GS TS Vũ Hà Văn tại lễ trao giải - Ảnh do Vũ Hà Văn cung cấp
Polya Prize được đặt theo tên nhà toán học, nhà sư phạm lớn người Hungary Pólya György (George Polya, 1887-1985). Độc giả và những học sinh yêu môn Toán ở Việt Nam thường biết tới ông qua các tác phẩm kinh điển như "How to Solve It" (1945) đã được dịch ra gần 20 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt với tựa đề "Giải một bài toán như thế nào", hay "Mathematical Discovery" (bản tiếng Việt: "Sáng tạo toán học").
Được SIAM lập ra vào năm 1969, Giải thưởng Pólya - được trao 2 năm một lần - cho các thành tựu lớn thuộc hai lĩnh vực: (1) lý thuyết tổ hợp; (2) lý thuyết số, giải tích phức, các đa thức trực giao, lý thuyết xấp xỉ, lý thuyết xác suất..., là các vấn đề toán học mà sinh thời Pólya György quan tâm. Polya Prize thường được trao cho một công trình nổi bật trong thời gian gần đây, nhưng đôi khi giải cũng là sự tưởng thưởng cho một sự nghiệp nghiên cứu dài lâu và hiệu quả, hoặc cho tập hợp một số công trình.
Theo lý giải của Ủy ban Giải thưởng Polya, GS TS Vũ Hà Văn được trao Polya Prize 2008 vì những đóng góp trong việc "phát triển những các bất đẳng thức cơ bản cho các đa thức ngẫu nhiên. các bất đẳng thức này có phạm vi ứng dụng rộng hơn các bất đẳng thức trước đây. Chúng cho phép tìm ra lời giải cho một số bài toán lớn từ lâu nay trong hình học xạ ảnh, hình học lồi, lý thuyết đồ thị… Các bất đẳng thức này là một trong những đóng góp quan trọng nhất trong lý thuyết tổ hợp xác suất trong một thập kỷ qua".
Sinh tại Hà Nội, là con trai nhà thơ Vũ Quần Phương, những năm phổ thông, Vũ Hà Văn học Chuyên toán Chu Văn An, rồi Hà Nội - Amsterdam. Thi đỗ đại học với số điểm cao, anh sang Hungary học Khoa Điện tử, Đại học Bách khoa Budapest; tuy nhiên, đến năm thứ hai, Vũ Hà Văn chuyển sang Khoa Toán Đại học Tổng hợp Eötvös Loránt (Budapest), tốt nghiệp thạc sĩ (1994) rồi bảo vệ luận án TS Toán học tại Đại học Yale (1998). Sau đó, anh được mời về làm việc tại Viện Nghiên cứu Toán học tại Princeton, rồi Microsoft Research.
Vũ Hà Văn trở thành GS chính thức Khoa Toán Đại học Tổng hợp Rutgers (New Jersey) năm 2005. Anh đã được trao tặng một số giải thưởng cao quý như Giải thưởng Sloan (1997, dành cho các nhà toán học trẻ tuổi), Giải thưởng NSF Career Award (2003). Trong lễ trao giải vừa qua, cùng huy chương, Vũ Hà Văn còn được nhận khoản tiền mặt 20.000 USD.
Sau thành công này, NCTG đã có một cuộc trao đổi ngắn với GS Vũ Hà Văn:
PV: Xin anh đánh giá ngắn gọn về giá trị của Giải thưởng Pólya nói chung, cũng như trong sự nghiệp nghiên cứu toán học của anh nói chung?
VHV: Giá trị của giải được thể hiện qua tên tuổi các nhà toán học từng được giải. Szemerédi Endre, Lovász László (*), Peter Sarnak, Oded Schramm... đều là những nhà toán học lớn nhất thế giới, vài người trong số đó là hình mẫu của tôi. Vì vậy, tôi tự hào là có được một chỗ bên cạnh họ.
PV: Những dự định của anh trong tương lai gần?
VHV: Tôi sẽ vẫn tiếp tục công việc đang làm. Trong số đó, có một công trình mà tôi đã thực hiện thường xuyên từ 5 năm nay với Terence Tao, chúng tôi đã ra được một số bài báo và mọi thứ có vẻ khá khả quan.
PV: Xin chúc mừng thành công của anh!
Ghi chú:
(*) GS VS Hungary Lovász László, chủ tịch Hiệp hội Toán học Quốc tế, Giải thưởng Pólya 1979, Giải thưởng Wolf 1999, là thày của Vũ Hà Văn, từng hướng dẫn anh làm luận án TS Toán học tại Đại học Yale.
Trần Lê
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn