TỔ ẤM NƠI XỨ TUYẾT

Thứ sáu - 25/01/2008 21:22

(NCTG) Serpukhov là một thành phố cổ của Nga, bé nhỏ, nằm cách Moscow độ chừng 100 cây số. Những ngày mùa Đông này, đường phố ngập tràn tuyết trắng.

Serpukhov

Ở nơi xứ Tuyết ấy, nằm lọt giữa những cánh đồng trắng và một khoảng rừng thông đen thẫm của nước Nga, có một khu nhà thấp thoáng bóng người Việt Nam. Đó là “tổ ấm” của hơn 50 người Việt, những nhân viên của Công ty Rollton trực thuộc Tập đoàn Future Generation Group (FG Group), một tập đoàn kinh tế với 100% vốn đầu tư của các cổ đông Việt Nam do ông Đặng Khắc Vỹ làm chủ tịch, hoạt động ở nhiều lĩnh vực trong và ngoài nước. Công ty Rollton thành lập năm 1998 và từ lâu đã là một thương hiệu của người Việt, khá nổi tiếng và được ưa chuộng trên thị trường thực phẩm tại Liên bang (LB) Nga.

Tết đang về với tổ ấm nơi xứ tuyết

Chúng tôi vào thăm các anh chị khi tất cả đang tấp nập chuẩn bị cho một cái Tết xa nhà. Họ đang gói bánh chưng. Cũng lá dong xanh, lạt mềm, gạo trắng nức, đỗ xanh đồ vàng từng nắm, cũng những câu chuyện râm ran về cái Tết thuở nào trong ký ức xa xưa… Nếu không nhìn ra cửa sổ, nơi tuyết đang rơi, thì làm sao đoán được, đây là cảnh gói bánh chưng của những người xa xứ. Mọi người hào hứng mỗi người một chân một tay, những lời bông đùa vang lên không ngớt. - “Chủ trì” các vụ như thế này là chị Minh, còn chủ… chi là công ty đấy chị ạ! – Một thanh niên trẻ vui vẻ nói với tôi như vậy.

Chị Minh, bà “nội tướng” của tổ ấm

Chị Minh ngoài 40 tuổi, có gương mặt phúc hậu và xởi lởi, là “nội tướng” phụ trách việc bếp núc, lo việc ăn uống cho các thành viên trong công ty. Nói là “trọng trách” cũng chẳng ngoa vì lo bữa ăn hàng ngày cho từng ấy con người, không những vậy, lại còn đảm bảo đủ đầy hương vị quê nhà với những món truyền thống, không phải là việc đơn giản. Những bữa ăn của chị khiến người xa nhà cảm thấy bớt xa. Chị khoe: “Các chú ở đây không chú nào bị gầy đi cả, chỉ có béo khỏe trở lên thôi!” Mọi người xung quanh tếu táo đồng tình: “Đúng thế! Các “thanh niên xa mẹ xa vợ” vào tay chị Minh là mẹ và vợ yên tâm lắm!” Sáng, trưa, chiều tối, “đội” của chị Minh gồm 15 người Nga chia nhau theo ca phục vụ anh em kịp thời để họ có sức làm việc, nhất là những người làm ca đêm. Thứ Sáu hàng tuần, chị tổ chức ăn tươi – phở tái phở chín, bún bò giò heo, bún cá, bún chả, nem… gì cũng có.

Riêng những ngày Tết “ta” thì tổ ấm của người Việt ở đây lại càng thêm đủ đầy màu sắc và hương vị. Một ban thờ chung vọng về đất tổ với bát hương, lọ hoa, vàng mã, mâm ngũ quả được bày trang trọng. Mùi hương trầm ngát cả khu nhà, mang ấm vào lòng người. Chị Minh bảo, đúng là xa quê, có mùi nhang khói thấy như đang ở Việt Nam, chẳng còn cách trở nữa. Những dịp như thế này, chị Minh có thêm “trợ thủ” đắc lực là anh Hiền – một đầu bếp lành nghề, từng là chủ một nhà hàng ở Moscow cách đây chục năm, cùng nhiều bàn tay khéo léo khác. Ngoài bánh chưng mà các anh chị đang gói đây, tôi thấy còn giò lụa, chả lụa, mọc đông, măng miến, bánh đa nem và trăm thứ lặt vặt gợi nhớ Tết quê. Còn thiếu gì chăng?

Bánh chưng nơi xứ tuyết có khác gì bánh chưng quê nhà?

Có chăng, chỉ thiếu một hơi rét ngòn ngọt tháng Giêng với mưa phùn lộc biếc. Có chăng, chỉ thiếu cảm giác quây quần thực sự giữa đại gia đình của mình, chúc thọ người già, mừng tuổi trẻ con… Vì thế mà nhớ vẫn cứ khó nguôi. Vì thế mà đúng Giao thừa thường vẫn rơi nước mắt.

Tám lần ăn Tết bên này là tám lần chị Minh rơi nước mắt nhớ con. Gửi hai con để ông bà nuôi hộ, chị cùng chồng đã sang đây từ năm đứa lớn mới 10 tuổi, đứa nhỏ mới 3 tuổi, còn trứng nước. Tần tảo và chịu khó, đầy quyết tâm, nhưng theo lời chị, nếu không phải được gắn bó với tổ ấm này, chưa chắc anh chị đã trụ lại đến tận bây giờ.

- Chị còn định “trụ lại” lâu nữa không? – tôi hỏi có đôi chút tò mò. Chị cười: “Làm sao nói trước được điều gì, nhưng ở đây, chị cảm thấy thực sự ổn định về tinh thần, và không nghĩ sẽ rời công ty mà đi đâu nữa cả”.

Ổn định về tinh thần – thiết nghĩ, đó là điều không dễ mà có được.

Qua lời kể của chị Minh và các anh em ở đây, tôi hiểu, do đâu họ có được sự ổn định ấy ở một đất nước chưa thực sự ổn định về chính trị và đường lối kinh tế đối với các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều manh nha, chưa có sự định hướng chắc chắn. Đó là sự quan tâm thiết thực và hiểu lòng người của “các sếp”(theo cách nói của mọi người ở đây) – những người lãnh đạo Công ty Rollton.

Chị Minh “đầu quân” vào công ty gần như ngay từ ngày đầu tiên khởi công xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm DHV-S tại Serpukhov, từ năm 1999. Cho đến nay, nhà máy đã hoạt động rất nhịp nhàng, tạo việc làm cho hơn 3.500 người bản địa. Chị tự hào cho biết, Rollton “của chị” có hai năm liền được tạp chí uy tín “Forbes” đưa vào danh sách 200 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu tại LB Nga!

Đón Tết Tây 2008: Mầm non Việt ở Serpukhov

Chế độ đãi ngộ đối với các nhân viên, chắc hẳn, cũng không khác gì nhiều so với nhiều công ty khác. Đó là chế độ lương thưởng đầy đủ, là bảo hiểm y tế, hộ khẩu, quyền lao động, là việc bù đắp tiền nhà tiền xe, tiền điện thoại. Một người làm việc cho công ty, sống trong ‘tổ ấm” này, họ hầu như không phải tiêu pha thêm gì cho việc sinh hoạt hàng ngày từ ăn uống đến đi lại. Nhưng trên cả cái “chế độ” với những quy định khô khan ghi trong hợp đồng lao động, là tấm lòng của người lãnh đạo. “Sếp” trực tiếp của anh chị em ở dưới này - anh Nguyễn Việt Hùng - đã chăm lo cho anh em từ những điều nhỏ nhặt là cái chăn cái gối, thậm chí, “sếp” còn sâu sát đến bữa ăn, nhắc nhở chị Minh thêm rau cho đủ chất. Ngay đến việc dọn phòng, giặt giũ hàng ngày của anh em cũng có người lo hết. Ngoài sảnh có bàn bóng bàn, phòng sinh hoạt chung có tivi, giàn máy, karaoke… Một tuần hai lần anh em ra sân chung đá bóng. Đội bóng của nhà máy từng tham gia rất nhiều giải bóng đá cộng đồng hoặc giải riêng của công ty. Đặc biệt, những việc hiếu hỉ của từng thành viên của “tổ ấm” này, nhà máy để tâm rất kịp thời, giúp tổ chức việc mừng, hỗ trợ trong chuyện buồn. Với giọng tràn đầy tình cảm biết ơn, chị Minh lại kể cho tôi hay, mới đây, bố chồng chị đột ngột qua đời. Nếu không có sự giúp đỡ nhiệt tình của “sếp” Hùng, chắc hẳn trong dịp Tết – khó khăn về vé máy bay như thế - thì anh Quang, chồng chị, đã không kịp về chịu tang ông. Đó là quan tâm tinh thần sâu sắc, chưa kể việc công ty có giúp rập thêm về mặt vật chất.

Đôi nhảy đẹp (Tết Tây 2008)

Gần 9 năm làm việc tại đây, chị Minh đã về phép 5 lần, tiền vé do công ty lo. Gần gũi các con một tháng rồi lại bay sang, chị bảo, tuy thời gian ngắn ngủi, nhưng thế cũng đủ khiến lòng bình tâm, gạt bỏ những lo lắng mà tập trung làm việc. Cô con gái Liên Phượng của chị vừa vào đại học, cậu con trai Phương Đông đang học lớp 7, rắn rỏi và ngoan ngoãn. Năm ngoái, cu cậu được bố mẹ đón sang chơi 3 tháng, đến giờ viết thư vẫn nhắc những lần đi chơi rừng nướng thịt với các cô chú bên này, đi câu cá, đá bóng, đi tham quan thành phố khác… và… trồng rau. Nói đến trồng rau, mấy anh chị ngồi gần đó – chị Lan, chị Loan, anh Hiền, chị Kim Anh, anh Phong… sôi nổi khoe hè vừa rồi những vườn rau của họ “được mùa” – tha hồ ăn đủ các thứ rau Việt Nam, từ rau muống, cải cúc đến su hào… Mỉm cười tưởng tượng ra cảnh vườn rau Việt xanh mướt trên đất Nga, tôi thấy lòng dâng lên cảm giác dễ chịu, không còn căng thẳng với mặc cảm là “khách lạ” khi đi trên đường phố, chung quanh toàn “Tây, tóc vàng mũi lõ”… nữa!

Hạnh phúc

Mà quả vậy, sự ổn định về tâm lý khiến những con người Việt Nam bé nhỏ này luôn cảm thấy đàng hoàng và bình đẳng trong quan hệ với người bản xứ. Có thể mạnh miệng mà nói rằng, ở thành phố này, người Việt Nam rất được yêu mến.

Rời “tổ ấm”của người Việt ở Serpukhov, từ gian bếp thơm mùi bánh chưng đang luộc bước ra ngoài trời tuyết giá, tôi cảm thấy rõ ràng rằng mùa xuân ấm áp đang đến. (*)

(*) Một phần của bài viết đã được trích đăng trên "Tuổi Trẻ".

Bài và ảnh: Thụy Anh, từ Liên bang Nga - Tết 2008


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn