CON PHẢN ĐỘNG

Thứ ba - 30/11/2010 18:57

(NCTG) Đó là một đêm tháng 8. Tháng 8 vừa mới đây. Đã muộn lắm, cũng khoảng nửa đêm rồi nhưng người đi lại rất nhiều, đi bộ dạo chơi cũng có, mà bằng phương tiện tàu bè cũng nhiều. Dân Prenzlauer Berg mà.


Prenzlauer Berg, phần thành phố ở Đông Berlin, nơi tập trung nhiều hoạt động đa văn hóa, đòi hỏi sự hội nhập của các sắc dân ngoại quốc - Ảnh minh họa

Vả lại, đó là một đêm thứ Bảy, thời tiết mát mẻ, dễ chịu, trời xanh thẫm, trong veo... Vì thường xuyên làm việc khuya về, đáng lẽ nếu không mệt mệt thì thường là tôi đi bộ về nhà, vừa đi vừa ngắm phố phường, trai thanh gái lịch chơi đêm, hít thở khí trời ban đêm, thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi với biết bao công việc bận rộn của một hội đoàn, câu lạc bộ...

Nhưng vừa xuống chỗ chuyển tàu thì lại có ngay tàu vừa đến, thế là tôi lên ngay, cũng muốn nghỉ ngơi sớm một tí vì cứ phải tự nhủ rằng còn trẻ trung gì nữa đâu, phải cố giữ gìn sức khỏe mà còn phục vụ các quý đồng hương lâu hơn được chứ. Bạn bè tôi và các em, các chị trong câu lạc bộ cho tôi, vẫn nhắc nhở luôn như vậy...

Nhưng mà chao ôi, vừa mới leo lên tàu điện thì tôi biết ngay mình đã có một quyết định sai lầm. Bởi trên tàu ầm ầm như một cái chợ vỡ, toàn tiếng Việt. Đầu toa, giữa toa, cuối toa. Tổng cộng phải gần hai chục người, cả nam cả nữ. Không hiểu họ có cùng một nhóm không thì tôi không rõ.

Đã từng rất nhiều lần và không phải mỗi tôi phải chứng kiến những cảnh của dân “cộng” ta gọi handy ầm ĩ, chuyện trò oang oang “buôn” cả chặng đường dài, cãi nhau, chửi nhau, bàn chuyện làm ăn, đôi co, tranh chấp... nghĩa là không thiếu một đề tài gì, ngôn ngữ thì tục tằn, bẩn thỉu... bất kể tàu đông hay vắng, bất kể những cái nhăn mặt, cái lảng tránh của khách đi tàu vì không thể chịu nổi.

Có lần tôi còn thấy hai dì cháu nhà kia tranh chồng cướp vợ sao đó chửi nhau đến suýt đánh nhau trên tàu hay là có anh gác chân lên ghế trước trông rất “hoành tráng” nghêu ngao cải lương như giữa chỗ không người... Nghĩa là những cảnh “bi hùng” như thế nhan nhản trên mọi tuyến đường và mọi phương tiện giao thông ở Berlin.

Nhưng vẫn lẻ tẻ còn lần này thì đặc biệt khủng khiếp vì “lượng đổi thành chất”. Cả toa họ trấn giữ cả thì đi đâu? Nên tôi đành đứng lại tại chỗ sau khi thấy khách trên tàu nhớn nhác ngược xuôi tìm nơi khả dĩ để di tản nhưng vì “thập diện mai phục” ầm ầm tiếng gọi handy, tiếng cười đùa, chuyện trò... nên đành tại chỗ chịu trận. Đứng trên tận đầu toa mà tôi còn nghe tiếng gọi điện thoại và cười đùa, trêu chọc, chửi nhau ở cuối và giữa toa.

Nhưng chỗ tôi đứng đầu toa thì ít nhất. Nhóm này chỉ có ba người. Ba cậu thanh niên, chắc tuổi nhiều nhất chỉ bằng con gái tôi, khoảng chừng 30, ăn diện đẹp đẽ, sạch sẽ, sáng sủa. Trông đàng hoàng. Chí ít là hình thức trông đàng hoàng. Nhưng thái độ hùng hùng hổ hổ gần như bổ vào mặt nhau của hai cậu ngồi ghế cạnh chỗ tôi đứng làm tôi hãi quá, sợ xảy ra điều gì vì thấy mấy hành khách đi tàu Âu, Á, Phi, Mỹ... gì có cả, đang há hốc và dạt hết cả ra vì không hiểu diễn biến sẽ thế nào.

Thú thực, lúc đầu tôi nghe (không muốn cũng phải nghe) cũng không hiểu gì nên tôi tưởng họ cãi nhau to. Nhưng đâu phải, đó là hai “anh tài” đang tranh luận gì về một đề tài rất mực hòa bình thôi, dù trong ngôn ngữ đã có thấy cả cha mẹ nhau được mời ra. Thấy vậy, tôi bèn đến gần và ghé đầu, rất sẽ sàng tôi nói với hai anh đang ngồi đối diện nhau:

- Hai anh ơi, mình có thể nói nhỏ nhỏ đi một tí được không? Chỗ công cộng, mình nói to quá, người khác họ không hiểu lại tưởng mình cãi nhau, xô xát gì chăng đấy hai anh ạ.

Bất thần cậu ngồi gần tôi ngẩng lên và quát thẳng vào mặt tôi:

- Đ. mẹ con phản động, tao nói to thì mặc tao. Việc đéo gì đến mày mà nói. Mày làm gì tao nào? Rất thách thức mặt anh ta câng câng lên như vậy.

Vì sợ những hành khách trong toa hiểu lầm gì chăng nên tôi vẫn khẽ nói:

- Không ai làm gì anh cả nhưng mình nên nói nhỏ thôi kẻo ảnh hưởng đến người khác anh ạ.

Tưởng rằng anh ta sẽ hiểu ra thiện chí của tôi nhưng hoá ra không phải, còn hùng hổ hơn nữa, anh ta đáp lại:

- Đ. mẹ con phản động kia, tao muốn nói to thì tao nói to đó, ảnh hưởng đéo gì đến mày nào?

Sợ anh ta nhầm lẫn tôi với ai chăng, vẫn khẽ khàng:

- Tôi góp ý thế chỉ có lợi cho hai anh thôi. Thế sao anh biết tôi phản động?

Dù rằng anh ngồi đối diện có lẽ cũng tự thấy bạn mình quá côn đồ nên bảo tôi “thôi, cháu xin lỗi bác!” nhưng anh kia vẫn hung hăng:

- Lạ đéo gì mày, mày sang năm 70 chứ còn gì nữa!

Thế chứng tỏ là anh ta không hề nhầm lẫn gì về chuyện tuổi tác cả, nhất là sau khi thấy bạn mình gọi tôi là bác. Ban nãy tôi đồ chừng rằng hay là mắt mũi hoặc tình trạng thần kinh, tình trạng sức khỏe của cậu này có vấn đề gì chăng, chứ người bình thường khó có thể hành xử như vậy? Chửi bới và xưng hô “mày, tao” ngay từ câu đầu tiên, thái độ côn đồ với một người đáng tuổi mẹ mình (mà không hề có quan hệ hay mâu thuẫn gì trước đó) thì là điều rất bất thường.

Để xác định lại cho rõ vì tôi không thấy biểu hiện gì của ma túy hay rượu chè say sưa gì nên tôi hỏi anh bạn cậu ta là anh này có vấn đề gì không thì anh ta bảo khôngcháu xin lỗi bác lần nữa nhưng với một thái độ không phải phục thiện vì đáng lẽ anh ta phải khuyên can bạn mình mới phải nếu anh ta thật sự thấy thế là quá mất dạy. Tôi hỏi lại, vẫn nhẹ nhàng:

- Sao anh biết tôi sang năm 70?

- Đ. mẹ con phản động!

Thế là “con phản động” sợ quá trước cái logic “con kiến mà leo cành đa” kia, vội vàng xuống tàu vì cũng vừa đến bến nhà mình với một niềm ân hận khôn nguôi là “già mà còn dại”. Những loại người này là loại “nan hóa” hay còn gọi là “nhân bất học bất tri lý”. Học đây là vấn đề học ở đời, ở người. Nhưng rồi lòng tôi chán ngán và buồn mãi vì đó là những người còn rất trẻ, cả cuộc đời còn ở trước mặt. Vậy mà như những cái cây trông thì còn tươi tốt mà đã bị sâu đục khoét, mục ruỗng hết về nhân cách.

Và kinh khủng nhất bởi đấy không phải là hiện tượng cá biệt. Những việc như thanh niên đâm ngã ông già bà cả rồi chửi “Đ. mẹ thằng già, con già mù à?”, học sinh đánh chửi thầy cô giáo, con cái chửi bới, ruồng bỏ thậm chí đánh đập, hành hạ bố mẹ... không phải là chuyện hiếm giữa thời đại này, báo chí thường xuyên đăng tải. Vậy một xã hội mà khi những giá trị đạo đức bị đảo lộn, thiện ác mơ hồ lẫn lộn, con người ta dửng dưng trước những sai trái... thì liệu xã hội đấy có còn khỏe mạnh, trong lành nữa hay không?

Buồn thay!

Và rất băn khoăn vì đến giờ và có lẽ mãi mãi về sau tôi không tài nào hiểu được vì sao nhưng lời nói chân tình nhẹ nhàng hôm đó lại khiến tôi trở thành một “con phản động” dưới mắt của những người đồng bào của tôi?!

Hoài Thu, từ Berlin - Tháng 9-2010


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn