TÔI - KHÔNG PHẢI LÀ KẺ CẮP

Thứ tư - 16/05/2007 20:06

Tùy bút cảm động của nhà văn Nguyễn Văn Thọ (từ Đức Quốc) - tác giả nhiều truyện ngắn có tiếng vang trên báo chí trong và ngoài nước, trong đó có NCTG - về một quãng đời chìm nổi của anh nơi xứ người (NCTG)

Đưa đội quay lại Việt Nam sau khi bức tường Berlin đổ, tôi trở lại Đức, trong túi chỉ còn 200 DM. Với số tiền ấy, tôi chỉ có thể ăn bánh mì và uống sữa đủ nửa tháng. Phải có tiền, không chỉ là cho tôi khi ấy, mà còn cho gia đình, cho con tôi ở Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Thôi chức đội trưởng, nhận làm vệ sinh nhà máy - Reinigunggebeuder ba tháng, tôi lại bị thôi việc. Hàng triệu công nhân, trí thức Đông Đức còn thất nghiệp nữa là đám thợ khách da vàng mũi tẹt! Tôi bàn với N đi mua hàng về đem bán trên hè phố và chợ phiên. Thực ra N và tôi đều chẳng biết việc bán lẻ ra sao. Hai đứa bầy dăm cái áo len Ba Lan, mấy cái bật lửa ga, pin đèn, thảm, xi-líp của Thổ và cả thuốc lá lậu trên thùng cát-tông hơn mét ra hè đường. Buôn bán vặt tưng ấy là đủ sống, vì lãi xuất trong lúc hỗn quân hỗn quan bấy giờ rất cao. Nhưng tôi cứ cảm thấy mình thừa thãi. Mẹt hàng nhỏ xíu, cần gì tới hai lao động?

Mùa thu năm ấy, tôi quen Bali. Gã kém tôi hai tuổi, người Li-Băng. Da nâu, đôi mắt to, râu rậm, mồm rộng, dáng thấp đậm, nên nom gã giống như con cun cút đầy lông lá. Con cun cút nghiện nặng. Miệng như ống khói, không ngừng nhả đám mây thuốc N1.

Bali nguyên là một sinh viên quay phim đứt xích, lấy vợ Đức, sau ở lại. Gã xoay xở nhiều nghề và cuối cùng chuyên bán hoa quả. Quầy gã chiều ngang dài gần mười mét. Lắm két hàng chồng cao như núi, nên khi đứng bên, mẹt hàng bọn tôi nom như kiến đứng bên voi. Có lẽ cùng là thân phận tha hương nên Bali dễ bắt chuyện. Thấy tôi nhanh như cắt, lại đang tìm việc nên Bali ngỏ ý muốn tôi phụ việc hắn. OK! Tôi nhận lời.

Phụ bán hoa quả không cần kiến thức gì mấy, nhưng là một việc nặng nhọc. Sớm tơ mơ, tôi đánh chiếc xe Traban cũ nát chờ gã ở đầu chợ. Bắt đầu là việc bê toàn bộ các khay, các két gỗ đựng rau, hoa quả từ xe xuống, xếp quanh vị trí đứng bán. Căng ô, chăng lều. Phải sắp xếp các loại hàng theo ý Bali, sao cho thuận tiện khi bán. Những thứ hoa quả dân Đông Đức hay mua như nho, táo, đào… được xếp quanh vị trí đứng. Rau thì xếp ở dãy mặt tiền. Xếp hàng xong, tôi phải chạy quanh, phụ giúp bán hàng. Phải lấy túi, lấy hoa quả từ các khay gỗ, dọn dẹp các thùng rỗng và hoa quả rụng, hỏng v.v... Tất nhiên, dầu là kém tuổi tôi, Bali vẫn có quyền sai tôi như sai một thằng nhỏ. Khi thì đổi tiền lẻ, khi đi mua cà-phê, gói thuốc. Có lúc hứng lên, hắn bảo bưng về vài cốc bia tươi để hai đứa hỉ hả nâng cốc…

Chạy đi chạy lại cả ngày, bán từ 1 tới 5 tấn hoa quả, thực không giản đơn! Nó đòi hỏi sức cơ bắp. Tôi khi ấy đã bốn hai tuổi. Từ khi rời lính, suốt mười năm chỉ làm văn phòng, nay làm việc quần quật, đi gió về tuyết, nên tuần đầu tôi rất mệt mỏi.

Tháng Chín năm ấy, Bali tỏ vẻ hài lòng và tin tưởng thằng Việt Nam tóc đen da vàng nhanh nhẹn, tháo vát. Xưa, hắn chẳng bao giờ cho tôi đụng vào cái két nhỏ đựng tiền. Có đi vệ sinh, hắn cũng khoá lại rồi nhét chìa vào túi. Sau ba tuần, khi thấy tôi chăm chỉ, không hề để ý tới két tiền nên đôi khi hắn sai tôi lấy tiền khách trả bỏ vào két. Có bận lại bảo tôi lấy tiền từ két ra mua đồ ăn trưa.

Công việc của Bali rất phát đạt. Đông Đức vừa đổi tiền, tự dưng mỗi nhà có vài chục ngàn DM, thay vì đồng tiền xưa - Ost Mark - sức mua chỉ bằng một phần mười tiền mới, nên họ chăm mua hàng như bắt được bạc! Có lẽ, nhận ra thời cơ ấy, Bali tính chuyện mở rộng buôn bán. Hắn gọi hai đứa em vợ tới mở hai quầy bán hoa quả ở hai nơi cho họ. Hắn ngỏ ý dựng cho riêng tôi một quầy và tăng lương từ 50 DM lên 80 DM một ngày. OK! Tôi nhận lời.

Hóa ra phụ việc giản đơn hơn nhiều, so với tự mình chỉ huy một quầy bán hàng! Để nhận thêm 30 DM tôi bắt đầu nếm náp, biết thế nào là lao động làm thuê thật sự! Sớm sớm, tôi đánh xe tới Trung tâm bán buôn hoa quả, cách nhà hơn năm chục cây số. Tại đó, tôi nhận lượng hàng cao như núi mà Bali đã xếp riêng một ô. Bốc hết số hoa quả ấy lên xe, rồi lại đánh xe tới điểm bán và dỡ hết xuống. Trời lạnh, có bữa bốc hết hàng cho kịp sáng, mồ hôi túa ra ướt hết cả áo trong. Thường là Bali chọn các hội chợ thời gian bán kéo dài từ 3 tới 5 ngày. Đôi khi có phiên chợ kéo đẫy cả nửa tháng. Mệt đấy, song tôi cũng vui vui vì trước đó Bali không bao giờ cho tôi mon men tới két tiền, nay hắn lại giao cho tôi toàn bộ một núi tiền, hàng vậy. Nhưng để đổi lại nguồn vui mong manh ấy, tôi phải lao động một cách hết sức khốn nạn. Các phiên chợ thường diễn ra từ tám giờ sáng tới chín, mười giờ tối. Vẫn phải làm việc nếu như người ta vui chơi, ăn uống, nhậu nhẹt, nhẩy nhót, đàn hát tới tận 12 giờ đêm. Tức là trung bình mỗi ngày, tính cả thời gian đi lấy hàng và trả xe về kho, tôi làm việc 14 tiếng.

Thao tác bán hoa quả không chỉ là một phu khuân vác. Cứ giật túi, cúi xuống lấy rau, hoa quả, đưa cho khách, nhận tiền… từng ấy động tác, để bán từng túi 3, 4 cân, sao cho hết một núi hoa quả từ 1 tới 5 tấn, thậm chí 7 tấn một ngày, cũng đủ làm bại liệt hai cánh tay. Nhất là, khi dân Đông Đức bia rượu xong, thú mua hàng bỗng vọt ra như kẻ khùng. Người đông như kiến cỏ, xếp hàng cả dẫy tới hai ba chục người trước quầy. Tuần đầu về, lưng như gãy ra. Đặc biệt hai bắp tay tôi đọng máu, cứng đanh lại, nhức nhối vô cùng. Tối ngủ, tôi giơ ngược hai tay, phía sau đầu, kê lên thành giường. Như vậy máu sẽ chảy xuống, đỡ đi phần nào đau đớn để thiêm thiếp ngủ vùi. Cuộc sống cứ thế triền miên. Không xem hát, không ti vi, nhạc nhẽo. Đến cả yêu đương, làm tình cũng chẳng kịp nhớ ra!

Phải thích nghi để tồn tại! Lâu dần, các động tác bán hàng trở thành nghệ thuật. Tỉ như, tôi không phải lúng túng dỡ cái túi ni-lông mỏng luôn dính sát miệng vào nhau nữa. Giật túi thật mạnh ra khỏi tệp, làm cho một lượng khí nhỏ tràn vào để miệng túi hé ra, tôi thổi phù một cái là túi đầy không khí. Vẩy mạnh kêu tới “roắc” thêm cái nữa cho miệng túi toang hoắc. Cứ thế ném lê, táo, nho vào thoăn thoắt… trao cho khách và ném tiền vào cát-sơ.

Ngày lại ngày, tiền thu được trung bình từ 3 tới 5 ngàn, thậm chí tới 8 ngàn DM. Buôn bán hai ba tháng, nắm được giá mua, tối kiểm tiền, tôi giật mình khi biết mỗi ngày tôi mang lời cho Bali từ 1.000 tới 3.000 DM. Trong khi hắn trả tôi mỗi ngày 80 DM!

Một tối trao tiền cho Bali, tôi lóe lên ý định ăn cắp tiền của gã.

Lấy của Bali 100 mỗi ngày cực dễ. Vì bán hoa quả không thể kiểm đếm được chính xác đầu ra. Số hoa quả thối, rụng, dập nát có khi dăm két và thường là được đổ đống vào dăm thùng cát-tông dùng đựng chuối đã rỗng nào đó. Bố nó cũng không biết! Tôi cũng toan tính, sẽ lấy tiền vào lúc trưa. Đấy là lúc Bali không thể tới nơi tôi. Gã dứt khoát sẽ trải một cái khăn ở đâu đó trên mặt đất, quỳ xuống, kính cẩn hướng về mặt trời để lạy A-La linh thiêng của gã.

Nhưng trong tâm trí tôi vẫn thấy có gì bất ổn và thường là tự bảo, thôi để mai, ngày mai sẽ bắt đầu lấy cắp!

Cứ lần lữa hơn tuần như thế, chỉ mình tôi biết, tôi đứng giữa một danh giới rất mong manh: Một người làm thuê khốn nạnMột kẻ ăn cắp! Cái điều ấy tưởng đơn giản mà cay đắng lắm. Ngay cả việc tính toán về thời điểm ăn cắp ra chừng có vẻ khôn ngoan. Song lại tự áy náy vì còn thấy le lói ý nghĩ: đó là sự khôn ngoan láu cá truyền kiếp của một thằng hèn.

Toàn bộ quá trình lần lữa ấy, dằn vặt tôi giữa quyết định hay không ăn cắp trước két tiền của Bali mỗi trưa từng ngày. Từng ngày, khi mà tôi biết rõ rằng, giờ này Bali đang quỳ xuống và cẩu khẩn! Nó giằng co tới đau đớn khi diễn ra ở một vùng xa hoắc! Nơi không có họ hàng hang hốc, nơi thân cô thế cô và cũng là nơi, từng đêm khuya lắm, tôi vượt qua những cánh rừng, con đường dài hiu quạnh đầy sương, trắng tuyết bụi để về nhà ngồi trong bóng tôí, đếm từng đồng tiền lẻ nhầu nát của Bali đã trả, thẫn thờ lẩm nhẩm cho những kế hoạch ngày mai…

Không, tôi không thể, không bao giờ là thằng hèn! Tôi là Kẻ làm thuê khốn nạn chứ không thể là Kẻ cắp.

Tôi cố gắng bớt nhìn vào két tiền nhỏ đầy cám dỗ và bỏ thói quen kiểm tiền của gã!

Cuối tuần năm ấy, chúng tôi nghỉ chợ hai hôm để chữa cái bơm dầu ô tô buýt hiệu Mẹc [Mercedes] Bali vẫn giao cho tôi lái đi bán hàng. Xe chữa xong, chúng tôi chạy thử trên con đường hai bên rực rỡ biển vàng. Gió he he thổi trên cánh đồng cải đang độ rộ hoa rập rờn như sóng. Xe lại chạy tốt! Bali bảo tôi đỗ xe bên một quán bia ven đường. Gã gọi bia đen và hai đĩa chân giò hầm với bắp cải muối chua. Bia rất đậm. Thịt ngậy và béo nhậu với dưa cải chua thật đưa đẩy bia đen. Chúng tôi uống tới vại thứ ba. Bali vung vẩy liên tục điếu N1 trên tay. Lần đầu tiên gã nói chuyện rất hăng. Gã kể về những cánh đồng quê lúa mạch và ngô. Những bãi cừu và cả những mỏ dầu, v.v... Gã kể về cách nuớng chiếc bánh ngô mỏng Trung Đông và lan man sang đứa con gái béo ị, đôi mắt to xanh biếc, thi thoảng tới quầy chơi, nũng nịu bắt tôi mua cho nó một cái vé đu quay. Câu chuyện lê la tới quê tôi. Tất nhiên tôi chẳng thèm dấu Bali sự nghèo nàn của Hà Nội bấy giờ. Tôi kể về căn nhà luôn vắng mùi thịt cá, về đưá con tật nguyền của mình và cả những tháng năm trong rừng. Bali nghe rất chăm chú. Gã luôn luôn tỏ ra đồng cảm, gật gù cái đầu có bộ tóc quăn rậm rồi bảo: “Mày hãy học buôn bán! Nếu chịu khó, mày có thể là ông chủ và có tiền.” “Có tiền, mọi việc sẽ giản đơn hơn, dầu âu lo thì chả khi nào con người ta hết tiệt cái âu lo cả. Cũng như việc làm thuê cực nhọc, song làm ông chủ cũng nhiều thứ lo đấy!” Bali nháy mắt.

Khi ông chủ và thằng làm thuê uống đã ngà ngà, là lúc có thể nói hết! Tôi bèn nói với Bali tất cả suy nghĩ của mình. Tôi bảo, giờ mày có ba quầy, mày chỉ làm thằng đi uống bia và hút thuốc suốt ngày, trong khi tao chân lấm tay bùn. Tôi bảo, tao mà lấy của mày mỗi ngày một trăm mày cũng chả biết. Tất nhiên điều quan trọng nhất là tôi thẳng đuột: “Mày phải tăng lương cho tao và quan trọng hơn nữa là đừng biến tao thành thằng ăn cắp!

Cầm li bia trong tay Bali nghe tôi rất chăm chú. Nét mặt của gã khi ấy rất khó đoán ra, gã đang nghĩ gì. “Một thằng Trung Đông từng trải như gã, không thể thờ ơ trước thái độ sòng phẳng và kiên quyết của tôi được!” Tôi nghĩ vậy và kết thúc chuyện bằng một tiếng thở dài. Bali vất điếu thuốc mới hút được nửa vào gạt tàn, nhìn thẳng vào mắt tôi. Hỏi: “Thực sự là mày không lấy tiền của tao chứ?” Tôi đứng phắt lên: “Không!”

Bali đặt mạnh li bia xuống bàn đột ngột đứng dậy. Hai đưá chúng tôi nhìn thẳng vào mắt nhau không chớp. Mắt Bali đầy những tia máu. Có thể gã sẽ tống tôi một quả chăng? Nếu vậy, tôi sẽ giáng một chai bia vào đầu gã, cho chừa cái thói sai vặt! Tôi đặt tay lên chai bia còn đầy và thoáng phòng bị!

Nhưng Bali không làm bậy. Gã đột ngột đưa tay ra, nắm lấy bàn tay tôi và ấn tôi ngồi lại xuống ghế. Chúng tôi im như thóc tới dăm giây rồi tiếp tục uống tiếp ba bốn vại bia tươi sóng sánh đen, đầm đậm mùi men trong yên lặng. Tôi không thể dự đoán rằng, Bali sẽ giải quyết lời đề nghị của tôi sang hướng nào? Nhưng tôi phải nói. Nói ra, lòng tôi như trút hết gánh nặng vô cùng trước đó. Và khi ấy, để nói cho ra nhẽ như vậy, trong lòng tôi cũng trào lên biết bao cay đắng. Cay đắng và ngọt ngào như những li bia kia, ngẹn ngào uống mãi mà không thể khóc được. Tôi cũng dự định rằng, nếu Bali không tăng lương thì tôi sẽ tự thôi việc. Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa! Không phải là sự vất vả về thể xác! Tôi chỉ là một người tha hương bình thường và, mong manh, dễ vỡ nhưng là đứa còn biết tự lượng sức mình trước những nghiệt ngã của cuộc đời.

*

Tôi không thôi việc. Ngay hôm sau, Bali tăng lương cho tôi lên 120 DM một ngày và kết thúc mỗi kì hội chợ thường thưởng cho tôi từ 100 tới 500 DM - tùy theo số ngày bán và tổng số tiền thu được mỗi phiên chợ. Gã cười nhe bộ răng vàng xỉn vì khói thuốc, vẫy vẫy tập tiền trong bàn tay múp míp như chuối hột vàng khè khói thuốc, bảo: “Tiền không là kẻ ăn cắp”.

Mùa đông rồi lại tới xuân năm tới, sau Noel, tiền vốn N và tôi đã hòm hòm, tôi tạm biệt Bali mở một quầy có ô lều buôn bán quần áo.

Tuy buôn bán riêng, tôi vẫn giữ quan hệ với Bali và thường là gã báo cho tôi biết các lịch Hội chợ mà những người Việt khi ấy đều khó nắm được. Quá trình buôn bán ấy chúng tôi luôn ở bên nhau. Khi đã thân tình, Bali mới tâm sự với tôi rằng, làm một thằng chủ buôn bán giang hồ, lang thang đầu hè cuối chợ cũng không giản đơn đâu mày ạ. Nhưng làm Ông chủ, bao giờ cũng dự kiến tất cả, cả số rơi vãi vì hàng hóa bị mất cắp. Ngay cả các siêu thị người ta cũng hoạch định điều đó ở trong kế hoạch hạch toán ban đầu… Điều Bali không ngờ nhất, hôm đó, không phải là tôi - kẻ làm thuê có ăn cắp hay không, mà là tôi đã nói toạc ra sự thật, mọi suy nghĩ của mình. Và tôi, kẻ làm thuê cho hắn, không rơi vào cái giả thiết là: kẻ làm thuê dầu bị kiểm soát chặt vẫn sẽ lấy cắp.

Sau này khi tự buôn bán đã từng, tôi cũng nhận ra rằng, người lão làng như Bali, hắn sẽ biết ngay bị mất cắp bao nhiêu, nếu người làm thuê quá tay. Vì sự hao hụt hàng hoá bao giờ cũng có quy luật, bởi: “Chỉ cần nhìn vào đống hoa quả loại bỏ, tính tổng tiền thu vào mỗi ngày… là người chủ sẽ dự kiến chính xác doanh thu ngày hôm đó có thể bị cắt xén bao nhiêu?” Tức là mọi khả năng trong quá trình buôn bán đều được Bali kiểm soát bằng kinh nghiệm, trải nghiệm để tính trước.

Chính vì sự sòng phẳng của tôi, đã làm Bali thấy khác thường và phá dỡ ranh giới vốn luôn luôn có giữa Ông chủ và Kẻ làm thuê. Bali mách tôi nhiều mánh lới, cho tôi nhận ra nhiều điều mà trước đó tôi không hề biết. Lắm mối làm ăn, gã chỉ cho tôi cách mua những lô hàng hạ giá mỗi khi cuối vụ của các hãng bán buôn. Hắn dậy cho tôi cách quảng cáo, bán với giá thể nào để chạy hàng. Hắn bảo: “Đa số con người tham lam. Bán một túi hàng 8 DM đầy ngộn hoa quả, dễ hơn là bán từng cân cho mỗi khách. Mày nên tặng một món quà nhỏ nào đó kèm theo cho những ai mua hai cái áo!” Bali còn dạy tôi cách khai thuế, cách làm giảm tất cả các khoản phải nộp mà khi đó rất ít người Việt Nam mới tập tễnh kinh doanh ngộ ra, v.v… Tức là, nhiều điều ở xã hội kinh tế thị trường, mà bất kỳ người kinh doanh lẻ nào phải am tường để lớn lên… Tất nhiên, không phải cái gì tôi cũng nghe hắn. Việc kinh doanh đôi khi cũng như làm thơ vậy. Mỗi người có một con đường riêng trong cái lộ chung chạy về một hướng…

Nhưng điều rất quan trọng trong cả quá trình làm thuê ấy là tôi hiểu thêm, rất sâu sắc, nỗi cay nghiệt của tiền. Sự cay đắng của riêng tôi trước sự cám dỗ tưởng vô cùng có lí để thắng hay bại trước một mối lơị không chính danh thuộc về của mình, giữ tôi là bạn của Bali mãi vẹn nguyên tới giờ. Vẹn nguyên là Tôi, một người đã làm thuê, không phải là Kẻ cắp.

Nguyễn Văn Thọ, từ Đức Quốc


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn