Y MOAN - MÃI MÃI MÙA XUÂN TÂY NGUYÊN

Thứ sáu - 01/10/2010 21:04

(NCTG) “Trong buổi diễn định mệnh của cả đời người, đã có rất nhiều giọt nước mắt nhỏ xuống khi nghe những lời ca, và khi giọng ca của đại ngàn Tây Nguyên đã không thể hát thêm cho những người yêu giọng hát của anh...”


Y Moan với “Ơi Madrak” trong chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” (Nhà hát Lớn, Hà Nội, tối 19-4-1994) - Ảnh tư liệu


Anh muốn sống bên em trọn đời
Như núi Chưprông đứng bên mặt trời
Ðể ngày ngày mặt trời say mê gọi núi...
(“Anh muốn sống bên em trọn đời”, Nguyễn Cường)

Tôi được nghe Y Moan hát lần đầu tiên trong chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” tổ chức trong 3 đêm vào trung tuần tháng 4-1994 tại Hà Nội. Bữa ấy, anh xuất thần với bản “Ơi Madrak” của Nguyễn Cường, Ban nhạc Phương Đông đệm. Báo chí có bình luận rằng “Y Moan hát như chưa bao giờ được hát”.

“Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” quy tụ rất nhiều ngôi sao thời đó của âm nhạc Việt Nam, với rất nhiều chất giọng, rất nhiều phong cách biểu diễn, nhưng có lẽ Y Moan đã “qua mặt” tất cả. “Ơi Madrak” quá mạnh mẽ, quá nguyên sơ so với những ca khúc khác trong phần hai của chương trình đêm cuối cùng (“Sa Pa thành phố trong sương”, “Sao em nỡ vội lấy chồng”, “Hạt mưa mùa xuân”, “Em ơi Hà Nội phố”, “Giọt nắng bên thềm” và “Tiếng sóng”), khiến bên cạnh Y Moan, tất cả đều trở nên nhàn nhạt, yểu yểu.

Ngùn ngụt một ngọn lửa Tây Nguyên. Y Moan trong bản Folk-rock “Ơi Madrak” của Nguyễn Cường” - báo chí thuật lại như vậy, nhưng nhìn hình ảnh Y Moan dạo ấy tráng kiện và ngang tàng, ngút ngàn và hoang sơ trong trang phục dân tộc trên sân khấu Nhà hát Lớn, mới thấy tất cả những miêu tả trên báo chí còn quá nhẹ, không sao phản ánh được cái thần trong diễn xuất của anh.


Với nhạc sĩ Nguyễn Cường (Nhà hát Lớn, Hà Nội, tối 19-4-1994) - Ảnh tư liệu


Đặc biệt, trong cả ba đêm diễn, “Ơi Madrak” còn là bài hát duy nhất được vang lên bằng một thứ tiếng ngoài tiếng Kinh. Nguyễn Cường, người có biết tiếng Ê Đê, kể lại: “Y Moan không dịch mà làm lời mới. Ba lời của tôi cộng lại, không bằng một phần mười lời của Y Moan bằng tiếng Ê Đê. Y Moan làm lời bằng vô thức, và nó sâu, hay tài đến mức mà lời Ê Đê ấy, khi nghe kỹ, thấy sức mạnh khiếp khủng hơn cả những bài thơ hiện đại”.

Mùa cành củi khô rụng
Mùa bồ câu rụng
Tao lại nhớ về M’Drak
Nơi mẹ đẻ ra mày
Nơi mẹ đẻ ra tao
Ở gốc cây cổ thụ
Trăng ba mùa lưỡi liềm
Gió thổi và cùng gió thổi

Báo chí kể, dịp ấy, Y Moan được Ban tổ chức mời ra Hà Nội từ đầu tháng 4, nhưng mãi tới tối 19-4 mới biểu diễn. Hơn hai tuần đó, Y Moan ăn ở nhờ tại nhà nhạc sĩ Nguyễn Cường và vài bè bạn thân thiết. Anh nói, anh buồn, không phải vì Ban tổ chức không bố trí được chỗ ở hay không đưa tiền ăn cho anh, mà vì không ai có được một lời an ủi với anh...

Một điều đặc biệt, “Anh muốn sống bên em trọn đời” mà Y Moan đã hát từ cách đây gần hai chục năm, dường như không một nam ca sĩ nào (dám) hát lại, phải chăng vì không ai có thể truyền tải được cái xung năng của tình yêu và sự sống ngút ngàn, bản năng trong giọng ca của anh.

Để thời gian qua, một vài giọng ca nữ (Siu Blach, Trần Vũ Hà My...) tung hoành - và “tự tiện” sửa lời thành “Em muốn sống bên anh trọn đời” - khiến nhiều người quên rằng ca khúc ấy từng là bản quyền của Y Moan...

Mười sáu năm trôi qua từ ngày đó, con hổ của đại ngàn Tây Nguyên không có được một liveshow, không một CD nào. Cái tên Y Moan cũng không mấy khi được truyền thông nhắc đến, cho đến khi anh bị phát hiện đã lâm trọng bệnh. Người con anh thổ lộ, anh muốn được chết trên sân khấu, trong một lần diễn để tri ân với khán giả.

Báo chí đã có những tường thuật cảm động về buổi liveshow đầu tiên, có lẽ cũng là cuối cùng do bạn bè tổ chức cho Y Moan - một lần nữa, anh lại cháy hết mình, “luôn tươi cười, không hề bộc lộ một phút đuối sức”. Cho dù, ngay trong buổi diễn, đã nhiều lần Y Moan phải vào để truyền ôxy và cuối buổi, các bác sĩ đã lập tức phải truyền dịch cho anh.

Vi Thùy Linh, trong một bài viết động lòng về Y Moan, đã kết thúc bằng câu: “Y Moan, như Trần Hòa Bình viết và tiên cảm từ 1987, người đã hát bằng nước mắt Ê Đê, dữ dội và mê hoặc. Anh bất tử với M’ Drak, với Tây Nguyên”.


Con hổ của đại ngàn Tây Nguyên vẫn bão táp và bừng cháy trong những ngày cuối đời tại live show đặc biệt “Ngọn lửa cao nguyên” (đêm diễn duy nhất tại Hà Nội ngày 6-8-2010)
- Ảnh: Mai Pham My Ly

Riêng tôi, bao giờ cũng nhớ cảm giác lần đầu nghe anh hát, hừng hực và da diết, khoáng đạt và tự do như núi rừng Tây Nguyên quê anh:

Xin mãi mãi như con sông dài
Ðang sống theo em tới nơi chân trời
Khi có nhau ta sống trong tình yêu mãi mãi
Dù mùa xuân có tàn phai.”

Mùa xuân Tây Nguyên sẽ vĩnh cửu trong anh!

Trần Lê, 18-9/1-10-2010


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn