HÀ NỘI NHỮNG NĂM 2000

Chủ nhật - 27/06/2010 00:46

Tôi đi xa Hà Nội lần đầu tiên năm 1997. Không nghĩ lần đi ấy sẽ kéo theo những lần đi khác, đẩy tôi ngày càng xa thành phố thân yêu của mình.

Hà Nội những năm 2000... - Ảnh: Trần Lê (NCTG)

Trong quãng đời 14 năm đầy biến động ấy nói đúng ra tôi đã trở về hai lần, nhưng lần nào cũng vậy, ở tròn 2 năm lại xách túi ra đi. Không biết tại tôi đã thay đổi, hay tại thành phố thân quen của tôi đã không còn như trong hình dung của tôi về nó, từ những ngày xa xứ? Hay tại kỷ niệm dối lừa, vì người ta thường chỉ chọn lựa những gì dễ chịu nhất để nhớ về?

Không biết nữa, nhưng hôm nay bất chợt nghe bài hát (*) của nhạc sĩ Trần Tiến, bất chợt buồn.

Hà Nội những năm 2000, không bình yên như trong tưởng tượng của Trần Tiến. Hà Nội những năm 2000, nhiều dự án tiền tỉ hơn, nhưng chất lượng cuộc sống hình như không vì thế mà cao hơn.

Đi ngang qua bệnh viện K, thấy bệnh nhân và người nhà đông đến mức tràn cả ra đường. Mười bốn năm trước cảnh tượng này không hề có. Ở một trung tâm u bướu khác, số bệnh nhân đông đến mức không có đủ giường cho họ. Đến giờ truyền thuốc, mỗi bệnh nhân và người nhà tự cầm chai thuốc truyền cùng dây dợ, đi lang thang được ở đâu thì đi, kiếm được xó xỉnh nào ngồi tạm thì ngồi.

Bệnh nhân vạ vật tại Trung tâm U bướu Trung ương - Ảnh: Bích Ngọc (NCTG)

Ở xa thì quay quắt nhớ món ăn Hà Nội nhưng về Hà Nội bây giờ không dám ăn gì, vì ăn gì cũng sợ bị ngộ độc và ung thư. Ở nhà, mẹ tôi chỉ dám ăn đậu phụ, nhưng ngay cả món ăn rẻ tiền ấy bây giờ cũng không an toàn nữa rồi. Theo một người bạn cho biết, đậu phụ bây giờ họ cũng bỏ thạch cao, đừng tưởng rẻ thì người ta bỏ qua. Cũng như rau muống, rẻ thế mà vẫn bị tưới dầu hỏa.

Hà Nội thành phố tự hào nằm trong Top 20 thành phố lớn nhất thế giới, nhưng giữa mùa hè nóng bức tới 40o, điện vẫn bị cắt thường xuyên như cơm bữa. Đường vẫn tắc vào bất kể giờ nào, không cần đợi đến cao điểm. Và công an dù có đứng đầy đường, tình trạng giao thông vẫn không bớt hỗn loạn hơn. (Bạn có tin không, theo một điều tra, một phần ba lực lượng lao động của Việt Nam là công an đấy).

Công an dù có đứng đầy đường, tình trạng giao thông vẫn không bớt hỗn loạn hơn... - Ảnh minh họa: Huy Minh (NCTG)

Hà Nội những năm 2000, xe hơi và trọc phú nhiều hơn, nhưng khoảng cách giàu nghèo hình như cũng khoét sâu hơn. Ước mơ “trẻ con không còn ăn xin” của Trần Tiến hình như trở thành quá xa xỉ. Người ta chỉ quan tâm làm sao cho chúng đừng xuất hiện trước quan khách trong ngày Đại lễ 1.000 năm là ổn. Còn trước đó và sau đó thế nào, thì Trần Tiến cứ việc ước mơ cho thỏa thích vì ước mơ không ai đem ra đánh thuế.

Hà Nội bây giờ nhiều trường quốc tế, đến mức người ta sợ trẻ em quên cả tiếng Việt, nhưng cũng ngay tại đây thôi, vẫn còn những làng mù chữ, mà biết ra không khỏi kinh ngạc, đau lòng, và phẫn nộ.

Hà Nội những năm 2000, người ta mải mê son phấn phố cổ, dựng cổng chào tạm bợ mà lên đến tiền tỉ cho Đại lễ Thăng Long. Hội chứng lan tràn đến mức ăn theo nó, người ta có ngay một bệnh viện “U bướu Hà Nội ngàn năm”, và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cao cũng được gán ngay cho “lập thành tích chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

Không ai quan tâm đến việc làm thế nào cho thành phố văn minh hơn, bắt đầu từ những cái nhỏ nhất, như có toilet công cộng sạch sẽ, giáo dục người dân đừng xả rác ra đường, đừng chen lấn xô đẩy, đừng nói to và nhổ nước bọt, biết cảm ơn và xin lỗi nhiều hơn.

Hà Nội những năm 2000. Tôi không muốn mang theo những hình ảnh như thế về thành phố thân yêu của mình. Tôi muốn nghĩ được về Hà Nội bằng thứ tình yêu mà Lưu Quang Vũ đã viết trong “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”. Nhưng hình như chưa được. Có phải vì lòng tôi đã khép cửa, hay là tôi vẫn quá nặng lòng với một Hà Nội nhọc nhằn, vất vả, nhưng dịu dàng và bình yên trong ký ức?

(*) Ca khúc “Hà Nội những năm 2000”.

Nguyễn Tuệ Anh


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn