Chuyện thời sinh viên: “TẬP TRUNG VÀ GIỮ TRẬT TỰ”

Thứ tư - 01/06/2011 01:19

(NCTG) Năm 2007, tôi đang là sinh viên lớp Ngữ Văn. Một sáng Chủ nhật, cú điện thoại từ người bạn dựng tôi dậy: “Đến trường ngay lập tức. Khoa và Ban giám hiệu nhà trường triệu tập, có việc khẩn cấp. Không ai được phép vắng mặt. Vắng sẽ xử lý kỷ luật.”


Xuống đường trước ÐSQ Trung Quốc phản đối sự ngang ngược của Trung Nam Hải
(ngày 9-12-2007) - Ảnh tư liệu

Đảo mắt lên tường thấy ái ngại: đống quần áo định sáng Chủ nhật đem giặt vẫn còn nguyên. Đánh răng rửa mặt qua loa rồi đến trường, vừa đi vừa nghĩ mãi mà vẫn không biết lý do của cuộc triệu tập sinh viên đầy bất ngờ và vội vã này. Đến nơi, thấy sinh viên các lớp, các khoa khác đã có mặt từ lúc nào, đứng lố nhố ở sân trường, quanh các hành lang... Hỏi đến trường làm gì? Tất thảy đều trả lời không biết. Tất cả đều trố mắt nhìn nhau, ngơ ngác. Lúc đó là 7 giờ 30 phút sáng.

8 giờ sáng, lớp trưởng thông báo: thầy giáo yêu cầu các bạn tập trung và giữ trật tự.

8 giờ 30 phút sáng, lớp trưởng thông báo lần nữa. Tôi hỏi: “Đến trường chỉ để tập trung với giữ trật tự thôi à?”. Trả lời: chắc là khoa có việc. Việc gì? Đáp: không biết.

9 giờ. Sinh viên bắt đầu thắc mắc. Một thầy giáo dạy ở khoa đồng thời là bí thư liên chi đoàn ra thông báo: có hội thảo, khách mời đặc biệt đến dự. Hồi ấy mỗi lần có hội thảo gì gì đấy khoa Văn thường hay mời các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học đến nói chuyện. Có khi cả buổi. Chuyện văn, chuyện đời. Chuyện học văn, chuyện dạy văn, chuyện sáng tác. Nhiều khi rất xôm. Nên nghe thầy giáo nói thế, sinh viên tin lắm. Tôi cũng tin.

10 giờ. Chả thấy hội thảo hội thiếc gì. Khách mời cũng bặt tăm.

11 giờ.

11 giờ 30 phút. Mệt, đói, chán. Thầy giáo bước ra, yêu cầu lớp trưởng điểm danh, nộp lại danh sách lớp để biết những ai có mặt, ai vắng mặt rồi cho sinh viên giải tán. Sinh viên lục tục kéo ra về. Mặt đứa nào cũng ngơ ngác như khi mới đến.

Buổi chiều về nhà, tôi mới biết tin: sáng hôm đó có cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm Biển Đông trước ÐSQ Trung Quốc ở đường Hoàng Diệu, trong số đó có rất nhiều sinh viên tham gia. Cảnh sát, công an đã can thiệp vào cuộc biểu tình đó. Các lực lượng đặc nhiệm, cơ động được huy động đến để giải tán cuộc biểu tình, cảnh sát mật vụ cải trang lẫn vào đoàn người biểu tình, dò la thu thập tin tức cá nhân của những người tham gia để theo dõi và xử lý về sau. Nhiều vụ bắt bớ đã xảy ra.

Sau vụ ấy, có hai sinh viên đại học ở Hà Nội bị nhà trường đuổi học, trong đó có một sinh viên Học viện Báo chí. Sau này vào học trường Báo, tôi cũng cố gắng hỏi thăm tin tức về cậu sinh viên này thì được biết trước đó cậu ta là đoàn viên ưu tú sắp kết nạp Đảng, sau khi bị đuổi học cậu ta chủ động cắt đứt mọi liên lạc với bạn bè ở trường nên không ai biết cậu ta giờ làm gì, ở đâu.

Nhiều người bảo cậu ta ngu. Có người bảo nó thích chơi trội. Có người thì thở dài: tiếc cho nó, có tài nhưng nông nổi. Tôi thì ngược lại, tôi nghĩ cậu sinh viên đó chẳng có gì là ngu, là chơi trội, là đáng thương hại cả. Tự nhiên tôi lại thấy thương những người đã nhận xét về cậu ta. Biết đâu đó sẽ là bước ngoặt trong cuộc đời cậu sinh viên kia, để cậu ta hiểu hơn, vững vàng hơn trước cuộc sống, nó lại mở ra cho cậu ta một con đường mới tốt hơn chăng?!


Nhà báo tự do Xuân Bình và con trai: “Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam” - Ảnh tư liệu

Tự nhiên tôi thấy mình là một thằng hèn, đáng xấu hổ. Nói thật, cho dù có biết hay được kêu gọi chưa chắc tôi đã dám tham gia vào cuộc biểu tình rầm rộ kia. Dù rằng tôi biết rõ đó là cách thể hiện lòng yêu nước chứ chả phải là “âm mưu diễn biến hòa bình”, “kích động của các thế lực thù địch bên ngoài nhằm chống phá cách mạng” hay “biểu tình gây rối nhằm lật đổ chính quyền” như người ta bảo. Những cụm từ ấy tôi nghe đã nhàm. Tôi cũng đã được dự lớp thao giảng về “chống diễn biến hòa bình và bạo loạn lật đổ”, trong đó người ta nêu ra những định nghĩa, khái niệm, cách thức, biểu hiện như thế nào. Trong giờ giảng tôi đã ngủ.

Biểu tình phản đối sự ngang ngược Trung Quốc là thể hiện lòng yêu nước? Chắc chắn là thế rồi. Nhưng phỏng có ích gì, đôi khi lại hệ lụy đến thân. Một cái đinh ốc không thể xoay ngược chiều với một cỗ máy khổng lồ đang vận hành. Xoay ngược chiều, cái đinh ốc sẽ bị cỗ máy nghiền nát. Nếu có thể, cái đinh ốc nên xoay theo cỗ máy rồi từ từ tìm cách tách rời nó. Một chiếc, hai chiếc, ba chiếc… rồi nhiều chiếc đinh ốc cùng tách rời, lúc đó tự cỗ máy sẽ tan rã. “Hãy yêu nước bằng cách khác, không phải chỉ có bầu nhiệt huyết của trái tim mà còn bằng cả khối óc của mình”, một người bạn đã từng nói với tôi như thế.

Trở lại chuyện buổi sáng Chủ nhật ba năm rưỡi năm về trước. Sau này tôi mới biết do lo ngại sinh viên các trường đại học trong ngày nghỉ sẽ tham gia làn sóng xuống đường phản đối Trung Quốc vì có hành động quân sự xâm chiếm Trường Sa của Việt Nam, Ban Tuyên giáo và Bộ Giáo dục - Ðào tạo đã có công văn khẩn cấp gửi đến các trường đại học yêu cầu các trường tìm mọi cách cầm chân sinh viên trường mình lại, không được cho sinh viên tham gia hoạt động biểu tình. Trường gửi xuống khoa, khoa thực hiện. Chính vì thế mà mới có chuyện chúng tôi bị triệu tập đến trường “tập trung và giữ trật tự” mà không biết là “tập trung và giữ trật tự” để làm gì.

Thật là chả ra cái khỉ gió gì cả”, một người bạn học cùng khoa Văn với tôi khi biết chuyện đã giận dữ và chửi thề.

Còn tôi, khi ấy đã có cảm giác mình bị lừa...

Hoàng Sơn, từ Hà Nội


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn