TÂN TỔNG THỐNG PHÁP VÀ HUNGARY

Thứ hai - 07/05/2007 08:56

(NCTG) Trong vòng bầu cử cuối cùng ngày hôm qua, 6-5-2007, ông Nicolas Sarkozy, chủ tịch đảng UMP, đã thắng cử tổng thống Pháp với 53% số phiếu bầu, đánh bại bà Sègonlene Royal, ứng cử viên Đảng Xã hội, người giành được 46% số phiếu bầu.

Sarkozy thuộc thế hệ chính khách mới của nước Pháp. Khác với nhiều chính khách Pháp đương thời, ông không tốt nghiệp Đại học Khoa học Chính trị Paris, mà tốt nghiệp Đại học Luật, với kết quả không lấy gì làm xuất sắc lắm. Cha đẻ ông là nhà quý tộc Hung Nagy-Bóczai Sárközy Pál, mẹ là bà Andrée Mallah, người Hy Lạp.

Nicolas Sarkozy - Ảnh: Eric Gaillard (Reuters)

Ngay từ rất trẻ, ông đã đi theo con đường chính trị. Năm 21 tuổi ông gia nhập Đảng RPR do Jacques Chirac sáng lập, và được Chirac giao lãnh đạo phong trào thanh niên của đảng. Mới 28 tuổi, ông trở thành thị trưởng Thành phố Neuilly-sur-Sein, gần kề Paris. Từ năm 1988, ông đã là nghị sĩ Quốc hội. Năm 1997, ông trở thành phát ngôn viên của Đảng RPR, sau trở thành tổng bí thư tạm thời. Sau khi Chirac tái cử tổng thống năm 2002, tên tuổi Sarkozy đã được nhắc đến như một ứng cử viên nặng ký của chức thủ tướng, nhưng cuối cùng ông được bổ nhiệm chức bộ trưởng Nội vụ. Trên cương vị này ông đã hoàn thành trọng trách xuất sắc và không gì ngăn trở ông trên con đường hoạn lộ tiếp theo. Năm 2004, ông giữ chức chủ tịch Đảng UMP và trở thành ứng viên số một của đảng này tranh ghế tổng thống.

Liệu nguồn gốc Hung của ông có mang lại thuận lợi gì cho Hungary? Điều đó chắc hẳn không chỉ phụ thuộc vào phía Hungary. Chắc ông không thể làm việc gì ”đặc biệt” chỉ dành lợi thế cho Hungary, tốt hơn cả là ông cũng không nên làm như vậy. Hung có thể có lợi qua chính những việc mà ông làm cho nước Pháp, đó là việc hiện đại hóa nước Pháp, đưa Pháp lên vị thế mới trên trường quốc tế.

Từ lâu, Pháp không còn là cường quốc thế giới, nhưng vẫn là một trong ba quốc gia mạnh, có tiếng nói quyết định ở Châu Âu. Tiếng nói của Paris có ảnh hưởng lớn trong Quốc hội EU. Cải cách và hiện đại hóa EU là không thể tránh khỏi, nhưng chỉ có thể thực hiện được nếu nước Pháp thực hiện cải cách và hiện đại hóa, ít nhất là sẽ bắt đầu công việc này.

Sakozy đã thắng cử vì ông hứa hẹn cải cách và hiện đại hóa, dù điều đó có thể phải „ trả giá”. Đời sống của dân Pháp hiện ở mức khá cao so với ngay cả các nước phát triển, nhưng nhiều người đã nhận ra mức sống như thế không thể duy trì lâu dài. Và họ tin Sarkozy có thể tiến hành thắng lợi cuộc cải cách và hiện đại hóa nước Pháp, ngay cả bằng những biện pháp cứng rắn.

Sự thay đổi thế hệ chắc chắn sẽ bắt đầu, còn sự thay đổi thời đại chỉ mới hé mở như một khả năng.

Nước Pháp phải từ bỏ nhiều thói quen cố hữu của nó, và đó không phải là điều dễ dàng. Trong cuộc chạy đua toàn cầu hiện nay, người Pháp chắc chắn phải làm việc nhiều hơn, đặc biệt làm việc khác hơn trước đây. Và họ cũng không thể tiếp tục „cuộc chơi” theo những qui tắc riêng của mình. Các công ty Pháp không thể cứ tiếp tục bành trướng ra ngoài, trong khi thị trường nội địa Pháp lại bế quan tỏa cảng đối với hàng ngoại nhập. Cũng không thể „nuôi” nông dân Pháp bằng người Đức và người Hà Lan, dù dưới vỏ bọc EU. Cũng đã qua rồi cái thời Pháp là „bộ mặt chính trị”, cò Đức là „bộ mặt kinh tế” của Châu Âu. Và cũng chắc chắn trên trường quốc tế, về mặt chính trị Pháp không thể mãi đóng vai „bất đồng” hay đối lập với Hoa Kỳ, hay chơi trò „khác nguời” cho thiên hạ nể.

Hungary bao giờ cũng nhạy cảm trước những thay đổi trên đất Gô-loa. Dù vị tân tổng thống Pháp có nhận gốc gác của mình hay không, Hungary chớ vội „thấy sang bắt quàng làm họ”, nhưng cũng không nên đánh giá thấp những cơ hội có thể đến từ nước Pháp đổi mới.

Giáp Văn Chung, theo các báo Hungary


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn