LẠI CHUYỆN CẮT CỤT

Chủ nhật - 20/05/2007 23:37

(NCTG) Các báo gần đây đưa tin về những vụ cố ý xây nhà cao tầng vượt quá độ cao được quy định trên giấy phép. Biện pháp cương quyết của lãnh đạo thành phố là cắt cụt, hạ độ cao. Lệnh phải thi hành vào giữa tháng Năm.

Tòa nhà số 9 Đào Duy Anh sẽ bị dỡ bỏ 3 tầng trên cùng trong vòng 4 tháng - Ảnh: ĐL ("VnExpress")

Nhưng rồi tháng Năm sắp qua mà những tòa nhà vi phạm kia vẫn ngạo nghễ tồn tại. Mới đây nghe đâu lại có lệnh hoãn thi hành việc “cắt cụt” này vì thành phố chưa chấp nhận phương án xử lý của các chủ công trình. Chủ công trình nào cũng nêu đủ lý do để dây dưa. Thì ra việc cắt cụt một ngôi nhà cao tầng không dễ như ta cắt một ngọn cây. Đại diện Phòng Giao thông quận Ba Đình cho biết, nếu Quận thực hiện cưỡng chế thì Quận cũng phải thuê công ty bên ngoài vào phá dở để đảm bảo an toàn, vì Quận cũng chưa bao giờ phá dỡ ngôi nhà nào trên 5 tầng, tất nhiên, chi phí sẽ do chủ đầu tư chi trả. Phương án tháo dỡ công trình số 9 Đào Duy Anh đã được Ủy ban Nhân dân (UBND) Quận Đống Đa thông qua và đang chờ Sở Xây dựng thành phố phê duyệt, nhưng thời gian dự kiến tháo dỡ công trình này cũng vào khoảng 5-7 tháng. Chưa biết đến bao giờ lệnh của UBND thành phố mới được thi hành.

Căn nhà "siêu mỏng" số 80 Đào Tấn - Ảnh: Hoàng Hà

Đó là chuyện về những tòa nhà cao tầng. Còn những ngôi nhà siêu mỏng thì sao? Những ngôi nhà chiều ngang chỉ vẻn vẹn chưa đầy 2m. Rõ ràng chúng không vi phạm luật pháp, nhưng chúng vi phạm đến thẩm mỹ cảnh quan đô thị. Nghe đâu thành phố cũng có chủ trương tháo dỡ những ngôi nhà kiểu này. Nhưng tất cả những biện pháp trên chỉ là những biện pháp khi việc đã rồi. Có một câu hỏi tự nhiên được đặt ra: tại sao đến bây giờ những người có trách nhiệm của thành phố mới nhận ra sự vi phạm này? Những ngôi nhà cao tầng kia có phải mọc lên trong ngày một ngày hai? Chúng tồn tại công khai hàng năm trời mà đến bây giờ những người có trách nhiệm mới nhân ra sự vi phạm của chúng? Điều này có cái gì đó giống với sự tồn tại của vũ trường New Century cách đồn công an Hoàn Kiếm 300m suốt 10 năm nay.

Quả thực không biết gọi kiến trúc của Hà Nội hôm nay bằng cái tên gì. Nhà cửa ở Hà Nội giống như một đội quân ô hợp, anh nào có cái gì mặc cái ấy, anh com-lê, anh quần đùi, may ô,… Cứ sống mãi thì cũng quen con mắt. Mỗi lần đi nước ngoài về thì cái cảm giác đầu tiên đập vào mắt tôi là Hà Nội sao mà lộn xộn, xô bồ, hỗn tạp thế. Đó là hậu quả của sự phát triển tự phát, không có qui họach, quản lý ngay từ đầu.

Thực ra Hà Nội vốn đã có một sự hài hòa và vẻ đẹp riêng trong kiến trúc. Khu phố cổ mái ngói lô xô như trong tranh của Bùi Xuân Phái có cái thẩm mỹ của nó. Kiến trúc kiểu thuộc địa Pháp có cái thẩm mỹ riêng, rất hợp với khung cảnh thiên nhiên nhiệt đới xứ ta. Những vẻ đẹp đó không lạc hậu với thời gian.

Nhưng chúng ta đã không biết quý trọng chúng. Tòa Thị chính Hà Nội xưa kia có kiến trúc rất đẹp, nay thay bằng một tòa nhà với kiểu kiến trúc rất kỳ quặc. Rồi có lúc chúng ta bê kiến trúc kiểu Xô-viết nặng nề như Cung Văn hóa Việt Xô, Nhà Quốc hội, v.v... Sau năm 1975 lại bê kiểu kiến trúc của Sài Gòn thời Mỹ, nhà nào cũng mặt tiền đá rửa xám xịt. Tôi mong giới kiến trúc tìm ra những mô hình kiến trúc hiện đại thích hợp cho các đô thị, nhất là thủ đô Hà Nội, rồi giới thiệu cho mọi người, ai làm nhà chỉ được chọn trong những mẫu kiến trúc đã được định sẵn.

Làm như vậy mới mong có được sự hài hòa trong xây dựng. Còn như bây giờ thì... mỗi người dân là một kiến trúc sư!

Đạo diễn Đặng Nhật Minh, từ Hà Nội


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn