NGƯỜI ĐÃ YÊN NGHỈ BÊN ĐỒI DẠ LAN

Thứ năm - 27/12/2012 20:03

(NCTG) Hôm nay là ngày tiễn anh, người chuyên chở những bản tình ca bất hủ, từng làm say đắm bao tâm hồn yêu dòng nhạc anh hát. Duy Quang, người vừa rời bỏ thế giới xô bồ, trần trụi, về yên nghỉ thảnh thơi bên đồi dạ lan.


Ca sĩ Duy Quang (1950-2012)

Một người bạn đề nghị tôi viết về anh, như một lời từ giã. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, bởi anh để lại quá nhiều dấu ấn qua những lần tiếp xúc. Nhưng có lẽ tôi sẽ không viết về con người âm nhạc trong anh nữa. Những ngày qua đã có nhiều bài báo viết về sự nghiệp ca hát lừng lẫy của anh rồi. Tôi muốn chia sẻ một vài nét về con người ngoài âm nhạc, rất bình dị và không ồn ào, mà tôi đã biết, trong anh.

Chưa từng tiếp xúc với Duy Quang, có lẽ ít ai nghĩ rằng một người chuyên hát dòng nhạc trữ tình, có phần sướt mướt, ủy mị như anh, trong cuộc sống lại là người dí dỏm, hay đùa, và đùa rất có duyên. Cái dí dỏm của anh là cái dí dỏm rất... Bắc Kỳ. Nhẹ nhàng, thủ thỉ, ý nhị và làm người ta nhớ rất lâu. Ví dụ, có lần kể về chuyện em trai anh (nhạc sĩ Duy Cường) vượt biên sang Mỹ sau năm 75, anh bảo: “Khi Duy Cường cập bến cả nhà anh ai cũng tưởng là Chúa Jesus hiện hình”. “Vì sao?”. “Vì Duy Cường gầy quá!”. Hoặc giả, anh hay có câu cửa miệng: “Anh theo đạo công chúa”, vì anh có tận ba cô con gái (một với Julie, mối tình đầu, và hai với người vợ chính thức đầu tiên). Anh còn bảo bắt anh phải nghiêm túc cả ngày là một cực hình.

Con người rất nổi tiếng trên sân khấu ấy trong đời thường lại giản dị vô cùng. Hai anh em ngồi ăn cơm cùng nhau, tôi ăn không hết suất cơm quá lớn, anh bảo để anh ăn nốt hộ, kẻo bỏ thừa lãng phí. Trong một lần ra Hà Nội biểu diễn, anh nhờ tôi chở ra phố Cát Linh tìm mua gạch lát sàn nhà vì “nghe nói họ bán gạch đẹp lắm” (nhưng cuối cùng anh không tìm được hãng nào như ý). Tôi đùa, anh nổi tiếng thế sao phải tự tay đi chọn gạch làm gì. Anh bảo cái gì anh cũng tự làm hết em ơi, ở một mình quen rồi. Con người nổi tiếng, ngôi sao ca nhạc ấy từng ngồi sau chiếc xe máy cọc cạch của tôi lòng vòng khắp Hà Nội. Và cũng cùng tôi cà phê vỉa hè như bất cứ ai.

Duy Quang là một người cha đặc biệt thương con. Dạo ấy anh còn hay dùng tài khoản email duyquangbo@yahoo.com. Tôi hỏi tại sao lại là duyquangbo. Anh gửi cho tôi một email, kể về các cô con gái của anh. Mỹ An xinh đẹp, giống mẹ. Còn Mỹ Kim (ngày đó còn là một cô nhỏ 13 tuổi), anh bảo giống anh nhất nhà, từ ngoại hình đến tính cách. Anh thương Kim nhất vì khi anh và vợ chia tay Kim còn nhỏ quá. Giờ bố con lại phải sống xa nhau - anh gửi Kim cho người em gái bên Mỹ chăm sóc giùm khi về Việt Nam làm ăn sinh sống.

Nhớ về anh, là nhớ đến người đàn ông với gương mặt hiền lành, dễ gây thiện cảm với người đối diện. Có ai nghĩ đằng sau gương mặt ấy lại là một số phận nhiều bão tố. Một số phận sinh ra để hát về tình yêu nhưng lại chưa từng được sống trọn vẹn trong tình yêu, để rồi mãi tìm tình yêu như tìm lá Diêu Bông. Vô vọng và muộn phiền.

Định mệnh đã an bài. Và hôm nay chàng Trương Chi bỏ lại cây đàn năm xưa, đi về cõi vô biên. Đời người rồi ai cũng đi đến chung cuộc này. Biết vậy, mà sao không đành... Mà sao vẫn đau xót đến thế, anh Quang!

Vĩnh biệt anh! Vĩnh biệt một tài hoa, mội con người nhã nhặn, khiêm cung. Anh đi, nhưng hình bóng anh vẫn còn ở lại mãi trong trái tim những người yêu anh. Một sớm mai, hãy bước ra thềm, “tìm nhau trong hoa nở - tìm nhau trong cơn gió” (*), để thấy:

Anh đó trong mùa xao xác lá
Trái tim về hát trước hiên thềm
(Thơ Nguyễn Sĩ Đại)

Ghi chú (của NCTG):

(*) Lời ca khúc “Tìm nhau” (Phạm Duy).

Nguyễn Thủy Minh, từ Singapore


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn