KỶ NIỆM NHỮNG MÙA GIÁNG SINH XA NHÀ

Thứ tư - 19/12/2001 10:09

(NCTG) Noel! Một mùa Giáng sinh nữa lại đến! Xa nhà đã lâu, không biết ở Việt Nam bây giờ dân mình “ăn” Giáng sinh như thế nào chứ hồi còn ở nhà, chúng tôi chẳng có khái niệm gì mấy về Noel.


Vương cung Thánh đường mang tên Thánh István ở Budapest, hiện trường vụ “xơi” bánh thánh bất thành

Chỉ còn nhớ có bận lũ trẻ lớp tôi rục rịch rủ nhau vào Nhà Thờ lớn ở Hà Nội để xem mấy ông cha cố mặt mũi ra sao, thì rốt cục không thành: vì “lý do an ninh”, chỉ một số nhân vật chức sắc được tham gia buổi lễ thánh đó. Ðám đông đứng vây bên ngoài nhà thờ, bàn tán lộn bậy được một lúc, rồi bị các “chú” công an mặc bộ quần áo vàng khè đuổi khéo; dĩ nhiên là ai nấy đều tỏ ra “biết điều” và “tự giải tán”!

Vốn thuộc loại “vô thần” (ở Việt Nam ngày xưa, khi còn đi học, cứ mỗi lần phải điền một cái tờ khai gì đó, hầu như đứa trẻ nào cũng nhắm mắt và viết “Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không”, vì nếu một trong hai thứ trên mà sai “đáp án” thì có khi gay go chứ chẳng bỡn!), thoạt đầu khi mới qua đây, tôi khá “vô cảm” với ngày Giáng sinh.

Mấy ngày lễ này lại trùng vào kỳ nghỉ thi nên nó cũng không có “giá trị sử dụng” là mấy. Trời thì lạnh giá, vô tuyến thế nào cũng chiếu đi chiếu lại mấy cái phim dài lê thê lấy điển tích từ “Thánh Kinh” lạ hoắc, chả có “hành động” gì mấy, tiếng tăm đứa nào đứa nấy ú ớ, lởm khởm, nghe câu được câu mất, chẳng thấy hứng thú chi.

Thôi thì túm năm tụm bẩy tán phét (học thì chả đứa nào chịu!), đánh tú-lơ-khơ, bài Tây thâu đêm suốt sáng, hay nấu ăn xì xụp, mùi nước mắm thơm nồng khiến mấy thằng Tây thuộc loại dốt - phải ở lại ký túc xá học thi chứ không dám về nhà - phải bưng mũi mà chửi “Ðéo mẹ, ăn chó gì mà thúi thế!”.

Mấy đứa “cấp tiến” hơn, lục lọi chương trình phim, liếc thấy phim nào có 3 dấu sao (loại dành cho người trên 18 tuổi, thường là phim có cảnh làm tình cụp lạc...) thì lấy bút đóng khung ngay, rồi vác bản đồ tìm rạp, hoặc vừa đi đường vừa hỏi dân bản xứ. Có lần, đúng dịp Noel, vài thằng ba vạ thế nào vớ trúng phải mấy bộ phim nghệ thuật của Tarkovsky (cái nào cũng 2,3 sao!), chả hiểu mù tịt gì, xem giữa chừng bỏ về và chửi bới inh ỏi...

Bản thân tôi có một kỷ niệm cũ, tức cười về ngày Giáng sinh mà đến giờ tôi vẫn nhớ như in. Năm ấy, không hiểu rửng mỡ thế nào mà tôi lại rủ mấy tay bạn thân đi Nhà Thờ lớn ở thành phố nơi chúng tôi ngụ.

Ðúng 12 giờ đêm, chuông điểm, giáo đường đông lắm, toàn những nam thanh nữ tú chen chân nhau chờ ăn bánh thánh. Chưa biết mùi vị nó ra mô, bọn tôi cũng háo hức, cố xếp hàng chờ đợi.

Thấy ông tổng giám mục đã đứng tuổi mà mặt mũi hồng hào, phương phi, hẳn là cũng thơm da mát thịt chả kém gì thầy Ðường Tăng trong truyện tranh “Tây Du Ký” của Tàu. Mấy chàng giúp việc cũng điển trai, ai nấy mặt hoa da phấn, giá có đi đóng xi-nê chắc cũng đạt.

Tôi thấy những con chiên xếp hàng trước mình, khi tiến đến gần ông tổng giám mục, đều đưa tay làm dấu thánh và xuất ra mấy động tác, mấy “chiêu” uốn éo gì đó, xong rồi mới được thưởng một miếng bánh thánh. Ỷ mình là dân ngoại quốc, lại là thứ đầu đen, mũi tẹt, mắt xếch “từng đánh bại hai đế quốc đầu sỏ và một phát-xít gian ác”, nên tôi nghênh ngang và anh dũng lắm, chả thèm “học hỏi” gì sất.

Ðến lượt, tôi trịnh trọng cúi đầu chào, rồi chắp tay sau đít và há miệng chờ bánh. Ông tổng giám mục ngạc nhiên hỏi:

- Cậu có theo đạo Thiên Chúa không đấy?

- Không, tôi theo đạo Phật (dĩ nhiên là tôi nói láo vì kiến thức của tôi về Phật giáo cũng chỉ ở mức những mẩu chuyện “truyền kỳ” mà tôi đọc trong “Thánh Kinh”).

- Ồ, thế thì cậu không được xơi bánh rồi!

Nói đoạn, ông khoát tay, ra hiệu cho cô gái đứng sau tôi. Sượng sùng chỉ muốn độn thổ, tôi bước đi như chạy trước bao con mắt hiếu kỳ của thiên hạ. Mấy thằng bạn khỉ đột, thấy tôi bị “quê”, đã rút lui “bảo toàn lực lượng” từ bao giờ!

Về nhà, kể lại câu chuyện với mấy thằng Tây cùng phòng, đứa nào cũng cười rũ rượi. Tôi làu bàu cáu kỉnh: “Tao cứ tưởng ai đến ăn cũng được! Ðạo chi mà chẳng khoan dung gì cả!”. Biết tôi có tính háu ăn, bọn Tây an ủi: “Bánh ấy làm từ bột thường thôi, có gì ngon đâu. Nó có ý nghĩa tượng trưng là chính thôi”...

Năm tháng trôi qua, “nhập gia tùy tục”, giờ đây tôi cảm thấy ngày lễ Giáng sinh cũng hay và ý nghĩa lắm. Có lẽ nó là ngày duy nhất trong năm mà đại gia đình của bọn Tây có dịp họp mặt, sau những bươn chải, vật lộn cực nhọc của cuộc đời thường nhật. Quây quần bên cây thông Noel, chúng hỉ hả chúc tụng nhau, tặng nhau quà cáp, ăn nhậu..., bầu không khí đầm ấm vô cùng!

Xứ tôi ở có những tập tục ẩm thực khá kỳ lạ trong mùa Giáng sinh. Chẳng hạn, dân tình ăn nhiều đỗ, đậu và cơm vì cho rằng đó là những loại ngũ cốc mang lại tiền tài trong năm mới. Thịt lợn quay cũng được ưa chuộng vì lợn được coi là con vật may mắn. Ở nông thôn, từ trẻ con đến người lớn đều thích nắm đuôi lợn trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới để “lấy hên”.

Ðồng thời, theo tập tục từ ngàn đời nay, trong những ngày cuối năm, dân bản địa tránh ăn gia cầm vì sợ vận may sẽ... bay đi mất. Ngoài ra, các bà nội trợ rất hay nhào bột để làm mì sợi, bánh ngọt... trong dịp Giáng sinh; theo truyền thuyết từ đời xưa, ai nhào bột thật dẻo, thật nhuyễn và kéo được thành sợi mỳ càng dài thì sẽ càng sống lâu.

Ðã nói đến mùa Giáng sinh nơi tôi ở là phải nói đến những bữa tiệc thịnh soạn trong gia đình, kéo dài mấy ngày liền: đây là một truyền thống mà phần đông những người đứng tuổi đều muốn duy trì, mặc cho lớp trẻ cảm thấy nó “cổ lỗ”, bó buộc và không thoải mái.

Người bản xứ ưa ăn cá vào Giáng sinh vì họ cho rằng vẩy cá sẽ đem lại hạnh phúc và tiền tài. Món cổ truyền và nổi tiếng nhất của xứ tôi ngụ trong mấy ngày Noel là xúp cá, nói chính xác hơn là một loại riêu cá khá đặc và cay, có vị đặc biệt, ăn cùng với bánh mì hoặc mì luộc. Nếu muốn nấu món này một cách cầu kỳ, đúng cung cách, phải có cá chép tại thượng nguồn hai con sông lớn, kèm một loại ớt bột rất quí, chỉ có ở một làng nhỏ.

Cá chép được rửa sạch, đánh vẩy, cắt thành những miếng dày chừng hai phân; đầu và đuôi cá được hầm nhừ với nhiều loại cá khác trong một nồi lớn. Ðể nước canh được trong, người ta thả hành củ vào nồi. Sau khi đã cho mắm muối, ớt và một vài gia vị đặc biệt khác, nồi canh được đun trên lửa nhỏ vài tiếng liền; cuối cùng, người ta mới thả cá chép vào canh. Người sành môn ẩm thực cho rằng xúp cá ăn ngon nhất là ở những bữa thứ hai, thứ ba..., khi đã được hâm lại nhiều lần.

Cạnh xúp cá thì món cá rán tẩm bột và bắp cải nhồi thịt cũng khá thịnh hành. Dân Việt những ai gày còm, đảm bảo có thể tăng vùn vụt vài ký như chơi sau mấy ngày Giáng sinh bên này!

Ðôi khi, thú thực là tôi cũng cố hòa mình vào bầu không khí náo nức ấy, tôi cũng lăng xăng nấu canh riêu cá, cũng chạy đi chạy lại trang trí cây thông, gói quà treo lên đó...; tóm lại, tôi làm tất cả để ngày Giáng sinh cũng là MỘT NGÀY CỦA TÔI, nhưng dường như không thành công cho lắm.

Dù đến nay, tôi đã có chút kiến thức nhất định về “đạo”, về “đời”, nhưng sao trong mấy ngày Giáng sinh tôi vẫn thấy cô quạnh, buồn bã! Trong tôi, không bao giờ nó có được vị trí như của ngày Tết Nguyên đán, cái ngày mà mười mấy năm qua tôi không được hưởng hương vị của nó ở quê hương tôi...

Nói vậy thôi chứ ngày mai, ngày kia, có lẽ tôi cũng sẽ bắt chước dân bản xứ, mua một cây thông tí hon cho cháu nhỏ, treo thật nhiều bánh kẹo và những thứ quà nho nhỏ lên đó, nhìn cảnh con nhóc hớn hở chạy vòng quanh cây, chụp vài chục “” ảnh cho cháu, rồi bật đĩa nghe (và có thể còn hát theo, kiểu karaoké tại gia!) mấy bài ca quen thuộc của mùa Giáng sinh.

Vì, dù sao đi nữa, cái ngày của tình thương ấy, tại sao lại không thể là ngày của tôi?

(*) Bài viết đã đăng trên chuyên san “Người Viễn Xứ” của “VietNamNet”.

Nguyễn Hoàng Linh, ngày 23-12-1999


 
 Từ khóa: Giáng sinh, Noel
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn