“Chiếc bình hoa ngày cưới - thành bình hương - tàn lạnh vây quanh...” - Ảnh: Văn Khoa
1. “
Chúng tôi biết có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư những khoản tiền lớn cho người mẫu, hoa hậu hay các cầu thủ siêu sao. Là doanh nghiệp 100% Việt Nam, Vitek có những cảm nhận về văn hóa Việt Nam mà các đồng nghiệp người nước ngoài (và cũng là đối thủ cạnh tranh) không dễ dàng có được.
Vitek muốn chọn một tác phẩm nghệ thuật Việt Nam với niềm tin là sự vĩnh cửu của văn hóa sẽ bền vững hơn sự mong manh của nhan sắc mỹ nhân. Sự khéo léo và tài hoa của đôi chân một cầu thủ siêu sao sẽ rất nhỏ bé nếu đem so sánh với sự kỳ vĩ của một thi phẩm vượt thời gian!”.
Đấy là
lời anh Văn Khoa - Lê Văn Chính cách đây gần sáu năm, khi Vitek VTB của anh làm nên một điều thần kỳ nho nhỏ ở Việt Nam: mua bản quyền “Màu tím hoa sim” với “giá khủng” 100 triệu VND.
Bữa ấy, anh Chính nhắn tôi, anh sẽ dành cho tôi một bất ngờ thú vị, trước cuộc họp báo về một sự kiện ở Việt Nam. Cho đến lúc đó, tôi vẫn biết đến anh như một doanh nhân giàu tính nghệ sĩ, có lòng nhân hậu và lãng mạn hiếm có, nhưng tôi hoàn toàn không đoán nổi điều bất ngờ của anh...
Cho đến khi, đúng giờ anh hẹn, tôi online và nhận được tấm ảnh anh gửi, khiến tôi ngạc nhiên vô cùng: Hữu Loan và “
chiếc bình hoa ngày cưới”...
Nhờ sự ưu ái của anh, trong vòng một giờ, NCTG đã có được bản tin rất sớm - có lẽ sớm nhất trong các báo Việt ngữ - về câu chuyện “PR bằng văn hóa phẩm” của Văn Khoa, như sau này anh có thuật lại chi tiết trong
một bài viết.
2. Một tuần sau đó, tôi nhận được “đơn đặt hàng” của cộng đồng: viết một bài gì đó nhân kỷ niệm 60 năm thành lập QĐND Việt Nam.
Vốn rất tệ trong khoản viết “nhân dịp”, nhất là trong một đề tài có vẻ cứng nhắc, mang tính “chính thống” và không khỏi phải “hô hoán” thế này, tôi hoảng. Nhưng rồi, chợt nhớ vụ mua bản quyền của anh Văn Khoa, tôi chợt nghĩ, và cố lái câu chuyện Hữu Loan và “Máu tím hoa sim” theo hướng đó.
Và, biết là bài viết sẽ được/bị “soi” kỹ và có thể bị quy chụp, tôi vẫn không thể không nhắc tới
một câu về Hữu Loan thời sau 1954, dù chỉ rất “tế nhị”: “
Sau khi hòa bình lập lại, Hữu Loan bỏ thị thành về quê làm ruộng và không sáng tác nhiều. Trả lời báo chí, ông thẳng thắn: “Tôi là người hay cãi, thích chống đối, không thể làm những gì trái với suy nghĩ của tôi”.
Bài viết khi in ra, có người dí dỏm nhận xét: “
Đểu! Đọc thế này, ai không biết dễ tò mò xem lý do Hữu Loan bỏ về quê làm ruộng lắm!”.
3. Trong hồi ký “Thời cách mạng - kháng chiến”, Phạm Duy có kể về quãng thời gian khi ông cùng Hữu Loan tham gia đoàn văn nghệ kháng chiến, dưới trướng “Lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn:
“
Trong năm 1948, tôi đang ở Thanh Hóa, nằm trong Chiến khu Bốn của tướng Nguyễn Sơn. Nhờ ông tướng rất yêu văn nghệ này khuyến khích, tôi xung phong đi bộ vào Bình Trị Thiên...
... Sau nhiều ngày gian nan, vất vả và nguy hiểm, tôi tới địa phận Quảng Bình. Trước cảnh đau thương của chiến tranh và “nghe” được tiếng lòng của nhân dân, tôi soạn ngay tại đây một bài hát nhan đề “Bao giờ anh lấy được đồn Tây”:
Chiều qua, tôi đi qua vùng chiếm đóng
Không bóng trâu cầy bên đồng
Vắng tiếng heo gà trên sân.
Chiều qua gánh nước cho Vệ quốc quân
Nghe tiếng o nghèo kể rằng:
Quân thù về đây đốt làng...
Tuy đã đi kháng chiến từ 1945, đây là lần đầu tiên tôi thấy được sự thống khổ của người dân trong vùng bị Pháp chiếm. Tôi biết được rằng phụ nữ ở đây bị hãm hiếp 200 phần trăm, nghĩa là gia đình nào cũng có mẹ, có chị, có em gái bị làm nhục, mỗi người tối thiểu cũng bị hiếp hai lần. Do đó, người dân ở đây ai cũng mong chờ Vệ quốc quân về đánh đồn:
Bao giờ anh lấy được đồn Tây, hỡi anh?
Để cho cô con gái không buồn vì chiến tranh.
Sau này, khi tôi trở về Thanh Hóa và lên Việt Bắc, qua bài hát này, có nhiều người có nhiệm vụ lãnh đạo văn nghệ phê bình tôi là tiêu cực. Họ nói: “Dân chúng phải tự động đứng lên đánh đồn, đừng chờ Vệ quốc quân...”
Tôi buồn và nghĩ rằng có lẽ những người này chưa bao giờ nhìn thấy cảnh quê nghèo ở miền Trung trong chiến tranh, chưa có dịp nhìn thấy những ruộng khô có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy và chỉ có người bừa thay trâu cầy... như tôi nhìn thấy vào năm 1948 này.
Hay là đã chưa có dịp nghe được tiếng o nghèo, miệng thì thở dài, đôi bàn tay khẳng khiu thì vỗ về trẻ thơ bùi ngùi trong những nửa đêm thanh vắng không một bóng trai...
Không một bóng trai, bởi vì bao nhiêu người trai ở trong làng đều đã bị giết chết cả rồi. Lấy đâu ra trai làng để đi đánh đồn Tây? Hở những người sẽ trở thành nhất tướng công thành vạn cốt khô? Nhờ ở chuyến đi công tác tại đây mà tôi thấy được bộ mặt khác của kháng chiến.
Trong vinh quang của chiến đấu có thống khổ của chiến tranh. Con người không phải lúc nào cũng chỉ ở trong hoàn cảnh hùng dũng mà nhiều khi còn bị đẩy vào những cảnh bi thương. Và không chỉ có tôi mới nhìn thấy sự kiện đó.
Ở ngay trong Khu IV lúc này, một cán bộ chính trị kiêm thi sĩ, với bút hiệu Hữu Loan, cũng nói tới nỗi bi thương của những đôi vợ chồng trẻ trong chiến tranh:
Nhà em ở dưới mái chè
Chồng em chết trận em về quay tơ...
Hữu Loan trông bề ngoài rất là oai, nhất là khi anh cưỡi ngựa đi công tác trong khu IV này. Đầu húi cua, tiếng nói lớn, và khi ngủ thì ngáy như sấm, vậy mà khi làm thơ thì toàn là thơ buồn. Anh còn có một bài thơ rất nổi danh sau này là bài “Màu tím hoa sim” mà nhiều người đã phổ nhạc, trong đó có tôi:
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương...
...
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu...
Tôi không nghĩ rằng văn nghệ sĩ đi theo kháng chiến là phải viết ra những bài uống máu quân thù, ăn thịt giặc không tanh... hay là phải xây dựng những con người Việt Nam bằng sắt bằng đá. Người nghệ sĩ còn phải nói lên tiếng nói con tim của những người đang hy sinh hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc gia đình để đi chiến đấu”.
Có lẽ vì suy nghĩ ấy mà bản phổ nhạc của Phạm Duy
“Áo anh sứt chỉ đường tà” - khai thác khía cạnh bi hùng của câu chuyện - để lại cảm xúc rất mạnh trong tôi, hơn hẳn những “Chuyện hoa sim” (Anh Bằng) hay “Những đồi hoa sim” (Dzũng Chinh), đơn thuần là “nhạc vàng”.
Cho dù, dường như trong một bài báo, chính Hữu Loan lại cho rằng bản của Dzũng Chinh mới là hợp với tâm trạng ông hơn cả.
4. Dăm năm nay, có khá nhiều tư liệu về Hữu Loan đã được công bố và đăng tải.
Phóng viên Hồng Nga (BBC) và một số đài khác cũng làm được những cuộc phỏng vấn rất cảm động và giá trị với ông. Nhưng để hiểu cái ngang tàng và cuộc đời đầy bất trắc của Hữu Loan, có lẽ chỉ cần đọc một bài:
“Tự phỏng vấn”, do ông viết từ thời “cởi trói” năm 1988.
Trong “Tự phỏng vấn”, Hữu Loan có nhắc đến
Nguyễn Hữu Đang, con người “
Thê tử không màng, dựng một Kỳ đài cho thế kỷ! - Nhân văn là thế, khơi ngàn Ước vọng để mai sau!” (Hà Sỹ Phu). Không phải ngẫu nhiên: phong trào Nhân văn Giai phẩm có nhiều “kiện tướng”, “đá hay mọi nhẽ”, nhưng có lẽ về tư cách và khí phách, không ai hơn nổi hai ông...
Thế nhưng, với tôi, Hữu Loan lại đọng lại qua một câu thơ thê lương, đầy ám ảnh và có cái gì ma mị: “
Chiếc bình hoa ngày cưới - thành bình hương - tàn lạnh vây quanh...”.
Tôi đã nhớ đến câu thơ ấy, chiều nay, khoảng 5 giờ bên này, khi nhận được tin anh Văn Khoa báo về sự ra đi của Hữu Loan...
(*) Tham khảo phỏng vấn nhanh Phạm Duy ở đây.