, điện thư (e-mail) - với lời “gạ gẫm” rất “mùi mẫn”.



Chủ nhân của những lời mời chào ấy, tự xưng là đại diện của các hãng ngoại quốc, hoặc của các cơ quan chính phủ, và họ khẳng định rằng họ đã tham ô được của hãng họ, hoặc chính phủ họ vài chục triệu USD, và để hợp thức hóa khoản tiền trên, cần một tài khoản ở Hungary. Theo lời những kẻ này, những ai hợp tác với họ, sẽ được “phần trăm” từ 20-50%.

Có thể, khi nhận được những bản fax và điện thư “béo bở” như thế, do không cưỡng lại được lòng tham, hoặc chỉ vì tò mò, bạn đã hồi âm những “bạn hàng” chưa biết mặt. Ngay lập tức, “bạn hàng” sẽ gửi cho bạn đủ loại thư từ, nêu rõ chi tiết của “thương vụ” tương lai giữa bạn và kẻ ấy, kèm theo những hướng dẫn cụ thể là bạn cần làm gì. Bạn có thể sẽ nhận được đủ loại địa chỉ và số điện thoại, toàn của những kẻ “quyền cao chức trọng”, và bạn có thể kiểm tra sự xác tín của chúng, dĩ nhiên, chỉ qua điện thư và điện thoại.

Ðến một lúc nào đó, có thể bạn sẽ cảm thấy tin tưởng ở những kẻ lạ mặt, và lao một một “thương vụ” mờ ám như thế, bạn sẽ không nhận ra rằng, để được một khoản tiền lớn như đã được hứa, bạn cũng trả một số “chi phí kỹ thuật” không phải là nhỏ (có người Hung đã mất mấy chục triệu Forint cho những kẻ lạ mặt). Và đến khi đó, nhiều khả năng là các vị “bạn hàng” của bạn sẽ không bao giờ liên lạc lại với bạn nữa.

Cũng có thể, phần vì tiếc chuyện “vung tiền qua cửa sổ”, phần vì giận bị lừa và muốn biết sự thể ra sao, bạn mua vé máy bay và lên đường đến địa chỉ đã nhận được. Ở đó, hoặc là bạn không tìm thấy ai (ngoài một chiếc máy nhắn, một địa chỉ “ma”), hoặc bạn có thể lâm hiểm nguy vì bọn lừa đảo không từ một thủ đoạn nào để cướp tiền và sau đó, bịt đầu mối.

*

Những vụ lừa đảo tương tự, đã được biết đến rất sớm trong lịch sử hình sự quốc tế, với cái tên “lừa đảo kiểu Nigeria”. Nigeria là một quốc gia không mấy nổi trội ở châu Phi. Chỉ đến thời gian gần đây, nước này mới được công luận quốc tế biết đến một cách rộng rãi, thông qua một số kết quả của đội tuyển bóng đá, hoặc những xung đột tín ngưỡng, mà đỉnh cao là vụ đụng độ đẫm máu gần đây, nhân vụ cuộc thi Hoa hậu Thế giới được (dự định) tổ chức ở xứ này. Tuy nhiên, từ lâu, đất nước châu Phi đã chịu rất nhiều tai tiếng bởi những vụ lừa đảo ở tầm quốc tế của các công dân không mấy tôn trọng pháp luật và đạo đức.

Ðã có nhiều tư liệu nói về “kỹ nghệ bịp” của Nigeria. Ngành bịp này không phải chỉ do vài tay lưu manh chủ chốt mà có cả hàng ngàn thanh thiếu niên Nigeria tham dự: họ xem như như một kỹ nghệ mà hàng năm thu nhập có thể lên đến 300 triệu USD. Riêng ở Mỹ, hàng năm dân chúng bị bịp hơn 100 triệu USD, dù đã có không biết bao nhiêu bài báo, sách vở “đặc tả” mọi thủ đoạn của lũ lừa đảo.

Cách thức câu khách của trò bịp Nigeria này khá đơn giản. Chẳng hạn, một người (thường là từ Nigeria nhưng cũng có thể từ bất cứ nơi nào) gởi e-mail hàng loạt, tự xưng là con cháu một vị cựu tổng thống, tổng trưởng nào đó ở Phi châu, vì bị chính quyền đàn áp nên họ phải tìm cách đem tiền chừng 50 triệu USD ra khỏi nước. Họ cần một tài khoản ngân hàng ở ngoại quốc để chuyển tiền và họ sẽ trả 20% hoa hồng (10 triệu USD).

Người nào “cắn câu” thì họ sẽ đòi chừng 500 USD “cước phí chuyển tiền”. Sau khi được cước phí, họ sẽ đòi thêm tiền hối lộ quan chức nhà băng chừng 5.000 USD. Ai vẫn tiếp tục “cắn câu” thì họ hẹn qua Phi châu để lĩnh “hoa hồng”. Tất nhiên cũng có người qua tận châu Phi vì nghĩ “vận may đã đến”. Ðến nơi, những tên bịp hoặc tìm cách thủ tiêu nạn nhân, hoặc đem cảnh sát lại bắt uy hiếp và đòi... tiền phạt, thế chân...

“Trò bịp Nigeria” dường như còn được “chuyển thể” để hướng vào người Việt. Gần đây, lan truyền trên mạng Internet là loạt e-mail của “anh bạn Abubakar”, cho biết một người Việt Nam bị bỏ mạng trong một tai nạn ở Negeria, để lại 20 triệu USD. Ðể “thừa hưởng” khoản tiền khổng lồ này, cần có sự “giúp đỡ” của một người Việt ở đâu đó trên thế giới...

Tại Hungary, trang chủ của Bộ Nội vụ và Sở Cảnh sát Quốc gia đã có bài cảnh báo các công dân Hung về sự nguy hiểm của “trò bịp kiểu Nigeria” này. Báo chí Hungary cũng đăng tải những lời thuật lại của một vài nạn nhân; đáng chú ý là vì những lý do dễ hiểu (sợ bị chê cười, không có bằng chứng, sợ bị rầy rà với người thân...), ít nạn nhân nào muốn “lộ diện” trước công luận.

Trong một số báo sau, NCTG sẽ lược trích một bài viết của một nạn nhân trò lừa đảo này, để quý độc giả thấy được phần nào sự tinh vi sau vỏ bọc tưởng chừng dễ nhận ra, của “trò bịp Nigeria”.

H.Linh


 

Những tin mới hơn