Truyện ngắn của Nguyễn Thủy Minh: NỤ TẦM XUÂN

Thứ sáu - 16/12/2005 11:11

(NCTG) “Đã bao đêm tôi mất ngủ rồi kể từ ngày sang ngang, bao nhiêu sợi tóc đã rụng xuống từ mái tóc đen dày mà anh vẫn thường thích ngắm nhìn xưa kia, bao nhiêu sắc thắm đã nhạt trên má, trên môi, bao nhiêu nỗi buồn đã lặn sâu vào đáy mắt rồi, anh có biết không?!”.

 
Minh họa: Internet


I.

Năm ấy tôi mới bước qua tuổi mười bảy - cái tuổi đẹp nhất của đời con gái. Mười bảy bẻ gãy sừng trâu. Tôi không đẹp nhưng như nhiều người nhận xét, tôi có duyên thầm, cái duyên toát ra từ vẻ khoẻ khoắn, hồn nhiên của tuổi dậy thì. Tóc tôi dài và đen nhánh, tết thành hai bím dày dặn vắt vẻo trước ngực. Đôi mắt còn đen hơn, sâu thăm thẳm, cái nhìn như hút lấy tất cả vạn vật xung quanh. Trời phú cho tôi một làn da mà tất cả những đứa bạn gái của tôi đều phải thầm ao ước, nâu hồng và mịn màng như mật ong. Tiếng cười trong vắt vô tư lự nhất trần gian, tôi dễ dàng thu hút sự chú ý từ các chàng trai quanh tôi.

Quang là bạn cùng lớp với tôi nhưng cũng giống như phần lớn các bạn khác trong lớp, anh hơn tôi một tuổi vì tôi đi học trước tuổi. Thoạt nhìn, Quang không có gì đặc biệt. Dáng người thư sinh, gầy guộc lúc nào cũng như muốn co lại né tránh đám đông. Đôi mắt hơi buồn trên gương mặt khắc khổ. Duy chỉ có nụ cười của anh là tươi tắn vô cùng. Nó làm cho gương mặt anh sáng bừng lên, sinh động và hoạt bát hơn hắn. Anh cười rất có duyên. Tôi chưa từng gặp lại một nụ cười nào như thế trên những gương mặt đàn ông mà tôi quen sau này. Nụ cười ấy mỗi lần nhớ lại vẫn làm tôi đau nhói trong ngực vì những kỷ niệm yêu thương và khổ đau gắn liền với nó.

Quang hát hay, giọng anh trầm ấm và thiết tha như thể trút hết tâm hồn mình vào bài hát. Những buổi sinh hoạt tập thể chúng tôi cứ phải nài nỉ Quang hát vì anh không mấy khi hòa mình vào những cuộc vui chung của cả lớp.

Tôi và Quang chơi với nhau thân thiết hơn với những người bạn khác trong lớp ngay từ năm thứ nhất. Tình bạn của chúng tôi bắt đầu từ một bữa tan học trời đổ mưa và anh nhường tấm áo mưa duy nhất cho tôi khỏi ướt. Vẫn là cái kịch bản cũ kỹ mà các chàng trai ở tuổi ấy thường áp dụng để tiếp cận những cô gái mà họ chú ý, nhưng ở Quang có cái gì đó đặc biệt chân thành và ấm áp khiến tôi thấy anh thật dễ gần và đáng mến.

Sau này nhiều lúc Quang đùa bữa đó nếu ông trời không đổ mưa, chắc chẳng bao giờ anh được tôi để mắt đến đâu. Tôi nổi đình nổi đám, thủ khoa lớp song ngữ, luôn là một trong những sinh viên đứng đầu khoa trong về điểm số, tính tình sôi nổi, ưa hoạt động xã hội. Anh thì trầm tính, ít nói, và có phần nhút nhát đến nỗi nhiều khi mọi người hầu như không cảm thấy sự tồn tại của anh trong lớp nữa. Còn tôi thì lại cho rằng nhờ có cơn mưa rào bất ngờ đó mà tôi đã được biết đến một con người đặc biệt thú vị đằng sau cái vẻ mờ nhạt bên ngoài ấy.

Càng chơi lâu với anh tôi càng nhận ra Quang có sức hấp dẫn lạ lùng, tâm hồn anh sâu thăm thẳm, ẩn chứa bao điều bí ẩn mà tôi dù khám phá mãi cũng không thể nào nắm bắt hết được. Tình bạn của chúng tôi chân thành và tự nhiên như khí trời. Tôi và Quang hầu như có thể nói với nhau tất cả mọi chuyện như hai người bạn cùng giới vậy. Chúng tôi quen thuộc nhau đến mức một đứa chỉ cần nói nửa câu đứa kia đã có thể nói tiếp trúng ý tắp lự. Tan học về, Quang thường để tôi vịn vào cánh tay cho anh kéo đi. Tôi thường kể chuyện luyên thuyên suốt dọc đường còn anh chỉ lặng lẽ nghe và mỉm cười mỗi lúc tôi cất tiếng cười hồn nhiên làm giật mình cả cái nắng ban trưa.

Tôi vẫn còn nhớ như in những con đường nắng rợp màu phượng vĩ, có tiếng ve ngân náo nức mỗi buổi trưa tháng Năm ấy. Trời xanh quá, mắt tôi cũng trong vắt màu trời. Tôi nhìn thấy màu trời ấy và màu mắt tôi trong đôi mắt và trong nụ cười của Quang. Hàng bằng lăng hai bên đường tím biếc, tím đến nao lòng. Nhưng tôi chẳng bao giờ nhận ra là mình đã yêu Quang, và cả anh cũng vậy cho đến một ngày kia, khi mùa thu đến gõ cửa.

Tháng Tám, trời đã thôi nắng gắt gao nhưng cái nóng vẫn còn hầm hập mỗi buổi chiều cuối ngày. Khóa tôi đang trong đợt tập quân sự ba tháng đầu năm thứ hai. Đứa nào cũng gầy rộc đi vì vất vả. Mệt mỏi thế nhưng cái lũ ma quỷ chúng tôi vẫn đùa cười như phá trời nổ đất. Tuổi trẻ mà, có cái gì mà không chứa đựng niềm vui. Bỗng có tin đồn là Quang thích Hồng, cô bạn lanh chanh nhất lớp tôi. Quang hình như cũng chẳng phản ứng gì. Có lần tôi thấy họ đứng cạnh nhau và Quang sửa tư thế bồng súng cho Hồng. Hồng cười sung sướng mỗi khi cả lớp hò nhau vào ghép đôi hai người.

Tôi bỗng thấy buồn. Tự nhiên thấy giận anh vô cùng. Tôi bắt đầu lảng tránh Quang. Cả Quang cũng vậy. Anh cũng bắt đầu tránh nhìn tôi. Giữa hai đứa bỗng dưng như có một bức tường ngăn cách được dựng lên bởi sự lặng im. Cứ tự xa nhau dần. Chúng tôi không còn đi về cùng nhau nữa. Mỗi buổi chiều đạp xe về một mình tôi thấy lòng trĩu nặng. Những buổi chiều nắng đỏ sao dài đến thế. Mây mải miết dệt hoàng hôn, rủ xuống hồn tôi biết bao là nhớ mong, trống vắng. Lần đầu tiên tôi làm thơ về anh, những vần thơ ngô nghê tôi viết và đọc cho mình nghe những lúc một mình: “Hoàng hôn đỏ cháy lòng nỗi nhớ. Chiều bên em mà anh vẫn xa”.

Tôi buồn bã nhận ra mình đã yêu Quang mất rồi. Tôi sợ Quang nhận thấy tôi yêu anh, vì hình như dạo này anh ghét tôi lắm. Anh thường nói chuyện với Hồng và tránh mặt tôi. Từ một cô bé sôi nổi, luôn tích cực trong mọi hoạt động tập thể, tôi lặng lẽ tách ra khỏi đám đông, nấp vào một góc rụt rè quan sát mọi người. Từng cử chỉ của Quang cũng làm tôi đau nhói trong tim. Còn anh, từ một chàng trai nhút nhát, ít nói, bỗng trở nên sôi nổi, hòa đồng với mọi người một cách nhanh chóng không ngờ.

Quang hình như không để ý đến sự lặng lẽ của tôi thì phải. Anh cười đùa với Hồng và những người xung quanh, tự nhiên như thể họ đã thân thiết từ lâu lắm rồi. Nụ cười tươi rói sau đôi mắt đen nháy như cứa vào tim tôi. Những giờ giải lao giữa buổi tập, tôi thường ra con kênh nhỏ sau lối rẽ cũ vào trường ngồi ngắm hoa bèo tím một mình. Lòng tôi cũng như tan nát vì màu hoa ấy. Sao tôi nhớ anh đến thế mặc dù anh ngay gần trong tấc gang? Sao tôi không thể xua đuổi được hình bóng anh? Sao tôi không thể chỉ coi anh như một người bạn như những ngày còn vô tư trước đây?

Khi biết mình yêu anh cũng là lúc tôi ý thức được sẽ mất đi một người bạn thân thiết. Và tôi thấy giận mình quá thể, những tháng ngày trong trẻo của tình bạn chúng tôi còn đâu nữa. Tôi không biết anh nghĩ gì về tôi lúc này, không đoán được trong anh những cảm xúc ra sao, điều duy nhất tôi nhìn thấy và cảm nhận được là cái không khí nặng nề bao quanh hai đứa, là sự né tránh nhau đến khổ sở của cả hai.

Cho đến một buổi tập, thầy giáo dạy quân sự phân công Quang và tôi tập treo súng với nhau. Tôi chưa kịp từ chối thì anh đã đứng trước mặt tôi tự bao giờ. Tôi nhìn xuống đất, tránh mắt anh. Bỗng Quang gọi nhỏ: “Tuệ Anh!”, tôi buộc phải ngẩng đầu lên. Đôi mắt ấy đang nhìn tôi như có lửa, thật nồng nàn và yêu thương. Suốt những năm tháng dài đằng đẵng sau này trong cuộc đời tôi, dường như tôi chẳng còn thấy cái nhìn nào như vậy nữa ở những người đàn ông xung quanh, có thể vì lòng tôi đã cạn hết cảm xúc để nhận ra ánh lửa trong mắt họ chăng, hay tại càng lớn tuổi người ta càng không dễ gì cho đi những nhiệt thành của con tim mình?

Cái nhìn của anh khi ấy khiến tôi run rẩy đến tận cùng con tim. Tôi chỉ muốn đổ gục vào bờ vai ấy, chìm sâu vào cái nhìn ấy. Nếu không phải đang ở giữa đám đông thì hẳn tôi đã bật khóc mất. Ôi, anh của tôi! Thì ra anh cũng yêu tôi, cũng nhớ tôi, và cũng như tôi, cũng hoảng sợ trước những biến chuyển trong tình cảm của mình, cũng cố gắng đến khổ sở để phủ nhận và che giấu cái tình cảm ấy. Ôi, hai đứa trẻ ngốc nghếch là tôi và anh ngày ấy, chàng trai và cô gái của tuổi mười bảy mười tám.

Những tháng ngày sau đó của chúng tôi tràn ngập hạnh phúc. Những buổi chiều đông ấm áp, những ngày hè rực rỡ ánh mặt trời, những tối mùa thu hương hoa sữa ngất ngây. Cỏ hoa trong sân trường cũng như vui lây niềm vui của chúng tôi - niềm vui có nhau, ở bên nhau và chia sẻ cùng nhau. Anh hay hát cho tôi nghe, giọng anh nồng ấm, dịu dàng. “Tiếng chuông lặng dần, trái tim chợt buồn, mùi hoa sữa trong sương... Lướt qua nụ cười, áng mây cuộc đời, lời ai thoáng xa xôi” (*).

Tôi thích lặng lẽ ngắm anh những lúc ấy. Trông anh hát mới quyến rũ làm sao. Mớ tóc hơi xoăn tự nhiên rủ lòa xòa trên trán. Và nụ cười thì ngọt ngào biết bao, ôi kỷ niệm! Một chiều thu tôi chờ anh, gió bay xòa mái tóc, sau này anh đã làm thơ về mái tóc tôi lúc ấy: “Em chợt đến giữa hồn anh bỏ ngỏ. Mái tóc dài thương nhớ trói tim anh. Gió mùa thu xao xác đến mong manh. Em hiền dịu màu trời in đáy mắt”. Một đêm dạ hội cuối năm học, anh dìu tôi đi như mơ trong bản nhạc slow. Mắt anh nhìn như chứa đựng cả bầu trời đêm.

Một buổi sáng mùa hè, anh nắm tay tôi dắt qua đường, chúng tôi thả bộ trên phố, bỏ lại đằng sau thư viện đông nghịt sinh viên, oi ả và ồn ào. Tôi níu tay anh nũng nịu: “Quang trèo cây lấy cho Tuệ Anh cành bằng lăng kia đi” - tuy đã yêu nhau nhưng vì học cùng lớp nên tôi chẳng bao giờ chịu gọi anh là anh. Anh cười thật hiền: “Lấy làm sao được. Họ bắt Quang và Tuệ Anh thì sao?”. Nói vậy nhưng buổi tối đã thấy anh gõ cửa, một cành bằng lăng hiện ra cùng với nụ cười dịu dàng đến vô biên của anh. Rồi những đêm thơ sinh viên, tôi bắt anh phải đi dự bằng được, để nghe tôi đọc những bài thơ tôi viết cho anh.

Và bao giờ cũng vậy, anh luôn chuẩn bị cho tôi những món quà tặng bất ngờ. Khi thì một đóa hồng chớm nở, khi thì một bài thơ anh mới viết, một cuốn sách hay, hoặc một bản nhạc mà tôi thích. Khi thì một gói ô mai cho tôi nhấm nháp. Đối với tôi khi ấy cuộc sống dường như chỉ có niềm vui bất tận, chỉ có thơ, nhạc và hoa. Mà chẳng thể nào hiểu được phía sau của hoa hồng còn là giống bão. Mà chẳng thể nào biết được phía bên kia của những nụ cười còn là những giọt nước mắt, sau những yêu thương còn có cả đổ vỡ và chia xa.

Năm học cuối cùng đã đến. Chúng tôi chuẩn bị cho đợt thực tập cuối cùng và tốt nghiệp. Không ai nói ra nhưng dường như trên khuôn mặt đứa nào trong lớp cũng có những lo âu riêng. Đứa phấn đấu ở lại trường, đứa quyết tâm bám trụ ở đất kinh kỳ và bằng mọi giá phải có được cái hộ khẩu Hà Nội, đứa mơ về một miền đất xa xôi và những giấc mộng vương giả. Quang và tôi ít thời gian cho nhau hơn để còn tập trung vào việc ôn thi và làm khoá luận. Hơn nữa, cũng như hầu hết những sinh viên ngoại ngữ khác, anh đã bắt đầu học thêm bằng hai ở Đại học Kinh tế để chuẩn bị cho xin việc sau này.

Tôi nhởn nhơ hơn, phần vì đối với tôi việc học không mấy khó khăn, một phần nữa là vì tôi chẳng ước mơ cao sang gì ở chốn thương trường, chỉ mong xin được một chân dạy học ở một trường cấp ba nào đấy sau khi tốt nghiệp. Tất cả những ước mơ của tôi khi ấy chỉ gói gọn trong viễn cảnh về một tổ ấm xinh xắn, có tôi, Quang và các con. Anh đi làm công sở, tôi đi dạy, thời giờ còn lại thì kèm các con học bài và nấu nướng chờ anh về mỗi chiều.

Có lẽ tôi còn ngây ngô và suy nghĩ đơn giản quá. Quang bắt đầu nói đến những ước mơ xa vời, những ước mơ đôi khi làm tôi hoảng hốt. Trong những ước mơ ấy hình như không có sự hiện hữu của tôi, không có chỗ cho tình yêu của hai đứa. Tôi thầm lo nhưng rồi lại vi gạt đi, vì sao tôi có quyền nghi ngờ tình yêu của anh cơ chứ? Tuy chưa hẹn ước chính thức nhưng chúng tôi yêu nhau, và chúng tôi đều ngầm hiểu là một ngày nào đó chúng tôi sẽ là của nhau. Dù rằng cả hai bên gia đình đều còn khó khăn, anh còn nặng gánh gia đình lắm, nhưng tôi yêu anh, tôi sẽ chờ đợi được. Tôi sẽ ở bên anh, động viên và cùng anh phấn đấu và nhất định hạnh phúc sẽ mỉm cười với hai đứa.

Nhưng đôi mắt Quang dường như ngày càng buồn bã hơn. Những cái nhìn của anh dường như ngày một xa xôi hơn, trống trải hơn. Có một lần đi dự đám cưới của cô giáo trẻ dạy chúng tôi, anh chợt nhìn tôi buồn rầu và quay đi, nén tiếng thở dài. Tôi đã linh cảm được sự thay đổi trong mối quan hệ của chúng tôi nhưng ngày đó tôi thụ động quá, tôi chẳng biết làm gì ngoài việc lặng lẽ chờ đợi số phận mình.

Rồi số phận cũng đã lạnh lùng gõ cửa. Một sáng tan học, Quang bảo có chuyện muốn nói với tôi. Bữa ấy đầu thu, mưa Ngâu rả rích từ cuối tuần trước khiến cho lối đi trước cổng giảng đường bùn đọng đến tận mắt cá chân. Tôi cảm nhận được cái lạnh từ bàn tay anh đang nắm lấy tay mình. Anh nhắc tôi đi cẩn thận kẻo ngã nhưng chính anh lại trượt chân. khiến hai đứa ngã dúi dụi. Đến một mái hiên, anh bảo tôi vào trú. Một phút im lặng đến nặng nề, dường như cả hai chúng tôi đều cố né tránh để không phải bắt đầu trước.

Nhưng rồi cuối cùng anh đành lên tiếng. Anh nói một cách khó nhọc, giọng khản đặc: “Tuệ Anh hãy hiểu cho Quang... đừng trách Quang. Quang không thể... Quang đã viết trong lá thư này tất cả. Chúng mình còn trẻ... Quang muốn đi xa... Quang không muốn bắt Tuệ Anh phải chờ đợi... Quang không thể hứa hẹn được điều gì lúc này”. Tôi nhìn anh, nhìn ánh mắt ngượng ngùng như có lỗi của anh, nhìn đôi môi đang mấp máy một cách vất vả từng tiếng rời rạc và đứt đoạn, nhìn xoáy vào một điểm nào đó mà như không nhìn thấy gì hết.

Tôi cứ đứng chôn chân như vậy cho đến lúc anh lắc vai tôi gấp gáp: “Tuệ Anh, có nghe Quang nói gì không? Bọn mình sẽ giữ lại tình bạn Tuệ Anh nhé. Hãy nói Tuệ Anh không giận Quang đi, hãy nói chúng mình vẫn sẽ là bạn tốt của nhau! Quang cần nghe một lời Tuệ Anh nói, đừng im lặng nữa”. Tình bạn ư? Có thể có cái tình bạn giữa hai người đang yêu nhau bỗng dưng phải dứt nhau ra hay không? Có thể có một tình bạn nhẹ nhàng như thế ư? Tôi đã yêu anh, đã chờ đợi anh suốt cả những năm tháng sinh viên, những năm tháng tươi đẹp nhất trong đời một người con gái, để bây giờ anh xin ở tôi một tình bạn hay sao?

Tôi chẳng nhớ lúc ấy mình đã nói gì, tôi cũng không nhớ mình đã về đến nhà ra sao. Sự quá tải làm tôi không thể chịu đựng được nữa. Tôi ngủ thiếp đi đến tận bữa cơm chiều, lá thư của anh vẫn cm lên trong túi áo. Anh đã viết những gì nhỉ, rằng anh muốn đi xa, muốn phấn đấu cho tương lai, cho dù có phải gạt bỏ tình yêu của hai đứa, rằng đôi khi trong anh lý trí mạnh hơn tất cả, rằng tôi hãy vững vàng lên, đừng khóc. Mấy ngày sau đã lấy lại bình tĩnh, tôi viết cho anh vẻn vẹn một dòng: “Mong Quang gặp nhiều may mắn và hạnh phúc. Đừng lo cho Tuệ Anh”.

II.

Thế rồi cũng đã năm năm trôi qua. Năm năm ấy, tôi và Quang mỗi người đã đi riêng một ngả đường - hai con đường quá khác xa nhau. Tốt nghiệp thủ khoa, tôi được giữ lại trường làm công tác giảng dạy và nghiên cứu. Cuộc sống bình lặng, thu hẹp trong những giờ đứng lớp và những hội thảo chuyên ngành. Còn Quang, nghe bạn bè nói đã có một chức vụ nho nhỏ trong một tổng công ty kinh doanh nhà nước. Anh hầu như làm việc thường trú ở nước ngoài, thi thoảng về nước dăm ba tháng rồi lại đi. Hình như anh vẫn chưa vợ con gì.

Năm năm tôi tập sống không có Quang, không giận hờn, trách cứ nữa. Có nhiều người đàn ông đến với tôi sau anh, nhưng chẳng ai có thể nhen lên trong tôi ngọn lửa mà anh đã mang đi. Tôi lặng lẽ sống khép mình, lấy công việc làm niềm vui. Những người đàn ông xung quanh chú ý đến tôi nhiều hơn vì cái nhìn u buồn trong đôi mắt, mà giờ đây qua năm tháng đã trở nên đằm thắm lắng sâu hơn cùng với đ chín của tuổi tác, nhưng trái tim tôi đã khép lại rồi. Với họ, tôi là một tâm hồn đầy bí ẩn và thách thức. Còn với tôi, họ hiện hữu để nhắc nhở tôi về những kinh nghiệm đau đớn của quá khứ. Tôi dường như luôn nhìn thấy trước, mọi sự sẽ bắt đầu như thế, và kết thúc như thế, như với Quang. Năm năm, một khoảng thời gian đủ dài để xoa dịu phần nào nỗi đau quá khứ nhưng vẫn quá ngắn ngủi để xây dựng lại niềm tin.

Tôi gặp Hưng trong một khóa học ngắn ngày của Bộ và chính phủ bạn kết hợp tổ chức tại Hà Nội cho những cán bộ được cử đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài trước lúc lên đường. Hưng là người miền Nam. Anh thâm trầm, ít nói, cái nhìn thẳng và cương quyết. Hưng không vồ vập săn đón tôi như những người đàn ông khác trong khóa học tuy đôi lúc tôi đã bắt gặp cái nhìn thán phục của anh dừng lại trên cặp mắt và làn môi tôi. Run rủi thế nào mà kết thúc khóa học, tôi và Hưng lại đi cùng một thành phố. Thân gái dặm trường, tôi cảm thấy bớt lo âu hơn khi có bạn đồng khóa giữa một miền đất xa lạ, xa lạ từ thời tiết, đồ ăn thức uống cho đến ngôn ngữ và phong tục tập quán. Hưng thường hay qua nhà giúp đỡ tôi, khi thì đóng hộ một cái giá treo quần áo, khi thì sửa hộ cái máy sấy tóc, lúc lại rủ tôi đi chợ Tàu mua đồ làm nem Việt Nam.

Hưng đã đi nước ngoài một lần nên anh có kinh nghiệm hơn tôi. Anh chỉ bảo cho tôi từng tý một, như làm thế nào để mua hàng rẻ nhất, để đổi tiền mà không mất giá, hay ở đâu có bán cái gì hạ giá anh cũng biết và bảo cho tôi. Thâm tâm tôi coi Hưng như một người bạn tốt. Vẻ nghiêm túc của anh khiến tôi yên tâm. Giúp đỡ tôi tận tình là thế nhưng bao giờ anh cũng giữ một khoảng cách nhất định với tôi. Hưng không bao giờ khen cái váy tôi mặc hay ánh chiều đọng vàng ươm trên mi mắt tôi như những người đàn ông khác mà tôi gặp trên đường đời. Sự nghiêm túc ấy khiến tôi không bao giờ có thể cho phép mình hoài nghi anh như tôi vẫn thường đề cao cảnh giác trong những trường hợp được giúp đỡ khác.

Tết năm ấy anh rủ tôi đi xem múa sư tử ở khu phố Tàu - lần đầu tiên ăn Tết xa nhà, nhớ mẹ, nhớ em, tôi đã khóc. Hưng dịu dàng lau nước mắt cho tôi. Có lẽ khi ấy anh đã động lòng lắm trước sự yếu đuối của tôi và không kiềm chế được lòng mình nữa, anh đã thổ lộ tình yêu đối với tôi. Tuy đã phần nào đoán biết được tình cảm của Hưng dành cho mình, tôi vẫn không khỏi bối rối khi nghe anh nói lời yêu.Tôi quý trọng Hưng, nhưng tôi không yêu anh. Hưng và tôi khác xa nhau quá. Bề ngoài, Hưng nhũn nhặn, mềm mỏng bao nhiêu thì tôi trái tính, gàn dở bấy nhiêu. Bên trong, Hưng rành mạch, rõ ràng bao nhiêu thì tôi rối như mớ bòng bong bấy nhiêu.

Hưng thực tế bao nhiêu thì tôi viển vông bấy nhiêu. Hưng luôn biết trước những gì mà anh sẽ đạt được bởi anh luôn đề ra cho mình mọi kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, các mục tiêu có tầm chiên lược. Còn tôi, tôi chỉ nhìn thấy những gì mình đã mất, đang mất và có khả năng sẽ mất bởi hình như tôi không còn dám tin vào bản thân mình nữa, tôi đã biết sợ xây những lâu đài cát cho tương lai mình. Bề ngoài, Hưng nhu hòa, còn tôi cứng cỏi. Bên trong, Hưng mạnh mẽ, còn tôi yếu đuối. Yếu đuối đến mức chỉ cần thêm một chút đớn đau nữa là tôi sẽ vỡ òa ra thành muôn ngàn mảnh vụn, không thể nào gắn ghép lại được nữa bao giờ.

Thật là ngược đời. Nhưng Hưng đã nhìn thấy ở tôi một tâm hồn có khả năng yêu thương đến quên mình, một người vợ tận tụy và một người mẹ mẫu mực cho các con anh. Có điều Hưng quá giản đơn và rạch ròi để có thể hiểu và chia sẻ những gì tôi trăn trở, anh bối rối đến khổ sở trước sự phức tạp của tâm hồn tôi. Tôi đã nói với Hưng rất thật mọi suy nghĩ của tôi về anh và tôi, rằng tôi không thể coi anh hơn một người bạn. Anh buồn nhưng sau đó vẫn lặng lẽ đến bên tôi những lúc tôi trống trải và yếu lòng nhất, cho tôi dựa vào.

Dần dần tôi đã không còn khước từ nữa mặc dù tôi biết mình không có quyền lừa dối và lạm dụng tình cảm của anh như vậy. Cứ như vậy cho đến cuối khoá học thì sự tận tụy của anh cũng đã khiến tôi mềm lòng. Vả lại tôi cũng đã mệt mỏi lắm rồi, tôi cũng cần một bến bờ yêu thương, một nơi che chở cho tôi lúc sóng gió cuc đời. Hưng yêu tôi chân thật và tận tụy như thế, tôi còn đòi hỏi gì hơn, còn kiếm tìm chi những gì xa xôi khác nữa? Tôi đã nhận lời cầu hôn của Hưng trước khi lên đường về nước không lâu. Nhưng thật bất ngờ, ngay trước ngày cưới ít lâu tôi bỗng nhận được tin Quang.

Quang đã hoàn thành công việc đại diện ở nước ngoài và chuyển hẳn về bộ phận nghiên cứu thị trường trong nước. Anh chủ động hỏi han bạn bè về tình hình của tôi và khi biết tôi chưa có gia đình đã tìm cách liên lạc với tôi. Sự trở về đột ngột của Quang khiến tôi bàng hoàng. Những nỗi đau tưởng đã ngủ vùi bỗng chốc lại nhức nhối trở lại giống như những vết thương gặp lúc trở trời tái phát. Quang nói anh vẫn chưa kết hôn vì bao năm qua không một người con gái nào có thể thay thế tôi trong trái tim anh. Quang mong muốn chúng tôi nối lại tình yêu xưa.

Quang còn nói rất nhiều điều khác nữa, rằng anh ngày đó nông nổi quá, rằng những năm qua có nhiều khi anh muốn nối lại liên lạc với tôi nhưng rồi cứ nghĩ đến ánh mắt tôi hôm đưa anh bức thư cuối cùng là anh lại không dám, rằng giờ đây anh đã hiểu tình yêu mới là thứ quý giá hơn mọi thứ khác trên đời, vân vân và vân vân. Anh nói nhiều, nói hối hả như thể nếu không nói nhanh tôi sẽ ngắt lời không cho anh nói tiếp. Ôi Quang của tôi một thời đấy ư! Con người đang thú tội trước tôi kia là ai trong hai con người ấy - chàng trai ngô nghê của cái thời trẻ dại với những tình cảm sôi nổi nhiệt thành và bồng bột xưa hay người đàn ông từng trải đã đi qua bao thăng trầm, buồn vui, thành bại và được mất của cuộc đời với những đầu tư tình cảm chắc chắn và khôn ngoan?

Tôi biết tin vào cái gì đây? Giờ đây tôi và anh đều cùng đã thành đạt, đều cùng có đầy đủ điều kiện để thực hiện những ước mơ mà tôi khao khát và anh chối bỏ một thời thì tôi lại trở nên hoài nghi hơn bao giờ hết. Chẳng bù cho khi xưa, khi không thể làm gì thì tôi lại tin hết mình, mở lòng mở dạ mà tin, mà làm thân dã tràng xe cát, trớ trêu thay. Ôi Quang! Sao anh nỡ làm tôi đau thêm một lần nữa? Sao anh nỡ khuấy đng sự bình yên mà vất vả lắm tôi mới có được. Anh còn yêu tôi hay chỉ là yêu những kỷ niệm về tôi, về cái tình yêu bé bỏng dại khờ đầy đủ cả ngọt ngào và cay đắng ấy của hai đứa?

Có thể Quang không dối tôi, có thể anh vẫn chẳng khi nào hết yêu tôi, nhưng cái tình yêu ấy có lẽ chỉ là tình yêu của chàng trai mười tám tuổi dành cho cô gái mười bảy tuổi năm xưa, chứ không phải là tình yêu của một người đàn ông trưởng thành dành cho một người đàn bà trưởng thành là anh và tôi của ngày hôm nay. Năm năm ấy, cả tôi và Quang đều đã thay đổi rồi. Cũng như trong tôi vậy, một góc tâm hồn ấy đã thuc về anh từ cái thuở ban đầu thì vẫn thuộc về anh vĩnh viễn, chẳng người đàn ông nào có thể bước chân vào, tôi trân trọng từng kỷ niệm về anh, tôi vẫn yêu hình ảnh anh ngày ấy nhưng người đàn ông hiện hữu rất thực trước tôi giờ đây lại quá xa lạ đối với tôi.

III.

Đám cưới của tôi không có Quang. Tôi cũng không chờ đợi sự có mặt của anh. Tôi không muốn khởi đầu của một cuộc sống mới vẫn u ám những nỗi buồn của những gì đã phai tàn. Tôi không mong chờ tình bạn ở anh và không mong anh kiếm tìm điều đó nơi tôi. Làm gì có một tình bạn đích thực giữa đàn ông và đàn bà, đặc biệt là giữa hai người một thời từng đã yêu nhau đắm đuối?

Hơn nữa, tôi không muốn làm Hưng buồn. Anh có được gì nơi tôi ngoài một cái vỏ xinh xắn có thể làm cho anh tự hào ở những buổi gặp gỡ bạn bè anh, một cái vỏ biết nói, biết cười, biết nấu ăn, giặt giũ, biết lau chùi, dọn dẹp nhưng đã héo khô tận đáy lòng. Có được gì đâu mà tôi còn phải đáp lại tình yêu của anh bằng những níu kéo về Quang? Số phận đã an bài, mà tôi thì cũng chỉ là một linh hồn nhỏ bé, không đủ sức để giãy giụa cho chính mình.

Số phận đã lạnh lùng an bài cho tôi và Quang đi bên lề cuộc đời nhau như hai kẻ xa lạ nhưng dường như vẫn chưa đủ, thi thoảng lại bất ngờ đùa cợt hai kẻ khốn khổ bằng những trò tai quái. Ba năm của cuộc đời làm vợ cũng trôi đi vèo vèo. Bao gánh nặng của cuc sống đè lên vai làm tôi không còn sức để thở nữa chứ nói gì đến buồn bã mơ hồ, dù nhiều đêm vẫn thấy lòng trống trải, lạnh giá và có đôi lúc vẫn như kiếm tìm điều gì không rõ nữa. Dù nhiều lúc nhìn vợ chồng hàng xóm thương yêu nhau mà không khỏi chạnh lòng. Chạnh lòng vì hình như cuộc sống của tôi và Hưng lạnh lẽo quá, nó thiếu hẳn cái thứ ánh sáng ấm áp của tình yêu và hạnh phúc.

Tôi và Hưng chưa có con, phần vì tôi không thấy mong mỏi, phần vì Hưng muốn tích lũy kinh tế trước đã. Không có đứa con, cuộc sống gia đình như một cái tổ mà hai con kiến là tôi và Hưng cứ đều đặn chăm chỉ tha mồi về đắp điếm nhưng vẫn không thể nào kết dính thành một khối vững chắc. Từ lâu tôi và Hưng chẳng còn gì để nói với nhau nữa. Vốn đã chả có chuyện gì chung để nói từ hồi chưa cưới, giờ đây quá mệt mỏi vì toan tính lo âu, lại thêm quen thuộc nhau từng nết ăn nết ở, chúng tôi càng không có chuyện gì để nói với nhau.

Hưng đi khỏi nhà từ 5 rưỡi sáng vì cơ quan xa trung tâm thành phố, xe đón cán bộ công nhân viên lúc 6 giờ, và trở về lúc 3 giờ chiều. Còn tôi tầm sau 3 giờ chiều trở đi lại là thời gian bận rộn nhất, nào đi dạy cua ở trung tâm, lớp riêng, hỏi thi tại chức. Khi trở về nhà thì chồng đã đi ngủ rồi vì hôm sau anh luôn phải đi sớm. Không làm thêm thì đồng lương cán b giảng dạy của tôi làm sao lo đủ cho mình, nói gì đến tích lũy cho con cái sau này. Nhiều khi nghĩ mà thấy buồn, vợ chồng cứ như mặt giăng mặt giời, đố có thấy mặt nhau khi nào nhưng nhiều lúc tôi lại thấy may mắn bởi nhờ có sự bận rộn và lịch làm việc tréo giò mà tôi và Hưng không phải cố nghĩ ra chuyện để nói với nhau, nếu không sẽ làm nhau thêm kiệt quệ mất.

Những ngày nghỉ, anh đi chơi với bạn bè, còn tôi ở nhà đọc sách. Tính anh vốn không thích đọc sách báo, truyện chiếc gì, văn nghệ văn nghẽo theo anh, chỉ là trò vô bổ, tầm phào. Đã mất thời giờ, chả ra tiền thì chớ lại dễ làm con người ta hư hỏng, lãng mạn vớ vẩn. Cuộc sống của anh chỉ gói gọn trong ngày đi chiều về, tối ngủ, cuối tháng đưa vợ cục tiền bảo em đếm đi và lập kế hoạch chi tiêu cho tháng tới rồi đưa anh xem. Có những lần tôi cố rủ anh đi xem phim ngoài rạp nhưng rồi đến nửa chừng đã thấy anh ngáp ngắn ngáp dài. Hỏi thì anh bảo chiều em mà anh đi thôi chứ anh có thấy hay ho gì đâu, ôi chao, mấy cái trò yêu đương ba lăng nhăng, vẽ vời thêm mệt, mà em cũng bớt lãng mạn đi, thực tế lên cho nó nhẹ nhõm thoáng đạt con người.

Thế rồi tôi cũng chán, không muốn rủ anh đi đâu nữa. Lấy anh rồi tôi phải bỏ rất nhiều thói quen để chiều anh. Anh không thích nghe nhạc trước khi ngủ, tôi cũng đành thôi. Anh không thích tôi viết thơ, tôi đành bỏ. Anh không thích tôi giao du với bạn bè, tôi cũng đành thưa gặp gỡ họ. Tôi nghĩ dù sao mình cũng là phận làm vợ, chịu anh một tý cũng chẳng mất gì. Nhưng dường như khoảng cách vẫn cứ lớn dần lên giữa hai đứa, bất chấp mọi cam chịu và cố gắng của tôi. Hưng dường như vẫn không chịu nhìn thấy sự bất ổn đó. Với anh có một cô vợ dạy đại học, lại tốt nghiệp thạc sĩ ở nước ngoài về, hình thức bắt mắt, đi ra ngoài có anh phải ngoái đầu nhìn nhưng vẫn biết nghe lời chồng thế là đủ. Mà đòi hỏi gì hơn nhỉ, em không nhìn ra xung quanh xem, bao người ao ước được như vợ chồng mình. Cả hai đều thành đạt, kiếm ra tiền, cuộc sống đầy đủ, sao cứ phải rắc rối làm gì. Tâm hồn nó là cái gì chứ hả em, có ăn được đâu nào.

Tôi biết anh đúng, không ai ăn được tâm hồn, nhưng tiền thì ăn được. Phải ăn để còn có sức mà tiếp tục sống bằng tâm hồn. Nhưng tôi không giống anh, không phải là anh, cớ sao cứ bắt tôi phải như anh, phải là cái bóng y xì đúc anh. Anh không thấy tôi như một chiếc lá xanh đã bị sự tẻ ngắt ngt ngạt của cuộc sống chung với anh đục ruỗng đến xác xơ chỉ còn mỗi chiếc cuống chỏng trơ rồi hay sao? Đêm đêm anh ôm ấp cái cuống trơ trơ mà vẫn cứ ngỡ nó còn là chiếc lá tươi nguyên, hay là anh cũng chẳng cần biết nữa, lá hay cuống thì cũng như nhau cả mà thôi?

Có đôi lúc tôi nghĩ giá có đứa con cuộc sống chung chắc sẽ bớt đi sự tẻ ngắt và ngt ngạt nhưng rồi tôi lại không muốn đứa con tôi mang nặng đẻ đau sẽ giống anh. Nhiều khi cứ nghĩ ngợi lẩn thẩn giá mà có một thứ nước sông như trong phim Tây Du Ký, uống vào tự dưng mang thai được thì tốt biết bao. Con tôi sinh ra sẽ chỉ là của tôi và mang gien tôi mà thôi. Chẳng hiểu có người vợ nào trên đời như tôi không nhỉ? Tội lỗi đến thế là cùng!

Lại nói về Quang, đã lâu lắm kể từ ngày lấy chồng tôi không nghe tin anh nữa. Lần cuối cùng gặp lại anh là ở trong trường sau khi tôi cưới được nửa năm. Bữa đó tôi vừa hết giờ dạy, đi ra cổng thì đụng anh. Quang vào trường xin giấy chứng nhận gì đó. Cuộc gặp bất ngờ khiến cả hai đều lúng túng. Quang hỏi tôi đã sắp có em bé chưa, tôi thì hỏi Quang sắp lập gia đình chưa. Kể cũng hay, người này hỏi người kia những câu hỏi thắt lòng muốn biết nhưng lại sợ nghe câu trả lời. Rồi tôi cũng lên xe về sau vài phút tần ngần không biết nói gì và cư xử thế nào cho vừa phải lẽ vừa tự nhiên. Dù tôi có thông minh, giỏi ứng biến đến đâu thì cũng chẳng bao biết phải nói gì cho khỏi gượng gạo trong trường hợp này.

Bẵng đi hai năm, tôi nhận giấy tờ đi làm tiến sĩ ở nước ngoài. Hưng để tôi đi một phần để làm kinh tế, vả lại chưa có con ở bên nhau mãi cũng nhàm chán. Anh cũng muốn có thời gian xa tôi để nạp lại nhiên liệu cho cuc sống. Một hôm tôi nhận được e-mail của một đứa bạn chung của Quang và tôi ngày xưa, báo tin mẹ Quang bị ung thư máu. Cả đêm hôm đó tôi không thể ngủ được vì tin dữ. Thương anh đến quặn lòng. Mẹ Quang cũng quý tôi lắm. Tôi thương bác như mẹ mình, thật lòng coi mẹ Quang như mẹ mình và em trai Quang như em ruột mình.

Không đau xót sao được khi nghe tin. Quang vất vả quá, đến tận giờ đây mà vẫn không thoát được khỏi sự vất vả, mà số phận vẫn không buông tha anh. Xưa, mỗi lần ngắm dáng anh đi tôi đã linh cảm được phần nào số phận không suôn sẻ của anh. Những người đi nhanh, lại hay chúi người về phía trước mấy ai được nhàn hạ, thảnh thơi đâu. Thêm nữa, con trai mà tóc xoăn tự nhiên bao giờ cũng lận đận. Suy nghĩ mấy đêm tôi quyết định gọi điện về hỏi thăm mẹ Quang. Dù sao tôi cũng không thể làm ngơ trước nỗi bất hạnh của một người bạn, chắc Hưng cũng hiểu và thông cảm cho tôi thôi. Người cầm điện thoại lại là Quang. Anh hỏi tôi gọi từ đâu.

Tôi thầm kêu lên trong lòng mà không thể nào nói được thành lời. Quang ơi, em đang ở nơi tận cùng thế giới đây. Còn nhớ không Quang, xưa anh từng nói hai ta sẽ đi cùng nhau đến cùng trời cuối đất, tận cùng thế giới, anh sẽ dắt tay em đi đến tận cuối cuộc đời. Vậy mà sao giờ đây em không thể đưa vai ra gánh đỡ một phần nỗi bất hạnh của anh. Tôi đau thắt trong tim khi nghe mẹ anh nói cảm ơn tôi xa xôi thế mà vẫn gọi điện quan tâm tới bác. Tôi đã trở nên xa lạ đến thế rồi sao? Tôi không được làm dâu bác một ngày để được gọi một tiếng mẹ ơi. Không được làm dâu bác một ngày để chăm sóc bác lúc này, để ôm lấy bác trong nỗi đau của người con.

Quang ơi, có bao điều muốn nói với nhau mà chẳng thể nói gì ngoài một câu cứ lặp đi lặp lại cố gắng lên anh, Tuệ Anh tin bác sẽ qua khỏi thôi, dù sao cũng mới giai đoạn đầu, còn nước còn tát mà. Cần gì Quang cứ nói vợ chồng Tuệ Anh sẽ giúp hết khả năng. Mặc dù biết anh chẳng bao giờ cần nhờ đến tôi đâu. Bên anh lúc này đã có một người con gái khác. Mẹ anh khen cô ấy biết điều lắm. Mừng cho anh biết bao. Quang nói Hiền cũng là cô giáo như tôi. Anh mới đến với cô ấy một năm trước, nghĩa là chỉ sau khi tôi lấy chồng hai năm.

Anh lại nói Hiền cũng biết trước cô anh đã yêu tôi, một tình yêu rất sâu nặng đến mức trong anh giờ đây không ai thay thế được hình ảnh tôi nhưng vẫn chấp nhận chịu thiệt thòi. Cô chỉ xin anh một điều, dù không thật sự yêu cô nhưng sau khi thành hôn thì hãy sống vì cô và các con của họ. Anh có thể yêu Tuệ Anh trong tâm tưởng nhưng đừng đi xa hơn mà làm khổ mẹ con cô. Tôi gần như nghẹn đắng cổ họng khi nghe Quang tâm sự. Anh nói anh không muốn cưới Hiền vì không muốn làm khổ cô ấy, bởi anh không biết tương lai rồi sẽ ra sao, anh chỉ có một tình yêu duy nhất dành cho tôi mà thôi. Hơn nữa, cưới cô ấy về lúc này là làm cô ấy thêm vất vả, anh đã để cho Hiền tự do quyết định. Cô ấy vẫn đồng ý chấp nhận tất cả chỉ để được làm vợ anh nhưng anh thì lại chưa thể quyết.

Ôi Quang, lại vẫn cái triết lý năm xưa của anh, “không thể lấy vợ nếu không lo được cho người ta đầy đủ”, cái triết lý cao thượng mà cứng nhắc đã làm khổ em, khổ anh, khổ Hưng, nay anh vẫn còn muốn làm khổ thêm cả Hiền nữa hay sao. Tôi muốn kêu lên như vậy mà không thể bởi những dòng nước mắt cay đắng chặn ngẹn lời. Bình tĩnh lắm tôi mới run run nói được một câu Quang đừng làm khổ Hiền như vậy. Bỏ điện thoại xuống đầu tôi vẫn còn ong ong những câu hỏi của Quang, Tuệ Anh, em có hạnh phúc không, vì sao không có con đi, vì sao hai vợ chồng lại chịu xa nhau như vậy, em có thật sự yêu chồng và hạnh phúc không. Ôi Quang, Quang của tôi, biết nói gì với anh. Bao nhiêu lời thời gian đã nói hộ hết rồi.

Đêm nay lại một đêm thức trắng. Đã bao đêm tôi mất ngủ rồi kể từ ngày sang ngang, bao nhiêu sợi tóc đã rụng xuống từ mái tóc đen dày mà anh vẫn thường thích ngắm nhìn xưa kia, bao nhiêu sắc thắm đã nhạt trên má, trên môi, bao nhiêu nỗi buồn đã lặn sâu vào đáy mắt rồi, anh có biết không?! Với tay bật nhạc nghe cho buồn ngủ, tôi lơ mơ nghe giọng người nam ca sĩ than van: “Có những đêm về sáng, đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi. Đã vi chi men rượu nhắp đôi môi, mà phung phí đời em không tiếc nhớ. Lá đổ muôn chiều ôi lá úa. Phải chăng là nước mắt người đi?” (**)

Ôi, cái kiếp người, bao giờ mới hết khổ đau đây?

Ghi chú:

(*) Ca khúc “Trăng chiều” (thơ Phan Đan, nhạc Đặng Hữu Phúc).

(*) Ca khúc “Lá đổ muôn chiều” (Đoàn Chuẩn & Từ Linh).

Nguyễn Thủy Minh, 2001


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn