CỰU TỔNG THỐNG NGA BORIS YELTSIN QUA ĐỜI

Thứ hai - 23/04/2007 22:37

(NCTG) Boris Yeltsin, vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên được bầu bán tự do trong lịch sử Nga, đã qua đời ngày thứ Hai 23-4-2007, thọ 76 tuổi. Trong thời gian ông nắm quyền bính, dưới ảnh hưởng những cải cách kinh tế, mức sống của người dân Nga sút giảm rõ rệt, người tên tuổi ông lại gắn liền với một định chế mà tổng thống nắm quyền tối thượng.

Trong 8 năm trên ghế tổng thống (chủ tịch), ông đã ngăn chặn thành công một cuộc đảo chính, đã không ngần ngại khi hạ lệnh xả súng bắn vào tòa nhà Quốc hội (nơi trú ẩn của các đối thủ chính trị)... Sự ra đi của Boris Yeltsin cũng rất đáng nhớ: ông rời ghế tổng thống Nga vào đúng ngày cuối cùng của thiên kỷ trước, để lại "gia sản chính trị" cho Vladimir Putin, "người hùng" hiện tại của xứ sở này.

* VỊ CHÍNH KHÁCH GẦN DÂN

Boris Yeltsin sinh tại một làng nhỏ ở tỉnh Sverdlovsk (nay là Yekaterinburg) ngày 1-2-1931. Sau khi tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật, ông làm việc một thời gian dài tại các công trình xây dựng và vào đảng năm 30 tuổi. Bảy năm sau, Yeltsin đã giữ chức trưởng phòng tại tổ chức đảng ở quê hương mình. Từ năm 1976, ông là bí thư thứ nhất tại đây và trên cương vị đó, năm 1984, ông được bầu làm ủy viên Đoàn chủ tịch Xô-viết Tối cao.

Nhờ Mikhail Gorbachev, người bạn và sau này là đối thủ chính trị, Yeltsin lọt vào ban lãnh đạo tối cao Liên Xô. Năm 1985, ông giữ chức bí thư thành ủy Moscow. Được biết đến như một nhà lãnh đạo giản dị, dễ gần gũi với dân chúng (có lúc ông đi lại trên các phương tiện công cộng ở Moscow mà không cần vệ sĩ), Boris Yeltsin nhanh chóng được lòng dân vì quyết tâm chống lại sự vô tổ chức, tệ tham nhũng cùng những đặc quyền đặc lợi đang ngự trị trong chính quyền Liên Xô thời ấy. Tuy nhiên, đến năm 1987, ông bị bãi chức.

Tháng 3-1989, tại khu vực bầu cử số của Moscow, Yeltsin được bầu vào Quốc hội kiểu mới của Liên bang Xô-viết (Đại hội Đại biểu Nhân dân) với số phiếu rất áp đảo. Một năm sau, ông ra khỏi đảng để có thể thực hiện những dự định cải tổ chính trị và kinh tế mà không bị gò bó trong khuôn khổ đảng tịch.

Năm 1991, với 57% số phiếu bầu, Boris Yeltsin được lên ghế chủ tịch Liên bang Nga. Khi đó, quyền lực và ảnh hưởng của ông lên đến cao độ. Mặc dù trong thời gian diễn ra vụ đảo chính của "Bát nhân bang" vào cuối tháng 8-1991, Yeltsin còn cứu vãn quyền lực của tổng bí thư - chủ tịch Liên Xô Mikhail Gorbachev, nhưng đến tháng Mười hai, cùng chủ tịch các nước cộng hòa Ukraina và Byelorussia, ông đã khai tử Liên bang Xô-viết.

* NHỮNG THẤT BẠI

Là người đứng đầu Liên bang Nga cho đến năm 1999, song trong thời gian sau, uy tín của Yeltsin xuống rất thấp, có thời chỉ 2% cư dân Nga cho biết họ ưa chuộng ông. Những năm Boris Yeltsin nắm quyền chính thường bị coi là thời kỳ tham nhũng ở cấp nhà nước, nền kinh tế Nga lâm vào cuộc khủng hoảng kéo dài, nước Nga gặp phải vô vàn vấn đề về chính trị và xã hội. Những cải cách kinh tế được bắt đầu từ năm 1992 đã khiến mức sống của hầu hết các giai tầng trong xã hội Nga xuống thấp ở mức chưa từng có! Năm 1994, cuộc chiến với Chechnya bùng nổ, dẫn tới những tổn thất lớn về dân sự và quân sự khiến nước Nga lâm vào tình thế rất khó xử; 3 năm sau, Nga và Chechnya ký một thỏa thuận hưu chiến, được giới quan sát đánh giá là đồng nhất với thất bại của Yeltsin. Cũng trong "triều đại" của Yeltsin, tư hữu hóa trên quy mô rộng lớn đã tạo nên một thế hệ những "tỉ phú mới" của Nga.

Cuối thập niên trước, sức khỏe của Boris Yeltsin suy giảm, ông bị coi là một kẻ nghiện ngập. Năm 1999, ông cất nhắc Vladimir Putin, khi ấy còn là một chính khách chưa hề có tiếng tăm, lên giữ cương vị thủ tướng; trong năm sau, Yeltsin từ chức và trao quyền tổng thống cho nhà chính trị "tay sắt" này.

Người đời hẳn sẽ còn nhớ đến Yeltsin vì nhiều hành động "ngoạn mục" của ông. Chẳng hạn, tháng 8-1991, trong cảnh nước sôi lửa bỏng, ông đã đứng trên nóc một chiến xa kêu gọi quần chúng chống lại 8 vị lãnh tụ thượng đỉnh, khi ấy muốn lật đổ Mikhail Gorbachev. Năm 1993, ông cho đại bác nã đạn vào tòa nhà Quốc hội Nga, nơi tụ họp của các địch thủ chính trị của ông. Trong kỳ tranh cử năm 1996, Yeltsin còn nhún nhảy dưới nền nhạc nhẹ để lấy lòng các cử tri.

* KHÔNG CÓ PHIÊN DỊCH

Tháng 11-1992, Boris Yeltsin sang thăm chính thức Hungary và phát biểu tại Quốc hội Hung. Tuy nhiên, vì một lý do kỹ thuật, phần thông dịch đã không được thực hiện và chỉ các dân biểu Hung nào hiểu tiếng Nga mới biết vị nguyên thủ quốc gia nói gì. Về sau, bản dịch lời phát biểu này mới được phát cho các nghị sĩ Quốc hội.

Trong dịp ấy, Boris Yeltsin cũng nói về cách mạng 1956 của Hungary. Ông thổ lộ: thật cay đắng khi nghĩ đến việc các lãnh tụ điện Kremlin đã đẩy lính Xô-viết vào những sự kiện bi thảm tại Hung: "Ngày nay, chúng tôi cúi đầu tưởng niệm mọi nạn nhân của cách mạng 1956". Như thế, Yeltsin đã có một hành động lịch sử đối với người dân Hung vì ông là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Nga - đại diện cho Liên Xô - chính thức ngỏ lời xin lỗi Hungary vì biến cố 1956.

Cũng trong thời Yeltsin đương chức, mối quan hệ phụ thuộc giữa Hungary và Liên Xô trước đây đã thay đổi và đặt trên một nền tảng mới: quân đội Nga rút quân khỏi Hung (năm 1991) và người Hung, nhìn lại vai trò lịch sử của Yeltsin, cho rằng ông đã có vai trò rất lớn đối với quá trình dân chủ hóa của khối Đông Âu độc lập.

* ĐÁNH GIÁ CỦA NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI

Cựu chủ tịch Liên Xô Mikail Gorbachev gửi lời chia buồn đến phu nhân ông Yeltsin, nhưng ông cũng thừa nhận rằng giữa hai người đã có những bất đồng lớn mà kẻ thù của quá trình cải tổ đã tận dụng, nhất là trong cuộc đảo chính cộng sản năm 1991. Tuy nhiên, Yeltsin đã có giây phút huy hoàng khi ông khảng khái bảo vệ những biến chuyển dân chủ. Trả lời đài "Tiếng nói Moscow", ông Gorbachev nhận định: sự đam mê quyền lực của Boris Yeltsin đã khiến ông nghĩ rằng nếu giải tán Liên bang Xô-viết thì nước Nga sẽ dễ dàng hơn trên con đường cải tổ.

"Yeltsin là cả một thời đại trong lịch sử chúng ta. Ông không phải là một nhân vật có thể đánh giá một cách đồng nhất, song lại là người đảm nhiệm một trọng trách vì số phận nước Nga. Ông không cho phép để nội chiến bùng nổ và đã mạo hiểm cả sự nghiệp chính trị của mình. Cuối cùng, ông có đủ nghị lực từ chức để nhường đường cho một khuynh hướng mới" - đó là nhận định của cựu thủ tướng Sergei Stepashin, hiện là chủ tịch Thanh tra Tài chính Nga.

Cuối cùng, theo cựu phó thủ tướng Boris Nemtsov, Yeltsin đã mang lại tự do cho dân Nga, thậm chí, những thành quả dưới thời ông - tự do báo chí, đa đảng, quan hệ giữa các nước cộng hòa trong Liên bang Nga, cạnh tranh chính trị và sự bảo vệ các chính quyền địa phương - nay đã bị chính thể Putin thanh toán!

H.Linh tổng hợp, theo [origo]


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn