Nói chuyện với ca sĩ Anh Khoa: “TÔI SẴN SÀNG VÀ BAO GIỜ CŨNG MUỐN VỀ...”

Thứ tư - 02/01/2002 12:00

(NCTG) “Tôi cũng được ngồi uống bia với ca sĩ Quốc Hương (đã mất rồi) và còn được hân hạnh hát chung với ông trong một đêm đi diễn ở miền Tây. Quốc Hương rất tốt, tính tình rất thẳng thắn, cởi mở, có nói một câu mà tôi còn nhớ mãi: “Các cậu không đi được Cali, thì các cậu phải ở lại đây thôi!” - chia sẻ của ca sĩ Anh Khoa.


Ca sĩ Anh Khoa

Cách đây 8, 9 năm, qua các cuốn băng của hãng “Thúy Nga Paris” cũng như qua sách báo hải ngoại, chúng ta được làm quen với một nam ca sĩ đa cảm, chuyên hát những bản tình ca: ca sĩ Anh Khoa, hiện đang sinh sống ở Hungary.

Tuy nhiên, ngay cả bà con Việt Nam bên này, đã từng gặp gỡ anh, không phải ai cũng biết về sự nghiệp ca hát nổi tiếng trước 1975, cũng như những tâm tình của người ca sĩ dễ mến này. Xin mời quý độc giả theo dõi cuộc trò chuyện giữa NCTG và ca sĩ Anh Khoa, tại tư gia của anh (Quận 16, Budapest).

 

Bìa đĩa CD cá nhân đầu tiên của ca sĩ Anh Khoa

NCTG: Xin chào ca sĩ Anh Khoa! Trước tiên, xin anh cho độc giả của NCTG được biết một số nét ngắn gọn về cá nhân anh, cũng như khởi đầu nghiệp ca hát trước 1975 của anh.

Ca sĩ Anh Khoa: Tôi sinh ở thị xã Phan Thiết, Bình Thuận, một tỉnh cuối miền Trung, cách Sài Gòn chừng 200 cây số. Từ nhỏ, tôi đã ham mê ca hát và thành công đầu đời của tôi là vào năm tôi 12 tuổi, tôi được đại diện cho tỉnh Bình Thuận tham dự một giải rất lớn của miền Nam ngày xưa, dành cho các giọng hát thiếu nhi, và tôi đã đoạt giải nhất.

Tuy nhiên, tôi thực sự vào “nghiệp” cầm ca vào năm 1969. Khi đó, tôi khá nổi tiếng ở các phòng trà ở Sài Gòn. Mặc dù chiến tranh đang lên mạnh, nhưng các vũ trường và tụ điểm giải trí ở Sài Gòn mọc lên như nấm. Vào năm 1970, tôi được anh Jo Marcel mời cộng tác, và tôi đã từng biểu diễn ở các phòng trà lớn nhất như Queen Bee (của anh Jo Marcel), Maxim's (Majestic cũ), Tự Do, Caraven, Ritz..., hay phòng trà của chị Khánh Ly (đặc biệt ở đó chỉ biểu diễn, chứ không có vũ trường).

Dạo đó, tôi cũng có mặt trong rất nhiều băng đĩa. Hầu hết các trung tâm băng nhạc - “Nhã Ca”, “Shotguns” (của anh Ngọc Chánh), “Hãng đĩa Việt Nam”, “Thương Ca”... nhiều quá không nhớ hết! - đều mời tôi cộng tác. Ngoài ra, tôi có ra một cuộn băng riêng (hồi đó chưa có đĩa đâu, chỉ có loại đĩa nhựa, băng thì cũng là băng “cối”) tựa đề “Tiếng hát Anh Khoa”, phát hành năm 1970. Tuy nhiên, sau này tôi cũng không còn những băng đó, mất hết! Hình như còn có người giữ được và sau 1975, họ có in (lậu) lại tại hải ngoại...

- Xin anh cho biết về một vài kỷ niệm trong đời ca hát trước 1975 của anh.

Dạo đó, tôi đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhất là hồi tôi làm cho anh Jo Marcel; có thể coi đó là thời điểm vàng son, nổi bật nhất của tôi. Đó là hồi 1970: cứ ai ở trong ê-kíp của anh Jo Marcel là đều sáng chói hết. Có thể kể đến, ngoài tôi, là Thanh Lan, Lệ Thu... Những ê-kíp khác, cũng hay, nhưng không “top” bằng của Jo Marcel. Jo Marcel tìm người rất tình cờ, thật sự ảnh không đi tìm tòi hay đăng báo kiểu “tìm ca sĩ karaoke” như bây giờ; ca sĩ nào được một vài người giới thiệu, ảnh thường mời ngay đến các phòng trà đàng hoàng (chứ không phải đứng hát thử), và nếu thấy có tài thì ảnh nhận liền.

Nhưng phải nói là thoạt đầu tôi đã gặp may mắn: trong băng nhạc của anh Jo Marcel, thiếu một tay guitare bass, mà tôi lại là cây bass chuyên nghiệp. Khi được triệu từ miền Trung vào, tôi đã vớ đàn và hát, khiến anh Jo Marcel quá ngạc nhiên và “thâu nhập” tôi ngay. Tại Queen Bee, anh Jo Marcel có hai lầu: lầu dưới chuyên hát nhạc trẻ, và lầu trên là nhạc Việt Nam. “Khám phá” ra tôi, ảnh ấy không cho tôi chơi đàn bass nữa mà cho tôi lên lầu trên. Đó là vào năm 1970, khi tôi mới 18, 19 tuổi...

- Khi mới vào nghiệp ca hát, những ca khúc nào có thể coi là “tủ” của anh? Những bản nào khiến khán thính giả, nếu nghe lại, vẫn nhớ đến ca sĩ Anh Khoa? Và, nhạc sĩ nào đã có ảnh hưởng lớn đến anh?

Phải nói đến những “Bài không tên” của Vũ Thành An. Nhưng bài đã đưa tôi lên tên tuổi sáng chói nhất, chỉ có một bài thôi, là “Bao giờ biết tưong tư” (nhạc Phạm Duy, lời Ngọc Chánh). Sau này, có nhiều người ca bài đó, nhưng thật sự đa số khán giả vẫn đánh giá tôi hát bài đó là đạt nhất.

Nhạc Phạm Duy, trước 1975, tôi cũng hát thành công vài bài, trong đó có “Phượng yêu” là bài đầu tiên và loạt “Tình khúc trên chiến trường tồi tệ”. Đó là những ca khúc tuyệt vời, tiếc là sau này, tôi không còn giữ được những đĩa này, bị thất lạc hết rồi! Về sau, khi cộng tác với hãng Thúy Nga, tôi có hát thêm “Mùa thu chết” cũng được khán giả đánh giá cao.

Thời điểm đó, nhạc sĩ có tác động lớn nhất đến tôi, phải nói đến Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, sau đó là Lam Phương. Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên.... Sau này, khi đã ra hải ngoại, tôi mới thấm thía những bài hát của anh Trúc Phương.

- Chúng tôi có một nhận xét là khi trình diễn các bản nhạc ngoại quốc, anh hát rất nhiệt tình, hào hứng và thành công...

Tôi xuất thân hát nhạc Mỹ, đâu phải nhạc Việt Nam, từ năm 16 tuổi. Ngay trước khi đi hát cho anh Jo Marcel, tôi đã có một ban nhạc, chuyên hát nhạc Mỹ. Thời điểm đó, hát nhạc ngoại quốc là thời trang, là phong trào. Làn sóng nhạc trẻ rầm rộ khi Mỹ bắt đầu can thiệp vào cuộc chiến Việt Nam, đâu đâu cũng thấy thanh niên hát nhạc Mỹ. Giới trẻ Sài Gòn lập ra rất nhiều nhóm, hát nhạc của các ban nhạc ngoại quốc ban nhạc, chẳng hạn “The Beatles”, “The Rolling Stones”, “The Bee Gees”..., rồi họ lại bắt chước phong cách của từng nhóm.

Ngày xưa, trong Sài Gòn nhiều ban lắm, như Tuấn Ngọc thì “The Strawberry Four”. Tôi cũng có một ban nhạc riêng, cũng rất nổi tiếng ngày xưa, tồn tại trong khoảng 1970-73, tên là “Mây bốn phương”, cũng do anh Jo Marcel đỡ đầu; ngoài thời gian hát cho anh Jo thì tôi diễn cùng ban này. “Mây bốn phương” gồm các ca sĩ chính là tôi, Carol Kim và Ngọc Thủy, ngoài ra Thoại đánh trống, Quân đánh organ và Jack guitare (anh này người Việt nhưng lấy tên Mỹ), kèn saxophone thì Hoàng, bây giờ còn ở Việt Nam, nghe nói mất rồi nhưng cũng không hiểu thế nào, tôi không có liên lạc được. Bây giờ, cây guitare còn ở Việt Nam, anh ấy cũng lớn tuổi rồi, một người bên Mỹ, những người còn lại thì cũng tản mát hoặc mất rồi...

Trong số các ca khúc ngoại quốc, tôi ưa những bài trữ tình, nam thì của Andy Williams, nữ thì tôi thích Capenters; tôi nghĩ đó là những giọng hát bất hủ, tuyệt vời lắm. Nhưng khi trình diễn cùng nhóm, chúng tôi đa số chơi nhạc của “The Bee Gees” và “The Beatles”...

- Sau biến cố 1975, chắc anh có nhiều dịp tiếp xúc với các ca sĩ, nhạc sĩ miền Bắc? Anh có cảm tưởng hoặc kỷ niệm gì về họ?

Sau 1975, tôi có được gặp nhạc sĩ Phó Đức Phương, ca sĩ Quốc Hương. Hồi 1987, ra Hà Nội biểu diễn cùng nhóm Sài Gòn Concert ở Cung Thiếu nhi và Nhà bạt, tôi có gặp thêm Lệ Quyên (sau này hát cùng tôi trong băng của “Thúy Nga Paris”), Ái Vân cùng chồng cũ cô ấy là biên đạo múa, và nhiều nghệ sĩ khác ở Hà Nội. Về mặt cá nhân, họ rất hòa đồng, gặp nhau cũng chén em chén anh, uống say lúy túy (cười).

Tôi cũng được ngồi uống bia với ca sĩ Quốc Hương (đã mất rồi) và còn được hân hạnh hát chung với ông trong một đêm đi diễn ở miền Tây. Quốc Hương rất tốt, tính tình rất thẳng thắn, cởi mở, có nói một câu mà tôi còn nhớ mãi: “Các cậu không đi được Cali, thì các cậu phải ở lại đây thôi!” (cười).

- Được biết sau 1975, anh vẫn đi hát. Vậy thời kỳ đó, anh thường hát những ca khúc gì?

Ca khúc trước 1975 thì không được rồi, hồi ấy nghiêm lắm! (cười). Tôi cũng hát “Tự nguyện”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Tiếng chày trên sóc Bomba”, hay là “Nổi lửa lên em”. Sau này, khi Sở Văn hóa tương đối cởi mở hơn, tôi hát nhạc Trần Tiến rất nhiều, chẳng hạn như “Thành phố trẻ”, “Ánh sáng và những đêm trắng”, “Mặt trời bé con”, “Vết chân tròn trên cát”... Ở trong Nam, hầu như anh ấy là người đầu tiên đã khai phá ra một hướng đi mới, chính vì thế mà nhạc của ảnh được nhiều nguời thích và hầu hết các ca sĩ đều hát nhạc Trần Tiến...

Phải nói là nhạc miền Bắc dạo đó, tôi thích nhất là hai bài: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” và “Tình ca”. Tôi đã lấy bài “Tình ca” khi đi thi hát ở Sài Gòn. Có thể gọi đó là một ca khúc “xanh” (evergreen), bất hủ, không bao giờ chết với thời gian. Có thể so nó với “Love Story” của Mỹ.

Về sau, có nhiều bài của Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập..., tôi cũng hát. Chẳng hạn bài “Em còn nhớ hay em đã quên”, rất hay!

- Cơ duyên gì đã đưa anh đến Hung, một xứ sở xa xôi, một vùng mà có lẽ không nghệ sĩ cũ nào của Sài Gòn trước 1975 lại chọn làm nơi cư ngụ? Không bao giờ anh nghĩ đến chuyện qua ở một xứ khác?

Vợ tôi, cô Irina, như nhiều người đã biết, là con gái ông Đại sứ Hung ở Việt Nam nhiệm kỳ 1976-1981. Khoảng những năm 1987-88, ông nhạc tôi chuyển sang làm đại sứ bên Campuchea và nhu thế, hai bố con thỉnh thoảng có qua lại Sài Gòn chơi và nghe hát. Chúng tôi đã quen nhau, hết sức ngẫu nhiên, trong một dịp như thế và thực sự mối tình của chúng tôi đã là một duyên kiếp.

Khi tôi qua đây năm 1989, nhiều người nghĩ rằng tôi lấy cô ấy để làm “bàn đạp” sang Hung, rồi sang một xứ khác. Nhưng thực sự, tôi ở đây đã hơn 10 năm, cũng qua Mỹ nhiều lần rồi, 7-8 lần gì đó, và bây giờ lại đang chuẩn bị sắp đi nữa. Châu Âu tôi cũng đi hết rồi, và ở Úc, tôi cũng đã đến hầu hết những nơi có cộng đồng người Việt cư ngụ.

Nhưng tôi thấy hát xong rồi lại phải quay về nhà, quay về Hung thôi. Dù thế nào đi nữa, tôi đã cảm thấy rất thân thuộc với nước Hung, coi nó là quê hương thứ hai và sẽ ở đây vĩnh viễn. Với lại, tôi cũng đã lớn tuổi rồi, bây giờ mà đến một nơi nào mới, phải đi lại những bước đầu, thì cũng mệt mỏi lắm. Tôi đã rời Việt Nam với hai bàn tay trắng, qua bên Hung như vậy rồi, ở lại đây thôi...

Vả lại, tôi cũng đã đi được khắp thế giới rồi, dĩ nhiên tôi cũng đã thấy các cộng đồng Việt Nam, họ cũng không phải sướng lắm đâu, cũng phải làm việc vất vả lắm...

- Trở về thời kỳ mới qua Hung, dường như anh có đi hát tại một số tụ điểm giải trí ở đây?

Khoảng năm 1990, tôi có ký hợp đồng với Công ty Prim, một công ty tư, không phải tổ chức concert mà cung cấp các ca sĩ cho tất cả những phòng trà, khách sạn trên toàn nước Hung. Ở Budapest, tôi đã hát ở Duna Hotel, Aquincum Hotel, ở Astoria, những nơi lớn cả. Tôi còn đi hát ở các tỉnh Nyíregyháza, Békéscsaba, Kecskemét, Győr và một tỉnh nữa, đẹp lắm, mà giờ tôi quên tên.

- Cho đến khi anh có liên lạc với hãng “Thúy Nga Paris”...

Vâng. Thực ra, tôi chỉ muốn hát cho cộng đồng Việt Nam mình nên sau khi cộng tác với hãng Thúy Nga, tôi đã thôi các hoạt động này. Có nhiều lý do khiến tôi không thể hòa nhập với sinh hoạt ca hát ở Hung. Bất đồng ngôn ngữ là một - tôi chỉ nói tiếng Anh và bây giờ, sau 12 năm, tôi nói tiếng Hung vẫn rất dở (cười) -, nhưng cái chính là một ca sĩ Á châu nhu tôi rất khó lọt vào thế giới âm nhạc của Tây.

Năm 1992, chị Thúy Nga biết tôi ở bên này và liên lạc với tôi. Từ dạo ấy, ngoài “Thúy Nga Paris”, tôi cũng hợp tác với một số hãng khác ở hải ngoại, như “Người đẹp Bình Dương”, “Hải Âu”, “Giáng Ngọc” (của anh Lê Bá Chư)..., nhưng thực sự là do tôi ở bên Hung này nên liên lạc cũng hơi khó. Và nói thực, dạo đầu, khi chưa có quốc tịch Hung, tôi đi lại khó khăn lắm, phải có giấy mời của bên Pháp, và người ta cho visa cũng khó lắm. Từ năm 1995 trở đi, mọi thứ mới đỡ hơn...

Cho đến nay, thỉnh thoảng tôi vẫn đi diễn. Chẳng hạn vừa rồi, năm ngoái, tôi qua Mỹ làm một “Đêm ca nhạc hội ngộ Anh Khoa”, rồi sang London. Tháng Mười vừa rồi tôi có đi một “tua” ở Bắc Âu, theo lời mời của cộng đồng bên ấy, có chừng 10 ngàn người. Đầu tháng Giêng sang năm nay, tôi lại chuẩn bị lên đường đi lưu diễn một vòng bên Mỹ, ba tháng...

- Hiện tại, theo dõi đời sống âm nhạc trong nước, anh có nhận xét gì về lớp trẻ sau anh?

Trước hết, đời sống các ca sĩ trong nước bây giờ rất cao, thậm chí còn hơn hồi trước 1975. Dạo đó bọn tôi thua các em bây giờ xa lắm, đó là cái ta phải chúc mừng họ, họ có thu nhập theo tài năng của họ và nhà nước mình cũng có sự trân trọng họ. Với lại, theo nhận xét của tôi, ca sĩ bây giờ hát tuyệt vời lắm, hát hay lắm...

- “Nước đi rồi nước lại về...” Anh có dự định về nước biểu diễn hoặc thu băng, như rất nhiều ca sĩ miền Nam thuở xưa, trong vài năm gần đây?

Từ 12 năm nay, tôi chưa hề về Việt Nam. Tôi định là sau chuyến đi Mỹ, tôi sẽ thu xếp để cả gia đình về thăm quê hương. Tôi rất muốn trở về, làm một show diễn với những ca sĩ trong nước. Tuy nhiên, có một bất lợi là tôi ở Hung, nên không có được mối quan hệ chặt chẽ với trong nước như những anh em ở Mỹ. Thành ra liên lạc với những người... ta gọi là manager, hơi khó.

Tôi sẵn sàng và bất cứ lúc nào cũng muốn về. Nhưng là một ca sĩ, tôi không thể nào vừa về vừa đích thân đi tìm nơi xin hát; cái đó phải có một manager cho mình, họ giới thiệu mình với các hãng như Sài Gòn Concert, hay các phòng trà như Maxim hay Caraven. Dĩ nhiên, điều kiện của tôi không phải là khó, rất dễ, miễn làm sao về thăm lại quê hương và đem tiếng hát của mình trở lại với những khán giả yêu thương, đã từng quý mến tôi trước đây 10 năm. Ngay cả bây giờ, theo tôi biết, qua những đoàn hát ở trong nước ra, khán giả trong nước vẫn nhắc đến tôi nhiều lắm. Vừa rồi, cả anh Trần Tiến, khi tâm sự với tôi, cũng nói vậy. Tôi xin được cám ơn lòng ưu ái đó và xin hứa là sẽ có dịp trở về để ca hát cho mọi khán thính giả ở Việt Nam.

Ngoài ra, theo đánh giá của tôi, một số nhạc sĩ trẻ hoặc một số người mà tôi biết, chẳng hạn Bảo Phúc, Bảo Chấn hoặc Mạnh Trinh, họ phối rất tuyệt vời, quá hay đi! Tôi cũng muốn về nước để thu một cuốn bắng; điều mà tôi thích là trong nước có dàn nhạc sống, nhạc công thật, chứ không phải dùng keyboard; nếu phần đệm làm toàn bằng computer thì thực sự không còn giá trị nữa.

- Xin cám ơn ca sĩ Anh Khoa. Năm mới, chúc anh đạt được mọi mong ước và dự kiến, trước tiên là trong chuyến công diễn sắp tới ở Mỹ, sau đó là trong chuyến hồi hương và tái ngộ những người từng say mê tiếng hát của anh!

Nguyễn Hoàng Linh thực hiện - Budapest 28-12-2001


 
 Từ khóa: Ca sĩ Anh Khoa
Tổng số điểm của bài viết là: 31 trong 7 đánh giá
Xếp hạng: 4.4 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn