Chuyện vui thời sinh viên: HỌC NGHỊ QUYẾT

Thứ ba - 17/05/2011 10:50

Hồi mình còn học bên trường Báo chí, mỗi lần có Hội nghị Trung ương hay bầu cử bầu cung là vui lắm: kiểu gì cũng là chủ đề được đem ra để thảo luận trước lớp, đôi khi phân ra thành các nhóm cãi nhau rất hăng.


Ảnh chỉ mang tính minh họa - Nguồn: Khoa Luật, Ðại học Huế


Thường thì nguyên nhân cãi nhau cũng chỉ đại khái như nhóm này bảo con lợn kêu eng éc thì nhóm kia bảo con lợn kêu ụt ịt, đến khi nhóm này bảo con lợn kêu ụt ịt thì nhóm kia cãi không phải, con lợn kêu eng éc. Cuối cùng nhóm này đi đến kết luận là nhóm kia “đếch” hiểu gì về lợn, còn nhóm kia thì bảo nhóm này thiếu sự hiểu biết một cách có khoa học về... heo.

Thú vị nhất là Phòng Cán bộ các khoa ở tầng dưới hay ở đối diện ngay phòng học, nhưng nhiều cậu dẫu sắp kết nạp Đảng đến nơi mà vẫn cầm micro đứng nói oang oang: “Dù sao tôi nghĩ đa đảng vẫn hơn. Này nhé, ví như các bạn cầm tiền ra chợ mà có mỗi một cửa hàng bán thịt lợn, nó bán đắt, các bạn vẫn phải mua, vì nó độc quyền. Nhưng nếu có một cửa hàng nữa cũng bán thịt lợn, bạn sẽ có thêm sự lựa chọn...”. Ngồi dưới có thằng gật gù: “Chí lí, chí lí. Lâu nay tao ngỡ thằng này có mỗi tài oánh lô, nay mới biết thêm nó có tài nói phét nữa chúng mày ạ. Làm chính trị được”.

Nhưng mình ấn tượng nhất vẫn là những lần đi học Nghị quyết Đảng. Mỗi khi Đại hội hay Hội nghị xong là kiểu gì cũng có công văn Ban Tuyên giáo Trung ương sắc xuống trường, trường gửi xuống khoa, khoa phổ biến đến từng lớp, cán bộ lớp thông báo đến từng người. Sau đó là mất khoảng 3-4 hôm - mà có khi cả tuần - đến hội trường ngồi dài cổ ra để nghe phổ biến Nghị quyết. Thằng nào trốn, nắm chắc cái hạnh kiểm loại yếu, khá lắm thì được xếp loại trung bình.

Phòng Ðào tạo điểm danh rất gắt gao, một buổi phải điểm danh đến 3 lần: lúc mới vào, lúc nghỉ giữa giờ, lúc gần về nên hầu như không thằng nào dám bỏ. Cán bộ Đoàn trường thường xuyên đi lại giữa các hàng ghế ngồi để kiểm tra xem có ai ngủ gật mà không chịu ghi chép hay không, phát hiện là ghi ngay vào sổ. Mình thuộc loại sinh viên cá biệt, vừa dốt vừa lười, bỏ học liên miên. Mỗi khi vào lớp, thầy cô giáo chỉ cần nhìn lướt qua một lượt, nếu thấy mặt mình chường ra là y như rằng hôm đó cả buổi học không cần phải điểm danh, cuối giờ rất tự tin phết vào sổ: “lớp đi học đầy đủ”.

Lại nói về đi học Nghị quyết Đảng, để tránh buồn ngủ mình thường đem theo truyện cười để đọc. Có một lần, bọn mình phải đi nghe phổ biến cái nghị quyết gì gì đại khái về xây dựng liên minh công nông trí thức, nói chung là có nhắc đến vai trò của trí thức hiện nay. Đúng lúc mình đọc đến một đoạn truyện cười cực kỳ hay, không nhịn được mới cười phá lên. Ngay lập tức vị đang đứng thuyết trình ngừng lại, gỡ cặp kính ra: “Cậu kia đứng dậy nói cho tôi biết: chính sách của Đảng xây dựng liên minh công-nông-trí thức nhằm làm gì?”.

Thấy mình đứng ngây ra mấy em nữ xinh xinh ngồi cạnh bên mới nhanh nhẩu nhắc mình: “Anh ơi, nghĩa là muốn lái xe công nông thì phải là trí thức, tức là phải đi học để có bằng lái xe đấy ạ”. Mấy em này từ đầu buổi đến giờ cũng ngồi chơi y như mình, trong lúc mình đọc truyện thì các em ngồi lấy điện thoại ra nhắn tin rồi cười khúc khích với nhau. Tưởng thật, mình trả lời y như thế. Hôm đó mình bị phạt phải về chép lại Nghị quyết Đảng 5 lần ra giấy A4, hạn cuối tuần phải đem nộp.

Gần cuối tuần mình mới đem giấy ra chép, nhưng tập Nghị quyết để trên bàn tìm mãi chẳng thấy đâu, hỏi thằng bạn cùng phòng thì mới ngã ngửa: nó lấy làm mồi dóm bếp than tổ ong để đun nước tắm (độ ấy đang là mùa đông). Nó còn nhăn nhở: “Tao tưởng là giấy lộn. Mà lo gì, độ vài tháng nữa lại có Hội nghị, lại ra Nghị quyết, lúc đó sợ mày không đủ sức để mà chép”.

Rốt cuộc là mình chẳng chép mà cũng chẳng nộp. Cũng không thấy Phòng Ðào tạo có ý kiến ý cò gì. Đến giờ mình cũng vẫn chả biết trong Nghị quyết có những cái gì. Kể ra hồi đó mà chịu khó chép 5 lần Nghị quyết Đảng ra giấy A4 thì kiểu gì mà chả thuộc làu làu, hôm nay lấy cái vốn liếng giắt lưng ra vận động tranh cử Ðại biểu Quốc hội có phải ngon không?

Thành ra bây giờ mỗi khi nghe nói đến bầu cử, mình cứ ngậm ngùi tiếc mãi...

Hoàng Sơn, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn