ĐỐI THOẠI TỪ TÂM

Thứ hai - 07/02/2011 17:21

(NCTG) “ĐỐI THOẠI không phải là việc dễ làm đối với những quốc gia hiếu chiến; với những người chồng/người tình ích kỷ, thiếu bản lĩnh; với những người mẹ “hạn chế trong nhận thức về vai trò làm mẹ”. Chỉ có ĐỐI THOẠI từ cái TÂM khao khát hòa bình, khao khát yêu thương và chia sẻ mới đủ để cứu rỗi loài người”.



Vài tuần trước Tết Tân Mão, tôi bất ngờ nhận được thư của một cô bé 22 tuổi, người yêu của chồng cũ tôi. Cô bé tìm sự an ủi nơi tôi khi người tình của cô ấy bỗng dưng lạnh nhạt sau hai năm yêu đương nồng nàn.

Ngay trong e-mail đầu tiên cô bé đã thổn thức: “Vậy chị thân mến, con người đó có thực sự đáng trân trọng và đáng để người đàn bà là em hy sinh hay không? Hay anh ta chỉ có một động thái “chạy trốn” khi không vừa ý về em?”. Vậy đó, người đàn ông quen thuộc này của tôi, cũng giống như vài người đàn ông Việt mà tôi biết, luôn chọn giải pháp im lặng hoặc chạy trốn ĐỐI THOẠI khi có biến.

Nghĩ đến cô bé 22 tuổi, tôi thấy thương cảm lắm. Đang chìm đắm trong thứ tình yêu mà cô bé gọi là “si mê em điên dại”, bỗng dưng một ngày chàng hững hờ lạnh nhạt rồi tắt hẳn tình tang không một tín hiệu cảnh báo, không một lời giải thích.

Tôi nổi máu anh hùng định gọi điện cho chồng cũ tỉ tê, rằng sao anh vẫn chứng nào tật nấy, sao không một lần thẳng thắn đối diện với người yêu, sao không bình tĩnh mà phân tích cho nhau nghe cái lý của sự chia tay. Cho dù đối thoại là để chấm dứt một cuộc tình, nhưng thiết nghĩ đối thoại lúc này là cần thiết để giúp cô bé si tình ấy bớt đau đớn tận cùng cuống tim khi “em không biết mình có lỗi gì mà bị bỏ lạnh lùng thế này”.

Nhỡ trẻ người non dạ cô ấy nghĩ quẩn mà tự tử thì sao? Hoặc giả biết đâu nghe xong cô bé lại hết hẳn vật vã bởi cái lý của kẻ chạy tình quá vô cớ, chẳng đáng để cô ấy phải đớn đau tiếc nuối. Tôi những muốn hét lên với chàng rằng hãy ĐỐI THOẠI đi, nam nhi đại trượng phu!

*

Vợ chồng anh trai tôi hiện sống ở Đức. Họ có một cô con gái nay đã 18 tuổi. Còn nhớ khi cháu 16 tuổi, tôi có gửi cho cháu một ít sách vở về giáo dục giới tính, tình dục bằng tiếng Đức. Khi nhận được gói bưu kiện sách của tôi, chị mở ra xem rồi vứt hết ra thùng rác, còn trách tôi làm hư cháu, vì “nó còn bé, hiểu những thứ này còn quá sớm”. Chị có biết đâu rằng trên trang FaceBook cá nhân, cháu tôi post đầy ảnh hở hang, viết những câu status đầy khiêu khích giới tính mà để hiểu, tôi phải kỳ công copy từ tiếng Đức dịch sang tiếng Anh.

Từ khi sinh các cháu ra đến giờ đã 18 năm, mấy mẹ con chị chỉ nói với nhau vài ba câu tiếng việt cơ bản, phần lớn ở thức mệnh lệnh như “dạy đi học, làm bài chưa, ăn cơm đi, đi ngủ đi, mấy giờ về, đi tắm chưa”. Nhìn cách mẹ con nhà chị đối thoại với nhau mà tôi thấy nẫu cả lòng: mẹ thì quát bằng tiếng Việt, con gái thì làu bàu trả lời bằng tiếng Đức. Bởi cái sự giao tiếp bằng lời hạn chế như thế nên chị dâu tôi đâu có biết các con đã đi xa đến đâu trong cái thế giới riêng của chúng.

Chị ngày ngày ở bên cạnh con mà chẳng biết con giao du với những ai, tâm tư thế nào, mong ước ra sao về tình yêu, công việc và cuộc sống tương lai. Chỉ biết vào một ngày xấu trời, cháu quyết định sẽ không bao giờ đi học nữa, chấm hết, dù có đánh đập, có đuổi ra khỏi nhà cũng không thay đổi. Lúc này chị dâu tôi mới nhận ra mình chẳng có một góc nhỏ nào trong thế giới riêng của con, chị chỉ còn biết khóc ròng rồi im lặng chấp nhận buông tay.

*

Vợ chồng anh bạn thân của tôi hiện sống ở Paris đã li dị nhau được gần 8 năm, có một cậu con trai 13 tuổi ở với mẹ. Cứ hai tuần anh đón con trai về mấy ngày để kèm cặp cháu học hành. Hôm rồi anh bạn rầu rĩ kể lể với tôi là chị vợ cũ gọi điện quát tháo: “Anh phải dạy bảo thằng con trai anh đi nhé, bây giờ buổi tối nó toàn chui vào phòng khóa chặt cửa, không biết nó có học không hay là chơi, bảo thì nó mở cửa trả lời ậm ừ xong rồi khóa cửa luôn. Nó càng ngày càng khó bảo”. Anh bảo anh rất buồn vì chị vợ cũ không gần gũi với con, buồn vì dạo này con học hành sa sút, tính cách thì ngang bướng.

Khi lắng nghe bầu tâm sự của anh, tôi thấy thương anh một phần và thương hại cô vợ cũ của anh nhiều phần. Có thể do nhận thức hạn chế nên xưa nay tôi thấy chị rất chới với trong vai trò làm mẹ. Theo những gì tôi biết, sợi dây gắn kết giữa hai mẹ con họ quá mỏng manh. Bữa sáng con trai tự lo ăn sáng rồi đi học, 8 giờ tối chị về nấu cho con bữa cơm, nói được vài ba câu rồi quát con vào phòng học bài để chị còn... buôn điện thoại với bạn bè, với người tình.

Phần lớn nội dung câu chuyện mà chị nói với con, nếu có, chỉ toàn là nói xấu Việt Nam, nói xấu chồng cũ, gia đình chồng cũ. Cứ đến tuần chồng đến đón con thì dù con có vừa đi cấp cứu buổi sáng hay đang sốt cao, chị vẫn xách va-li lên tàu đi thăm người tình, bỏ mặc bố con họ xoay xở với nhau. Động có việc gì chị cũng hét con “gọi bố mày giải quyết”. Hai mẹ con họ giống như hai người xa lạ trong cùng một căn hộ, hoặc chị như người đi đẻ con thuê cho chồng cũ vậy.

Sống trong một môi trường như thế, cậu bé trở nên cô độc, ít bạn, không mở lòng đón nhận yêu thương và cũng chẳng trao thương yêu cho ai cả. Người duy nhất mà cậu bé yêu thương và tin cậy là bố. Nhưng cũng chính vì lẽ đó mà khi bố lập gia đình mới, cộng với những lời dèm pha của mẹ, cậu bé trở nên hoảng loạn về tâm lý, học hành sa sút, tính tình trở nên lầm lì hơn.

Tôi không hiểu tại sao khi con trai xa lánh, chị không dịu dàng ngồi xuống bên con, ôm con vào lòng mà thủ thỉ hỏi han, sao chị không xin lỗi đã không gần gũi bên con lâu nay, sao không nói những lời yêu thương. Vào lúc này, chỉ có ĐỐI THOẠI từ trái tim người mẹ dịu dàng mới có thể giúp hai mẹ con chị tìm lại được nhau. Chứ giờ chị gào thét quát mắng con, rồi trách móc chồng cũ liệu có là giải pháp?

*

Tôi là một người mẹ đơn thân của một cậu bé 8 tuổi. Chẳng dám nói trước về sau sẽ ra sao, con tôi lớn lên sẽ đối xử với tôi như thế nào, nhưng ngay hôm qua thôi, khi cô giáo hỏi “bạn thân nhất của em là ai?”, cháu nói “là mẹ em”. Mỗi ngày tôi đều tự nhủ phải cố hết sức để sợi dây gắn kết giữa hai mẹ con thật bền chặt. Tôi sẽ rất hoảng sợ nếu một ngày con trai tôi đóng chặt cửa phòng, đóng chặt cửa trái tim mình với tôi.

Bởi vậy bạn có thể cho là sến, hoặc quá sến, nhưng mẹ con tôi thường xuyên thủ thỉ “mẹ con mình sẽ mãi mãi yêu nhau, mãi mãi ở bên nhau nhé”. Trước khi con đi ngủ, dù có mệt cỡ nào, dù bạn bè khắp nơi gọi ời ời chit chat trên mạng, nhưng tôi vẫn dành ít nhất 10 phút nằm cạnh con nói chuyện luyên thuyên trên giời dưới biển.

Chủ nhật hàng tuần tôi đều lên mạng để con nói chuyện với ông bà ngoại. Tôi muốn con biết ở bên cạnh con luôn có mẹ, có ông bà để yêu thương, và tất cả những người thân cũng cần nhận được tình cảm yêu thương từ nơi con nữa.

Mọi quốc gia đều đang kêu gọi tích cực thúc đẩy đối thoại vì hòa bình, ổn định. Hai người đang yêu nhau muốn chia tay cũng nên “dành một hai câu, tạm biệt nhau thôi: ... việc gì phải quay lưng đi vội vã… ” (trích lời ca khúc “Đừng làm nỗi đau thêm dài” của Lương Bằng Quang). Cha mẹ và con cái thì càng cần phải gần gũi trò chuyện để con cái cảm nhận được tình yêu thương, sự chở che của cha mẹ.

Cá nhân tôi nghĩ ĐỐI THOẠI không phải là việc dễ làm đối với những quốc gia hiếu chiến; với những người chồng/người tình ích kỷ, thiếu bản lĩnh; với những người mẹ “hạn chế trong nhận thức về vai trò làm mẹ”. Chỉ có ĐỐI THOẠI từ cái TÂM khao khát hòa bình, khao khát yêu thương và chia sẻ mới đủ để cứu rỗi loài người.

Khánh Linh, từ Saint Cloud, Paris


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn