BA TUẦN Ở VIỆT NAM (2)

Thứ bảy - 17/02/2007 16:37

Một cái nhìn về Việt Nam của GSTS, nhạc sĩ Phạm Quang Tuấn, một Viêt kiều tại Úc, trong chuyến thăm nhà 3 tuần mới đây.

 * CẦN THƠ

Chỉ ghé Cần Thơ hai ngày, nhưng thấy thật dễ thương. Dân chúng hiền hòa, thành phố phồn thịnh, đường xá rộng rãi (4, 6, 8 đường xe), đêm bật đèn sáng trưng, các chợ, khu buôn bán và các trung tâm giải trí nhộn nhịp. Hậu Giang mênh mông, sông Cái Răng tươi mát. Xứng đáng danh hiệu Tây Đô. Phồn thịnh, phát triển, nhưng không quá đông đúc như Sài Gòn hay chỉ ồ ạt nhắm vào du khách mà quên mất dân đen như Nha Trang.

* SÀI GÒN

Sài Gòn đường càng ngày càng lớn - 6, 8, 10 làn xe - nhưng mật độ xe cộ vẫn không thay đổi. Bao giờ mới có metro? Đứng ở các ngã tư để kiểm soát giao thông bây giờ không phải là cảnh sát mà là những nhân viên của “Công ty Dịch vụ Đường Xá”. Tư hữu hóa hơn Úc!

Công viên nhiều hơn trước, dân Sài Gòn nay có nhiều chỗ đi dạo, chạy, tập thể thao. Tòa Đô Chính sơn sửa lại, trồng cây đằng trước, rất đẹp. Nhưng bến Bạch Đằng thì xấu kinh khiếp, thua các bãi biển, bờ sông của Nha Trang, Huế, Cần Thơ.

Tuyền đưa bọn mình và Bình-Hà đi coi mấy khu đô thị mới (Phú Mỹ Hưng, v.v…) Nghe nói là có những khu “Tây da vàng” và “Tây da trắng”. Tây da vàng (Đài Loan, Singapore…) thích nhà phố đẹp, Tây da trắng thích có cảnh sông.

Ngoài số xe cộ và bề rộng của đường xá, tốc độ phát triển của Sài Gòn còn có thể đo được bằng dây điện!

* CỦ CHI

Ngôi đền liệt sĩ làm theo kiểu chùa cổ rất đẹp. Các “hướng dẫn viên du lịch” mặc quân phục, chỉ dẫn du khách qua những “chốt” chính. Chốt đầu là xem một phim thuyết minh. Chỉ nghe vài câu đã thấy…. khiếp vì giọng điệu tuyên truyền cực đoan một chiều kiểu 1975. Ráng coi vài phút xem có thông tin thực tế gì về hệ thống hầm không (không có!), rồi đi ra hỏi “hướng dẫn viên” còn chỗ nào nữa không. Anh ta ngần ngại không muốn chỉ, có lẽ vì thấy “khách” không ngoan ngoãn coi hết, nhưng người bạn đồng ngũ - có lẽ thực tế hơn - bảo “thôi chỉ cho họ đi!” Chỉ tội nghiệp mấy người đi tour xe buýt, phải ngồi “lãnh đủ” cả cuốn phim. Củ Chi cũng là nơi duy nhất mà hỏi “người hướng dẫn” (bộ đội) có khi họ không thèm trả lời, mà cũng không thèm nhìn mình, chỉ vênh mặt một cách hách dịch như cán bộ đối xử với “ngụy” thời 75!

Chui thử vào một đoạn hầm dài 40 mét - đã làm rộng cho Tây, và có chăng đèn nên chẳng có gì ghê -, nhưng vài thanh niên đi sau cũng luôn miệng kêu: “Thấy ngõ ra chưa bác? Thôi quay lại đi!

Nếu mục đích của họ là gây lại cái không khí ghê sợ của “thời đó”, thì những người coi sóc Củ Chi rất thành công. Các nhóm cực đoan hải ngoại muốn tuyên truyền chống chế độ, chỉ cần mua cuốn phim thuyết minh của Củ Chi đem về chiếu, bảo đảm sẽ thành công 100%.

* ĐỜI SỐNG

Người dân thường vẫn chật vật nhưng cảm thấy càng ngày càng khá hơn và không có cảm tưởng bị áp bức quá đáng. Họ được tự do đi lại, làm ăn, thờ phượng. Tham nhũng lớn nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng và đời sống vật chất càng ngày càng hơn, giải trí đủ loại. Những đút lót lặt vặt không còn nữa. Ai cũng có TV, DVD, điện thoại di động, hoặc có thể mua được dễ dàng không thiếu thứ gì. Dịch vụ gì cũng có công ty tư nhân tham dự, từ tàu hỏa đến cảnh sát chỉ đường, và có đủ mọi tiêu chuẩn hợp với mọi túi tiền, từ bình dân tới sang trọng, từ năm sao tới ngàn sao. Trình độ phục vụ mọi nơi luôn luôn chu đáo. Báo chí ăn nói khá bạo và mọi người thoải mái chỉ trích chính phủ, không cần hạ giọng, miễn đừng đòi lật đổ chế độ (tức là cũng như thời Pháp hoặc miền Nam 1964-75, và tự do hơn thời Ngô Đình Diệm trước đó). Người dân cũng cảm thấy là Việt Nam đang thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Phải công nhận là chính phủ có những nỗ lực cải tiến, tuy không đồng đều về mọi phương diện. Thiệt thòi nhất có lẽ chỉ là những người bị giải tỏa cho các công trình xây dựng. Kinh nghiệm gia đình cho thấy là cán bộ, vốn đã được cho không hay mua rẻ nhà cửa tịch thu của “ngụy”, thì luôn luôn được đền bù xứng đáng (nhờ quan hệ? hay nhờ quen cách “chạy”?), còn thường dân thì… chưa chắc.

Tiệm sách đầy rẫy truyện Sơn Nam và Nguyễn Ngọc Tư. Gần một phần ba số truyện Việt Nam trên kệ là của hai tác giả này. Nếu Ban Tuyên Giáo Cà Mau dạo đó không kiểm điểm truyện “Cánh Đồng Bất Tận” của Nguyễn Ngọc Tư thì không biết cô này có trở thành bestselling như vậy không.

Báo đang ồn ào về những căn nhà cao tầng xây trái phép. Có ngôi nhà chỉ được phép xây 15 tầng mà xây thành 22 tầng, có nhà 8 tầng xây không có giấy phép gì hết. Sai phạm như vậy mà chỉ bị phạt 200.000 đồng (13 USD)! Chính phủ bất lực, không phải là vì dân chủ quá đáng, mà vì đằng sau mỗi dự án lớn là một lực lượng của đảng viên bự, công an, quân đội… tự đặt mình lên trên luật pháp.

Ở ngoại quốc về thì rất bực dọc vì tới phân nửa những trang web quen thuộc của mình, kể cả groups.yahoo.com, bị “tường lửa” ngăn chặn, nhưng người ở trong nước thì không cảm thấy thiếu thốn vì chưa bao giờ có. Sách và nhạc miền Nam thời xưa phục hồi khá nhiều, nhưng bị cấm cũng còn rất nhiều (kể cả gần một ngàn bản nhạc của Phạm Duy), tuy rằng vẫn hát “đại” ở các phòng trà. Trong mỗi internet cafe là những yết thị “Cấm truy cập những trang web đồi trụy và phản động” nhưng hầu hết khách là trẻ em vào chơi game đâu có để ý.

Dịch vụ rất nhiều hạng và nhiều giá tiền khác nhau. Những lần trước về thăm Việt Nam thấy gì cũng rẻ, kể cả những nơi sang trọng. Kỳ này thấy nhiều nơi vượt xa túi tiền của Việt kiều và cần phải xem giá trước khi bước vào, nhất là khi chiêu đãi đông bạn bè và gia đình!

* CA NHẠC

Vợ chồng Nghiêm dẫn đi nghe nhạc ở phòng trà Văn Nghệ của Phạm Duy ở Bình Thạnh. Đông nghẹt, ca sĩ hát hay và nhạc đệm rất khá. “Bố già” cũng tới nghe cùng các con. Nửa đầu hát nhạc Phạm Duy và các ca khúc miền Nam khác trước 75 (bây giờ gọi là “nhạc tiền chiến”!), thính giả nhiệt liệt vỗ tay. Nửa sau là “special guest star” (khách mời đặc biệt), ca sĩ trẻ Tùng Dương từ Hà Nội hát cả nhạc cũ lẫn nhạc mới (Phó Đức Phương, Trần Tiến…) Chàng ca sĩ này hát rất hay và sinh động, giọng thật là khỏe và kỹ thuật rất tốt, nhưng phong cách và cách ăn mặc “thời thượng” của anh ta có lẽ không làm hài lòng giới khán giả của phòng trà này! Khi chuyển sang hát những bài mới của các nhạc sĩ miền Bắc, gần một nửa thính giả lục tục ra về. Ngồi đằng sau tôi là một chàng có lẽ hơi say rượu, nói cười ầm ỹ và chửi đổng “pê-đê”. Tôi quay lại làm dấu bảo anh ta bớt ồn thì anh ta sinh sự: “Thằng cha này là bố thằng pê-đê hay sao mà thích nó dữ vậy!” Cuối cùng mấy người bạn của anh chàng kéo anh ta ra về.

Có lẽ là âm nhạc bây giờ phân hóa quá nhiều và cũng chia theo trục Bắc Nam. Miền Nam đeo nặng truyền thống nhạc lãng mạn tiền chiến, còn miền Bắc, sau mấy chục năm nhạc (và thơ văn) tình cảm bị cấm, không có hành trang gì đáng kể và lanh lẹ vọt theo những trào lưu trẻ trung nhộn nhịp của ngoại quốc. Ít có thính giả nào thưởng thức được hơn một dòng nhạc. Không như ngày xưa, khi mọi cái tai đều nghe nhạc qua đài phát thanh, bây giờ mỗi người có thể mua những đĩa mình thích và thính giả phân hóa thành nhiều bộ lạc, như ở ngoại quốc. Nhiều người rất bỡ ngỡ về chuyện đó và nhảy vào phê bình những dòng nhạc mình không quen thuộc một cách ngớ ngẩn.

Gần khách sạn có một phòng trà nho nhỏ của ca sĩ Bích Hồng, dạy thanh nhạc ở Nhạc viện. Rủ vợ chồng Nghiêm-Phượng và Chính-Lan tới nghe. Té ra Bích Hồng cũng là “người nhà”: bạn cũ của Hoàng Ngọc-Tuấn, và mới được Chính nhờ hát, với một số thù lao rất “đẹp”, mười nốt nhạc “Tình Ca” mà “chàng” đã mua của Phạm Duy cũng với một giá rất “đẹp”: 100 triệu đồng. Phòng trà nho nhỏ, thân mật, khách được mời lên hát. Nghe giọng hát của Bích Hồng và Lệ Mai trong không khí ấm cúng đó thật là đã. Anh chàng đệm nhạc nhiều khi quá ồn, tôi phải nhăn mặt chạy lên nói anh ta giảm bớt. Chắc anh ta cũng hơi ngạc nhiên tại sao khán giả mà bạo gan dám phê bình nhạc công!

Cái tật ban nhạc đệm quá to, đè ca sĩ, và để echo, reverb quá nhiều, dường như đang trở thành phổ biến hơn ở Việt Nam, tệ chẳng kém các ban nhạc Việt Nam ở Úc. Ở một phòng trà nổi tiếng là ATB của Ánh Tuyết, ban nhạc (nhất là trống) ồn đến nỗi phải lắng tai hết sức mới nghe được vài… echo của giọng ca sĩ trong những khoảng cách ngắn ngủi giữa các tiếng trống, đàn (giọng thật của ca sĩ thì… đừng có hy vọng nghe, “quên đi”!) Ngay cả bà chủ phòng trà Ánh Tuyết cũng bị ban nhạc “đè” không chút nể nang, hầu như không còn nghe gì nữa. Thính giả chắc cho vậy là hay nên không ai than phiền, còn ca sĩ thì chắc không dám than sợ bị trù!

Võ Thanh Tùng tới thăm và tặng edition mới của CD-ROM “Nhạc Khí Dân Tộc Việt” mới hoàn thành. Sau bao nhiêu năm cặm cụi nghiên cứu, cuối cùng anh đã phải bỏ Nhạc viện để ra làm nghề khác kiếm sống. Thật đáng tiếc!

Tới thăm Phạm Duy tại căn nhà ở Lê Đại Hành mà Công ty Phương Nam đã tặng ông như một phần của giao kèo bản quyền. Phạm Duy vẫn minh mẫn, làm việc hăng hái, rất vui vẻ và hài lòng với đời sống ở Việt Nam của mình, với các chuyến du lịch từ Bắc chí Nam, với sự “tôn thờ” của dân chúng địa phương (biếu thức ăn hàng ngày), với các ca sĩ trẻ hát nhạc và ra đĩa nhạc mình, và với các sinh viên Nhạc viện bắt đầu nghiên cứu nhạc Phạm Duy. Ông có một thái độ “thực tế” và kiên nhẫn (hay cam chịu) về chế độ kiểm duyệt ở Việt Nam, dù sau hai năm ở nhà vẫn mới chỉ có ba chục bản nhạc được cho lưu hành.

* VÕ HỒNG

Không hiểu sao tôi chưa bao giờ tới gặp nhà văn Võ Hồng, dù con ông là bạn học và bạn của gia đình từ nhỏ và nhà ông chỉ cách nhà tôi vài trăm mét. Diệu Hằng gọi mẹ tôi là “Mẹ” và tìm ở bà người mẹ ruột đã mất. Kỳ này, nghe tin Võ Hồng ốm nặng và Hằng phải ở bên ông để săn sóc, tôi và Lệ Mai vội tới thăm. Gặp ông trên sân thượng. Nhìn ông lờ đờ ngồi trên xe lăn, Mai tuôn nước mắt vì vốn ngưỡng mộ ông từ lâu. Ông ngồi im lặng, cho tới khi Mai nói về văn của ông thì mới như tỉnh lại, bắt đầu nói chuyện. Khi Hằng nói là Mai hát và tôi viết nhạc, ông tỏ vẻ chú ý. Tôi đề nghị Mai hát, ông yêu cầu Mai hát nhạc của tôi. Hết một bài ông đòi nghe một bản nhạc mới nữa. Dưới bầu trời đêm Nha Trang mát mẻ và yên tĩnh, Mai hát ba bài a cappella. Khi Hằng hỏi ông có mệt và muốn nằm không, ông gạt đi: “Vô lễ, có nghệ sĩ tới thăm“. Chúng tôi cảm động trước sự trân trọng đó và kính phục tâm hồn nghệ sĩ còn nguyên vẹn của ông. Cũng vui phần nào vì đã đem tới cho ông một chút hoạt động văn nghệ bình thường.

Xem Phần 1.

Phạm Quang Tuấn ghi chép - tháng Giêng 2007


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn