Truyện ngắn của Thụy Anh: ĐOẠN KẾT MỘT CÂU CHUYỆN LÃNG MẠN

Thứ tư - 14/01/2009 08:11

(NCTG) Đoàn tàu đang đi vào ga xép. Khựng lại đột ngột và tiếng phanh rít kéo dài. Có ai đó đứng ở hành lang cẩu thả kéo rèm ra nhòm trời. Trời đêm sáng nhờ nhờ. Hình như ở Nga, chưa bao giờ có đêm nào thật sự là đêm. Đêm mùa Đông sáng vì tuyết. Đêm mùa hè sáng vì ánh sao xa xăm, vì những thân bạch dương lấp lóa trên đường, vì những cánh đồng hoa trắng... Và còn vì những thứ ánh sáng chẳng hiểu ở đâu hắt ra, cứ mơ hồ hiu hắt sáng lên trong thế giới này.

Một số hành khách lục tục xuống ga. Đám khác lên thay thế. Họ cố gắng nói khẽ, đi nhẹ, nhưng những bước chân vẫn cứ nặng nề, khiến hầu hết những người đang ngủ đều trở mình. Đôi tiếng thở nặng nhọc vang lên lẫn tiếng nói mớ, và cả tiếng chửi tục rời rạc!

Đây là toa tàu chợ. Những dãy giường song song dài khắp lượt toa tàu. Bên hành lang còn một dãy giường nữa. Mùi mồ hôi nồng nồng, mùi hơi men thoảng ra từ đâu đó, mùi âm ẩm của đêm và của chăn đệm giặt là vội vã, mùi thức ăn có người mang theo đi đường. Mùi của đường xa.

Đã chục lần đi trên tuyến đường này mà tôi vẫn không cưỡng lại được ý muốn đứng ngoài hành lang, nhìn về phía trước, nơi bóng đêm và ánh sáng chốc chốc lại luân chuyển vị trí cho nhau. Nhưng tôi không cho phép mình làm điều xa xỉ ấy vì từ lâu, tôi đã không còn là đứa trẻ háo hức trong chuyến đi dài. Những chuyến đi của tôi đều mang tính chất … công vụ. Dưới lần áo khoác, tôi bận một chiếc áo có thật nhiều túi ở lưng và trước ngực mà chú tôi may cho. Cô tôi gọi đùa đó là chiếc áo “băng đạn”. Chú tôi khéo tay lắm. Chiếc áo vải thô màu xanh hoa trắng, sáu túi phía sau, bốn túi phía trước, mỗi túi có kích cỡ bằng một tập tiền… nhìn không hề xấu chút nào. Trông “mô-đen” nữa là khác!

Tôi đang thực hiện công việc của mình để đỡ đần cô chú, nhưng đúng hơn là để kiếm tiền nuôi thân. Tháng hai lần, tôi từ Len lên Mat (1), gom tiền hàng của bà con đi chợ mang lên đưa cho chủ hàng. Hai mươi hai tuổi, học năm thứ 4 trường Sư Phạm, nhưng so với “Tây”, vóc dáng tôi vẫn non nớt như đứa trẻ học phổ thông. Tóc để ngang vai, đeo bờm cũng màu xanh điểm hoa trắng, quần bò bó ống – thứ đồ jean cô tôi vẫn buôn ở chợ - mỗi lần giặt là phôi đầy một chậu nước màu xanh đen, chân đi giày thể thao rởm của Tàu. Chẳng mấy ai ngờ tôi lại “đi chơi Thủ Đô” với chiếc áo đầy tiền như vậy.

Cho đến bây giờ, khi mọi điều đã là quá khứ, khi tôi chỉ còn việc ngồi hồi tưởng lại thời thiếu nữ lam lũ xứ người ấy của mình, tôi vẫn không thể hiểu nổi, vì sao tôi nhận công việc này không một chút sợ hãi. Thậm chí, chưa từng giữ trong người một vật gì để phòng thân. Không, thực ra là có một vật, một vật kỳ quặc để có thể coi là vũ khí. Tôi chẳng kể cho ai vì sợ mọi người cười. Đó là cái bút chì. Cái bút chì ngăn ngắn tôi vẫn dùng để đánh dấu sách hoặc ngoáy vài chữ bên cạnh những đoạn văn mà tôi tâm đắc. Mỗi lần lên đường, tôi lại hì hụi gọt cho nó thật sắc. Tôi kỳ vọng điều gì ở chiếc bút chì nhọn hoắt ấy nhỉ? Rằng có thể dùng nó đâm một kẻ xấu nếu hắn tấn công tôi? Không rõ. Chỉ biết là tôi cảm thấy gần như yên tâm mỗi khi thò tay vào túi áo khoác và chạm vào mũi nhòn nhọt của cây bút. Khi đọc sách trên tàu, tôi bỏ thói quen dùng bút gạch vào sách vì sợ nó cùn đi.

Bên cạnh tôi, một cô gái người Di-gan đang ngáy khò khè trên chiếc giường nhỏ hơn so với thân người. Người Di-gan dễ nhận ra lắm, họ luôn muốn tỏ ra cho cả thế giới biết chất du mục của mình thì phải. Chiếc khăn đội đầu sặc sỡ, cái váy xòe rộng bản, chiếc răng bịt vàng một góc, đôi mắt khi thức thì đen nhánh còn khi ngủ thì lông mi rợp xuống má. Tôi vốn chẳng ưa gì họ, những người ồn ào và hôi hám. Trẻ con thì bẩn thỉu và ranh mãnh. Chúng biết cách kiếm cơm rất khéo và trơ tráo. Đôi lần, ngay trong metro, lúc đông người, tôi bị chúng giằng áo, túm tóc bằng những bàn tay lem luốc, khiến cho không chịu nổi phải “xì” ra ít tiền.

Vì có người xóm giềng đặc biệt như thế, chuyến đi lần này khiến tôi căng thẳng nhiều hơn. Mà thực ra hiếm có lần nào tôi ngủ được quá hai tiếng. Chiếc áo “băng đạn” cộm lên trong người. Áo khoác không dám cởi, lại trùm một lần chăn chiên. Lưng tôi lúc nóng bừng, lúc ngứa ran… Nhưng cứ nghĩ đến số tiền được nhận sau chuyến đi, tôi lại thấy… dễ chịu hơn. Số tiền học bổng gần 70$ một tháng không đủ cho tôi chi tiêu sinh hoạt, nói gì đến chuyện mua sách vở hay hứng chí đi lang bang khám phá thành Len vào những buổi chiều nắng không chịu tắt! Vì thế, kiếm được việc này, tôi mừng húm. Cô chú kiếm việc cho tôi là cô chú họ thôi. Họ thế nào tôi cũng chẳng biết, nhưng có họ - ở nơi xa này, thế đã là người rất thân rồi. Cô chú bán hàng ở chợ, hàng nhận qua xe từ Mat. Về, trả tiền “xu-khôi” (2). Lẽ ra có thể gửi tiền lên theo xe. Nhưng có lần xe bị trấn cướp, mất hết tiền của cả mấy chục người ở chợ. Sau đợt đó, ai cũng ngại. Tự nhiên nảy ra một đứa tôi – không quá tham tiền để có thể “bốc hơi” cùng đống của mồ hôi nước mắt này, mà cũng không quá thờ ơ với tiền nên liều nhận việc liên lạc mạo hiểm mà ai cũng ngại… - mọi người mừng lắm. Nhưng cô chú tôi cẩn thận, chỉ rỉ tai với dăm người cùng hội mà thôi.

Được trả công cũng khá, tôi đã bắt đầu sống cuộc sống dễ chịu hơn. Tôi góp tiền ăn nhiều hơn đôi chút với bọn cái Hòa, cái Hương, bảo bọn nó đi chợ thì mua hành mùi, những thứ mà trước đó, chúng tôi không dám ngó tới. Túm hành hoa đắt ngang cái bắp cải, cho dù là cái bắp cải trắng phớ không có chút màu xanh. Tôi thường thái mỏng xào trứng, chứ luộc thì cứng và không mấy ngọt. Còn thịt nữa. Tôi đã dám mua thịt tươi về đãi cả block (3). Những tảng thịt đo đỏ, hồng hồng, nhìn đã thấy vui mắt. Bây giờ có kể lại, bọn sinh viên trẻ mới sang chắc chẳng đứa nào tin. Nhưng hồi ấy ở Nga là thế đấy, những năm 90. Bọn tôi thường kiên trì xếp hàng để mua thứ thịt xén thành khuông như khuông gỗ, cứng như đá, nổi vân như đá, màu hồng đã ngả nhiều sang trắng, vương hơi tuyết trong kho chứa có dễ đã mấy tháng trời. Nhìn cái Hòa hì hục … gọt thịt mà thấy thương. Dùng dao nhỏ gọt như gọt bút chì. Từng miếng thịt mỏng được bong ra, như những phoi bào. Bằng không thì phải nhờ anh Vinh nghiên cứu sinh, sống ở tầng dưới. Anh có cái rìu bé chuyên bổ thịt. Anh bổ cho thành hai ba tảng nhỏ. Rồi lấy một tảng cho vào nilông, ngâm trong nước nóng. Độ vài tiếng cũng được một miếng thịt mềm ngoài, bên trong vẫn còn rắn.

Nghĩ lan man, tôi thấy mình đã ngồi dậy tự lúc nào. Ngoài trời hình như có một cơn giông vừa ngang qua. Hơi mát từ cửa sổ ùa vào. Có mùi cỏ rất ngát. Tôi yêu mùi hương nước Nga sau cơn giông. Có thể gọi là thơm, là ngọt ngào, tươi mới. Cũng có thể gọi là nồng nồng, ngai ngái. Có cả mùi phân bò đang hoai dậy lên nữa cơ. Hoặc đôi khi tôi nghe trong gió mùi tanh, dường như là mùi cá đớp nước ở các đầm cỏ lác, hay từ các xô cá của người đi câu buổi sớm. Nhưng mà tôi vẫn cứ yêu cái mùi đang dậy lên trong đêm này, với làn gió vô hình thoảng qua.

- Cô bé không ngủ được à? Nhập bọn với chúng anh đi!

Một hội đàn ông, già có, trẻ có, bỗng xuất hiện, tụ tập cả dưới chân giường tôi. Ở đó có hai cái ghế mềm. Đám đàn ông Nga kéo từ toa ăn về, chắc đã uống khá, ngật ngưỡng đùa cợt với nhau. Những con người to lớn, những đôi tay như bị phù, mắt đỏ, tai đỏ, những đám râu không cạo quanh cằm dường như cũng ánh màu. Họ không dữ dằn. Tôi chẳng sợ họ, nhưng cũng chẳng ưa họ. Họ ồn ào và hôi hám. Giống như người Di-gan.

Một gã ngồi phịch xuống giường tôi, kéo chăn, dí cho tôi nửa chai bia uống dở.

Giờ thì tôi bắt đầu run. Tôi chỉ sợ bọn họ phát hiện ra vẻ kỳ quặc của tôi: đi nằm mà mặc cả áo khoác! Mà bấy giờ là mùa Hè, cho dù là một mùa hè mưa bão và rét mướt.

Tôi chống đỡ yếu ớt:

- Tôi bị mệt…

- Mệt à? Uống ngụm bia khắc khỏi.

Gã lè nhè nói, rồi kể lể một tràng những chuyện gì đó. Tôi chẳng nghe được vì tai đã ù lên. Thêm một gã nữa ngồi lên giường tôi. Gã này còn trẻ và chưa say, giương mắt nhìn tôi chòng chọc. Tôi túm chặt tay vào cọc giường, không muốn mà tay đã run bần bật, quên bẵng cả chiếc bút chì nhọn hoắt trong túi áo.

- Để cô ấy yên!

Một tiếng quát, không to, nhưng vừa đủ đanh. Một ánh đèn pin chói gắt lia qua những gương mặt đỏ bủng beo.

- Các anh đứng dậy khỏi giường. Tôi gọi phụ trách tàu ngay bây giờ đấy!

Người vừa quát hạ giọng nói nhỏ, nhưng dứt khoát. Một người châu Á! Đúng hơn là một thanh niên Việt Nam!

Có lẽ trong 22 năm sống trên đời, chưa một giây phút nào tôi cảm thấy vui sướng như vậy. Cổ nghẹn lại với cái cảm giác của một người đang bơi thì bị chuột rút, vớ được chiếc phao trên bờ quăng xuống. Đồng thời, một nỗi mệt mỏi bỗng dưng xâm chiếm toàn bộ con người, cứ như thể nãy giờ tôi vừa đánh nhau với cả một đội quân!

Khi đám đàn ông vừa lèm bèm vừa bỏ đi, tôi không còn đủ sức đứng dậy. Tay vẫn bám chặt cọc giường, tôi nhìn người thanh niên trân trân. Một người con trai dong dỏng cao, bận chiếc áo gió mỏng, tay cầm chiếc balô nhỏ. Anh ghé xuống phía tôi, nói khẽ: “Em đừng sợ, họ cũng không định làm hại em đâu. Họ say, quậy chút thôi. Ngủ đi nhé, mai gặp lại. Anh nằm cách đây năm giường.”

Tàu lắc một cái thật mạnh. Gan ruột tôi nhao đi. Ánh sáng lại loang loáng luân chuyển trên các khoang cửa sổ tàu. Tôi thấy bóng dáng người con trai trong một tích tắc ngời lên. Rồi gần như ngay lập tức, tôi chìm vào giấc ngủ, không còn kịp nghĩ ngợi về chàng trai vừa hiện ra trong đời tôi, trong vầng hào quang y như cổ tích ấy nữa. Tôi mơ thấy những hàng cột mốc lao nhanh vun vút về sau, giống như tôi đang đi xe khách trên con đường nắng gắt ở Việt Nam thời nhỏ.

*

Về đến Matxcơva, biết tôi định đến Đôm 5 mới, Thắng, “người hùng” vừa cứu tôi ban đêm, vẫy một chiếc taxi. Anh nói giản dị: “Đi với anh” mà không hỏi han gì thêm. Anh cũng không mất công mời mọc hay thuyết phục. Chẳng hiểu sao tôi ngoan ngoãn đi theo anh, leo lên xe mà chẳng thấy chút phân vân, cho dù thời ấy, tôi nghe biết bao nhiêu chuyện lên taxi là bị đưa vào rừng, trấn cướp… Khi ấy tôi gần như quên cái áo băng đạn của mình, chỉ còn một cảm giác mơ mơ hồ hồ là tôi đang ngồi bên cạnh một người con trai đĩnh đạc và quyết đoán. Tôi chỉ hơi co người khi anh vô tình chạm vào lưng tôi. Lưng lại nóng bừng bừng. Và hình như cả má và tai nữa. Tôi nghĩ bụng, anh sẽ nói gì nếu biết mục đích lên Mat của tôi? Một con bé sinh viên thoạt nhìn có vẻ ngây thơ, mà lại đi chuyển tiền, đâu phải một lần, đã rất nhiều lần, đã lọc lõi! Tôi len lén thở dài.

Matxcơva dạo ấy chưa nhiều xe cộ như bây giờ. Đường vắng người. Nắng mới rải dọc những con đường nhựa bóng. Mat ấm hơn thành Len của tôi rất nhiều. Và tôi cảm nhận được cả hơi ấm từ người con trai mới quen khiến bàn tay tôi đang lạnh buốt vì hơi giá buổi sớm bỗng ấm lại. Điều này khiến tôi hơi xấu hổ.

- Tạt qua nhà anh chút đã nhé. Rồi mình cùng sang Đôm 5. Anh cũng có việc qua đó. – Thắng đột nhiên đề nghị.

- Nhà anh? Ở đâu ạ? – tôi hỏi ngớ ngẩn. Vì anh có nói thì tôi cũng làm sao biết được. Đường ở Mat, tôi chỉ rành mỗi con đường Aminhev, nơi có Đôm 5 mới và Đôm 11, là hai cái “ốp” lớn của người Việt mở ra làm chợ.

- Ngay cạnh Đôm 5. Anh về cất đồ rồi đưa em sang luôn, nhé?

Tôi máy móc gật đầu.

Suốt dọc đường, tôi liếc nhìn anh mấy lần. Lần nào cũng bị anh cảm thấy, và anh quay lại cười, nụ cười rất dễ mến. Gương mặt vuông vuông, có vết xanh xanh mờ mờ của một hàm râu quai nón.

Năm cái ống khói to cồ cộ quen thuộc của khu vực Đôm 5 mới hiện ra. Xe ngoặt vào khu nhà đối diện. Thì ra, nhà anh thuê ở ngay bên kia đường. Một dãy nhà dài dằng dặc, có đến chục cái cầu thang. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy ngôi nhà nào dài như thế. Người ở cầu thang đầu chắc không thể biết người sống ở cầu thang cuối.

- Bọn anh ở đây có 4 người. Thuê nhà cho tiện sang Đôm 5 làm ăn. Còn thì vẫn có phòng ở ký túc xá, trên đồi Lenin ấy mà, em có biết không?

Tôi làm sao biết được! Sau này tôi có được đến đó dăm lần, những khi anh đi học. Anh là nghiên cứu sinh khoa Vật Lý trường Tổng hợp Lomonosov. Tôi yêu căn phòng bé tí tẹo của anh trên đồi Lenin ấy lắm. Phòng chật chội, nhưng cửa sổ lại nhìn ra một khoảng trời xanh ngắt. Giống như hiện thực và ước mơ. Hiện thực nhỏ hẹp, ước mơ lại vô cùng.

Thật lạ. Đi bên anh, tôi thấy như đi bên một người thân. Anh đã kịp kể cho tôi nghe, nhà anh đón biết bao người Việt từ quen thân đến quen sơ về tá túc khi mới chân ướt chân ráo sang Nga. Có lần, có một bác già từ Việt Nam sang tìm đường làm ăn, ngại phiền chủ nhà nên “tự thân vận động” - ra đường vẫy taxi, chìa mẩu giấy ghi địa chỉ Đôm 5 mới. Gã taxi chả nói chả rằng, đòi một khoản tiền khá lớn, rồi đưa bác ta vòng vèo qua mấy con phố để rồi đến cái đích là… dãy nhà bên kia đường! Tôi phì cười, thấy câu chuyện gặp anh giữa đường càng lúc càng lãng mạn.

Khi lên đến nhà mới là lúc kết thúc câu chuyện lãng mạn của tôi. Anh giục tôi bỏ áo khoác vào nghỉ đôi chút. Tôi túm chặt lấy vạt áo khoác, đứng như một con ngố ở giữa hành lang tối om của căn nhà.

- Em sao vậy? – Anh hỏi, và bật công tắc đèn. Bỏ chiếc áo gió xoàng xĩnh ra khỏi người, anh thận trọng gỡ chiếc áo bên trong. Một thứ thật quen thuộc đối với tôi: đó là …chiếc áo băng đạn! Chỉ khác là màu xám và không quá căng như chiếc áo tôi đang mặc đây. Tôi tròn mắt thấy anh rút từng tập tiền đô (à, tiền của tôi là rúp, túi căng hơn của anh là phải rồi!), gói vào một mảnh giấy báo, nén xuống dưới một chiếc túi nilông sẫm màu.

- Bọn anh buôn xanh (4). – Không chút ngại ngần với người lạ, anh nói. Rồi thêm: - Lát em cầm cái “paket” (5) này cho anh nhé. Con gái cầm tiền không ngại. Từ đây sang bên đó, có một đoạn đường bộ thôi mà đôi khi công an cũng chặn ở chỗ lối mòn đấy.

Bấy giờ, tôi cũng chẳng ngại gì nữa mà không bỏ áo khoác, để anh nhìn thấy chiếc áo xanh hoa trắng của mình. Anh ớ ra một giây rồi cười ha hả. Tôi cũng chưa từng nghe giọng cười nào vang và lôi cuốn đến thế! Cười chảy cả nước mắt. Rồi bảo:

- Khổ thế đấy. Cái thân kẻ sĩ thời buổi này… Nhưng em cũng liều thật, cô bé ạ!

*

Thế là những ngày còn lại của mùa hè rét mướt năm ấy đã bừng sáng trong tôi. Tôi đã yêu.. Hôm đầu xuống Len tìm tôi, anh đã tặng tôi … cái đèn pin. Đúng cái đèn pin anh dùng để bảo vệ tôi trên chuyến tàu đêm nọ. Anh bảo: “Đôi khi chỉ cần ánh sáng lóe lên là đã có thể ngăn chặn được tội ác. Chứ những thứ sắc nhọn như của em, chỉ để gãi lưng người ta thôi”. Anh giễu cái bút chì của tôi như vậy. Tôi cãi:

- Em có thể đâm, nó nhọn lắm!

- Xin em! Em chẳng cần đến nó cũng có thể làm một người bị trọng thương rồi. Đúng vào tim ấy chứ!

Tôi sẽ không kể lại những ngày yêu đương ấy làm gì. Vì tình yêu nào mà chả giống nhau. Những góc đường chân vừa bước qua đã thành kỷ niệm. Nụ hôn đầu tiên, trên một chiếc cầu bé vắt qua một con kênh. Những ngọn đèn cổ màu đen, hoa văn kỳ dị, chỉ làm cảnh chứ chẳng được thắp sáng. Trời màu tím. Nhưng ánh sáng vẫn từ đâu đó hắt ra. Như thể hắt ra từ trong mỗi người chúng tôi vậy.

Đến giờ tôi vẫn tự hỏi, những đôi tình nhân sau khi trao nhau nụ hôn đầu, ngây ngất trong vị ngọt ngào của nó, tại sao lại không thể tìm được vị ngọt ngào ấy nữa, sau vài tháng, vài năm, và rất nhiều năm sau, cho dù họ vẫn bên nhau, thành vợ thành chồng, vẫn nói lời yêu thương?

Thắng, chồng tôi bây giờ, không còn hôn tôi như Thắng ngày ấy. Một lần, tôi rủ anh đi dạo và chủ động ôm lấy anh. Khi cảm thấy những nồng nàn xưa cũ bắt đầu dâng lên trong lòng, tôi hôn anh. Anh giữ nụ hôn ấy trong một giây, rồi thì thầm: “Để tối…”

Để làm gì? Tại sao?

Bây giờ thì tôi không còn mơ như đêm nào nữa, mà thấy rõ cuộc đời mình đang trôi như những hàng cột mốc, trên con đường nắng gắt.

Khi bắt đầu viết những dòng này, tôi cứ ngỡ sẽ có được một câu chuyện lãng mạn. Nhưng không hiểu sao đã không thành. Mọi câu chuyện bắt đầu có lãng mạn đến đâu cũng đều kết thúc nhàn nhạt như thế, hay vì cuộc sống vốn rất đỗi bình thường, chỉ thấy được những nét lấp lánh khi ánh sáng và bóng tối luân chuyển nhau chiếu qua những cửa sổ toa tàu?

(1) Len, Mat: Cách gọi tắt thành phố Leningrad và Matxcơva trong cộng đồng người Việt ở Nga.

(2) Hàng trả tiền chậm

(3) Một block trong ký túc xá sinh viên gồm hai phòng, có công trình phụ khép kín, trừ bếp.

(4) Ý nói: dollar Mỹ.

(5) Túi bóng.

Thụy Anh, Liên bang Nga


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn