Minh họa: Internet
Hừm, chắc có người sắp cãi là chả phải thế, “chó nào cũng như nhau tuốt!”, thì mình sẽ bảo rằng, thì tại các ông chó đâu có cho các bà chó có sự lựa chọn dân chủ đâu, đúng không? hi hi
Đàn bà trong làng đến giờ vẫn còn có lúc, có người, vạch quần đứng đái tồ tồ ven đường, báo hại đứa con gái của mình hồi đó mới bốn năm tuổi, thấy gương nhãn tiền thì sung sướng lắm, nàng cũng vạch ống quần trẻ con ra đứng đái khiến mình suýt phát rồ !
Khổ nỗi, làng cũng có dân tứ chiếng, đủ ngành nghề. Giáo viên dạy con gái mình môn đái đứng là một bà ở ngách bên kia đâm ra bờ hồ, nhà bà ở một tỉnh cách đây gần cả nghìn cây số, về đây mua đất, xây cái nhà ba tầng chỉ toàn phòng là phòng, mà không hề xây toa lét với lại bếp.
Hóa ra bếp thì bà vẫn bắc bếp than tổ ong ra rìa đường làng, nấu nướng ở đó luôn, vòi nước thì gắn quay ra đường làng, cần gì xây bếp. Còn toa-lét thì đã có hồ Tây, lúc đó vẫn còn sót vài bụi rậm, với lại một cái nhà vệ sinh công cộng tuổi đời khoảng bốn chục năm còn sót lại cách rất xa làng. Ở đó chỉ mình nhà bà còn lui tới sử dụng.
Cứ tưởng rác sẽ mất dần theo những bờ rào cây cối của làng, nào ngờ, cả làng giờ tường bao toàn gạch với dây thép gai cả mà vẫn còn dấu vết vằn vèo của những dòng nước thiên nhiên quanh quẩn những xó khuất. Say rượu đái bậy đã đành mà không say cũng đái! Xó nào không khuất, thì chữ rác “Khoan cắt bê tông” với lại “Sửa ti vi tại nhà” chiếm lĩnh. Nhà nào cũng chỉ sạch mỗi cái lối ra vào cổng nhà mình mà thôi.
Một ngày, ngay cổng chùa lại mọc lên một quán tẩm quất đèn mờ hồng hồng luôn buông rèm mờ ảo, họ không muốn treo biển hiệu cạnh rác nên đành khiêm tốn kê biển hiệu cạnh cửa, rốt cuộc chẳng ma nào nhìn thấy. Sau cùng, chủ đành cử một cô hai dây quần đùi ra đứng ngay ở cửa thị phạm, làm thay công việc của cái biển hiệu.
Không rõ một cô vú đùi thỗn thện đứng canh cổng chùa có làm cho những người đầy mình văn hóa bị… nhức mắt? Thứ rác “ngoại hạng” này là thứ rác mình thích chiêm ngưỡng nhất của làng, dù mình chẳng phải lesbian (mà nếu phải thì cũng ngu gì mà khai!)
Ông hàng xóm nhà mình một ngày đẹp giời không chịu nổi mùi rác của các bà (thì chỉ có các bà mới mang túi rác ra khỏi nhà mình để… rấp vào tường nhà hàng xóm thôi!) bèn đi ra cổng, mang theo cục phấn trắng, ông viết lên tường nhà ông dòng chữ:
“Không đổ rác ở đây!”
Ngày hôm sau, rác thải sinh hoạt tập kết ở tường nhà ông không những không giảm bớt, ông còn được khuyến mại thêm một hòn than tổ ong cháy gần hết đặt trong một cái chậu nhựa rách. Cái chậu nhựa bén lửa than bắt đầu chảy ra, bốc khói ngụt ngạt với mùi nồng nặc đắng nghét. Đố ai tra ra được thủ phạm là ai?
Ông hàng xóm mang phấn ra viết thêm hai chữ thật to cạnh lời nhắn gửi yêu thương hôm trước, thành ra là:“Không đổ rác ở đây! Con dòi!”.
Mình đi qua phì cười vì hai chữ bonus thêm vào vừa sai chính tả vừa ngộ nghĩnh, ai lại chửi người khác là con giòi bao giờ. Mà nó đã đổ rác trộm, nó làm gì có thời gian đọc lời nhắn gửi của khổ chủ?
Khổ chủ thông báo với mấy bác công nhân vệ sinh rằng, yêu cầu các bác giúp đỡ chấm dứt nạn đổ rác ở tường nhà ông, các bác bỏ khẩu trang xuống, nhe răng trắng xóa ra cười, bảo: Ông đứng đây canh đi, phải bắt tận tay day tận trán, chứ chúng cháu chỉ biết đi hốt rác dọc đường làng thôi, họ để ở đâu chúng cháu cũng phải hốt hết!
Ông hàng xóm hí húi sửa lại câu đe dọa trên tường nhà mình: “Không đổ rác ở đây! Con đĩ!”.
Mình lại đi qua, lại nhìn thấy, trên đường về cứ ngẫm nghĩ mãi, rồi cười tủm tỉm. Không hiểu ông hàng xóm có thời giờ bới đống “quà tặng” mỗi buổi chiều để thấy trong đó có bao cao su đã qua sử dụng?
Mà cái thứ đó đâu phải đặc sản của một mình đĩ?
Ngày thứ ba, hình như cảm thấy biện pháp CHỬI không ăn thua, vì vẫn là một mình ông chủ chửi nhau với bức tường nhà ông bị hàng xóm tập kết rác, ông chủ nhà đáng thương bèn chuyển sang thủ pháp DỌA!
Bên trên đống rác tươi mới chiều đó xuất hiện một bài báo to bằng hai bàn tay, cắt từ một tờ nhật báo nào đó: “Có chế tài nhưng chưa xử lý!”.
Lần này, mình đành phải đỗ xe lại, tiến đến đứng sát đống rác đọc bài báo, bài báo nói về việc, dân thành phố xả rác bừa bãi mà chả ai đi phạt. Chưa ai phải nộp tiền vì tội vạch chim ra đái giữa thủ đô Việt Nam, nói gì tới việc lén lút đi vứt một túi rác ra đường, ra cống nước, vỉa hè, xó chợ, công viên?
Lúc đó, một bà hàng xóm xách túi rau già thức ăn thừa đi thẳng tới chỗ mình, rồi như sợ túi rác nhà bà bị… bẩn, bà đặt túi rác lên trên chốc cái đống rác sinh hoạt nho nhỏ kia.
Mình trợn mắt, bà ấy phủi tay rồi cũng lườm mình một cái ngoảy mông đi mất. Bất thần ông chủ nhà từ trong chỗ nấp xông ra bắt quả tang…
(Mình lên xe té thẳng một mạch, mình không muốn dính vào vụ này, để phải nghe những âm thanh cãi vã rác tai.)
Cắm cái gì lên trên những bức tường để người dân khỏi đổ rác?
Mình để ý thấy, như ông chủ nhà cắm câu chửi hay cắm bài báo lên, chả ăn thua. Chính quyền phường cắm đủ mọi biển “Hội phụ nữ tự quản”, “Cấm đổ rác”, “Đoạn đường tự quản” v.v.. chỗ nào y như chỗ đó ngay lập tức thành nơi tập kết rác. Vậy rõ ràng đó là do người dân mót đổ rác quá rồi, và cứ rấp vào đâu là chiều tối các bác vệ sinh đô thị phải đi dọn ở đó, họ tội gì mà không… vứt rác?
Có phải là vấn đề ở chỗ, cả làng nghìn người dân mà không hề có một thùng rác cố định, một nơi đổ rác quy định, toàn dân phải phụ thuộc cái thùng rác di động cứ năm giờ chiều mới xuất hiện trước cửa nhà họ trong chớp mắt (đẩy đi qua cửa mỗi nhà khoảng 5 giây) ai không vứt kịp rác là chết dở! Chi bằng vứt bậy rác lại có người hầu?
Khi chính quyền bất lực, đừng trách người dân vô lối, hãy nhìn lại chính quyền phải chăng đang quản lý bằng một cách vô lối?
Khi pháp luật và quy định không đủ uy, không đủ sức mạnh dọa dân sợ, đừng trách dân đầu gấu, hãy nhìn lại tại sao chính quyền chỉ dọa dân chứ không hầu dân? Chỉ một túi rác con con hàng ngày cũng không “quản lý” nổi, chả có giải pháp nào khả thi, thì nói chi chuyện nước giàu dân mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa, v.v…
Nói vĩ mô vậy thôi, chứ là mình, thì mình sẽ dở trò đểu!
Mình sẽ sắm cái bàn thờ gỗ tí hon năm mươi nghìn đồng, khuyến mại thêm cái cốc vỡ đổ đầy gạo vào, để đó cắm chân hương. Hàng ngày mình thắp một nén hương trầm, càng thơm càng tốt, lợi cho bầu không khí công cộng, rồi mình sụp xuống đó chổng mông vái như tế sao. Nhân tiện ai đi qua mình cũng vớ lấy họ kể lể, tôi đi xem bói người ta bảo đất này thổ địa linh nghiệm lắm, phải lập bàn thờ ở đây cúng cho long mạch của làng! (Ôi long mạch làng, he he).
Bố ai dám đái vào bát hương nhà người khác, bố ai dám tương túi rác lên đầu thánh thần, có khi các ông bà hàng xóm lại xúm vào chổng mông giúp mình vái cái chỗ mà trước đây họ từng bĩnh rác lên. Hí hí.