Nhà văn Phạm Cao Củng trong lễ thượng thọ bách niên (tháng 10-2012) - Ảnh: Internet
Qua đời ở tuổi thượng thọ thứ 100 tại Florida (Hoa Kỳ), Phạm Cao Củng còn là nhà văn cao niên nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Điểm đặc biệt là, mặc dù đã rất thành công với rất nhiều tác phẩm trinh thám, kiếm hiệp, mạo hiểm kỳ tình... nhưng trong vòng hơn nửa thế kỷ, tên tuổi của ông gần như trôi vào quên lãng.
*
Những thập niên đầu thế kỷ 20, khi văn học Việt Nam bùng phát với Thơ Mới, “Tự lực Văn đoàn” cũng như với các nhà văn theo khuynh hướng hiện thực, tả chân, mảng văn học trinh thám không thực được đánh giá cao, cho dù những tên tuổi lớn như Thế Lữ, Bùi Huy Phồn cũng có những sáng tác trong thể loại này.
Tuy nhiên, trong bộ “Nhà văn hiện đại” (năm 1943), tác giả Vũ Ngọc Phan đã nhìn nhận rất công bằng khi cho rằng, “
chỉ có tiểu thuyết của Phạm Cao Củng là có phần đặc sắc hơn!”. Và ông lý giải: “
Cái đặc biệt mà người ta thấy ở tiểu thuyết trinh thám Phạm Cao Củng là những nhân vật và khung cảnh do ông sáng tạo đều có tính chất Việt Nam, hợp với trình độ người Việt Nam ta hiện thời không như mấy nhà tiểu thuyết trinh thám khác đi nhặt những mẩu chuyện ly kỳ của Tây phương rồi cố gò ép vào những khung cảnh lai Việt, lai Pháp…”.
Như thế, có thể thấy Phạm Cao Củng là người Việt Nam đầu tiên thử nghiệm việc bản địa hóa tiểu thuyết trinh thám của phương Tây. Sinh năm 1913, là con trai út trong một gia đình giáo học ở Nam Định, từ nhỏ, Phạm Cao Củng đã mê đọc sách kiếm hiệp dịch của Tàu, và những tác phẩm trinh thám phương Tây. Từ năm 17 tuổi, Phạm Cao Củng đã nuôi chí phát hành sách trinh thám tiếng Việt nhưng phải đến hậu bán thập kỷ 30, sách của ông mới được đăng dài kỳ trên “Tiểu thuyết thứ Bảy”.
Phạm Cao Củng có kỳ tích là trong vòng chừng 6-7 năm, ông đã công bố 20 tiểu thuyết trinh thám trên các báo, đưa cái tên “thám tử Kỳ Phát” trở thành một khái niệm trong lòng bạn đọc. Ngoài tiểu thuyết trinh thám ra, Phạm Cao Củng còn là một nhà báo có phong cách hết sức chuyên nghiệp và cần cù: ông viết thạo mọi thể loại văn, thơ, dịch văn và còn sản xuất báo. Tương truyền, Phạm Cao Củng còn từ chối lời gợi ý gia nhập nhóm “Tự lực Văn đoàn” vì sợ nếu về đó, ông không còn được viết cho các báo và các nhà xuất bản bên ngoài.
Những tác phẩm lừng danh nhất của Phạm Cao Củng mà nhiều độc giả cao niên đến giờ vẫn nhớ, gồm “Vết tay trên trần” (1936), “Chiếc tất nhuộm bùn” (1938), “Cái kho tàng nhà họ Đặng”, “Ba viên ngọc bích” (1938), “Người một mắt” (1940), “Kỳ Phát giết người” (1941), “Nhà sư thọt” (1941), “Đôi hoa tai của bà Chúa” (1942), “Đám cưới Kỳ Phát” (1942)... Không chỉ sáng tác loại truyện trinh thám - suy luận như ở trên, Phạm Cao Củng còn là tác giả loạt truyện trinh thám - mạo hiểm, có lúc ký bút danh Phượng Trì như “Bàn tay sáu ngón”, có lúc ký tên thật như “Hai người lên máy chém” (1950); “Người chó sói” (1950), “Chiếc gối đẫm máu” (1951)..., với nhân vật chính là Tám Huỳnh Kỳ.
Cháu gái của nhà văn, GS. TS, dịch giả Phạm Tú Châu, người viết mục từ về ông trong bộ “Từ điển Văn học” nhận xét: tính đến giờ, đáng buồn là tiểu thuyết trinh thám theo đúng nghĩa ban đầu của nó chưa có nhà văn Việt Nam nào vượt qua được Phạm Cao Củng, với những tác phẩm mà bố cục truyện hết sức được chú ý. Như mô tả của GS Phạm Tú Châu: “
Vào truyện, (nhà văn) dẫn độc giả theo một con đường ngắt ngoéo, đi ngược lại chỗ khởi đầu và dọc đường thỉnh thoảng lại làm như bị lạc cốt buộc trí óc độc giả phải luôn luôn làm việc, suy đoán thế này thế khác, cuối cùng mới đi tới một đoạn kết không ngờ”.
Sinh thời, Phạm Cao Củng khiêm tốn nhận rằng mình chỉ là một “thợ viết”, viết vì cuộc sống, mưu sinh. Theo những lời kể lại, trong thực tế, ông đã làm mọi việc có thể để nuôi gia đình: ngoài nghề chính là viết văn, làm báo, mở nhà xuất bản, ông còn kiêm thêm nghề chụp ảnh, quay phim, tổ chức đoàn kịch, hội họa, thôi miên, tướng số... Có lúc Phạm Cao Củng còn phải viết liên tục hàng tuần cho 5 số báo, hoặc phát hành theo lối bán lẻ 3 xu từng tập truyện dày 16 trang (rất có thể khái niệm “tiểu thuyết ba xu” xuất phát từ đây).
Bìa cuốn sách “Hồi ký Phạm Cao Củng” - Ảnh: Internet
Là người quảng giao, ông cũng còn là người có mối giao tình rộng rãi với anh em văn nghệ sĩ cùng thời, đặc biệt là với nhạc sĩ tài cao mệnh yểu Đặng Thế Phong, như trong một hồi tưởng của nhạc sĩ Tô Vũ. Một bài thơ của Phạm Cao Củng cũng đã được Đặng Thế Phong phổ nhạc thành ca khúc “Gắng bước lên chùa”, được in trên tờ “Tin Mới” mùa Xuân năm 1940 - nhạc phẩm “lạ” này của cặp Đặng Thế Phong - Phạm Cao Củng cho đến 6-7 năm trước mới tìm lại được và công bố trên báo chí trong nước.
Quãng đời về sau của Phạm Cao Củng khá “trầm” và ít người biết đến. Ông di cư vào Sài Gòn năm 1954, sau một thời gian hoạt động báo chí và hợp tác với Việt Minh ở miền Bắc. Năm 1974, nhà văn sang Mỹ thăm gia đình người con gái định cư tại đó, rồi biến cố 1975 khiến ông bị kẹt, không về lại được Việt Nam. Xa quê hương khi đã cao tuổi, Phạm Cao Củng vẫn làm rất nhiều việc để sinh nhai - trong đó có nghề ấp trứng vịt lộn mà ông có thuật lại trong hồi tưởng sau này.
Sau hơn nửa thế kỷ bị lãng quên, tên tuổi Phạm Cao Củng mới dần dần được nhắc lại trên văn đàn Việt Nam từ ít năm nay. Bộ truyện trinh thám của ông được tái bản trong nước vào năm 2011 và cuối năm ngoái, đúng vào dịp thượng thọ bách niên, “Hồi ký Phạm Cao Củng” đã được ấn hành ở Việt Nam (*), thuật lại quãng đời chìm nổi của ông trong văn nghiệp và trong cuộc sống, tính đến mốc thời gian 31-3-1999.
Qua cuốn sách, độc giả giật mình khi được biết, tác giả hồi ký phải được coi là một trong những nhà văn sáng tác nhiều nhất của Việt Nam, như lời ông liệt kê: “
Bảy tám chục bộ truyện kiếm hiệp “Tàu giả hiệu”, có bộ dày tới ba nghìn trang, khoảng hai chục cuốn trinh thám Kỳ Phát, ba chục cuốn trinh thám kỳ tình (…), bốn, năm chục cuốn truyện ngắn chọn lọc, mười mấy cuốn khảo cứu khoa học thực hành và khoa học huyền bí (…) và không biết bao nhiêu loại sách, truyện ngắn linh tinh khác...”.
Một cây bút thuộc thế hệ đầu của nền văn xuôi Việt Nam đã tạ thế, nhưng tên tuổi ông mãi mãi được ghi nhận trong văn học sử nước nhà...
(*) Công ty Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, Hà Nội 2012.