KỶ NIỆM NHỮNG LẦN “BAY” VỚI E DÙI CUI

Chủ nhật - 24/04/2011 11:17

“Có quá nhiều vấn đề về Vietnam Airlines (VNA), như thức ăn vô cùng tệ, ghế ngồi cũ kỹ, giải trí nghèo nàn. Nhưng những cái đó với mình không thành vấn đề. Mà vấn đề lớn nhất là thái độ của tiếp viên. Bỏ ra một đống tiền để mua lấy cái tức thì có họa là... dở hơi”, chia sẻ của Nguyễn Tuệ Anh từ Singapore.


HLV, võ sư Lê Minh Khương, nạn nhân của chính sách “mang văn hóa... dùi cui của Việt Nam ra thế giới” của VNA? - Ảnh: “Người Lao Ðộng”


Nhân những lùm xùm mới đây xung quanh thái độ “phục vụ” khách của Vietnam Airlines (còn gọi là Sorry Airlines, Vietnam Air Lie, hay gần đây nhất còn thêm hỗn danh “E dùi cui”), cũng như bài viết của GS. Nguyễn Văn Tuấn về thứ “văn hóa” hống hách, “thượng cẳng chân” của VNA, mình bất giác nhớ lại một số kỷ niệm tồi tệ với hãng này.

Lần đầu tiên mình bay với VNA là năm 2001. Trước đó, mình chưa từng bay quốc nội mà chỉ bay quốc tế, với Singapore Airlines, Cathay Pacific, Quantas, vv... Chuyến bay từ Nha Trang ra Hà Nội chiều 30 Tết năm ấy, mình không có ấn tượng gì đặc biệt. Cho đến khi bị một em tiếp viên quát vào mặt.

Mà chuyện chỉ có thế này: sau bữa ăn mình xin em một cốc trà. Có lẽ mình nói bé quá nên em ấy coi như không nghe thấy và không thèm trả lời. Mình khát quá mới rón rén đề nghị lần thứ hai: “Chị ơi làm ơn cho tôi xin một tách trà”. Chắc tại mình vẫn nói bé quá (cái giọng mình nó thế, không phải mình “làm hàng” gì cả), nên em quay sang lườm mình một nhát và quát: “Cái gì?”. Mình choáng, á khẩu, không thốt được nên lời!

Lần thứ hai mình bay với VNA là năm 2003: mình đi dịch cho một Hội nghị về Phát triển và Bảo tồn ngôn ngữ ở Bangkok, do Oxfam Hongkong mời. Vé máy bay do họ tài trợ nên mình không thể chọn hãng. Bay với VNA ra quốc tế mới thấy choáng với tiếng Anh của các em. Nói thật, mình là giáo viên dạy tiếng Anh, đã nghe rất quen các kiểu accent của người Việt nói tiếng Anh mà vẫn không luận ra nổi các em nói cái gì.

Phát âm thì sai be bét, mà còn nói nhanh. Không hiểu hành khách Tây cảm thấy thế nào, nhưng nếu mình là các bạn ấy, mình sẽ cảm thấy không an toàn. Vì nhỡ có sự cố gì xảy ra thì hỡi ôi, làm sao hiểu nổi các em nói gì để mà còn làm theo? Nhưng choáng nhất chưa phải là tiếng Anh của các em, mà là thái độ kỳ thị đối với hành khách Việt: cười rất tươi với các anh Tây nhưng khi quay ra bọn mình thì mặt lạnh te, nụ cười biến mất nhanh như ảo thuật vậy.

Nói chung sau hai lần đầu bay với VNA thì mình mất cảm tình vô cùng và tự nhủ sẽ không sử dụng dịch vụ của hãng này bất cứ khi nào có thể. Nhưng nếu bay quốc nội thì không phải cứ không muốn bay với VNA mà là được vì chả còn lựa chọn nào khả dĩ hơn. Vả lại, khi đi công tác thì cơ quan mua vé hãng nào mình phải chịu hãng đấy, không đòi hỏi được.

Lần thứ ba phải bay với VNA là năm 2007, mình đi công cán cho Bộ Giáo dục. Bữa ấy ngồi vêu ở sân bay từ 5 giờ 30 chiều đến 9 giờ 30 đêm mới được lên máy bay, sau ba lần hoãn bay không lý do. Hôm đấy mình đã được chứng kiến thế nào là “văn hóa dùi cui” của VNA. Khi một hành khách Tây phản ứng dữ dội về sự hoãn lên hoãn xuống, VNA cử ngay một dàn bảo vệ, nai nịt súng ống dùi cui vào đàn áp.

Mình có chụp ảnh cảnh đàn áp, định gửi cho báo chí, nhưng khi về lại Hà Nội bận bịu quá nên quên mất, rồi sau vài lần thay máy tính thì ảnh cũng để mất đâu rồi. Chuyện này có các cô và các bạn đi cùng mình chứng kiến, có thể xác nhận được cho mình.

Thử so sánh dịch vụ của VNA với Singapore Airlines (SA) để thấy khác biệt thế nào. Năm 2002 mình đưa mẹ sang chơi, nhưng lúc về mẹ phải tự đi một mình vì mình không về được. Giữa Việt Nam và New Zealand không có chuyến bay thẳng, mẹ mình phải transit ở Singapore một đêm. Mình rất lo vì cụ không biết tiếng Anh. Mình có viết thư cho SA nhờ giúp đỡ. Về sau mẹ mình có kể lại là SA phục vụ rất chu đáo và đưa cụ đi đến nơi về đến chốn.

Lúc ở sân bay Auckland thì họ đưa mẹ mình lên một cái xe đẩy (kiểu xe cho người già hoặc người đau ốm) để đưa đi làm thủ tục xuất cảnh, và đưa cụ vào tận cổng máy bay, giao cho tiếp viên rồi mới đi. Lúc xuống ở Changi lại có nhân viên SA đưa đi làm thủ tục nhập cảnh Singapore, và đưa ra tận xe shuttle giao cho lái xe để về khách sạn transit. Hôm sau xe của khách sạn đưa ra sân bay thì lại có nhân viên dẫn đi làm thủ tục xuất cảnh khỏi Singapore và đưa vào tận cổng máy bay về Hà Nội.

Đó là lần đầu tiên mẹ mình đi nước ngoài, lại không biết một từ tiếng Anh nào, mà vẫn chả có vấn đề gì. Năm ngoái mẹ mình sang chơi cũng đi bằng SA. Mình cũng viết sẵn cái thư nhờ giúp đỡ, dặn mẹ trước khi ra khỏi máy bay thì đưa cho một cô tiếp viên để cô ấy dẫn đi. Và tiếp viên của SA cũng dẫn cụ ra tận sảnh đến (arrival hall) giao cho mình, còn cẩn thận hỏi đi hỏi lại mình là cụ có gửi hành lý không vì họ dẫn ra chỗ để hành lý thì cụ lại... lắc đầu.

Ở nhà mọi người cứ bảo mình nên mua vé của VNA cho mẹ đi lại cho tiện. Nhưng mình sợ các em tiếp viên hắt hủi mẹ mình lắm. Vả lại, mẹ mình có bệnh tim, nhỡ có chuyện gì xảy ra, chắc là VNA sẽ mặc xác. Còn SA thì đã có lần mình chứng kiến họ nhiệt tình cấp cứu hành khách bị ngất trên máy bay thế nào, nên dù họ không nói được tiếng Việt, mình vẫn thấy yên tâm giao mẹ mình cho họ trông nom giúp đỡ.

Có quá nhiều vấn đề về VNA, như thức ăn vô cùng tệ, ghế ngồi cũ kỹ, giải trí nghèo nàn. Nhưng những cái đó với mình không thành vấn đề. Mà vấn đề lớn nhất là thái độ của tiếp viên. Bỏ ra một đống tiền để mua lấy cái tức thì có họa là... dở hơi. Cho nên mình vẫn giữ quan điểm, trừ khi bay quốc nội thì đành phải dùng đến VNA, còn bay quốc tế thì VNA không bao giờ là lựa chọn của mình.

Thà đi hàng không giá rẻ Tiger Airways (ngày xưa toàn bay vào giờ oái oăm), còn hơn!

Nguyễn Tuệ Anh, từ Singapore


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn