HÀ NỘI - NƠI ẤY, XA LẮM RỒI...

Thứ bảy - 25/09/2010 00:51

“… xin đừng trách tôi vô tình hay mất gốc khi tôi nói không nhớ Hà Nội. Nó là quá khứ xa lắm rồi, khác lắm rồi và tôi thì vẫn phải trôi theo dòng đời phiêu bạt, chẳng thể nào dừng lại níu giữ những kỷ niệm về nó mãi trong tâm tưởng của mình”, chia sẻ của Đỗ Ngọc Bích.

… chẳng thể nào dừng lại níu giữ những kỷ niệm về nó mãi trong tâm tưởng của mình” – Minh họa: Phố Khâm Thiên trong một ngày Tết năm xưa (ảnh tư liệu)

“Ồ, chị sinh ra lớn lên ở Hà Nội à? Thế chị có nhớ Hà Nội không?”, cậu sinh viên người Mỹ hỏi tôi.

“Ờ... cũng không nhớ lắm”, tôi cười đáp, nghĩ rằng mình đã trả lời thật lòng.

“Hả, chị nói sao? Em ở đó mấy năm, vừa về Mỹ mấy tháng mà đã thấy nhớ kinh khủng. Em hỏi các bạn Hà Nội, ai cũng nói là nhớ Hà Nội, yêu Hà Nội lắm, mà em cũng rất thích không gian Hà Nội, các bạn và hàng quán ở đó, thế mà chị bảo không nhớ là sao?” - cậu ta tròn mắt hỏi lại tôi, vẻ đầy tò mò.

Ai cũng nói thế, nhưng chị không nói thì cũng có làm sao nhỉ. Cậu này có vẻ sống ở Hà Nội lâu quá, “Việt hóa” rồi, tôi nghĩ thầm, cố vắt óc xác định cảm giác của mình và ra sức thoát khỏi tâm trạng tội lỗi vì trót nói ra điều đó với một cậu sinh viên người Mỹ.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mà lại không nhớ nó là sao nhỉ?

Cách đây ít lâu, tôi có nói chuyện với một cô bạn gái người Hà Nội kém vài tuổi cũng đang sống ở Mỹ. Năm nào em cũng về Hà Nội hai lần, đông và hè, có vẻ rất hạnh phúc vui sướng khi được trở về nơi đó, sống trong ngôi nhà đó, gặp lại bạn bè, ăn lại những món ăn quen thuộc. Tôi thường bảo em, sao em chịu khó đi đi về về nhiều thế, mà đông này lại về à? Về làm gì? Sao không ở Mỹ đi du lịch cho sướng, vừa rẻ hơn, vừa thú vị hơn...

Nghĩ lại mà thấy tội lỗi quá vì những lời nói của mình. Thật là vô tâm, mất gốc, thật là, thật là... Xin bố mẹ tha lỗi cho con! Con chả thấy nhớ Hà Nội gì cả, ngoại trừ việc nó là nơi bố đang sống và nơi mẹ yên nghỉ, và con có nhớ bố mẹ, cái đó đã rõ ràng. Thế thôi.

Vậy xét cho cùng, người ta nhớ một nơi nào đó vì lý do gì? Vì những người sống ở đó hay là vì cái gì đó rất trừu tượng, như kiểu “góc phố”, “mùi hoa”, “mùi quẩy nóng”? Chắc là mỗi người có một cách hoài niệm về quê quán khác nhau rồi.

Sống ở Hà Nội hơn 30 năm, chứng kiến và trải qua ít ra là 5-7 giai đoạn phát triển của nó, từ cái thời trông nó còn quê mùa với những rặng cúc tần quấn quít dây tơ hồng với đường phố chạy dài bên ao chuôm, ruộng rau muống và những bức tường nhà máy sừng sững bên dòng người thưa thớt, lặng lẽ chờ đợi những đợt cải tổ, những dự án đập đổ, xây dựng lại, san bằng, hồ hóa thành phố, bãi rác thành công viên, rồi những biệt thự, khách sạn ùn ùn tới tấp hiện lên, phố xá náo nhiệt cuồn cuộn, mọi lúc, mọi nơi, mọi ngóc ngách, tôi cảm thấy trải nghiệm của tôi về Hà Nội có vẻ như đã đủ khép kín vòng tròn, và không còn tò mò muốn mường tượng xem nó sẽ còn biến đổi như thế nào nữa.

Có lẽ đó là sự khác biệt lớn nhất trong cảm xúc của tôi và của anh bạn Mỹ kia. Đối với cậu ta, Hà Nội còn mới lắm, còn đầy những nét thú vị có thể tò mò khám phá.

Thực sự, tôi rất hy vọng là mình đã nhầm.

Vài tháng trước, tôi nói chuyện điện thoại rất lâu với một bác giáo già người Hà Nội gốc, học cùng bố tôi ở trường Trưng Vương xưa. Dạo trước khi tôi đi du học, bác quý tôi lắm, rất hay rủ rỉ trò chuyện, tâm sự và gửi gắm tôi kèm dạy tiếng Anh cho con gái bác. May sao cô bé đỗ đại học, rồi đã thành đạt. Quan niệm “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, bác vẫn luôn coi tôi là cô giáo của con gái bác, ân cần hỏi han chăm sóc tôi những năm xa nhà đi học.

Nhà bác trước ở phố Mã Mây, mấy hộ gia đình anh chị em cùng ở chung một căn nhà phố cổ chật chội. Cách đây hơn chục năm, chồng bác (cũng là người Hà Nội) được phân đất theo tiêu chuẩn sĩ quan chuyên nghiệp nên cả nhà chuyển xuống một phố nhỏ dưới quận Đống Đa, nay là Thanh Xuân.

Trong cuộc trò chuyện, bác vô tình nói đến Hà Nội xưa của bác với cái chép miệng tiếc nuối, bảo rằng xung quanh nhà bác bây giờ toàn người không nói giọng Hà Nội. Người già mà, rất hay hoài cổ, và đôi khi cảm thấy như bị đe dọa, bất ổn vì những đổi thay.

Tôi vui miệng hỏi bác, thế bố mẹ bác cũng sinh ra ở Hà Nội ạ?

- Ừ, cũng sinh ra ở Hà Nội cháu ạ, từ đầu thế kỷ.

- Thế ông bà của bác ạ? Cũng ở Hà Nội?

- Không, ông bà của bác và bác N. (chồng bác) là người Nam Định và Hà Nam xưa, lên Hà Nội học nghề, làm nghề may, hàng ăn... rồi sinh cơ lập nghiệp ở đây từ lâu lắm rồi, đâu như từ thời ông Hoàng Diệu thất thủ.

- Thế bố mẹ bác và bác có bao giờ về thăm làng xóm cũ của ông bà dưới Hà Nam không ạ?

- Không, có biết đấy là đâu đâu.

Ồ, vậy thì những người hàng xóm của bác, từ nơi khác đến Hà Nội học, sinh sống, ở lại sinh cơ lập nghiệp, rồi 50-100 năm nữa con cháu họ thành người Hà Nội, thì cũng có sao đâu nhỉ? Đó chẳng phải là qui luật tạo lập và duy trì bất cứ một thành phố, một cộng đồng dân cư, một quốc gia nào trong lịch sử đó sao? Hôm nay họ là “nhà quê”, sau này họ là “Hà Nội”, hôm nay nơi này là “huyện”, mai nó có thể là “thành phố”, âu cũng là chuyện thường. Văn hóa và địa lý ở một nơi đâu có thể dừng lại mãi, nó phải thay đổi, tự đào thải, tự cải thiện chứ.

Có lẽ bác của tôi không biết được là khi ông bà bác mới đến Hà Nội, họ chắc cũng đã phải vật lộn kiếm sống, cố gắng hòa hợp tiếp thụ “lối sống Hà Nội” và chia sẻ văn hóa lối sống của họ, biến đổi bản thân họ và biến đổi cả nơi họ sống, thành một cái gọi là “Hà Nội” vào những năm 1950 mà bác tôi hoài niệm.

Gần đây, nhân đại lễ ngàn năm, tôi hay thấy người ta nói đến “văn hóa Hà Nội”, “người Hà Nội” rồi “người Hà Nội gốc”… mà thấy hơi băn khoăn. Hà Nội đâu phải của riêng ai? Của riêng thời đại nào? Và nó đâu có bất biến? Làm sao người ta cứ dễ dàng khái quát hóa nó một cách rất chủ quan thế được nhỉ?

Và những người đi xa khỏi mảnh đất nơi họ sinh ra, lớn lên, đến một nơi khác, cũng dần dần nhận miền đất mới ấy thành quê hương của mình, cũng như ông bà của bác ấy, đã coi Hà Nội là quê hương mới của họ, coi Hà Nam, Nam Định là một ký ức xa cũ, cũng như tôi vậy, nay đã xa Hà Nội lắm rồi...

Quay trở lại chuyện “nhớ Hà Nội” của tôi.

Những năm xa Hà Nội đi học, tôi chỉ nhớ mẹ và nhớ thành phố ấy vì nó là nơi mẹ tôi đang sống và vì những kỷ niệm đẹp tôi có ở đó, thời thơ ấu, thời học phổ thông, thời đại học, rồi lúc đi làm...

Giờ mẹ đã mất rồi, và vì bộ nhớ có hạn, những kỷ niệm đẹp đẽ của tôi ở Hawaii đã đè lên, thế chỗ cho những kỷ niệm Hà Nội. Hình như tôi đã mất đi những lý do quan trọng nhất để nhớ Hà Nội. Và hơn nữa, Hà Nội bây giờ đâu phải là Hà Nội “của tôi”?

Nếu ai đó giờ đây hỏi tôi quê hương ở đâu? Tôi sẽ vẫn nói đó là Hà Nội, vì khái niệm “quê hương” có vẻ gần với khái niệm “nơi sinh của mình” hơn cả. Nhưng nếu hỏi nhớ nơi nào thì tôi sẽ nói đó là Hawaii bởi đó là nơi tôi thực sự lớn lên và trưởng thành về thể chất và trí tuệ, là nơi tôi đã cố hiểu bản thân mình và nhận ra chân giá trị của mình, nơi tôi yêu tha thiết nhất vì đã khổ đau hạnh phúc ở đó, đã sống hết mình, yêu hết mình và đã tìm thấy cái nửa của đời mình, ở đó.

Vậy nên xin đừng trách tôi vô tình hay mất gốc khi tôi nói không nhớ Hà Nội. Nó là quá khứ xa lắm rồi, khác lắm rồi và tôi thì vẫn phải trôi theo dòng đời phiêu bạt, chẳng thể nào dừng lại níu giữ những kỷ niệm về nó mãi trong tâm tưởng của mình.

Chỉ mong sao một ngày nào tôi có dịp về lại nơi đó, tìm lại con phố Thái Hà xưa vốn là hồ Thịnh Quang đã bị vùi lấp từ ngót ba mươi năm nay, lần tìm dấu vết của cái ngõ nhỏ ấy và bóng dáng cái cổng doanh trại quân đội ngày càng mờ nhạt bên những biển hàng, tuy biết rõ là rặng cúc tần chằng chịt dây tơ hồng, bức tường trang trại nuôi lợn, hàng ô-rô, cây ổi... đã vĩnh viễn không còn từ lâu.

Em ra đi nơi này vẫn thế” ư? Tôi không nghĩ thế.

Nhưng mà đúng là “phố bỗng là dòng sông” thật. Hè vừa rồi phố Thái Hà lại ngập lụt bì bõm. Giá như cái hồ vẫn còn ở đó...

Nhưng mà thôi, đành chấp nhận là mọi thứ luôn thay đổi, những kỷ niệm, và cả văn hóa nữa, cũng như con người sẽ luôn biến đổi và tái tạo, tự hoàn thiện cũng như tự loại bỏ để thích nghi.

Đỗ Ngọc Bích, từ Connecticut, Hoa Kỳ


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn