MARY

Thứ bảy - 18/12/2010 11:44

“Trong suốt cuộc đời dài và rộng này, chúng ta gặp tổng cộng bao nhiêu người? (…) Có những người mờ nhạt bước qua cuộc đời ta, và có những người sẽ mãi ở lại trong tim dù cho nhiều năm sau này có bị lớp bụi thời gian che phủ…”.



Hôm qua Mary về nước rồi.

Mary là bà chủ nhà của tôi, một người phụ nữ già ngoài 60 tuổi gốc Kenya. Khi tôi nói với mọi người rằng tôi sống cùng chủ nhà, lại là người da đen, tất cả đều lắc đầu chép miệng ái ngại cho tôi. Ở host đã là một bất tiện, ở host của người da đen thì khác nào tự cô lập mình với cái thế giới phồn hoa của London.

Bản thân tôi cũng có chút do dự trong lần đầu tiên đến xem nhà. Và nếu không phải vì cái nhà này quá gần trường, nếu không phải vì căn phòng tôi sẽ ở khá xinh xắn, nếu không phải vì nó gần siêu thị, bến xe buýt và quan trọng nhất là nếu không phải vì tôi không còn bất kỳ một chọn lựa nào khác… thì có lẽ tôi cũng đã chả gắn bó với Mary suốt 1 năm vừa qua như thế.

Khác với suy nghĩ ban đầu của tôi, rằng Mary là người phụ nữ già cô độc, không có nhiều người thân, ngược lại bà ấy có cả một gia đình với những người con ngoan ngoãn, hiền lành và khá lễ phép. Họ đơn giản chỉ là có những cuộc sống riêng, với căn nhà riêng, thế giới riêng của mình, chứ tâm hồn họ không hề tách rời nhau.

Mary vẫn đi làm hàng ngày, công việc của bà là y tá chăm sóc cho những người bệnh tại nhà. Cứ đến cuối tuần, các con của bà lại tập trung lại, ngồi trong cái phòng khách nhỏ của nhà chúng tôi, nói những câu chuyện bằng tiếng Kenya mà tôi không bao giờ hiểu. Mary cùng các cô con gái thì ở trong bếp, nấu nướng và chuẩn bị bữa ăn.

Tôi biết cảm giác háo hức hạnh phúc của Mary vào những ngày như thế. Bà đi làm về rất muộn, nhưng vẫn thức đến đêm để chuẩn bị trước một số món ăn, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Những lúc như thế, tôi thường hỏi, có phải ngày mai Simon, con trai bà đưa baby đến không, có phải cô con gái út Trisa mai sẽ đến ngủ không, hay là Esta và những cậu nhóc của cô ấy sẽ đến chơi phải không… Mary luôn kể cho tôi nghe những câu chuyện về họ, niềm tự hào và hạnh phúc long lanh trong ánh mắt.

Tuy nhiên Mary không phải là một người phụ nữ thảnh thơi và giàu có. Với số tiền cho thuê phòng tôi trả, cùng với công việc bà ấy đang có, lẽ ra bà có thể sống khá thoải mái và sung túc. Tuy nhiên lúc nào tôi cũng thấy bà có những gánh nặng nơi quê nhà, mảnh đất Kenya nghèo khó. Mary luôn nhận được những cú điện thoại của họ hàng để xin tiền, nhờ mua cái này, cái kia…

Và tôi biết, mọi khoản tiền kiếm được, bà dành để xây một căn nhà to đẹp ở Kenya – nơi bà sẽ sống những năm tháng cuối cùng của cuộc đời. Một người phụ nữ Kenya đã sống gần 40 năm ở nước Anh lạnh lẽo, đến những năm tháng cuối cùng, bà vẫn muốn trở về, về với quê hương.

Nhắc đến Kenya, nhiều người sẽ hỏi tôi, ồ thế chắc khi Obama lên làm tổng thống Mỹ, bà ấy vui lắm. Nhưng không phải thế. Mary nói với tôi, Obama chẳng giúp gì cho cuộc sống của bà cũng như Kenya. Có chăng chỉ là cái niềm tự hào dân tộc nhỏ nhoi, tự huyễn hoặc mình với những giá trị ảo. Obama đã là của nước Mỹ, ông ấy lên làm tổng thống, Mary chẳng giàu có hơn, Kenya cũng chẳng bớt đi sự nghèo khó. Vậy thì có gì mà vui sướng, có gì mà tự hào?

Có lần tôi thấy Mary cho những củ khoai lang vào lò nướng. Bà hỏi tôi có biết đây là gì không, tôi bảo đương nhiên biết. Trước đây ở Việt Nam, nhiều gia đình không có cả gạo mà ăn, phải ăn khoai ăn sắn nên khoai lang là một thứ thức ăn rất quen thuộc và bình dân với tất cả mọi người ở nước mình. Mary ồ lên ngạc nhiên, bảo ở Kenya cũng thế. Ngày bé bà vẫn ăn suốt, nên sang bên này, nhiều lúc vẫn thấy thèm khoai lang khủng khiếp. Tôi chợt nhớ đến bà ngoại của mình, hình như những người già đều giống nhau.

Tôi vẫn kể cho Mary nghe về gia đình và cuộc sống của tôi ở Việt Nam. Trên cánh tủ lạnh nhà chúng tôi có gắn hình một đôi trai gái mặc áo dài – đóng khăn xếp truyền thống của Việt Nam. Hồi đó Mary vẫn trêu tôi, chỉ vào đôi trai gái và bảo đây là Quinn cùng bạn trai của cô ấy. Có một lần tôi đi học về, thấy hình người con trai nằm trên bàn, miếng nam châm phía sau bị vỡ nên không gắn trở lại lên tủ lạnh được nữa.

Bà cứ xin lỗi tôi, bảo là hôm nay vô tình chạm vào làm nó rơi xuống. Tôi bảo không sao, không sao. Lúc đó tôi chả nghĩ gì, nhưng vài ngày sau chúng tôi chia tay, đơn giản vì có những mâu thuẫn không thể giải quyết nổi trong xa cách. Hôm đó tôi rất buồn, lúc xuống bếp lấy đồ ăn, vô tình nhìn thấy trên tủ lạnh còn duy nhất hình cô gái mặc áo dài Việt Nam, cô độc… tự nhiên mỉm cười một cái – âu cũng là duyên số.

Tôi sẽ rất nhớ Mary. Nhớ những cái bánh pancake bà vẫn làm và để phần cho tôi, nhớ những câu chuyện bà kể vào mỗi ngày đi làm về, nhớ những lần bà thử quần áo mới và hỏi ý kiến tôi, xem đẹp xấu ra sao. Tôi nhớ cả cái cảm giác ấm cúng khi Mary sửa lại nhà, và cho tôi tự chọn màu sơn, tự thiết kế căn phòng của mình… Mọi thứ đều giản dị và tình cảm đến tự nhiên.

Trong suốt cuộc đời dài và rộng này, chúng ta gặp tổng cộng bao nhiêu người? Có những con người bước qua nhau không để lại chút dấu ấn. Có những con người đã từng ở bên nhau trong suốt một thời gian rất dài, để rồi cuối cùng chỉ ước giá như có thể xóa sạch những ký ức về nhau.

Dù muốn hay không muốn, sẽ luôn có những người ta chỉ gặp một vài ngày rồi phải lưu luyến chia xa, cũng lại có người sẽ theo ta cả đời dù trong lòng chẳng chút thoải mái… Có những người mờ nhạt bước qua cuộc đời ta, và có những người sẽ mãi ở lại trong tim dù cho nhiều năm sau này có bị lớp bụi thời gian che phủ…

Và hôm qua Mary về nước rồi – không phải về hẳn – chưa phải là lúc bà có thể kết thúc mọi thứ và nghỉ ngơi. Nhưng là kỳ nghỉ duy nhất của bà trong suốt 1 năm dài làm việc vất vả. Tôi sẽ chẳng còn được gặp Mary nữa, có lẽ là sẽ không gặp lại cho đến hết cuộc đời này.

Vài ngày nữa thôi tôi cũng sẽ rời nước Anh. Hành trang trở về ngoài tấm bằng Thạc sĩ, ngoài những kiến thức, kinh nghiệm sống, còn nặng trĩu những kỷ niệm ở London này. Cái thành phố rộng lớn, ồn ào và lạnh lẽo, những vẫn ẩn chứa trong đó những con người với trái tim đầy ấm áp như Mary .

Hôm qua, khi chúng tôi ôm từ biệt nhau để Mary ra sân bay, tôi đã không khóc, không khóc chút nào. Nhưng tôi biết, tôi sẽ nhớ Mary nhiều lắm.

Lê Thu Quỳnh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn