Chẳng là dạo bé, em vẫn thường hay ngồi hàng giờ đồng hồ chỉ để nhìn ngắm một cái tổ kiến.
Đó là niềm say mê bất tận mà em biết nếu ở vào thời điểm bây giờ niềm say mê này rơi vào một trong những đứa con yêu quý của em, việc đầu tiên là em sẽ đưa ngay con đến Viện Nhi - Khoa Thần Kinh, giống như mọi bà mẹ trẻ hiện đại hiểu biết và đầy trách nhiệm cần phải thế.
Cẩn thận hơn tí nữa, em sẽ lên
Google và
Amazon.com để tìm hiểu thêm các thông tin, các loại sách về Bệnh Tự Kỷ ở trẻ em. An toàn chắc ăn nhất sẽ là ngày ngày đưa con đến lớp học “Điều trị giúp trẻ tự kỷ quay trở lại với thế giới cộng đồng” cũng được tổ chức tại Viện Nhi với mức phí là 60.000 VND/buổi.
Thế nhưng ở cái thời đói ăn thiếu mặc, hằng tháng cắt ô tem phiếu đi xếp hàng hết mua thịt lại đong gạo đong dầu, người ta chỉ mới quan tâm đến những khiếm khuyết hình thể, còn các vấn đề què quặt tinh thần thì vẫn chưa bị để ý. Vì thế, những bọn lập dị khác người như em vẫn có cơ tồn tại,
phát triển và hòa nhập (có nhiều đứa khác còn
hòa tan nữa cũng chưa biết chừng).
Nói vậy chứ, em dám chắc bất cứ ai trong đời có lẽ cũng từng có lúc hiếu kỳ hoặc bị mê hoặc bởi tổ kiến, bởi cái tổ chức xã hội trật tự răm rắp mà loài người hằng mơ ước vươn tới như một thứ quy chuẩn, bởi lòng khao khát khám phá thế giới tự nhiên hay giản đơn, có khi chỉ bởi nó kích thích trí tưởng tượng phong phú trong mỗi con người.
Bảo Tàng Văn Minh Nhân Loại ở New York có thời đã ghi nhận số lượt người, đặc biệt là trẻ em, tham quan đông nhất khi người ta bứng nguyên xi một tổ kiến về trưng bày trong một cái hộp kính. Thế là có thể đứng ngoài xem được tổ kiến cắt lớp, tầng tầng các địa đạo và những con kiến lao vun vút theo những trật tự khó hiểu, phát tín hiệu cho nhau qua những cái ăng-ten mà ta hay gọi là râu.
Nhưng… em cũng đã đến xem rồi… và em rất thất vọng.
Thế hóa ra cầm đèn pin cố gắng soi vào một cái lỗ bé tí xíu và áp sát tai xuống đất để nghe xem những con kiến nói gì với nhau vẫn sướng hơn được đứng chiêm ngưỡng trong viện bảo tàng nhỉ. Cũng chỉ cần
Google là ra ngay cả đống thông tin khoa học, có cả ảnh minh họa cũng chưa biết chừng về cái gọi là truyền phát tín hiệu hóa học của loài kiến, một dạng trao đổi thông tin qua các mã hóa chất đã tạo nên các trật tự và quy định cho một Xã Hội Kiến quy củ diệu kỳ.
Ấy vậy mà em vẫn thích được tưởng tượng hơn, cảnh hai bạn kiến chạm râu vào nhau để trao đổi với nhau như thế này:
Chào anh… anh khỏe không… Tôi khỏe cám ơn… anh đi đâu vội thế… cơm chưa? Chưa… Này, 150 độ phía Tây Nam có một thằng Xiến Tóc vừa bị đột quỵ… chúng mình đến nhanh thì còn kịp… Ừ… đi… mà thôi đợi tí… tớ ghé qua rủ thằng Kiến Hôi hàng xóm… mấy hôm nay ho sù sụ, chả biết có mò ra ngoài kiếm được cái gì ăn không… khổ thân… trông xanh xao lắm…
Không biết bao nhiều lần em đã nhón tay khẽ khàng nhấc một con kiến đang mải miết lần theo các dấu hiệu của đồng loại đi trước ra khỏi thứ hàng lối thẳng thớm và đặt thật xa khỏi cái tổ để thử xem nó có lần về lại tổ được hay không. Hồi đó em chưa có thói quen ghi chép và thống kê nhưng em nghĩ là phải đến 99% kiến sẽ ngay lập tức quay đầu lại và phi bay bay về hướng tổ bất kể nó được đặt ở vị trí hay độ cao nào.
Đấy là chuyện hồi bé, bé tí, bị nhốt ở trong nhà một mình suốt ngày, bố đi công tác, mẹ thường xuyên đi làm. Chỉ vì cái tính cả tin và hay đãng trí mà không bao giờ em được mẹ cho phép đeo lủng lẳng chìa khóa vào cổ để chạy đi chơi như bọn trẻ con hàng xóm. Không phải vì mẹ sợ em đánh rơi mất chìa mà chỉ sợ một ngày đẹp trời em sẽ dắt cả một đám mẹ mìn ở vườn hoa Chí Linh về nhà chơi, sau khi khai vanh vách là tháng rồi bố vừa gửi về mấy cái nồi áp suất.
Tuổi thơ chậm chạp êm ái trôi đi không trở lại với những vụn ký ức rơi rụng đâu đó như những hạt bụi mịn li ti làm mắt em rưng rưng mỗi khi bất chợt gặp lại một hình ảnh quen thuộc hay quay cuồng khô khốc thành những cơn bão cát cuốn lấy em ngụp lặn vẫy vùng vô phương hướng, rồi bỗng hất tung em chu du tới các khoảng không khác nhau, các thế giới khác nhau như cô nhóc Dorothy và con chó nhỏ Toto trong
Câu chuyện phù thủy xứ Oz của Frank Baum em đã đọc ngày nào.
Vào một trong nhiều đêm mất ngủ, em ngồi đơn độc nơi căn phòng tầng cao nhất của khách sạn Shanghai Grand Hyatt, nghe đâu là tòa nhà cao nhất thế giới hồi đó vì tháp đôi Petronas còn chưa khánh thành. Không ngủ được, em ngồi thôi miên các nóc nhà chọc trời bằng cách tìm ra được quy luật chớp nháy của những ngọn đèn tín hiệu đỏ bật-tắt-bật, tua tủa chĩa lên cả bên này Pudong lẫn bên kia Puxi bị ngăn bởi The Bund và consông Hoàng Phố.
Chán rồi, em lại chuyển hướng mắt sang lớp lớp đường cao tốc chồng chéo và những chiếc xe hơi các màu lùi lũi bò trông thì thực ra giống những con bọ dừa hơn… Nhưng nếu phóng tầm mắt nhìn cả cái Thành Phố phồn hoa và lãng mạn bậc nhất châu Á này, em thấy nó chẳng khác gì một cái tổ kiến.
Những sinh linh dưới kia, những con người mải miết… mải miết… tha tha… kiếm kiếm… Điều gì xảy ra nếu có một ai đó như con ranh con bốn tuổi là em đã làm ngày nào, lấy một gáo nước hất toẹt vào cái tổ kiến này?
Rồi lại ở một nơi khác với bãi cỏ xanh mượt mà bao quanh thư viện, chỗ lý tưởng nhất trong campus khi em mới sang Mỹ được vài tháng, nơi em đang nằm sưởi nắng cũng bình thường như tất cả sinh viên khác đang chạy, đùa, nghịch, ngả ngớn, ăn uống, hôn và sờ soạng nhau quanh em. Giữa cái đám hỗn độn ấy, bỗng em nhận ra có một đứa không bình thường.
Chưa bao giờ bỏ được thói quen hiếu kỳ quan sát mọi người, kể cả sau này khi đã biết cách không chỉ quan sát bằng mắt và tai một cách kín đáo, em tin rằng ẩn giấu đằng sau mỗi con người, mỗi bộ mặt, hành vi kia là những câu chuyện thầm kín mà một cách có ý thức hay vô thức họ đang cố gắng che đậy.
Bạn trai khác thường của em mặc quần
jeans Levi 501 (chắc thế), áo phông màu nửa xám nửa cháo lòng, gấu rách lỗ chỗ do thói quen đưa lên miệng nhay nhay lúc tập trung, giày
bata trắng và xanh dương không có dây. Bạn ấy chẳng khác gì hơn các bạn da trắng khác ngoại trừ việc đã mấy ngày rồi, hôm nào nằm đây em cũng thấy đang lồm cồm bò trên đám cỏ trong một tư thế mà người ta thường làm khi phải có hai người.
Không lẽ nước Mỹ cởi mở và lạnh lùng đến mức chấp nhận cho một thằng bệnh hoạn làm cái việc “tự sướng” mê mải ngay trước mặt thiên hạ những bốn năm ngày liền…
Chó cứ sủa đoàn người cứ đi… Không nhẽ…
Em tò mò lắm, tò mò vì sự tập trung cao độ và bất cần biết đến thế giới xung quanh của cái thằng da trắng đang chổng phao câu kia nhưng em không dám hỏi…
Một là vì em sợ nhỡ hỏi, nó lại mời em cùng tham gia hoàn tất cái tư thế theo đúng tiêu chuẩn quy định của nhân loại và xã hội văn minh là cần phải có hai người và đầy đủ âm dương thì đến ngại…
Hai là em chỉ vừa thoát khỏi nền giáo dục học thuộc lòng và cấm phản biện có mấy tháng. Sự mông lung chưa hiểu bài của em vẫn còn được che giấu tinh vi bằng những cú gật gù tâm đắc hay cắm cúi giả vờ viết bài để lẩn tránh những ánh mắt đã được đào tạo bài bản để đọc tâm lý đám học trò cầu thị đến từ nền văn hóa “
nhất tự vi sư…” của các thầy cô giáo ESL đáng kính thân yêu…
… Làm sao mà em dám mở mồm ra hỏi về một việc mà dường như ai cũng đang cho là hiển nhiên như thế…
Lòng tò mò tuổi trẻ đã giúp em vượt qua sự thẹn thùng để đi đến giải pháp. Ngoắc tay ra hiệu cho cậu bạn Taka tháo
headphone và thôi tròn mồm phát âm theo cô phát thanh viên nào đó hòng triệt tiêu hoàn toàn âm “
né” và “
à-nồ” cố hữu trong tiếng Nhật Bản vốn vẫn được cài cắm rất dễ thương ở giữa và cuối mỗi câu tiếng Anh bất kể ngắn hay dài.
Đến bây giờ em vẫn đinh ninh là tên người Nhật nào cũng có ít nhất một lần nhắc lại âm
Ta và âm
Ka từ cái tên của Taka yêu dấu của bạn em… chàng hiệp sĩ Santro của em trong những cuộc chinh phục khám phá… Socrates biết lắng nghe của em những khi em lên cơn lý sự… Shogun Tướng Quân đã cùng em Thiền để xem đá nở hoa… Hamlet, Othello, Sứ Giả Hòa Bình, Người Đưa Tin, Chàng Kiếm Đồng… tất cả, tất cả miễn là làm sao em vui vẻ…
Người đã gật gù cam đoan với em rằng ở bất cứ nơi nào trên thế giới chắc chắn cũng sẽ có một Mùa Hoa Phượng Đỏ cho mỗi Thế Hệ Học Trò sau khi nghe em huyên thuyên kể về những năm tháng đã qua nơi dải đất thân thương hình chữ S bên kia Thái Bình Dương nơi có bố mẹ, có em trai, có bạn bè, nơi những hư danh, phù phiếm xen lẫn với các khát khao học hỏi, tự khám phá, nơi mà quá khứ nghèo khổ vẫn cứ day dứt níu kéo con người ta không dám được ước mơ.
Sau khi lon ton chạy vài vòng quanh thằng lập dị chổng mông để tìm hiểu với thứ tiếng Anh tọng đầy “
né” và “
à-nồ”, Taka hào hứng mặt đỏ bừng quay lại với em lúc này vẫn đang nằm ngửa, mắt lim dim sưởi nắng.
“
Thủy san… mày có tin được không, cái thằng đó nó từ Medical School dạt sang đây… nó bảo tao là nó đang nghiên cứu về cuộc sống loài kiến… Incredible… Nó nằm phục ở đây từ sáng sớm đến chiều tối chỉ để quan sát mấy con kiến…”.
Gắng không ngồi phắt ngay dậy vì phấn khích, em nhếch môi bảo:
“
Taka quay lại hỏi nó xem hai con kiến làm tình với nhau thì trông như thế nào đi?”.
… Chẳng xem em có kịp đắc ý về câu nói rất hài hước của mình, Taka vẫn tiếp tục nhảy loi choi lên như đang bị một đám kiến lửa bao vây, cậu lại liến thoắng:
“
Tuyệt vời… mày có tin được không? Tuyệt vời… tuyệt vời… tuyệt vời… yes… tuyệt vời…”.
Đến lúc này thì em phải ngồi hẳn dậy vì em bực mình thật rồi, chưa bao giờ Taka lại bị kích động với một thứ gì đó khác ngoài em đến thế.
“
Come on… what’s the big deal???…”.
Em cũng không nhớ lúc đó vốn tiếng Anh của em đã đủ để nói ra câu đó… nhưng chả quan trọng… Taka hiểu ngay lập tức vội líu ríu giải thích… vẫn đầy ự những “
né” và “
à-nồ”… xen lẫn cả các tạp âm khác nữa là kết quả của khoa tay, gãi gáy, giậm chân hòng diễn đạt cho ra cái ý đại thể thế này:
“
Thật tuyệt vời… thế mới là nước Mỹ chứ… trong khi những đứa châu Á như tao với mày đang cố gắng học để tìm một chỗ đứng trong xã hội, để làm vừa lòng cha mẹ, cộng đồng thì có những đứa như cái thằng kia đang sẵn sàng dành cả đời nó chỉ để xem hai con kiến ngủ với nhau… tuyệt vời thế chứ… thế mới là nước Mỹ… tự do tuyệt đối… Bọn mình đi học vì thằng hàng xóm còn nó đi học vì chính bản thân nó”.
Em ngẩn người…
Em bối rối…
Mình là ai nhỉ?…
Bất giác em lại nhớ đến cái cảm giác vừa hả hê sung sướng, vừa độc ác hoan hỉ khi cầm gáo dừa từ từ đổ nước lên hốc tổ kiến nơi những con kiến li ti đen nhức đang nhanh nhẹn chui ra chui vào đầy trật tự và bận rộn kia. Đó là cảm giác của một thứ quyền lực bản năng khi đang được đập tan, cuốn trôi đi những khuôn thức lề thói cố hữu.
Mình là ai nhỉ?
Em bâng quơ hỏi tiếp Taka:
“
Này… nếu kiến mà làm tình với nhau tức là có sẽ kiến vợ, kiến chồng, kiến tình nhân… thế liệu có kiến giáo sư, kiến sinh viên, kiến bộ trưởng, kiến bí thư hay kiến hoa hậu không nhỉ?… Kiến nào là kiến Taka, kiến nào là kiến Thủy san… tao với mày liệu có cùng tổ kiến với nhau không?”.
Hoàng hôn California dài… gay gắt... dai dẳng phủ đầy không gian thứ “nắng quái” giống nơi quê nhà… làm miệng em khô đắng ngắt và có cảm giác chóng mặt. Em thẫn thờ ngồi bên cậu bạn mới thân, mỗi đứa đang lặng lẽ theo đuổi một suy nghĩ riêng về cái tổ kiến của mình.
Taka yêu dấu, bây giờ bạn đang ở đâu? Bạn đã về với cái tổ kiến nào? Bao năm qua liệu bạn em đã biết cách loại bỏ các tạp âm thâm căn cố đế của dân tộc để nói một thứ tiếng Anh “
flat” không “
accent” hợm hĩnh đáng ao ước?
Bạn ở đâu trên cái thế giới ngày một phẳng lì này?
Trong khuôn viên của trường có một con đường hai bên hàng cây dài hun hút rất đẹp dẫn từ khu giảng đường sang khu căng tin nằm vắt ngang qua bãi cỏ thư viện. Khi nào tan học Taka cũng đợi em ở phía cuối nơi mà con đường kết thúc dưới một vách đá có cầu thang bộ dẫn đến khu nhà ăn ở ngay phía trên. Em hầu như không bao giờ biết Taka đang theo học những lớp nào, ở đâu, nhưng cứ tan học là đã thấy cậu đứng đợi em ở đó. Cậuđứng dựa vào vách núi, hai tay bỏ túi quần, ba lô vứt dưới đất, chân vắt rất xi nê, mắt nheo nheo, má hồng và làn môi hoa đào:
“
Hình như cuộc đời tao luôn phải chờ đợi các cô gái mảnh mai chân dài nhưng ham chơi và đi chậm…”.
Ở bên này con đường hun hút dù là đang rảo bước một mình hay cợt nhả lúng liếng với ai em cũng vẫn biết, vẫn nhìn thấy cậu và đợi chờ câu nói nửa yêu thương nửa hờn giận ấy.
Em biết Taka sẽ vẫn ở đó đợi em dù em đi chậm đến cỡ nào cũng như Taka biết em sẽ luôn tìm mọi cách để trêu trọc và làm cho cậu thất vọng.
Có rất nhiều lần đang đi trên con đường ấy em bất chợt rẽ ngang băng qua bãi cỏ và đám bạn đang nằm ngồi lổn nhổn để đi thẳng đến cửa thư viện, để chẳng mất bao lâu Taka sẽ lao tới kịp đón đầu em. Em vừa cười khanh khách vừa chìa ra chai nước khi cậu chống hai tay lên đầu gối giả vờ hổn hển thở dốc. Taka luôn biết cách ra vẻ tội nghiệp để làm em vui… Ôi Taka thân yêu…
Chỉ duy nhất có một lần em biết cậu đã không thể giả vờ. Lần đó thay vì bỏ qua cho các nhận xét ngày một sắc sảo của Taka bằng thứ tiếng Anh rất tiến bộ về “thói quen đi chậm” cùng với những dẫn dắt mang tính xã hội và nhân chủng học khá thuyết phục, em bửng lửng trả đũa:
“
Đi nhanh thế thì mày sẽ nhanh chóng đến với nấm mồ của mày sớm hơn mà chưa kịp tìm ra được một người yêu dấu đấy…”.
Sức mạnh của Ngôn Từ và Thái Độ Dửng Dưng thật vĩ đại. Nó bóp nghẹt mọi thứ ham muốn và vắt kiệt năng lượng sống, nó làm cho trái tim người ta khô quắt hơn cả những cọng rơm, làm cho một ai đó thay vì hăm hở lao đến đích bỗng ủ ê lay lắt sống cho xong hết ngày.
Từ đó cậu vẫn đợi em nơi cuối con đường, vẫn chịu đựng những trò tinh quái của em bằng tình yêu của một chàng võ sĩ Samurai xả thân nghĩa khí nhưng cậu không bao giờ nhắc đến cái sự đi nhanh hay đi chậm của em nữa.
Ngày rời Mỹ, em đã không đi gặp Taka, em sợ phải nhìn vào dáng đi lùi lũi đầu cắm về phía trước ấy, cái cắn môi nhẫn nhịn và đôi mắt đen láy ngấn nước…
Ảnh do nhân vật cung cấp
Mới tuần trước, trong một buổi tiệc ra mắt dòng mỹ phẩm cao cấp, em đã phá lên cười khi cô chuyên viên trang điểm giới thiệu về một loại nhũ làm cho mắt các cô gái sẽ long lanh đầy bi kịch như đang có hai giọt lệ đọng nơi mi. Cô bảo, như thế sẽ làm con gái hấp dẫn hơn trong mắt cánh đàn ông bởi sự mong manh, yếu đuối.
Ôi chao… Một đôi môi mọng đỏ có thể ám ảnh mọi tâm trí, một làn mi chấp chới ánh lệ rưng có thể làm tan chảy bao con tim… thế nhưng có đủ để giữ được Người Yêu Dấu ở bên ta suốt cuộc đời…
Sự tiến hóa của xã hội, sự phát triển của công nghệ biến nhiều cái không thể thành có thể.
Con người dễ buồn dễ vui hơn với những sản phẩm của văn minh.
Thất tình thì đi
shopping, chồng bỏ thì đi làm ngực, chiều qua có ai đó chán đời vì nàng vừa
text cho một cái tin có một bộ mặt buồn…
Những ký hiệu, những con số vô tri bỗng trở thành các biểu tượng trái tim, nụ hôn nồng nàn hay những cái ôm siết, những trạng thái tinh thần, những hỉ nộ ái ố.
Thức ăn, đồ uống, kỹ năng, kinh nghiệm đều được tính toán và công thức hóa…
Công thức giảm béo, công thức trẻ lâu, công thức dạy con, công thức làm giàu, công thức quyền lực, công thức thành công, công thức cho đôi lứa… Người ta đang hào hứng chờ đợi những thành quả đầu tiên của các thế hệ trí thông minh nhân tạo.
Em cũng tin rằng một ngày nào đó người ta sẽ chế cho ra công thức Hạnh Phúc.
Sẽ có những cái chai hay cái túi nho nhỏ, xinh xinh được bày bán trong các siêu thị như những thứ vitamin hay thực phẩm chức năng.
Này mua đi, 3.00 USD cho một gói Hạnh Phúc có tặng kèm một
tester cho Cảm Hứng Vợ Chồng… Mua 5 gói Niềm Tin thì sẽ được khuyến mại thêm một gói Cảm Xúc nhá…
Đến lúc đó chắc chắn Khổ Đau sẽ lại là một thứ hàng thật hiếm hoi và xa xỉ. Rồi người ta sẽ tranh nhau hứng lấy những giọt nước mắt cặn khô ri rỉ trên khóe mắt nhăn nheo già nua của những người sống rất lâu như bà ngoại em, sau khi đã lần lượt chứng kiến những bạn bè, người thân yêu rời bỏ, mòn mỏi mãi mà vẫn chưa thấy tới lượt mình. Rồi người ta sẽ lại đem chúng về xâu chuỗi thành một món đồ trang sức quý giá ắt hẳn.
Taka yêu dấu của em, bạn đang ở nơi nào trong cái tổ kiến đời người?
Bạn ở lại Mỹ hay đã quay về Nhật?
Nơi nào giữa Tokyo phồn thịnh hay Los Angeles thị phi có Taka của em?
Có cô gái chân dài mảnh mai nào đang rảo bước trên con đường cùng bạn?
Bạn có con không? Chắc có, những đứa trẻ má hồng, tóc hỉ nhi…
Bạn có vợ chưa? Chắc cũng có rồi, một người vợ dành cả cuộc đời lê đầu gối từ các vách ngăn này sang vách ngăn kia chỉ để sắp xếp lại cho ngay ngắn những đôi giày cả của chồng lẫn khách.
Chiều nay bạn làm gì sau khi cúi rạp mình như cây lúa trĩu nặng chào sếp khi đã hết giờ? Bạn có tạt qua Karuganzaka hay Shimbashi để ghé thăm cô nàng
geisha môi chúm chím cứ muốn lấy tay che giấu trí tuệ bằng những chiếc quạt cụp vào xòe ra. Tối nay bạn ăn tối ở nhà với vợ con hay đang cùng đồng nghiệp thưởng thức
sushi gắp trên người các trinh nữ khỏa thân.
Taka của em, nước Nhật của em… nước Nhật của Sakura, của Shinto, của nghệ thuật thưởng trà, thơ haiku, kịch Nô, của Zen, của
minimalism, nơi mà mọi thứ đều được đẩy tới đỉnh cao Thiền Đạo. Nước Nhật của tinh thần quật cường đi lên từ tro tàn đổ nát, của lý thuyết cải tiến Kaizen huyền thoại với
zero defect (sai số bằng không).
Nhưng em cũng biết có một nước Nhật khác, nước Nhật của vết nhơ Nam Kinh, nơi có tỉ lệ thanh thiếu niên tự tử cao nhất thế giới, nơi quần lót trinh nữ được bán trong
vending machine, nơi các nữ sinh có thể rao bán đấu giá trinh tiết công khai trên mạng.
Nước Nhật không có trộm cắp vặt nhưng hằng ngày vẫn đang diễn ra đủ những thứ tội ác đen tối ghê tởm và tàn bạo nhất. Nước Nhật của những sản phẩm truyện tranh hay kịch bản phim kinh dị làm tự ái cả những khối óc Do Thái đang kiểm soát Hollywood hôm nay.
Lần nào đọc
Ngầm (Underground) về
Thảm Kịch Sarin Hay Là Sự Trống Rỗng Giữa Lòng Thịnh Vượng của Haruki Murakami em cũng bật khóc vì bi phẫn. Thiên phóng sự kể về vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 20 tháng Ba năm 1995 nhắm vào người dân tại xe tàu điện ngầm giữa trung tâm Tokyo bằng thứ chất độc
sarin do chủ giáo phái Aum Shirinko và các môn phái gây ra.
Em không khóc vì uất hận kẻ đứng đầu một giáo phái tàn bạo thu hút hàng ngàn tín đồ đã tự cho mình được thay Chúa Trời quyết định cho cái chết của những người khác… bởi vì Đức Tin luôn là một thứ thần bí khó hiểu và đáng để dấn thân.
Em không khóc vì sự độc ác của một hay nhiều con người… vì có khi sự vô cảm của xã hội còn tàn nhẫn hơn cả mọi thứ chất độc.
Em cũng chẳng thể rỏ nước mắt thương xót cải lương cho 12 nạn nhân xấu số hay hàng ngàn người vẫn đang còn chịu đựng hậu quả của
sarin.
Em khóc đau đớn khi nghĩ đến hình ảnh những người công nhân tàu điện ngầm tận tụy đang mải miết lau chùi, dọn dẹp thứ chất độc trắng đục như sữa đang bốc khói trong các túi
nylon vứt trên sàn rồi từ từ ngấm dần vào phổi, mạch máu rồi tim và hệ thần kinh trung ương của họ.
Họ không thở được, mắt hoa, tai rỉ máu, tim sắp ngừng đập… vẫn đang bền bỉ, cẩn thận gói ghém thu dọn các túi chất cực độc giết người hàng loạt… những con người đang cố lau nốt những giọt
sarin cuối cùng rớt trên sàn, dùng giấy báo gói lại cái túi
nylon, lê đến bên thùng rác gần nhất bỏ vào đó rồi nằm gục xuống… Cái đó được gọi là
zero defect đấy…
Em ghê sợ tất cả những thứ quy định xã hội hay học thuyết quản trị đã bào mòn đi bản năng lớn nhất và đầu tiên của Con Người - bản năng được sống, được tồn tại:
Hãy biết bỏ chạy khi bạn đang gặp nguy hiểm…
Một tổ chức xã hội tiến bộ đến thế nào đã làm cho con người ta mù lòa trước cả cái chết đang nuốt chửng lấy mình… Từ bao giờ chúng ta đánh mất đi bản năng tự cảnh báo về những nguy cơ đang đe dọa như của loài thú? Từ bao giờ người ta xây dựng lên những đường lối, những hệ tư tưởng, những thứ giá trị để biến con người thành những con ốc vít vô thần, vô tri, vô tín trong một bộ máy vĩ đại lớn lao. Chất hóa học gì làm cho những con kiến ngẩn ngơ kia mãi đi thẳng hàng và luôn cắm đầu chạy về hướng tổ…
Em phẫn nộ, em đau đớn với một thứ cảm xúc bản năng và thơ trẻ cũng như khi xưa tám tuổi em đã tắt phụt tivi lúc đang xem một vở chèo cải biên đến đoạn nói về một chị du kích thà để cho giặc phanh thây đứa con ruột chứ không chịu khai ra hầm bí mật nơi cất giấu đồng chí chính trị viên. Bản năng duy trì và bảo vệ nòi giống của đàn bà từ một conbé con đã mách bảo em rằng chẳng có Đảng nào mạnh hơn được Tình Mẫu Tử, sẽ không có mã hóa chất nào quy định được Tình Yêu.
Lần nào khi đang đứng giữa những ngã tư, ngã năm, ngã sáu hay ngã tám ở Tokyo, Thượng Hải, New York hay bất kỳ thành phố đông dân nào khác, nơi dòng người xe cuồn cuộn được điều tiết, chi phối bằng các loại đèn xanh đỏ, các quy ước biển hiệu, em bỗng có một ao ước đến cháy bỏng rồ dại là sẽ đột nhiên đứng lại và rẽ sang hướng ngược lại với cái dòng người đang cuốn em đi kia.
Chắc khi đó cảm giác sẽ tuyệt vời lắm. Nó cũng giống như ao ước được đi thật xa đến một nơi nào đó, xa đủ để ta không thuộc về tổ kiến này nhưng cũng chưa đủ gần để chạm phải một tổ kiến khác.
Cảm giác đạt đến một thứ trạng thái tự do về tinh thần đầy đủ để cho ta sáng suốt và thấu cảm.
Khi đó mỗi buổi sáng thức giấc em sẽ không phải chộp lấy cái
iPhone để xem trời mưa hay nắng, vào
Calendar xem hôm nay em sẽ phải làm những gì và gặp gỡ những ai, sẽ phấn khởi hào hứng hay đầy ắp lo phiền dẫu có khi chỉ vì tuột gót giày hay bắt gặp cái nhìn bẩn thỉu của lão xe ôm đầu phố.
Mưa hay nắng em cũng sẽ không ủ dột. Nếu nắng, con tim em sẽ reo lên, em bước ra phố vẫn nghe thấy tiếng chào mào chí chóe đâu đó lẫn trong tiếng xe cộ rầm rầm. Nếu mưa, em sẽ ngẩng mặt cho những giọt mưa ngọt mát li ti lần rần rơi trên da thịt. Em sẽ ngửi thấy hơi ẩm của đất cũng ngọt và ngai ngái như mùi của cơn mưa. Em nhún nhảy bước đi, nước và bùn văng tung tóe theo nhịp chân, vừa đi vừa lẩm nhẩm:
“
Chuồn chuồn bay thấp thì mưa… chuồn chuồn bay thấp thì mưa…”.
Em sẽ bước đi như thế cùng con trai, con gái, cùng những người thân yêu của em.
Con trai em sẽ không phải lên
Google search mới biết được hình dạng của một con chuồn chuồn. Con cứ việc khóc thỏa thích khi con muốn, mặc mẹ nó mấy cái quan niệm về bản lĩnh thằng đàn ông. Con gái em sẽ nhẹ nhàng gảy đi một con sâu ra khỏi áo thay vì cố ra vẻ sợ hãi, la hét om sòm hòng hòa nhập với đám bạn gái cùng trang lứa.
Em sẽ không phải đợi được trả tiền hay lên báo thì mới cố gắng mà làm người tử tế. Em có thể nói câu “
em yêu anh” với một ai đó mà không bị những bóng ma quá khứ ám ảnh, giày vò.
Để rồi mỗi cái va chạm dịu dàng, mỗi ánh mắt, mỗi nụ cười của em sẽ lung linh, trong suốt không thể vẩn đục bởi thị phi hay Cái Tôi hiếu thắng tầm thường.
Có nhiều lần lắm em được báo chí hỏi câu này: nếu như được làm lại bạn có lựa chọn con đường đi thi để trở thành Hoa Hậu nữa không?
Em chưa bao giờ trả lời được hay ho như em muốn bởi có lẽ trong em lúc nào cũng đau đáu một câu hỏi khác:
“
… Nếu được làm lại cuộc đời, liệu ở một ngóc ngách nào đó trên thế giới bất chấp nó có phẳng hay không, vào một ngày đẹp trời hay không cũng không quan trọng có khi em lại đang chổng mông săm soi hai con kiến ngủ với nhau cũng chưa biết chừng…?”.
Hà Nội, những ngày đầu tháng Tư mưa dầm dề.
EM.