NHỮNG NỖI BẤT BÌNH CỦA LƯƠNG TÂM

Thứ tư - 04/03/2009 07:23

(NCTG) "Nền văn học mà trong đó lương tâm không có những nỗi bất bình, là một nền văn học dối trá. Và một nền văn học dối trá, tôi nghĩ độc giả cũng đồng ý với tôi, là một điều dối trá nhất".

Viện sĩ, nhà văn hóa Dmitry Likhachev (1906-1999)

Viện sĩ, nhà văn hóa Dmitry Likhachev (1906-1999)

Lời giới thiệu: "Những nỗi bất bình của lương tâm" là một bài viết rất nổi tiếng và rất có tiếng vang của viện sĩ Dmitry Likhachev, đăng trên "Literaturnaya Gazeta" (Tạp chí Văn học) số 1 năm 1987. Bài báo đã được đông đảo người Nga tán đồng và coi là tuyên ngôn của lương tâm giới trí thức Nga nói chung, giới cầm bút nói riêng.

Viện sĩ Hàn lâm Likhachev (1906-1999) là một nhà lý luận văn học và nhà nghiên cứu văn học sử nổi tiếng ở Liên Xô. Những công trình về lịch sử văn hóa và lý thuyết văn học của ông rất có tiếng vang trên thế giới, như "Con người trong nền văn học cổ điển Nga" (1958), "Thi pháp của nền văn học cổ điển Nga" (1971), "Nền văn hóa Nga ở buổi bình minh Phục hưng" (1971), "Khúc hát Igor" (1976), "Cái cười trong nước Nga cổ" (1984)... 

Tốt nghiệp Đại học Leningrad năm 1928, Likhachev bị tù tội gần năm năm trong trại cải tạo lao động vì một lý do kỳ quặc và nực cười (*). Mãn hạn tù, ông làm việc tại nhiều nhà xuất bản, rồi là cộng tác viên khoa học chính của Học viện Lịch sử Văn học Nga trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô ở Leningrad. 

Từ năm 1946 trở đi, Likhachev giữ nhiều cương vị quan trọng: chủ nhiệm khoa Văn học Cổ điển Nga, giáo sư Đại học Leningrad, viện sĩ Hàn lâm; ông được bầu làm thành viên của nhiều viện Hàn lâm Khoa học nước ngoài (Bulgaria, Úc, Serbia, Hungary...), cũng như, là Tiến sĩ Danh dự của nhiều đại học lớn (Torun, Oxford, Edinburgh, Bordeaux, Zurich, Budapest, Gottingen, Charles, Siena...) Ở Liên Xô, ba lần ông được tặng giải thưởng Quốc gia. Trong thời kỳ 1986-1993, ông giữ chức chủ tịch Quỹ Văn hóa Xô-viết. 

Được coi là một trong những đại diện cuối cùng của giới trí thức truyền thống Nga, Likhachev là một nhà văn hóa có trí tuệ quảng bác, tiếng nói của ông có trọng lượng trong nhiều bộ môn văn hóa, khoa học khác nhau. Ông cũng có vai trò lớn trong việc bảo vệ và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của nước Nga: nhờ ông, nhiều tác phẩm văn học có giá trị đã được "phục hồi" và tái phát hành. 

Cạnh nhà vật lý học, viện sĩ Andrei Sakharov (Nobel Hòa bình 1975), viện sĩ Likhachev là một tên tuổi lừng danh thời "cải tổ" ở Liên Xô: trên tư cách một dân biểu Quốc hội và một trí thức có uy tín, ông đã đấu tranh bền bỉ đòi dân chủ và nhân quyền. Cũng chính Likhachev là người đọc bản điếu văn đầu tiên, rất thâm thúy và cảm động, trong lễ tang viện sĩ Sakharov: có lẽ không ai xứng đáng hơn ông trong vai trò này! 

Tên của viện sĩ Likhachev được đặt cho tiểu hành tinh số 2877, do nhà thiên văn học Nga Lyudmila Chernykh phát hiện năm 1969. 

Trích đoạn bài viết trên được dịch từ bản tiếng Hungary.

*

(...) Giờ đây, tuyển tập các tác phẩm của nhà văn tuyệt vời Mikhail Zoshchenko vừa được ấn hành. Nhưng chúng ta đã phải gắng sức biết bao nhiêu để đạt được điều đó. Khi nảy ra vấn đề đưa truyện ngắn "Trước khi mặt trời mọc" vào tuyển tập, một nhân viên trách nhiệm của nhà xuất bản đã tuyên bố như sau với các thành viên Ủy ban Gìn giữ Di sản Văn học của Zoshchenko: "Không thể đưa truyện ngắn đó và tuyển tập vì một nghị quyết đã cấm nó và chưa ai xóa bỏ nghị quyết này". "Nhưng anh hãy thử đọc truyện ngắn ấy mà xem! Chẳng có gì 'tai tiếng' trong đó cả!" - các thành viên ủy ban cố nằn nì. "Chẳng cần đọc cuốn sách, tôi đã đọc bản nghị quyết rồi".

Về sau, rốt cục chúng tôi vẫn đưa được truyện ngắn đó vào tuyển tập các tác phẩm [của Zoshchenko], nơi mà trước kia nó đã bị loại bỏ.

Cá nhân tôi không hề nghi ngờ về việc chúng ta phải học thừa nhận các lỗi lầm của chúng ta, bởi lẽ việc thú nhận các sai lầm không những không hạ thấp giá trị của một con người hoặc xã hội mà ngược lại, nó làm thức tỉnh niềm tin, sự tôn trọng đối với con người cũng như xã hội.

Văn học là lương tâm, là tâm hồn của xã hội. Danh dự và giá trị của một nhà văn là ở chỗ giữa những hoàn cảnh khó khăn nhất, anh ta cũng lên tiếng bảo vệ sự thật, bảo vệ quyền được có chân lý. Đối với một nhà văn, không thể đặt ra những câu hỏi như nói thật hay không. Đối với tôi, điều này có nghĩa là viết hay không. Trên cương vị một nhà nghiên cứu văn học cổ điển Nga, tôi có thể tin tưởng nói rằng nền văn học Nga đã không bao giờ im lặng. Nói chung, thử hỏi có thể gọi một nền văn học là văn học hay một nhà văn là nhà văn hay không, nếu nền văn học đó (hoặc kẻ đó) lẩn tránh, lặng thinh hoặc tìm cách giả mạo sự thật? Nền văn học mà trong đó lương tâm không có nỗi bất bình, là một nền văn học dối trá. Và một nền văn học dối trá, tôi nghĩ độc giả cũng đồng ý với tôi, là một điều dối trá nhất.

Chúng ta có một nền văn học xuất sắc, có những nhà văn lỗi lạc thật đấy (tôi không nêu tên vì độc giả biết rõ về họ), nhưng về đại thể, những tên tuổi đó xuất hiện cách đây hai, ba chục năm. Trong thời gian gần đây, chúng ta không có những phát hiện lớn. Trong mươi năm vừa qua, một tinh thần tiêu thụ ngự trị trong nền văn học. Hình thành một khuynh hướng, theo đó các nhà văn viết theo đơn đặt hàng của "thị trường", họ viết những thứ chắc chắn có thể in được. Không chỉ một lần, tôi từng nghe các nhà văn phàn nàn vì tác phẩm của họ không được phát hành.

Không được phát hành ư? Thì đã sao?! Cứ viết đi, rồi người ta sẽ xuất bản nếu cái anh viết giá trị. Tiếng nói của anh, tiếng nói của lương tâm anh sẽ được lắng nghe. Sự kiên trì đẻ ra lòng dũng cảm và phải học để trở thành người dũng cảm. Phải phát triển lòng dũng cảm trong chính bản thân chúng ta. Phải rèn luyện bản thân chúng ta, phải rèn luyện tài năng, năng khiếu của chúng ta. Muốn sáng tạo, phải có lòng dũng cảm. Sáng tác không phải để giành tiếng thơm, giành vòng nguyệt quế mà là một con đường gian truân đòi hỏi sự xả thân hoàn toàn.

Tôi không đồng ý rằng viết văn là một nghề. Viết văn là số phận, là lối sống. Nhà văn chỉ có thể được tiền thưởng cho một công trình thật to lớn nào đó. Ở ta, người ta coi nghiệp văn chương là một thứ béo bở. Các nhà văn ra sách, dùng cùi tay chen lấn vào Hội Nhà văn để rồi chẳng cần làm việc ở đâu, họ quên mất rằng mẩu bánh mì nghệ thuật là mẩu bánh mì khô khan và khó nhọc.

Ghi chú:

(*) Năm 1928, Likhachev bị bắt giam vì tham gia một nhóm văn bút trong trường đại học mang tên Viện Hàn lâm Khoa học Vũ trụ. Được các bạn bầu làm "viện sĩ", Likhachev viết một công trình sắc sảo, đề nghị phục hồi chữ cái "yaty". Sau cách mạng, chữ cái này bị người bôn-sê-vích loại bỏ khỏi tiếng Nga, như một bộ phận của chiến dịch "hiện đại hóa" của họ. Về sau, một sĩ quan hỏi cung Likhachev đã công kích ông: làm sao anh dám phung phí thời gian vào những việc như thế? "Anh coi cải cách ngôn ngữ là trò gì? - anh ta la hét. - Cũng có thể chúng ta sẽ hoàn toàn chẳng cần đến thứ ngôn ngữ gì trong CNXH!". 

(Theo "Lenin's Tomb: The Last Day Of The Soviet Empire", Vintage Books, New York, 1994) của tác giả David Remnick, phóng viên tờ "The Washington Post" (Bưu điện Hoa Thịnh Đốn) tại Moscow thời kỳ 1988-1992. Nhờ cuốn sách, David Remnick đã được giải Pulitzer và theo lời các nhà phê bình và các sử gia, có thể coi cuốn sách là một trong những tác phẩm cơ bản về lịch sử Nga. 

Trích đoạn trên được Remnick thuật lại trong cuộc gặp gỡ với viện sĩ Likhachev tại St. Petersburg).

Nguyễn Hoàng Linh chuyển ngữ và giới thiệu


 
 Từ khóa: văn hóa Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn