PARIS CÓ GÌ LẠ?

Thứ tư - 08/12/2010 09:14

(NCTG) Nếu coi những ngày ở Ý là cuộc hành trình khám phá thế giới đơn độc, thì những ngày ở Pháp lại là những ngày đầy ắp tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ của bạn bè và người thân.



Ở Ý tôi đã chỉ khóc 1 lần duy nhất, khi ngồi bên ngoài đấu trường La Mã cổ Colosseum, thấy mình quá nhỏ bé trước kỳ quan của thế giới, không có lấy nổi một người ở bên cạnh để chia sẻ niềm vui. Vậy mà ở Pháp nước mắt đã rơi không biết bao nhiêu lần chỉ vì quá xúc động.

Ngoài 1 lần khóc ở Marseilles khi phải chia tay những người bạn để tiếp tục cuộc hành trình đến Ý của mình thì những lần khóc sau này đều là khi ở Paris.

Tôi sống trong 1 căn nhà theo kiến trúc cũ của Pháp nằm ngay bên bờ sông Seine, nhìn ra được tháp Eiffel, của một người họ hàng. Ông là anh ruột của ông ngoại. Tầng 1 ông bà mở nhà hàng, tầng 2 ông bà để ở, và tầng 3 là dành cho khách, 1 căn phòng áp mái, rất cổ điển và xinh xắn. Khi bà dẫn tôi lên căn phòng trên tầng áp mái đó, tôi đã khóc.

Đơn giản vì 9 năm trước ông bà ngoại tôi cũng đã từng ở nơi đây, ngay chính tại căn phòng này. Ông bà đã có những tháng ngày đi chơi cùng nhau ở châu Âu, những năm tháng cuối cùng của ông, để rồi khi trở về Việt Nam, ông ốm và mất sau đấy 2 năm. Có lẽ tôi là người có quá nhiều trăn trở, nhưng thực sự khi đứng trong căn phòng đã chứng kiến những hạnh phúc cuối cùng của cuộc đời của ông ngoại, tôi không ngăn nổi sự xúc động của mình.

Mà có lẽ cả căn nhà ấy đã đánh thức mọi cảm xúc của tôi. Sau khi cất đồ ở căn phòng nơi tầng áp mái, tôi xuống thăm người anh trai của ông ngoại, một người đã sống hơn 50 năm ở nước Pháp, nhưng trong lòng vẫn luôn hướng về quê hương, với bao sự giúp đỡ, quan tâm. Ông đã quá già. Ông là người có vai vế cao nhất họ, và tuổi thọ cũng thế. Với cái tuổi ngoài 90, ông đã không còn vẻ phong độ như trong những bức ảnh tôi vẫn nhìn thấy trước đây, chỉ còn là một người ốm đau nằm trên giường, gầy và yếu.

Ông không nhớ nổi tôi, nhưng ông nắm tay tôi với sự vui sướng hiện rõ trên từng nét mặt. Có lẽ đã lâu rồi, ông đã không gặp một người họ hàng thân thiết nào. Có lẽ vì ông hiểu rõ sợi dây gắn kết của tình máu mủ ruột thịt giữa tôi và ông, dù là xa xôi, dù là chưa từng gặp mặt. Sợi dây đấy càng có ý nghĩa khi ông cảm nhận được những năm tháng nhìn ngắm ánh mặt trời của mình ngày một ngắn dần.

Mỗi ngày tôi đều vào thăm ông, nắm tay ông, như tôi đã từng nắm tay ông ngoại mình trước đây. Tôi biết ông rất yếu. Và tôi cũng biết ông quý tôi thế nào. Tôi kể ông nghe về những người trong gia đình, tôi nói mọi người mong ông khỏe thế nào, tôi nói là nhìn ông làm tôi nhớ đến ông ngoại. Ông ngoại khi còn sống thương tôi nhất, và chiều tôi nhất. Tôi kể chuyện và tôi thấy những giọt nước mắt yếu đuối của mình lăn dài trên má.

Tôi đã định sẽ viết về cái quán Việt Nam bên bờ sông Seine của ông, cái quán nhó bé đã tồn tại hơn 20 năm nay tại nơi này. Nhưng bây giờ nó đã trở nên quá cũ kỹ, khách khứa cũng chẳng còn tấp nập như xưa. Bà, người vợ kém ông gần 30 tuổi, nói với tôi, rằng bà đang rao bán nó. Bà muốn dành thời gian chăm sóc cho ông. Những ngày tháng cuối cùng trong cuộc đời, ông cần bà, cần có người bên cạnh.

Tôi đã đắm mình trong căn phòng mình ở trên tầng áp mái của căn nhà, nơi lưu giữ rất nhiều những sách vở, kỷ niệm trong cuộc đời ông. Tôi tìm được những quyển album cũ, có bức hình của ông thời trẻ, những ngày đầu tiên đặt chân lên nước Pháp. Ông cũng chụp ở Eiffel, ở Khải Hoàn Môn, cung điện Versailles... Năm mươi năm trước ông đến Pháp và chụp những bức ảnh mà muôn đời sau bất cứ ai khi đến Paris cũng chụp, vẫn ở những nơi đó, với tư thế đó...

Tôi đã lặng đi khi bắt gặp quyển album gia đình, trong đó có cả những bức ảnh về gia đình tôi, có ông bà ngoại khi còn trẻ, có mẹ khi chưa lấy bố, có cả những bức ảnh sau này, khi tôi đã học mẫu giáo... Mọi người ở Việt Nam gửi sang, và ông lưu giữ tất cả. Có những bức ảnh tôi đã xem hàng chục lần ở nhà, nhưng khi bắt gặp nó trong 1 căn phòng nhỏ ngay giữa thủ đô Paris, tôi đã thấy những cảm xúc thật khác...

Những ngày Paris là những ngày đáng nhớ. Không phải vì sự hoa lệ của nó, mà vì những cảm xúc gia đình quý giá mà không bao giờ tôi nghĩ có thể gặp được ở châu Âu này. Lần cuối cùng tôi khóc trên đất Pháp là ngay khi tàu chuẩn bị đi qua eo biển Manche. Bố mẹ gọi điện và hỏi tôi về những cảm xúc trong suốt chuyến đi dài vừa qua. Bố nói bố rất vui, vì tôi đã trải qua những ngày lang thang ở châu Âu một mình, bởi tôi đã tìm thấy những giá trị đích thực của chuyến đi, tôi đã cảm nó bằng mọi giác quan của mình, bởi tôi được vui vẻ và hạnh phúc. Bố mẹ chúc mừng tôi về cuộc hành trình của mình.

Sau tất cả, chúng tôi tắt máy. Tàu đi qua eo biển Manche, rời khỏi nước Pháp. Và tôi khóc...

Bài và ảnh: Lê Thu Quỳnh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn