BA TUẦN Ở VIỆT NAM (1)

Thứ bảy - 17/02/2007 16:30

Một cái nhìn về Việt Nam của GS TS, nhạc sĩ Phạm Quang Tuấn, một Việt kiều tại Úc, trong chuyến thăm nhà 3 tuần mới đây.

* XUẤT NHẬP CẢNH

Thủ tục ở Tân Sơn Nhất rất nhanh chóng, qua công an cửa khẩu chỉ trong vòng 1, 2 phút, và hải quan cũng rất dễ dãi. Những banderole chào mừng Việt Kiều về ăn Tết cũng gây cảm tưởng tốt. Chỉ có một điểm nhỏ, không làm tốn thời giờ nhưng cũng gây một chút bực bội: gia đình không được trình hộ chiếu cùng lượt mà phải vào từng người một. Tại sao không bỏ cái lệ ngớ ngẩn và vô dụng này để theo đúng thông lệ quốc tế và tránh làm du khách ngỡ ngàng bực bội?

* TIẾNG VIỆT

Gọi cho hãng du lịch nhờ họ mua vé xe lửa đi Nha Trang, họ không hiểu mình nói gì. Sau phải nói lại là tàu hỏa họ mới hiểu!

Giọng Hà Nội không còn nữa ở giới trẻ. Có lẽ vì người “Hà Nội gốc” đã thành thiểu số. Giọng Hà Nội xưa phân biệt rất rõ các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, nhưng ngày nay giới trẻ (dưới 30 tuổi) hầu như không còn nói được dấu sắc mà đã biến nó thành dấu hỏi:

Yêu nhau cởi ảo cho nhau
Về nhà mẹ hỏi qua cầu giỏ bay…

Thưa quỉ vị khản giả…

Trẻ con bây giờ nói chuyện cứ như người lớn, dùng những từ ngữ văn vẻ, có lẽ vì được nghe nhiều trên TV.

* TIẾNG ANH

Trong toilet tàu hỏa: “Please press one button to have a piss (Vui lòng ấn 1 nút khi tiểu tiện). Please press two buttons to go to stool (Vui lòng ấn 2 nút khi đại tiện)”.

Trên tiệm phở ở giữa Sài Gòn: “No pay, no delicious” (Không ngon không trả tiền).

* TV

Đầy rẫy game show đủ loại trên các kênh, hầu như giờ nào cũng có. Có một show trong đó cứ mỗi kỳ một đại học cử một nhóm sinh viên ra trả lời câu đố. Trả lời sai một câu thì đi ra, cứ thế cho đến khi không còn người nào. Hôm đó là sinh viên Đại học Dân lập Văn Lang, gặp câu hỏi “quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam là gì?“, ba phần tư số sinh viên không trả lời được (dù đó chính là tên trường mình!) và có một số trả lời là “An Nam”!

* TÀU HỎA

Ra Nha Trang bằng tàu 5 sao của tư nhân mới thành lập. Trong toa sang trọng chẳng kém TGV bên Pháp. Tuy nhiên vì đường ray hẹp nên đi không nhanh lắm và vẫn lắc lư mạnh khiến Mai gần ói.

Ra Huế và trở lại Sài Gòn bằng tàu Thống Nhất SE của nhà nước. Có một chuyến thermostat bị hỏng, toa lạnh cóng, giữa đêm tìm không thấy nhân viên, cuối cùng tôi phải tự đi tắt điều hòa không khí. Lúc sắp qua đèo Hải Vân nghe loa nói: “Các đồng chí nhân viên sửa soạn để tàu qua đèo Hải Vân“. Tôi buồn cười nghĩ thầm chẳng lẽ phải là đảng viên thì mới được làm nhân viên đường sắt Việt Nam? Tuy nhiên các “đồng chí” phục vụ rất tận tình, chu đáo và vui vẻ. Mỗi khách sắp đến ga của mình là được báo trước từng người, tới vào ban đêm thì được đánh thức.

* NHA TRANG

Nha Trang đầu tư vào du lịch một cách hối hả, lộn xộn và kệch cỡm. Biển Nha Trang hầu như đã mất hết vẻ thơ mộng. Giữa bãi biển chính là một tòa nhà cao tầng đang xây rồi bỏ dở, vì dính vào tham nhũng. Trên hòn đảo lớn nhất ngoài khơi là chữ “Vinpearl” khổng lồ theo kiểu “Hollywood”, cùng những sườn núi bị cạo trọc và những building khoa trương kệch cỡm trong khu giải trí Vinpearl. Nguyên phía Nam vịnh Nha Trang thật chướng mắt với hệ thống cáp treo khổng lồ nối từ bờ biển Cầu Đá ra Hòn Tre, nay có tên mới là Hòn Ngọc Việt. Vé phà khứ hồi ra đảo là 100.000 đồng và vào khu giải trí là 200.000 đồng, chắc chắn không phải là cho túi tiền phó thường dân!

Hòn Chồng xây một ngôi nhà cổ (chở từ đâu về và phục chế) thật to và huy hoàng nhưng bãi biển chung quanh thì dơ bẩn, hoang phế. Một khách sạn khổng lồ, do một Việt kiều từ Nga về xây, chiếm cả Bãi Tiên thơ mộng ngày xưa, xây gần xong thì vỡ lở chuyện tham nhũng nên để hoang. Một con đường thật tốt dài nhiều km dẫn từ thành phố tới cái hotel hoang phế đó, nay vắng tanh chẳng có ai đi. Họ bảo sẽ nối vào Quốc lộ 1, nhưng hiện vẫn để chỏng trơ. Trong khi đó đường trong thành phố thì vẫn lúi xùi chật hẹp. Ai trả tiền cho những lãng phí đó? Người dân hay viện trợ? Không có EIS và chính quyền chẳng bao giờ hỏi ý người dân sở tại về những “phát triển” trong địa phương của họ.

Tháp Bà bị bắt mang một hàng chữ “Tháp Bà Po Nagar” thật lớn (lại Hollywood!) cạnh đồi và một là cờ đỏ sao vàng ngay cạnh tháp chính. Thật là ấu trĩ và chướng mắt! Gọi là ấu trĩ cũng không đúng, một đứa trẻ cũng có thể thấy là không thích hợp chút nào. Xem lại những ảnh Angkor đã chụp, không bao giờ thấy những cái chướng mắt như thế!

* HUẾ

Trên đồi Vọng Cảnh của Huế, thấy một tấm bảng thật lớn, đề ngày 30-9-2005: “Cán bộ và nhân dân đến tham quan đồi Vọng Cảnh yêu cầu thực hiện một số quy định sau: …” Tại sao phải phân biệt “quan” với “dân” thế nhỉ? Cán bộ thì không phải là nhân dân sao? Và du khách ngoại quốc (không phải quan hoặc dân) thì không cần tuân theo qui định sao?

Cấm chôn người chết, xây lăng mộ…” Nhìn quanh mới hiểu tại sao: mộ - cái thì có bia, cái thì không - lổm chổm đầy khắp khu này. Đất hàm rồng chắc?

* THĂM LĂNG TẨM. NGHE NHÃ NHẠC VỚI… ĐÀN BẦU ĐIỆN VÀ ĐÀN TRANH!

Đọc văn bia Tự Đức tại Khiêm Lăng, Lê Nguyễn Lưu dịch trong tạp chí “Nghiên Cứu và Phát Triển” của Huế. Quả là khiêm tốn, đến độ khôi hài: “Sao [ta] lại lấy cái khiêm của ta mà bắt núi kia, sông kia, nhà kia, điện kia cũng phải khiêm theo? Mà sao ta lại lấy chữ khiêm làm tên? Khiêm mà gọi là khiêm thì có thực không? Nào có tài năng công đức gì mà không khiêm?

Tự dằn vặt, tự vấn bản thân kiểu đó, đến Woody Allen cũng chưa bằng! Nhưng sao không đủ khiêm tốn để nhường ngôi cho người khác giỏi hơn? Và tại sao các ông quan bằng đá trong lăng các vua phải tạc thật lùn như những đứa trẻ với dáng điệu khúm núm để chứng tỏ là họ không bằng vua? Nhìn những ngôi tượng lùn xủn khúm núm đó, làm sao mà kính phục vua của họ được? Tôi nghĩ đến những bức tượng chiến sĩ lực lưỡng, hiên ngang thấy khắp bên Âu châu, và cảm thấy xấu hổ cho cách suy nghĩ của giới thống trị Việt Nam thời đó. Vua như vậy thì nước hèn yếu là dĩ nhiên.

Nghe kể: sau một thời gian dài bài trừ phong kiến, xây đài liệt sĩ trên đàn Nam Giao, gần đây lễ tế Nam Giao được phục hồi. Nhưng có một vấn đề: ai sẽ đóng vai vua? Cuối cùng các vị lãnh đạo quyết định hai điều: thứ nhất, “vua” không được là dòng dõi hoàng gia; thứ hai, “vua” phải là đảng viên! Hai thế kỷ đã qua nhưng vẫn còn suy nghĩ luẩn quẩn!

Phạm Quang Tuấn, từ Úc - Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn