ANDRÉ KERTÉSZ VÀ NHỮNG TẤM ẢNH TRÀN ĐẦY CẢM XÚC

Chủ nhật - 19/12/2010 23:52

(NCTG) “Không còn sự hào nhoáng, ồn ã, không còn những lớp vỏ che đậy hời hợt, không còn những nụ cười xã giao, những câu chuyện nhạt nhẽo và sáo rỗng... chỉ còn lại những khoảng lặng, sự im lặng đồng cảm trước nỗi cô đơn, hoài niệm, nơi bất cứ lời nói nào cũng là thừa, nơi ngôn từ trở nên bất lực trước cảm xúc...”, cảm nhận của FR trước những tác phẩm của nhiếp ảnh gia André Kertész.


Lễ khai mạc triển lãm tôn vinh sự nghiệp sáng tác của André Kertész (Budapest, 1984)


Tôi là người hoàn toàn không có kiến thức về nhiếp ảnh, hội họa, điêu khắc nhưng lại rất thích xem các triển lãm ảnh, thích hơn nhiều so với xem tranh, tượng... Khi xem ảnh, tôi đặc biệt thích ảnh đen trắng. Tôi cảm giác ảnh đen trắng bao giờ cũng rất sâu, buồn và cô đơn. Nó chạm tới cái góc mong manh nhất, dễ rung động nhất của mỗi người. Những bức ảnh không lời, mà nói lên vô vàn những điều ẩn giấu, như những bản nhạc cổ điển, không cần lời, mà luôn đẹp đến nao lòng.
 
Khi Paris đang hối hả và rộn ràng chờ đón Giáng sinh, khi những cây thông được trang hoàng rực rỡ bởi những quả bóng nhiều màu sắc, bởi những dây kim tuyến lấp lánh, những bóng điện nhỏ li ti xanh biếc như những vì sao, khi các cửa hàng tấp nập và ồn ào khách, khi đường phố lung linh sắc đèn, khi mọi thứ đều gấp gáp vội vàng... thì ở một góc nhỏ lặng lẽ tại quảng trường Concord (trung tâm Paris) hiện đang diễn ra triển lãm ảnh của André Kertész.


Quảng trường Concord, Paris, 1928
 
Cuộc triển lãm bắt đầu ngày 28-9-2010 và kết thúc vào 6-2-2011. Đúng 25 năm sau ngày mất của André, Paris lần đầu tiên vinh danh ông với hơn 300 tấm ảnh thực sự rất đẹp, khắc họa rõ nét chân dung một nhà nhiếp ảnh tài năng qua hơn 70 năm cầm máy. Những tấm ảnh được chụp từ đất nước Hungary nơi ông sinh ra cho tới Paris, và cuối cùng là New York, nơi ông từ giã cõi đời.


New York, 1982
 
André Kertész, tên thật là Andor Kertész, sinh ngày 2-7-1894 tại Budapest - Hungary. Năm 1925, ông tới Paris và đổi tên từ Andor thành André. André không biết tiếng Pháp và dù ở Pháp từ 1925 đến 1936, ông cũng vẫn gần như không sử dụng được tiếng Pháp. Ông thường gặp gỡ hội nghệ sĩ người Hungary ở quán cà phê mang tên Café du Dome tại Montparnasse.


Một sáng mùa đông ở Café du Dôme, Paris, 1928
 
Xem những bức ảnh ông chụp khi còn ở Hungary, người ta thấy một đất nước hồn hậu, bình dị và êm đềm, người ta thấy những khoảnh khắc của niềm vui sống. “Điều quý giá nhất trong cuộc đời của một con người là kỷ niệm. Và những kỷ niệm ấy là vô giá” (A.K.).


Chị nông dân và những con ngỗng, Tisza Szalka, 1924


Esztergom, Hungary, 1915


Anh tôi, Esztergom, Hungary, 1919

Ở Paris chỉ hơn 10 năm nhưng thành phố này, đất nước này luôn nằm trong trái tim André, luôn được ông dành cho một tình cảm trìu mến và sâu sắc. Năm 1984, trước khi từ giã cõi đời 1 năm tại New York, ông đã để lại cho nước Pháp một tài sản quý giá: toàn bộ âm bản phim cũng như mọi tư liệu, thư từ của mình. Những bức ảnh ông chụp Paris khiến mỗi góc phố, mỗi cây cầu, mỗi quảng trường, mỗi chiếc ghế, mỗi bóng người đều toát lên một sức hút khó tả. Qua bao nhiêu năm, những bức ảnh ấy vừa gợi lại một Paris của những ngày xưa, mà vẫn mang dáng vẻ và hơi thở của một Paris hiện đại.


Tháp Eiffel, 1929


Những chiếc ghế trong vườn Luxembourg, Paris, 1925


 
Quảng trường Gambetta



Năm 1936, André quyết định rời Paris sang New York. Có thể nói đây là thời gian ông cảm thấy buồn bã, cô đơn nhất. Những tấm ảnh ông chụp thời gian này là những tấm ảnh tuyệt vọng nhất.


Mây bơ vơ, New York 1937


New York, 1979

Đúng như ông đã từng nói: “Những tấm ảnh tôi chụp thực sự là một cuốn nhật ký bằng hình. Tôi thể hiện những điều tôi cảm thấy, chứ không phải những thứ tôi nhìn thấy”.
 
Xem những bức ảnh đen trắng của André, người ta không thể xếp ông vào bất cứ trường phái nào. Cũng chính vì vậy mà ông trở nên nổi tiếng, nổi tiếng vì “trường phái của André Kertész chính là vô trường phái”. Nổi tiếng cũng vì ông không quan tâm đến chính trị, thời cuộc, xu hướng. Những tấm ảnh ông chụp không nhằm đáp ứng thị hiếu của người xem, không chạy theo xu hướng thời đại, không nhằm phản ánh bất cứ một “hiện thực” nào. Ông chụp mọi thứ xung quanh mình, cho chính bản thân mình, bằng cảm nhận của riêng mình.
 
Tới triển lãm của André Kertész, người ta bỗng cảm thấy mình như lạc vào một nơi chốn khác. Không còn sự hào nhoáng, ồn ã, không còn những lớp vỏ che đậy hời hợt, không còn những nụ cười xã giao, những câu chuyện nhạt nhẽo và sáo rỗng... chỉ còn lại những khoảng lặng, sự im lặng đồng cảm trước nỗi cô đơn, hoài niệm, nơi bất cứ lời nói nào cũng là thừa, nơi ngôn từ trở nên bất lực trước cảm xúc... Sự im lặng đầy ngưỡng mộ trước những bức ảnh đen trắng của André Kertész, trước một con người nhạy cảm và cô đơn, trung thực với cảm xúc của chính mình, trung thực với nghệ thuật.

Nếu bạn muốn viết, bạn phải học bảng chữ cái. Bạn viết và viết, rồi cuối cùng bạn có một bảng chữ cái đẹp và hoàn hảo. Nhưng viết được không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là bạn đang viết gì, đang muốn thể hiện điều gì. Nhiếp ảnh cũng vậy. Có những tấm ảnh có thể hoàn hảo về mặt kỹ thuật và thậm chí đẹp, nhưng chúng không hề có cảm xúc”. (A.K.)
 
Với André Kertész, chúng ta có những tấm ảnh đẹp và đầy cảm xúc!

(*) Triển lãm ảnh André Kertész: Jeu de Paume - 1 place de la Concorde, 75008 Paris.

FR, từ Paris


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn