TỔNG QUAN VỀ VĂN HỌC HUNGARY (2)

Thứ tư - 27/10/2010 19:24

“Tiếng Hungary - ngôn ngữ của chừng 15 triệu dân trên thế giới - cho dù là một thứ tiếng “có khả năng diễn tả một cách linh hoạt tuyệt vời, nhạy cảm, tinh tế, có vốn từ phong phú hiếm thấy, đồng thời cô đọng và nhịp điệu dồn dập” (Bödők Zsigmond), nhưng chỉ người Hungary mới biết rõ và cảm nhận được điều đó. Ấy thế mà, bằng bản lĩnh và tài năng của các nhà văn, bằng những nỗ lực phổ biến và truyền bá văn hóa của các cá nhân và nhà nước, văn học Hungary đã có một vị trí xứng đáng trong kho tàng văn học nhân loại, đã có những tác gia được vinh danh ở tầm thế giới...”.

Xem Phần 1 của bài viết.


Kertész Imre, Nobel Văn chương 2002, “người chuyển giao tinh thần Auschwitz”


Phát triển ở tầm thế giới (1945 cho tới nay)

Về căn bản, tính chất của nền văn học Hungary trong hơn 4 thập niên từ sau Đệ nhị Thế chiến được xác định bởi những biến cố lịch sử và thể chể xã hội - chính trị tại đất nước này.

Đầu năm 1945, theo hình mẫu của Liên Xô, Hội Nhà văn Hungary được thành lập theo đề xuất (và được đặt dưới sự chỉ đạo) của Đảng Cộng sản. Năm 1949, theo chỉ thị của Đảng Lao động Hungary (tức Đảng Cộng sản, khi đó đổi tên), Hội Nhà văn đã tiến hành một đợt thanh lọc mà kết quả là nhiều nhà văn có uy tín bị tước hội tịch, và điều kiện căn bản để được là thành viên Hội là yếu tố trung thành với đảng. Từ biến cố đó, các nhà văn gắn bó với đời sống văn học rơi vào vòng kiềm tỏa và phụ thuộc của nhà nước, một nền nghệ thuật bị chỉ đạo được hình thành mà mối quan tâm hàng đầu của người cầm bút không phải là độc giả, mà là làm sao thỏa mãn được yêu cầu của nhà nước, bên “đặt hàng”, đồng thời giữ quyền kiểm tra và giám sát.

Cũng từ thời điểm đó, không ít tên tuổi lớn của nền văn học Hungary buộc phải im lặng - hoặc bị đưa khỏi đời sống văn học - trong những khoảng thời gian dài ngắn khác nhau, như Kassák Lajos, Füst Milán (1888-1967), Hamvas Béla (1897-1968), Vas István (1910-1991), Ottlik Géza (1912-1990), Weöres Sándor, Mándy Iván (1918-1995), Mészöly Miklós (1921-2001), Nemes Nagy Ágnes (1922-1991), Pilinszky János (1921-1981) và Szabó Lőrinc.

Xu hướng sáng tác theo trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa được coi là “chính thống” và được tập trung khuyến dụ. Ngoại trừ một số không nhiều các tác gia thực sự sáng tác theo trường phái này và đôi lúc, đạt được một số thành tựu nhất định, như Illés Béla (1895-1974) với “Kárpáti rapszodia” (1), thì một phần sự nghiệp sáng tác của các nhà văn, nhà thơ khác cũng được giới chức văn nghệ liệt vào đây một cách khiên cưỡng, như thi nghiệp của József Attila, những thi phẩm cách mạng của Illyés Gyula, nhiều truyện ngắn của Nagy Lajos (1883-1954), tác phẩm “A befejezetlen mondat” (Câu nói dang dở) của Déry Tibor, tiểu thuyết “Húsz óra” (2) của Sánta Ferenc (1927-2008), phần 1 cuốn “Egy ember élete” (Đời một con người) của Kassák Lajos, hoặc một phần đáng kể các sáng tác của Radnóti Miklós...

Tuy nhiên, nền văn học Hungary trong những năm của hậu bán thế kỷ 20 vẫn để lại những tác phẩm lớn với các tác gia lớn, một phần, là bởi tài năng, bản lĩnh và nỗ lực của giới cầm bút, phần khác, vì sau biến cố 1956, chính sách quản lý văn nghệ của Hungary đã nhiều lần phải nới lỏng và phải từ bỏ những biện pháp siết chặt trước đó. Sự phân loại Cấm đoán - Chấp nhận - Ủng hộ (Tilos, tűrt, támogatott) được đặt ra (và đi vào thực hiện đối với các văn nghệ sĩ từ giữa thập niên 60), nhưng càng ngày, giới cầm bút bị coi là “có vấn đề” thường được liệt vào hàng “tạm chấp nhận” (với những hạn chế nhất định), chứ ít khi bị cấm đoán nghiêm ngặt và độc đoán như thời trước. Mặt khác, Hungary vẫn được coi là quốc gia thuộc hàng “dễ thở” nhất về cả vật chất lẫn tinh thần trong khối XHCN tại Châu Âu và điều này cũng là một nguyên nhân khiến giới cầm bút Hungary vẫn có những sáng tác tầm châu lục và thế giới trong những năm tháng ấy.

Sau ba thế hệ của “Nyugat”, đã xuất hiện nhiều thế hệ mới trong nền văn học Hungary 50 năm cuối thế kỷ 20. Đó là những Mészöly Miklós, Sarkadi Imre (1921-1961), Pilinszky János, Nemes Nagy Ágnes, Nagy László (1925-1978), Juhász Ferenc (1928-), Sütő András (1927-2006), Sánta Ferenc... (thế hệ thứ tư, trưởng thành trong vài thập niên sau 1945); Hajnóczy Péter (1942-1981), Nádas Péter (1942-), Spiró György (1946-), Oravecz Imre (1943-), Petri György (1943-2000)... (thứ hệ thứ năm, “làn sóng mới” của thời kỳ sau 1965); Eszterházy Péter (1950-), Szilágyi Ákos (1950-), Grendel Lajos (1948-)... (thế hệ thứ sáu, xuất hiện từ nửa cuối thập niên 70)... Cho đến những năm gần đây nhất, văn học Hungary vẫn có nhiều tài năng như Darvasi László (1962-), Márton László (1959-), Petőcz András (1959-)..., những cây bút mà theo đánh giá của giới phê bình, còn có thể gây nhiều đột phá và bất ngờ với giới thưởng ngoạn văn học.

Xét về tổng thể, nếu chia nền văn học Hungary sau 1945 thành những thể loại và những trào lưu, có thể thấy tính liên tục và kế thừa những thành tựu của thời gian trước đó.

Trong hơn 5 thập niên, thi ca vẫn chiếm ưu thế, các thành viên thuộc thế hệ thứ hai và ba của “Nyugat” đóng vai trò hàng đầu, với đặc trưng cho các tác phẩm của họ là tính khách quan theo trường phái kinh viện mới đặc thù. Đại diện nổi bật trong thi ca thời kỳ này là Weöres Sándor, nhưng cũng cần nhắc đến Nagy László và Juhász Ferenc, các thủ lĩnh xuất sắc nhất của thi ca tượng trưng - huyền ảo theo hướng dân tộc mới. Ngoài tính nghệ thuật cao, các tác phẩm của Németh László và Illyés Gyula theo xu hướng tân hiện thực còn được chú ý bởi những thông điệp ngầm ám chỉ các sự kiện chính trị. Đầu thập niên 70, các thi phẩm của Tandori Dezső (1938-) đưa ra một lối đi hoàn toàn mới: có thể coi nhà thơ là nhân vật trung tâm của xu hướng tân avant-garde Hungary, và về sau, ông cũng đã trở thành một tên tuổi lớn của thi ca hậu hiện đại nước này.

Trong thập niên 60, xu hướng nghịch dị (grotesque) rất phổ biến trong các nền văn học Đông Trung Âu. Tại Hungary, đại diện của trường phái đó là Örkény István (1912-1979) với tác phẩm mở đầu là vở kịch “Tóték” (Gia đình nhà Tót, 1964). Sau thời gian bị cấm đăng tải do tham gia biến cố 1956, Örkény được in sách trở lại năm 1964 và các tác phẩm lớn như “Macskajáték” (Trò mèo, truyện vừa, 1963), “Egyperces novellák” (Những truyện ngắn một phút, 1968) đều có tiếng vang trên thế giới. Điểm đặc biệt trong nhiều tác phẩm của Örkény là sự nghịch dị trào lộng - thậm chí phi lý - đã được đẩy đến mức đậm đặc.

So với thi ca và cả kịch nghệ, văn xuôi là thể loại được coi là “chín chậm” trong văn học Hungary, nhưng cũng đã đạt những thành tựu đáng kể từ thập niên 60 với các nỗ lực đổi mới của Déry Tibor, Ottlik Géza, Mészöly Miklós, Mándy Iván, Sarkadi Imre... Thành công nhất trong hai thập niên 70-80 trên địa hạt văn xuôi, đồng thời, được coi là những tác gia đương đại nổi tiếng nhất của Hungary trên trường quốc tế, là Nádas Péter và Esterházy Péter, với những tác phẩm đỉnh cao của trào lưu hậu hiện đại Hungary.

Cũng không thể bỏ qua nền văn học lưu vong Hungary, trải qua những làn sóng di tản lớn nhất của đất nước trong thế kỷ 20 (1948, 1956), với những tên tuổi tiêu biểu nhất như Márai Sándor, Cs. Szabó László (1905-1984), Faludy György (1910-2006), Határ Győző (1914-2006)... Theo một thống kê (3) do PGS. TS Vasy Géza đưa ra, thập niên 70 thế kỷ trước, có chừng 300 nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Hungary cư trú tại nước ngoài. Sau biến chuyển 1989, đa số đều hồi hương hoặc thường xuyên về thăm nhà, tham dự đời sống văn nghệ của Hungary. Cho dù trong một thời gian dài, các tác phẩm mới và cũ của các nhà văn di tản bị cấm đoán, tên tuổi của họ bị đưa vào quên lãng, nhưng dòng văn học di tản được coi là đã đóng vai trò quan trọng trong hơn bốn thập niên từ năm 1945, kể cả trên góc độ tự do tư tưởng, ý thức hệ lẫn giá trị nghệ thuật.

Một trong số họ, nhà văn Márai Sándor - người mà trong năm nay, Hungary đã long trọng kỷ niệm 110 năm ngày sinh - , mặc dù không bao giờ có dịp trở lại quê hương, nhưng vẫn được đánh giá là một trong số các nhà văn lớn nhất của Hungary thế kỷ trước. Các tác phẩm lớn của ông như “A négy évszak” (Bốn mùa, 1938), “A gyertyák csonkig égnek” (Những ngọn nến cháy tàn, 1942), “Ég és föld” (Trời và đất, 1942)... (4) được in với lượng ấn bản lớn tại nước ngoài, trong số đó, nhiều đầu sách sau khi được “tái phát hiện” sau gần nửa thế kỷ ở Phương Tây, đã gây nên sự ngạc nhiên và khâm phục sâu sắc của độc giả và giới phê bình với văn tài của nhà văn.

Nền văn học Hungary sau 1945 còn được hỗ trợ bởi một đội ngũ phê bình cứng cáp, những nhóm nghiên cứu văn học uyên thâm, để lại nhiều tác phẩm nghiên cứu văn học sử, các bộ tự điển, bách khoa toàn thư đồ sộ mà trong số đó, phải nhắc đến các công trình lớn như “Magyar irodalmi lexikon” (Bách khoa toàn thư văn học Hungary), “A magyar nyelv értelmező szótára” (Tự điển giải nghĩa tiếng Hungary), “A magyar irodalom története a kezdetektől 1945-ig” (Lịch sử văn học Hungary từ thuở khởi đầu đến năm 1945), “A magyar irodalom története (1945-1975)” (Lịch sử văn học Hungary (1945-1975), “Új magyar irodalmi lexikon” (Bách khoa toàn thư mới văn học Hungary) và đặc biệt là bộ “Világirodalmi lexilkon” (Bách khoa toàn thư văn học thế giới) - được coi như bộ đại tự điển văn học đồ sộ nhất thế giới - gồm 19 tập, hơn 15 ngàn trang khổ lớn, được viết ròng rã trong vòng 30 năm (1966-1996) với sự tham gia của chừng 1.500 chuyên gia, đứng đầu là hai TBT Király István và Szerdahelyi István..

Trên cái nền ấy, việc một văn hào Hungary là Kertész Imre (1929-) được Giải Nobel Văn chương năm 2002 là không có gì khó hiểu, nhất là nếu chúng ta biết rằng trước ông, đã có không ít tác giả Hungary được đề cử cho giải thưởng cao quý này. Là người gốc Do Thái, trải qua những năm tháng kinh hoàng tại hai trại tập trung phát-xít Đức (Auschwitz và Buchenwald) khi mới 15 tuổi, suốt cuộc đời sáng tác, Kertész Imre chú tâm khai thác đề tài holocaust theo cách riêng của mình, và đạt được thành công lớn với tiểu thuyết “Sorstalanság” (1975) mà ông đã thai nghén ròng rã trong vòng 13 năm, giữa những điều kiện hết sức gian nan, cùng nhiều tác phẩm sau đó, đặc biệt là “Kaddis a meg nem született gyermekért” (1990). (5)

Lò thiêu người Đức quốc xã đã trở thành một trải nghiệm, một ấn tượng khắc sâu trong nhà văn, như ông chia sẻ ở tác phẩm “Gályanapló” (Nhật ký Gálya, 1992): “Tôi nghe mọi người bảo tôi đã chậm chân với “đề tài” này. Rằng nó không còn mang tính thời sự. Rằng lẽ ra tôi phải đề cập tới “đề tài” ấy sớm hơn nữa, ít nhất là từ 10 năm trước, v.v... Tuy nhiên, giờ đây tôi mới nhận ra rằng, tôi không quan tâm đến gì khác ngoài huyền thoại Auschwitz. Nếu viết tiểu thuyết mới, tôi lại suy tưởng đến Auschwitz. Dù suy ngẫm gì đi nữa, tôi cũng lại hướng về Auschwitz. Dù bề ngoài tôi có nói về điều gì khác hoàn toàn đi nữa, thì cũng vẫn là về Auschwitz.

Tôi là người chuyển giao tinh thần Auschwitz. Auschwitz phát ngôn trong tôi. Và chắc chắn, hoàn toàn chắc chắn là không chỉ vì những lý do cá nhân. Auschwitz và những gì có liên quan (nhưng giờ đây có lẽ cả những gì không liên quan?) là tấn thảm kịch lớn nhất của người châu Âu kể từ những cuộc thánh chiến, cho dù có lẽ cần nhiều thập kỷ hoặc thế kỷ để ý thức được điều đó. Còn nếu không, thì sao cũng được. Nhưng vậy thì viết làm gì? Cho ai?”.

Mang trong lòng quyết tâm phải khắc họa được thảm cảnh holocaust và Lò thiêu người Auschwitz - “sự thật cuối cùng về sự sa đọa của con người trong đời sống hiện đại” -, Kertész Imre đã làm nhiều hơn bất cứ cây bút nào khác để lên án sự phi nhân và nhục nhã của nhân loại và giải thưởng Nobel Văn chương giành cho “sự nghiệp ăn chương nói lên kinh nghiệm dễ tổn thương của cá nhân chống lại sự chuyên chế bạo tàn của lịch sử” (đánh giá của Ủy ban Giải thưởng Nobel) của nhà văn là hoàn toàn xứng đáng với ông, và với cả nền văn học Hungary, một quốc gia đã trải qua vô vàn khổ đau trong hai cuộc Thế chiến, bị cắt 2/3 đất đai và gần 2/3 dân số bởi Hòa ước Trianon (1920), nhưng đã làm tất cả để có được nền độc lập dân tộc, dân chủ và tự do trong những cuộc cách mạng ở nửa sau thế kỷ trước.

*

Là hai xứ sở xa nhau nửa vòng trái đất, nhưng đã có mối giao tình từ 60 năm nay, văn học Hungary không xa lạ tại Việt Nam và ngược lại, cho dù con số các tác phẩm được dịch của hai nền văn học chưa thật nhiều.

Bên cạnh đó, do vấn đề ngôn ngữ, văn học Hungary cũng gặp phải khó khăn khi truyền bá những tác phẩm lớn của mình ra nước ngoài, bởi lẽ “ngôn ngữ Hungary xa lạ với mọi ngôn ngữ khác, và nó tồn tại trong cảnh đơn lẻ không họ hàng đã một thiên niên kỷ nay bên lề những đại gia đình ngôn ngữ Châu Âu”, như diễn đạt của tác giả Bödők Zsigmond trong cuốn “Nobel díjas magyarok” (6). Cho dù, cũng như khẳng định của tác giả, “để dân tộc Hung trường tồn qua những thế kỷ máu lửa tới hôm nay, ngôn ngữ đóng một vai trò hết sức quan trọng, trong nhiều trường hợp và giai đoạn kéo dài nó là giá trị lưu truyền và chốn nương náu duy nhất của dân tộc”.

Cũng như tiếng Việt, tiếng Hungary - ngôn ngữ của chừng 15 triệu dân trên thế giới - cho dù là một thứ tiếng “có khả năng diễn tả một cách linh hoạt tuyệt vời, nhạy cảm, tinh tế, có vốn từ phong phú hiếm thấy, đồng thời cô đọng và nhịp điệu dồn dập” (vẫn theo Bödők Zsigmond), nhưng chỉ người Hungary mới biết rõ và cảm nhận được điều đó. Ấy thế mà, bằng bản lĩnh và tài năng của các nhà văn, bằng những nỗ lực phổ biến và truyền bá văn hóa của các cá nhân và nhà nước, văn học Hungary đã có một vị trí xứng đáng trong kho tàng văn học nhân loại, đã có những tác gia được vinh danh ở tầm thế giới - phải chăng, đó cũng là những kinh nghiệm và Việt Nam có thể chia sẻ, học hỏi?

Ghi chú (đối với các tác phẩm chưa được dịch ra tiếng Việt, các tựa đề sách chỉ mang tính tham khảo):

(1) “Bản hùng ca Các-pát”, Lê Xuân Giang dịch

(2) “Hai mươi giờ”, Lê Xuân Giang dịch

(3) “Các tác giả văn học Hungary sau năm 1945” (Az 1945 utáni magyar irodalom alkotói).

(4) “Những ngọn nến cháy tàn”; “Bốn mùa”; “Trời và đất”, Giáp Văn Chung dịch.

(5) “Không số phận” và “Kinh cầu hồn cho đứa trẻ không được ra đời”, Giáp Văn Chung dịch (sắp xuất bản).

(6) “Những người Hungary đoạt giải Nobel”, Giáp Văn Chung dịch.

(*) Bài viết đã đăng trên tạp chí “Văn học Nước ngoài”, số tháng 8-2010.

Nguyễn Hoàng Linh, 22-7-2010.


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn