CHUYỆN CHỮ NGHĨA: “PHỤ TÙNG”

Thứ bảy - 03/03/2007 16:06

(NCTG) Xa nhà “hơi bị” lâu nên khi đọc báo nhà, nhiều khi tôi rất ngạc nhiên trước ngôn từ và cách nói thay đổi ở Việt Nam.

Dạo trước, tôi “tâm đắc” mãi về cái vụ các bác giai nhà mình dùng ám hiệu “xem Olympic Marseille” (Ô-EM) để gạt vợ, chuồn đi vui vầy với “đào”.

Có nhiều từ mới mà lúc đầu tôi không hiểu, và sau khi hiểu thì thấy rất chướng tai, lại được dùng tràn lan trong báo chí, ví dụ: “kích cầu”. Tuy nhiênh, nghe mãi cũng quen, không thấy “lấn cấn” (hay… “lăn tăn”) gì nữa.

Tôi càng khoái trá những khi tìm được một vài từ ngữ cũ (thời “bao cấp”), được “tái đắc dụng” một cách chí lý trong khung cảnh mới. Chẳng hạn, trong một mẩu báo rất cũ rồi, tác giả Ngọc Khánh phê phán tệ các “ca sĩ gái” Việt Nam hay ăn mặc đồ nhà nghèo (mục “Từ hàng ghế khán giả”, báo “Tuổi trẻ” 22-4-2000):  ”Ở chương trình “Đêm đầy sao” dạo trước, có cô ca sĩ mặc nhiên không thèm cài những nút áo trên cùng, để hở cả “phụ tùng” bên trong“.

Thu Minh, một ca sĩ có trang phục gợi cảm trên sân khấu

Dùng từ “phụ tùng” hay thiệt! Một từ rất thường, trông qua tưởng không có gì lạ, mà tôi nghĩ mãi, thấy không thay thế được bằng từ nào khác (”công cụ”, “linh kiện”…), hay hơn, hợp hơn.

“Phụ tùng” được sử dụng ở đây, hẳn để chỉ các bộ phận - dĩ nhiên là thầm kín - của mấy cô ca sĩ, hay được các cô phơi bày “hồn nhiên” trước công chúng. Tôi băn khoăn không biết cái từ này có được dùng cho nam giới không: ví dụ, tay ca sĩ Freddie Mercury (ban nhạc “Queen” ngày xưa), khi hát, cứ thích cởi trần, không hiểu có bảo được là ông ta thích khoe khoang “phụ tùng” hay không?

Còn quần áo lót, được gọi là “nội y”, chắc là để phân biệt với “ngoại y” là quần áo mặc ngoài?

Rách việc, tra “Từ điển tiếng Việt” (1996), thì thấy: “Phụ tùng: Chi tiết máy có thể thay thế được khi hỏng. Ví dụ: Phụ tùng xe đạp“.

Thực ra, tôi không hề biết là “phụ tùng” còn hàm chứa nghĩa “có thể thay thế được khi hỏng“. Tôi nghĩ có loại “phụ tùng” làm ra để hỏng thì vứt đi luôn.

Trong vốn từ ngữ dân gian Việt Nam, ám chỉ cái “của nợ” ấy của nam giới, có cụm “bộ tư lệnh” nghe cũng hay hay, nhưng không được “nhã” lắm và có phần thô kệch, vì nó hay làm tôi nghĩ đến cuốn “Bộ tổng chỉ huy Xô-viết trong chiến tranh” của ông thống chế Liên Xô Vasilyevsky!

Trở lại bài viết trên, đoạn cuối kể chuyện đi coi hát ở Việt Nam cũng hấp dẫn ghê:  “Lần khác đi xem show diễn riêng của một cô ca sĩ, các quí ông ở những hàng ghế đầu bất ngờ và “ngây ngất” trước “tòa thiên nhiên” của cô ca sĩ này, hiện rõ qua lớp áo voan mỏng do cô cố tình tạo sự gợi cảm lộ liễu đến vậy!?“

Làm tôi, tự nhiên lại muốn về nhà đi xem (các cô) hát!

Hoàng Tuấn


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn