GIAO LƯU VỚI GS. ĐINH XUÂN LÂM VÀ ĐẠO DIỄN ĐẶNG NHẬT MINH TẠI BUDAPEST

Thứ năm - 19/08/2010 15:46

(NCTG) Trong chuyến thăm Hungary, GS. NGND Đinh Xuân Lâm và đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã tham dự buổi giao lưu với một số anh chị em trí thức, tổ chức vào tối 17-8-2010 tại Hội trường ĐSQ Việt Nam tại Hungary (Budapest).

Đạo diễn Đặng Nhật Minh phát biểu trong cuộc giao lưu

Đạo diễn Đặng Nhật Minh phát biểu trong cuộc giao lưu

Mở đầu cuộc giao lưu, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng đã bày tỏ niềm vui khi cộng đồng Việt Nam tại Hungary có may mắn được gặp gỡ và trao đổi về một số vấn đề liên quan tới lịch sử và điện ảnh, văn hóa Việt Nam với hai tên tuổi lớn của điện ảnh và sử học nước ta.

Tiếp đó, dịch giả Giáp Văn Chung, một cây bút quen thuộc của cộng đồng, người giữ vai trò MC của buổi gặp mặt, đã điểm qua một số nét chính trong sự nghiệp sáng tác, nghiên cứu và những cống hiến cho nền văn hóa Việt Nam của hai vị khách mời.

Ở phần thảo luận, GS. Đinh Xuân Lâm, trên cương vị một sử gia, một nhà giáo lão thành và trong nhóm soạn SGK Sử cho học sinh, đã có những ý kiến thẳng thắn về chất lượng dạy và học môn Sử trong nhà trường ở Việt Nam, cùng những “bất cập” khiến giới trẻ hiện tại đa số vẫn thờ ơ với lịch sử, chưa đáp ứng được nguyện vọng “dân ta phải biết sử ta” (lời Hồ Chí Minh) của ngành Giáo dục và các ban, ngành có liên quan.
 
GS. Đinh Xuân Lâm chia sẻ một số thông tin về lịch sử
GS. Đinh Xuân Lâm chia sẻ một số thông tin về lịch sử

Ông cho biết, hiện tại, Sử ở Việt Nam vẫn bị coi là môn phụ, chương trình giảng dạy bị cắt xén tùy tiện, chưa xứng với tầm một môn khoa học nhân văn rất cần thiết cho sự phát triển nhân cách lành mạnh của học sinh.

Trả lời những câu hỏi của cử tọa, GS. Đinh Xuân Lâm khẳng định rằng, thời gian gần đây, tại nhiều hội thảo và các công trình nghiên cứu, nhiều cá nhân (Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim...), nhiều sự kiện lịch sử (nhà Nguyễn...) trước kia bị đánh giá không đúng mức hoặc theo hướng sai lầm, đã được xem xét lại một cách khoa học và công bằng hơn.

Những kết quả đó, theo giáo sư, đã được cập nhật liên tục trong sách giáo khoa, để thay đổi từng bước những cách nhìn, những định kiến cố hữu từ nhiều năm nay trong đại chúng.

Cuộc trao đổi “nóng” lên với những vấn đề rất được công luận quan tâm hiện tại, như vai trò của giới sử học Việt Nam hiện tại trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước trong bối cảnh phức tạp tại Biển Đông, cũng như cách nhìn nhận, đánh giá về một số biến cố quan trọng trong lịch sử Cận - Hiện đại Việt Nam. Cử tọa cũng rất hào hứng khi được giáo sư chia sẻ một số thông tin, mẩu chuyện ít được biết đến trong giới chuyên môn, mà giáo sư là một trong “tứ trụ”.
 
Chụp ảnh kỷ niệm cùng cử tọa
Chụp ảnh kỷ niệm cùng cử tọa

Trở lại Hungary ít tháng sau khi giới thiệu và công chiếu bộ phim “Đừng đốt” nhân kỷ niệm Ngày Thống nhất (30-4), đạo diễn Đặng Nhật Minh nhấn mạnh: trong các ngành nghệ thuật, có thể nói điện ảnh gần gũi nhất với lịch sử, và là công cụ tái hiện lịch sử, mang lịch sử đến với đại chúng hiệu quả nhất, nếu chúng ta biết cách làm cho tốt.

Ông cũng tổng kết câu chuyện về những bộ phim được chuẩn bị cho dịp Đại lễ Ngàn năm Thăng Long, cho thấy giới quản lý điện ảnh Việt Nam gặp nhiều bối rối và nan đề trong việc tìm ra lối đi đúng đắn trong dịp kỷ niệm lớn này.

Trong vòng hai giờ rưỡi, cuộc gặp mặt đã diễn ra trong bầu không khí hết sức sôi nổi, hào hứng và chân tình. Nhiều người tham dự đã bày tỏ mong muốn có thêm nữa, và thường xuyên hơn nữa, những hoạt động văn hóa tương tự.

Bài và ảnh: PV


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn