Nhà văn Trang Hạ
Tức là chỉ còn nhõn ông chồng mình chưa bỏ vợ lần nào! Bỏ mẹ mình rồi!
Mình bèn tính nhẩm xem, tuổi bình quân bỏ vợ bỏ chồng của hàng xóm là bao nhiêu. Thảy đều rơi vào tuổi ba mươi.
Cho nên đến năm mình ba mươi tuổi, mình mừng lắm! Nhưng chờ mãi chả thấy chồng mình trả tự do cho mình gì cả.
Mình nghĩ, gia đình mình trở thành ốc đảo giữa đám dân cư hai đời vợ hai đời chồng này, hẳn vì “long mạch” của làng chạy đến nhà mình là bị chặn rồi, chứ đâu phải vì hai vợ chồng mình kém hấp dẫn, không lừa nổi thằng nào con nào ngoài xã hội tình nguyện đâm đầu vào đời chúng mình, đúng không?
Mình bèn ra tay trước. Nấn ná mãi, mình mới quyết một phen “liều mình như chẳng có”. Để khơi long mạch, cần tới phong thủy hay thầy cúng. Còn mình, mình đơn giản lắm. Mình biết đủ các chiêu của bà vợ hiền thục nhưng có cùi chỏ nhọn và đầu gối xương xẩu. Nhưng khốn nỗi, cứ mỗi lần mình tung chưởng là ông xã chạy trốn chứ không đánh trả, không có cớ cho mình li dị!
Mình có viết truyện
“Người đàn ông quỳ cuối giường” để tường trình về một case lì lợm khó đỡ (mà mình đã đỡ được). Nhà văn Nguyễn Quang Thân bèn hỏi, này Trang Hạ, thế có phải khi có đứa con thứ hai, ông xã Trang Hạ đã dùng chiêu này để được… bước lên giường không? Mình bèn trả lời, dạ thưa chú, ở Việt Nam chỉ có truyện ngắn “Người đàn bà quỳ cuối giường” thôi ạ. Vì sao ư? Vì người đàn bà phải quỳ cuối giường thì mới nói chuyện được với người đàn ông đang núp trong gầm giường chứ!
Nhà văn Nguyễn Quang Thân bèn bảo, thế thì mày khác gì con Dương Thu Hương, người ta thói thường khôn nhà dại chợ, mình thì khôn chợ dại nhà! Mình bèn cười hì hì, bảo, nhìn vào tình hình thì là cháu ngược hẳn lại với bà ấy chứ, mà nói thế là chú khen cháu đó chứ đâu phải chê, đúng không!
Ngày mình vác va-li ra khỏi nhà, cả làng mừng lắm, họp tổ dân phố khẩn cấp ngay trước cửa nhà mình. Hẳn các ông các bà cho rằng, có thể thở phào rồi, khi mà cái long mạch “hai vợ” nó chạy qua cửa nhà mình nó không bị chặn. Làng toàn người lắm chuyện nên biết nhiều chuyện, đàn ông tám như đàn bà, bảo, đó, thấy chưa, từ nhà thằng A hai vợ tới nhà bà B hai chồng, ké bên nhà ông cụ C cũng mấy đời vợ, đất làng kéo tới phần này, cả dãy – cả ngõ đều rổ rá cạp lại, thoát làm sao được cơ chứ! Bà con đang lo cái long mạch của làng chạy qua cửa nhà mình phải… quành. Hi hi, giờ thẳng rồi!
Lúc đó mình đang cất mấy con gấu bông cho con gái vào bao bố, dự định mang cả một nhà đồ chơi của nàng đi, mang hết sạch. Nghe lỏm bà con đang hỉ hả trước cửa, mình điên nhé, mình nghĩ, không ăn được thì ông đạp đổ, mình lượng sức không dùng cùi chỏ và đầu gối đánh nhau với đám đông dân làng được, mình bèn trèo lên nóc nhà định giải phóng cả bể nước ăn xuống đầu đám dân cư háu chuyện phía dưới.
Phúc tổ nhà dân làng, mấy cái van xả của bể nước nhà mình nó không hoạt động, hi hi.
Mình bèn chạy xuống đấu võ mồm. Mình bảo, chúng tôi chưa từng cãi cọ nhau, chưa từng làm gì mất văn hóa của làng xóm, chúng tôi cũng không chõ mồm vào chuyện gia đình hàng xóm bao giờ, sao các bác có thể chõ mồm vào gia đình chúng tôi?
Ông hai vợ nhà bên trái kêu lên uất ức: “Con này láo!”.
Mình bảo, ông A hai vợ nhưng ông A chết rồi, bà B hai chồng nhưng chồng hai cũng tử tế, các ông các bà nói thế khác nào vừa xúc phạm đến người đã chết lại vừa xúc phạm đến cả những người đang còn sống nhăn răng ra kia!
Ông hai vợ rưỡi nhà bên phải phân bua: “Đâu, anh có nói gì em đâu, chỉ đang nói đùa đất này là đất hai vợ thôi mà!”
Mình quay hẳn sang tấn công, nói chung tấn công trước luôn có lợi thế: “Chứ còn vợ chồng tôi chưa ra tòa, chưa xé hôn thú, thì tôi còn nguyên quyền là chủ cái đất này, các ông các bà giải tán ngay ra khỏi cửa nhà tôi, được chưa, không thì đừng trách! Lên chức ông bà cả rồi, có con cháu lớn rồi mà không làm gương cho chúng nó, lại toàn đi nói năng linh tinh cho người ta chửi cho một trận mới biết thân à?”.
“Người ta” ở đây là mình chứ ai, hi hi. Hàng xóm thấy mình dữ quá, chạy mỗi người một hướng, lỉnh hết đi từ lúc nào. Mình hầm hầm quay lại, ngồi lại một mình trong căn nhà trống trải không người, tự nhiên cảm thấy dâng lên một nỗi bùi ngùi. Không phải tiếc cái gì, người còn chả tiếc, vàng còn chả tiếc nữa là… (thì nhẫn cưới làm bằng vàng đó thôi, hí hí) nhưng vẫn cứ cảm thấy bâng khuâng làm sao ấy!
Mãi về sau này, nói thật, khổ nhất là công đoạn mang đồ đạc về lại nhà, nhiều vô thiên lủng, vứt bừa bãi (đến giờ còn chưa gọn nổi, híc).
Đừng hỏi tại sao nhé, có thể là vì ghét cái làng này lắm chuyện, ghét vụ mê tín “đã vào làng là bỏ chồng / bỏ vợ” của bà con truyền khẩu, ghét cả cái vụ, có con nào hiền thục hơn mình mà cùi chỏ nó nhọn hơn mình, đầu gối nó xương xẩu hơn mình, về làm dân làng mình, hi hi. Cho nên mình quyết tâm chứng minh những cái điều ngược lại.
Nhưng nói thật, mình cũng hơi thấp thỏm vụ “rổ rá cạp lại”, mình thì không mê tín nhưng mình cũng duy tâm chứ, mà nhãn tiền ra kia kìa, nhà mình trước sau phải trái, ké nghiêng hay chéo chéo đều… hi hi, có trong đời ít nhất hai đêm tân hôn! Sướng không!
Về sau, ông xã mình có lần hỏi thẳng mình, có phải em cũng mê tín, nên em bỏ đi rồi em lại quay lại không? Giống như hàng xóm ấy, trong ngày rước dâu, cô dâu ra khỏi cửa lại chạy lại để đi ra lần nữa, coi như hai lần “xuất giá”, vợ cả biến thành vợ hai, đúng không?
Mình bèn bảo, chả phải! Nhân định thắng số, chứ chả có cái số phận nào ở đây cả. Mình quyết định lấy cái đời mình chứ ai?
Có lần ngồi bia bọt rượu chè ở nhà mình (lúc nào cũng là ở nhà mình), hàng xóm vui miệng nhắc lại vụ mới chỉ nói đất này phải hai vợ mà suýt bị lũ ống giữa trưa nắng, mình hơi ngượng, bèn giả vờ quát chồng: “Này, tôi mới là vợ hai đây, hóa ra ông còn con nào rập rình nữa, hử?”.