Giám mục Stanisław Wielgus: TẤN THẢM KỊCH CỦA MỘT CỰU CHỈ ĐIỂM

Thứ sáu - 12/01/2007 10:29

(NCTG) Trong những ngày qua, công luận Ba Lan và thế giới xôn xao trước việc ông Stanisław Wielgus, một tên tuổi lớn của Giáo hội Công giáo Ba Lan, người được chỉ định để thay thế Đức Hồng y Józef Glemp (sẽ nghỉ hưu) trên cương vị Tổng giám mục địa phận Warszawa, đã bị tố cáo là từng cộng tác với cơ quan mật vụ chính trị Ba Lan thời cộng sản.


Wielgus đã nhận nhiệm sở, nhưng sau đó lại từ chức chưa đầy nửa tiếng trước giờ “đăng quang” chính thức - Ảnh: Peter Andrews (Reuters)


Năm nay 68 tuổi, sự nghiệp của ông Stanisław Wielgus gắn liền với Đại học Công giáo Lublin: ông từng dạy Triết học ở đây, rồi giữ chức giáo sư và hiệu trưởng trường đại học này, cho đến năm 1999, khi được cố Đức Giáo hoàng John Paul Đệ nhị chỉ định làm Giám mục địa phận Plock.

Từ một tháng nay, khi Stanisław Wielgus chuẩn bị thay thế người tiền nhiệm tại địa phận Warszawa, xã hội Ba Lan đã bị chấn động bởi những hồ sơ mật - một phần đã được đưa lên mạng Internet - về quá khứ chỉ điểm của vị tăng lữ này. Tháng 12-2006, tờ tuần báo cực hữu “Gazeta Polska” (Báo Ba Lan) đã đưa việc này ra trước công luận, đặt Tòa Thánh Vatican, Giáo hội Công giáo Ba Lan và cá nhân ông Wielgus vào tình thế rất khó xử.

Đức Giáo hoàng Benedict 16, người cất nhắc ông Wielgus lên cương vị Tổng giám mục Warszawa ngày 6-12-2006, cho đến ngày 5-1-2007 vẫn tỏ ra tin tưởng hoàn toàn vào “con chiên” của mình: theo ông Wielgus, trong chuyến công du đến Ba Lan của Đức Giáo hoàng vào tháng 5-2006, ông đã có dịp “thú tội” trước ngài. Đồng thời, trong các dịp trả lời phỏng vấn báo chí Ba Lan trước đây, ông Wielgus luôn phủ nhận lời cáo buộc trên: vị giám mục cho biết rằng trong quá khứ, nhiều lần ông bị cơ quan mật vụ chính trị Ba Lan (SB) dụ dỗ, nhưng ông không làm chỉ điểm và không làm hại đến bất cứ ai.

Tuy nhiên, Ủy ban Lịch sử Giáo hội của Ba Lan - được thành lập để xem xét và đánh giá nhũng hồ sơ mật liên quan tới giới tăng lữ Công giáo tại nước này - đã có kết luận hoàn toàn khác. Theo đó, có những bằng chứng cụ thể cho thấy Stanisław Wielgus đã cộng tác với cơ quan SB đến tận năm 1989, tức là đến thời điểm Ba Lan có những biến chuyển dân chủ. Không rõ những thông tin mà Wielgus cung cấp cho công an mật gây hại đến đâu cho đồng bạn, nhưng giới Công giáo ở Lublin cho rằng nhiều người đã phải chịu hậu quả do hành vi của Wielgus.

Cuối cùng, có lẽ điều gì cần xảy ra, đã xảy ra. Thứ Bảy 6-1-2007, Stanisław Wilegus tiếp nhận nhiệm sở và lẽ ra, ngày hôm sau, ông sẽ chính thức “đăng quang” tại Đại giáo đường Thánh John, thủ đô Warszawa. Tuy nhiên, trước sức ép của dư luận và nhiều tín đồ Công giáo, Wielgus đã tuyên bố từ chức; quyết định này của ông được những người có mặt - trong số đó, có tổng thống Lech Kaczynski - vỗ tay hoan nghênh, nhưng cũng có nhiều người phản đối vì cho rằng tất cả vụ việc này chỉ là “sản phẩm” phá hoại của dân Do Thái.

Lời từ chức của Wielgus đã được Đức Giáo hoàng chấp thuận, cho dù tháng 5-2006, Đức Benedict 16 còn cho rằng, vẫn biết là cần sám hối và trực diện với những tội lỗi trong quá khứ, nhưng nếu không có bằng chứng cụ thể, không được phép đả kích giới tăng lữ bị coi là đã làm chỉ điểm, vì phải để tâm đến hoàn cảnh thời xưa. Có lẽ Tòa Thánh cũng không còn lựa chọn nào khác để giữ uy tín cho mình và chấm dứt trạng thái “bất ổn” trong các tín đồ của mình tại Ba Lan!

*

Tấn bi kịch của giám mục Stanisław Wielgus phải được hiểu và đặt ở vị trí như thế nào, trong hoàn cảnh các nước Đông Âu hậu cộng sản?

Trước tiên, cần nói rằng những chuyện tương tự như điều xảy ra với giám mục Wielgus không hề xa lạ với các nước vùng Đông Âu: cho dù thay đổi thể chế được hơn một thập niên rưỡi nay, nhưng bóng ma quá khứ vẫn thường trực ám ảnh ở đây. Và việc rò rỉ thông tin cho thấy một nhân vật khả kính nào đó từng cộng tác với các cơ quan mật vụ chính trị vẫn là điều thường thấy và gây xáo trộn tại xã hội Đông Âu.

Ở Hungary, thời gian qua, đã có khá nhiều đại diễn các giới văn nghệ sĩ, thể thao, tôn giáo, chính trị... bị phanh phui là chỉ điểm trong chế độ cũ. Riêng trong địa hạt tôn giáo, đầu năm ngoái, sử gia Ungváry Krisztián đã phát hiện rằng Đức Hồng y Paskai László, được coi là gương mặt sáng giá và uy tín nhất của Công giáo Hungary, nguyên chủ tịch Hội đồng Giám mục Hungary, cũng từng cộng tác với mật vụ chính trị (*). Những nghiên cứu sử học cho thấy đại bộ phận lãnh tụ Công giáo hiện nay của Hungary cũng từng có quá khứ như ông Paskai László!

Ngay ở Ba Lan, Wielgus cũng không phải là vị tăng lữ Công giáo cao cấp duy nhất là tù nhân của quá khứ. Ngày 2-1-2007, sau một thời gian dài bị cáo buộc là chỉ điểm trong thời kỳ 1982-1989, ông Janusz Bielanski (68 tuổi), đức cha quản hạt của Đại giáo đường Wawel (Krakow) đã viết thư xin từ chức. Đức Hồng y Stanisław Dziwisz (**), Tổng giám mục Krakow, người đã bị Janusz Bielanski theo dõi và báo cáo trong nhiều năm liền, đã chấp nhận lá thư từ chức này.

Tình hình cũng không hề sáng sủa hơn ở các nước Đông Âu khác. Tại Bulgaria, sau biến cố 1989, Giáo trưởng Maxim, người đứng đầu Giáo hội Chính thống giáo Bulgaria, bị tố cáo là cộng tác với công an mật. Còn Ở Romania, vị giáo trưởng Teoctist của Giáo hội Chính thống giáo nước này đã phản đối đạo luật cho phép thanh lọc những ai từng làm chỉ điểm trong chế độ cũ; dư luận cũng cho rằng Teoctist đã phục vụ các lợi ích của nhà độc tài Ceausescu một cách quá trung thành.


Cố Đức Giáo hoàng John Paul Đệ nhị cũng nhiều lần bị gọi lên cảnh sát, nhưng chính quyền Ba Lan đã không hiểu hết được tầm cao tư tưởng của ông, và không tìm cách cưỡng bức ông làm chỉ điểm - Ảnh: Internet


Năm 2004, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Czech, ông Karel Simand, cũng bị phanh phui là có quá khứ chỉ điểm; Karel Simand đã phải từ chức dưới sức ép của Hội đồng Giám mục. “Sáng suốt” hơn, để tránh mọi “hậu họa”, ngay từ năm 2000, Giáo hội Công giáo Litvania đã công khai “tự kiểm điểm” và xin lỗi mọi giáo dân về quá khứ không mấy trong sạch của mình.

Theo hồi tưởng gần đây nhất trên tờ “La Repubblica” (Ý) của ông Joaquin Navarro-Valls, cựu phát ngôn viên Tòa Thánh, khi về hưu làm nghề ký giả, tại Đông Âu, dưới chế độ cũ, các thành viên Giáo hội Công giáo đã phải “đi trên dây” giữa ranh giới của sự anh hùng, quả cảm và sụ thỏa hiệp, có khi đớn hèn. Ở Ba Lan, có lẽ đức giám mục Karol Wojtyla (sau này trở thành Đức Giáo hoàng John Paul Đệ nhị) là người duy nhất mà chính quyền không thể mua chuộc vì ông không có gì có thể bị mua chuộc.

Mặt khác, theo lời cố Đức Giáo hoàng, ông cũng hay bị gọi lên đồn công an và bị vặn hỏi về quan điểm chính trị; tuy nhiên, những dịp ấy, đức giám mục Karol Wojtyla toàn trò chuyện về học thuyết của các nhà hiền triết cổ đại Hy Lạp, thành thử cảnh sát liệt ông vào hạng “không nguy hiểm”, và không có ý mua chuộc ông.

Trở lại Hungary, Giáo hội Công giáo Hung không bắt buộc bất cứ ai phải thú nhận về quá khứ chỉ điểm của mình, cho dù là trong một diễn đàn nội bộ hay trước công luận rộng rãi. Trên nguyên tắc, Giáo hội Hung không loại trừ việc một thành viên tự đề nghị “thanh lọc” mình, nhưng cho đến giờ, mới chỉ có một nhân vật lãnh đạo thuộc Hội đồng Giám mục - ông Várszegi Aszirik - chứng tỏ được rằng ông không cộng tác với cơ quan mật vụ chính trị thời cộng sản.

Chính ông này cũng là chủ tịch một ủy ban giám định được Hội đồng Giám mục Hungary thành lập để soi rọi quá khứ, một phần cũng để tránh những eo xèo do thỉnh thoảng lại có thông tin rò rỉ về quá khứ chỉ điểm của một số lãnh tụ tôn giáo. Tuy nhiên, hoạt động của ủy ban này mới chập chững ở những bước đầu...

Đánh giá về sự cộng tác trong quá khứ với cơ quan mật vụ chính trị cộng sản, công luận Hung có phân biệt từng cấp độ. Bởi lẽ, cũng như trên các địa hạt khác của cuộc sống, sự cộng tác của các nhân vật trong Giáo hội có nhiều lý do và xuất phát từ nhiều động lực khác nhau. Có nhiều người bị đe dọa và áp lực thể xác, tinh thần, nên phải quy phục, nhưng cũng không ít kẻ chọn con đường chỉ điểm để thúc đẩy sự thăng tiến trên đường công danh. Cũng rất quan trọng là sau khi đã ký biên bản tuyển dụng với cơ quan an ninh mật, những kẻ chỉ điểm đã “tích cực” đến mức nào trong công việc.

Chính Đức Hồng y Paskai László của Hungary đã cự lại sự “ve vãn” của mật vụ chính trị Hung trong một thời gian dài và khi không thể tránh được nữa, ông cũng cố gắng làm sao càng ít hại đến ai càng tốt. Riêng trường hợp các tu sĩ Công giáo và các tín đồ tôn giáo nói chung, ở thể chế cũ, tôn giáo là thứ bị quản chế và bót nghẹt; đối với nhiều người, thỏa hiệp ở một mức độ nào đó có thể là con đường duy nhất để họ có thể tiếp tục theo đức tin của mình.

Như thế, dễ hiểu là một bộ phận không nhỏ trong công luận Hungary cũng như Đông Âu có thiên hướng coi các vị giáo sĩ, giám mục Công giáo bị buộc làm chỉ điểm cũng đồng thời là những nạn nhân của thể chế cũ, và coi việc họ làm là tội lỗi có thể thể tất.

Tuy nhiên, xét trên một khía cạnh khác, nhiều người cho rằng không thể không lên án hành động thỏa hiệp với cảnh sát mật của nhiều lãnh tụ tôn giáo, bởi lẽ trong chế độ cũ, vẫn có những người không bị khuất phục và bằng mọi giá, không để mình biến thành chỉ điểm. Ở đây, bị phê phán nhiều nhất vẫn là thái độ thiếu trung thực, không dám trực diện với quá khứ của rất nhiều nhân vật khả kính, đặc biệt là giới tăng lữ, khi bị phanh phui vẫn cố chối đến cùng và chỉ chịu thừa nhận khi không còn đường rút.

Phải chăng, tấn bi kịch của Tổng giám mục Warszawa, ông Stanisław Wielgus, cũng là ở đây?

Ghi chú:

(*) NCTG từng có loạt bài về quá khứ chỉ điểm của các nhân vật này (Szabó István, Paskai László, Novák Dezső...).

(**) Đức Hồng y Stanisław Dziwisz từng là thư ký riêng, đồng thời cũng là cộng sự thân cận nhất của cố Đức Giáo hoàng John Paul Đệ nhị trong vòng 40 năm; ông Janusz Bielanski được cơ quan mật vụ chính trị Ba Lan giao nhiệm vụ theo dõi mọi hoạt động của ngài Dziwisz nhằm tạo ảnh hưởng đến những tăng lữ có quan hệ với ông.

Hoàng Linh, tổng hợp theo báo Hungary


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn